1. Thánh đường của Công Giáo Nga bị thiêu rụi được tái thánh hiến
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết một thánh đường Công Giáo tại miền Siberia, bên Nga bị hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn đã được tái thánh hiến, trước sự vui mừng của các tín hữu Công Giáo trong vùng.
Đó là nhà thờ dâng kính thánh Antôn Padova ở Belostok, một làng nhỏ ở miền Siberia, bên Nga. Thánh đường nhỏ bé này được một nhóm tín hữu Công Giáo Ba Lan bị lưu đày tới đây kiến thiết cách đây hơn 120 năm, chính xác là vào năm 1898. Trong những năm dưới sự đàn áp của chế độ Stalin, 90% nam giới tại đây bị tiêu diệt và ngày nay chỉ còn khoảng 200 dân cư. Đức tin Công Giáo chỉ được bảo tồn trong tâm hồn của những người già. Năm 2018, thánh đường này bị hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn vì bị chạm điện và dường như làm cho các tín hữu địa phương bị mất căn tính chung. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, với sự phụ giúp của cha sở Krzystof và nhiều giáo dân, qua các mạng xã hội, họ đã quyên góp được ở các nơi, như Ba Lan, Nga, Anh quốc, Đức và các nước khác số tiên 100,000 Euro để xây dựng lại thánh đường. Nhiều tín hữu làm việc thiện nguyện trong việc tái thiết, trong đó cỏ cả các tín hữu Chính thống Nga, và công trình này mang lại hy vọng cho cộng đoàn địa phương.
Việc tái thiết nhà thờ thánh Antôn Padova ở Belostok được hoàn tất ngày 12/6 vừa qua, cũng là lễ quốc khánh của Nga, và lễ thánh hiến được cử hành ngày thứ Bảy, 19/6, do Đức Cha Joseph Werth, Giám mục giáo phận Novosibirsk sở tại chủ sự, với sự tham dự của ông tổng lãnh sự Ba Lan tại Nga Krzystof Sviderek. Ông mang theo một bản sao ảnh Đức Mẹ Đen ở Czestochowa Nữ Vương Ba Lan để tặng cho thánh đường.
Source:Asia News
2. Toà xử cho tổng giáo phận Milwaukee thắng cuộc trong vụ kiện Bộ Cải Huấn Wiscosin
Lần đầu tiên sau 15 tháng, các linh mục trong Tổng giáo phận Milwaukee sẽ được phép vào các nhà tù của Wisconsin để dâng Thánh lễ và thực hiện các bí tích cho các tù nhân theo lệnh được ký hôm thứ Hai bởi một thẩm phán tòa án.
Các giáo sĩ và những du khách khác đã bị cấm vào các cơ sở cải huấn của Wisconsin kể từ tháng 3 năm 2020 theo chính sách của nhà nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Tổng giáo phận Milwaukee đã kiện Bộ Cải Huấn Wisconsin và Bộ Trưởng Kevin A. Carr, vào ngày 7 tháng 5 năm 2021 tại Toà án lưu động ở Quận Jefferson. Các luật sư của Tổng giáo phận cho rằng chính sách dành cho việc thăm viếng các tù nhân vi phạm quyền tự do tôn giáo được bảo vệ bởi hiến pháp và vi phạm các quy định của tiểu bang nhằm bảo đảm việc thăm viếng các nhà tù của hàng giáo sĩ.
Thẩm phán William F. Hue của Tòa án Quận Jefferson đã ra phán quyết rằng Tổng giáo phận Milwaukee phải được phép tiếp cận các nhà tù của tiểu bang mỗi tuần một lần, có hiệu lực ngay lập tức. Ông đã ký một văn bản ủy quyền tạm thời buộc Bộ Cải Huấn phải cấp quyền thăm viếng cho các giáo sĩ. Lệnh này không áp dụng cho bốn giáo phận Công Giáo khác ở tiểu bang Wisconsin. Việc cấm đoán vẫn còn hiệu lực vì vụ việc vẫn đang được tiến hành tại tòa án lưu động.
Anthony F. LoCoco, phó cố vấn của Viện Luật & Tự do Wisconsin, cho biết: “Bộ Cải Huấn không thể phớt lờ lệnh của Cơ quan lập pháp rằng các giáo sĩ có quyền đặc quyền thăm viếng các cơ sở của họ nhằm phục vụ nhu cầu của các tù nhân Wisconsin. Đại diện cho tổng giáo phận, ông nói: “Chúng tôi rất biết ơn về hành động của tòa án ngày hôm nay, điều này sẽ bảo đảm rằng các dịch vụ tôn giáo có ý nghĩa có thể được cung cấp kịp thời.”
Phát ngôn viên của Đức Tổng Giám Mục Jerome E. Listecki hài lòng với phán quyết, nhưng cảnh báo đây chỉ là bước đầu tiên. Sandra Peterson, giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận Milwaukee cho biết: “Trong khi chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm rằng các giáo sĩ và tuyên úy của chúng tôi sẽ một lần nữa có thể phục vụ các tù nhân một lần mỗi tuần, chúng tôi cũng nhận ra rằng đây chỉ là phán quyết tạm thời. Tổng giáo phận hy vọng tòa án sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế của Bộ Cải Huấn trong phán quyết cuối cùng và khôi phục các quyền hợp pháp và tự do tôn giáo của các giáo sĩ của chúng tôi nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của các tù nhân ở Wisconsin.”
Bộ trưởng Bộ Cải Huấn Kevin Carr cho biết việc tổng giáo phận thưa kiện ra tòa án là không cần thiết vì theo ông các kế hoạch đang được thực hiện để các giáo sĩ có thể thăm viếng trước khi tổng giáo phận đệ đơn xin lệnh của tòa án.
Thực ra, Bộ Cải Huấn đã đình chỉ việc thăm gặp trực tiếp do đại dịch vào ngày 13 tháng 3 năm 2020. Tổng giáo phận đã kiên nhẫn đợi gần 15 tháng cho đến ngày 7 tháng 5 mới phản đối việc đình chỉ đó.
“Bộ Cải Huấn đã nhận được lệnh từ Thẩm phán Hue hôm nay và sẽ tuân theo lệnh này,” Carr nói trong một tuyên bố.
Source:JS Online
3. 12 năm sau tuyên bố về phép lạ Thánh Thể tại SOKÓŁKA
Vào ngày 12 tháng 10 năm 2008, tại nhà thờ dành riêng cho Thánh Antôn ở Sokółka, Ba Lan, Thánh lễ lúc 8:30 sáng được cử hành bởi một cha phụ tá trẻ tuổi là Cha Filip Zdrodowski. Trong khi cho rước lễ, ngài vô tình làm rớt một bánh thánh mà không biết. Một người phụ nữ lên rước lễ đã quỳ gối xuống để đón nhận Thánh Thể, khi cúi xuống trao Mình Thánh Chúa, ngài mới chú ý thấy điều đó. Vị linh mục vẫn còn tê liệt vì sợ hãi và tin rằng bánh thánh đã bị bẩn, nên lượm lên và đặt vào một chiếc bình nhỏ bằng bạc chứa nước được các linh mục sử dụng để rửa ngón tay sau khi rước lễ. Vào cuối Thánh lễ, nữ tu Julia Dubowska, lấy chiếc bình đựng bánh thánh, đổ nó vào một chiếc bình khác, sau đó sơ ấy khóa trong két sắt nơi cất giữ các chén thánh.
Một tuần sau, vào khoảng 8 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 19 tháng 10, sơ mở két và thấy bánh thánh gần như tan chảy nhưng có một số cục màu đỏ rất lạ ở giữa. Sơ ngay lập tức gọi các linh mục để chỉ cho các ngài những gì đã được sơ phát hiện. Bánh thánh gần như đã bị tan ra. Chỉ còn lại một phần rất nhỏ của tấm bánh thánh hiến dính chặt với “cục máu đỏ kỳ lạ” đó. Cha sở nhà thờ Sokółka liên lạc ngay với tổng giáo phận Białystok. Đức Tổng Giám Mục Edward Ozorowski cùng với vị chưởng ấn, các linh mục và giáo sư đã kiểm tra Bánh thánh và rất kinh ngạc. Các ngài quyết định chờ đợi sự phát triển của các sự kiện và xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Vào ngày 29 tháng 10, bình đựng Mình Thánh được đưa vào nhà nguyện của giáo xứ và để trong nhà tạm; ngày hôm sau, theo lệnh của Đức Tổng Giám Mục, Cha Gniedziejko dùng một thìa nhỏ lấy ra một cách cẩn thận bánh thánh đã được hòa tan một phần với chất màu máu ở bên trong và đặt nó trên một khăn thánh màu trắng tinh khiết, với một cây thánh giá màu đỏ được thêu ở giữa. Khăn thánh này được đặt trong một hộp dùng để cất giữ và mang Mình Thánh, sau đó được khóa lại trong nhà tạm. Qua thời gian bánh thánh dính chặt vào khăn thánh, và cục máu khô đi. Lúc đó hai nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu và là các chuyên gia về giải phẫu bệnh học tại Đại học Y Khoa Białystok mới được mời đến xem xét.
Đây là bản tuyên bố của tổng giáo phận Białystok vào ngày 29 tháng Sáu, 2009, cách đây 12 năm:
1. Vào ngày 12 tháng 10 năm 2008, Mình Thánh đã được thánh hiến rơi khỏi tay của một linh mục khi ngài đang cho rước lễ. Ngài nhặt nó lên và đặt nó vào một cái bình chứa đầy nước. Sau Thánh lễ, bình đựng thánh thể được đặt trong một két an toàn trong phòng thánh.
2. Vào ngày 19 tháng 10 năm 2008, sau khi mở két, bằng mắt thường, người ta có thể thấy rõ một vết đỏ trên Mình Thánh, ngay lập tức ta có thể nhìn thấy vết tích đó là một vết máu.
3. Vào ngày 29 tháng 10 năm 2008, bình đựng Mình Thánh Chúa được chuyển đến nhà tạm của nhà nguyện giáo xứ. Ngày hôm sau, Mình Thánh được lấy ra khỏi nước chứa trong bình và được đặt trên một khăn thánh bên trong nhà tạm.
4. Vào ngày 7 tháng Giêng năm 2009, bánh thánh đã được kiểm tra độc lập bởi hai chuyên gia về mô bệnh học tại Đại học Y khoa Białystok. Họ đã đưa ra một tuyên bố chung có nội dung: ‘Mẫu được gửi để đánh giá trông giống như tế bào cơ tim. Theo quan điểm của chúng tôi, trong số tất cả các mô của sinh vật sống, tế bào cơ tim giống với nó nhất’”.
5. Ủy ban đã lưu ý rằng Mình Thánh đã được phân tích chính là Mình Thánh đã được chuyển từ phòng thánh đến nhà tạm trong nhà nguyện của nhà xứ. Sự can thiệp của bên thứ ba vẫn chưa được tìm thấy.
6. Trường hợp của Sokółka không mâu thuẫn với đức tin của Giáo hội, mà là xác nhận điều đó.
Source:The Real Presence