Chúa Nhật 16 tháng 5, Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời. Chủ đề của bài Phúc Âm trong ngày là lời cầu xin cho cộng đoàn dân Chúa được hiệp nhất.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng. Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.



Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, ở Ý và các nước khác, chúng ta cử hành Lễ Thăng Thiên. Đoạn Tin Mừng trong ngày (Mc 16: 15-20), là phần kết của Tin Mừng theo thánh Máccô, trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ cuối cùng của Chúa Phục sinh với các môn đệ trước khi Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Thông thường, như chúng ta biết, những cảnh chia tay thật là buồn. Chúng gây ra cảm giác hụt hẫng, bị bỏ rơi nơi những người ở lại. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với các môn đệ. Dù xa cách với Chúa, các ngài không tỏ ra đau buồn, mà ngược lại, các ngài vui vẻ và sẵn sàng ra ngoài thế giới với tư cách là những nhà truyền giáo.

Tại sao các môn đệ không buồn? Tại sao chúng ta nên vui mừng khi thấy Chúa Giêsu lên trời? Thưa: Vì biến cố Thăng Thiên hoàn thành sứ mệnh của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Thật vậy, nếu vì chúng ta mà Chúa Giêsu từ trời xuống thế, thì cũng là vì chúng ta mà Người lên trời. Sau khi đã ngự xuống giữa nhân loại chúng ta và cứu chuộc nhân loại của chúng ta - Con Thiên Chúa, xuống thế và làm người, mặc lấy bản tính nhân loại chúng ta và cứu chuộc chúng ta - bây giờ Ngài lên trời, mang xác thịt chúng ta với Ngài. Ngài là người đầu tiên vào thiên đàng, vì Chúa Giêsu là người, là người thật; Ngài là Thiên Chúa, Thiên Chúa thật sự; xác phàm của chúng ta ở trên trời và điều này mang lại cho chúng ta niềm vui. Giờ đây, bên hữu Chúa Cha ngự trị một thân thể con người, lần đầu tiên là thân thể của Chúa Giêsu, và trong mầu nhiệm này, mỗi người chúng ta chiêm ngưỡng đích điểm tương lai của chính mình. Đây hoàn toàn không phải là một sự từ bỏ; Chúa Giêsu ở lại mãi mãi với các môn đệ, nghĩa là ở lại với chúng ta. Ngài vẫn cầu nguyện, với tư cách là con người, Ngài cầu nguyện với Chúa Cha, và với tư cách là Thiên Chúa, Ngài cho Chúa Cha thấy những vết thương của Ngài, những vết thương mà nhờ đó Ngài đã cứu chuộc chúng ta. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ở đó, với xác phàm của chúng ta: Ngài là một người trong chúng ta, là Thiên Chúa và là người, và Ngài đang cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

Và điều này phải mang lại cho chúng ta một sự tự tin, hay đúng hơn là một niềm vui, niềm vui lớn! Và lý do thứ hai để vui mừng là lời hứa của Chúa Giêsu. Ngài nói với chúng ta: “Thầy sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến cho anh em”. Và cùng với lời hứa ban Chúa Thánh Linh, một lệnh truyền mới được ban cho chúng ta trong cuộc từ biệt của Người: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng”. Và chính quyền năng của Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến trong thế giới, để mang đến cho thế gian Tin Mừng. Như lời Chúa Giêsu đã hứa, chín ngày sau đó Chúa Thánh Thần sẽ đến trong Lễ Hiện Xuống. Chính Chúa Thánh Thần đã làm cho chúng ta có thể có được như ngày hôm nay. Một niềm vui lớn! Chúa Giêsu đã lên trời: con người đầu tiên trước mặt Chúa Cha.

Chúa Giêsu ra đi với những vết thương của Người, đó là cái giá cho ơn cứu rỗi của chúng ta, và Ngài cầu nguyện cho chúng ta. Và rồi Ngài gửi cho chúng ta Thánh Linh; Ngài hứa ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, để chúng ta ra đi truyền giáo. Đây là lý do của niềm vui ngày hôm nay; đây là lý do của niềm vui trong ngày Thăng Thiên này.

Thưa anh chị em, trong dịp Lễ Thăng Thiên này, trong khi chúng ta chiêm ngắm Thiên đàng, nơi Chúa Kitô đã lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria, Nữ Vương Thiên Đàng, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân can đảm cho Chúa Phục Sinh trong thế giới, trong những tình huống cụ thể của cuộc sống.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói tiếp:

Anh chị em và các bạn thân mến! Tôi đang theo dõi với sự quan tâm rất lớn về những gì đang xảy ra ở Thánh Địa. Trong những ngày này, các cuộc đụng độ vũ trang bạo lực giữa Dải Gaza và Israel đã chiếm ưu thế, có nguy cơ biến thành vòng xoáy chết chóc và hủy diệt. Nhiều người đã bị thương và nhiều người vô tội đã chết. Trong số đó có cả trẻ em, và điều này thật khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Cái chết của họ là một dấu chỉ cho thấy nhiều người không muốn xây dựng tương lai, nhưng muốn phá hủy nó.

Hơn nữa, sự thù hận và bạo lực ngày càng gia tăng liên quan đến các thành phố khác nhau ở Israel là một vết thương nghiêm trọng cho tình huynh đệ và sự chung sống hòa bình giữa các công dân, sẽ khó chữa lành nếu chúng ta không mở lòng ra đối thoại ngay lập tức. Tôi tự hỏi: hận thù và báo thù sẽ dẫn đến đâu? Chúng ta có thực sự nghĩ rằng chúng ta có thể xây dựng hòa bình bằng cách phá hủy bên kia không? “Nhân danh Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra tất cả mọi người bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và là Đấng đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em” (xem Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại), tôi kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và, đối với những ai phải chịu trách nhiệm về việc đó, tôi kêu gọi hãy dẹp bỏ vũ khí và đi theo con đường hòa bình, dù cho phải nhờ đến sự giúp đỡ của Cộng đồng quốc tế.

Chúng ta hãy liên tục cầu nguyện để người Israel và người Palestine có thể tìm thấy con đường đối thoại và tha thứ, trở thành những người kiên nhẫn xây dựng hòa bình và công lý, mở ra từng bước cho một hy vọng chung, cho sự chung sống giữa các anh chị em với nhau.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân, đặc biệt là cho trẻ em; chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình cùng với Nữ Vương Hòa Bình.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

Hôm nay “Tuần lễ Laudato Si” bắt đầu, nhằm giáo dục ngày càng nhiều người biết lắng nghe tiếng kêu của Trái đất và tiếng kêu của người nghèo. Tôi cảm ơn Bộ Dịch Vụ Phát Triển nhân bản toàn diện, Phong trào Khí hậu Công Giáo Toàn cầu, Caritas Quốc tế và nhiều tổ chức thành viên, và tôi mời mọi người tham gia.

Tôi chào mừng những người hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau, những người hôm qua, tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô của Rôma, đã tham dự Lễ phong Chân phước cho Cha Phanxicô Maria Thánh Giá, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Độ. Ngài là người loan báo Tin Mừng không mệt mỏi, sử dụng mọi phương tiện mà lòng bác ái của Chúa Kitô đã linh hứng trong ngài. Ước gì lòng nhiệt thành tông đồ của ngài là tấm gương và sự hướng dẫn cho những người trong Giáo hội, những người được mời gọi để mang lời và tình yêu của Chúa Giêsu vào mọi môi trường. Một tràng pháo tay cho vị tân Chân phước! Hình ảnh ngài đang ở phía trước đây.

Tôi thân ái chào tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma, từ Ý và từ các nước khác, đặc biệt là Nhóm AGESCI-Lupetti từ giáo xứ Thánh Grêgôriô Cả ở Rôma; và Chủng viện Mẹ Đấng Cứu Chuộc của Giáo phận Florence.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ, đặc biệt các bạn trẻ trong phong trào Immacolata, những người rất tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng. Xin chào tạm biệt!
Source:Libreria Editrice Vaticana