Hội nghị ảo về Khám phá Tâm trí, Thân xác và Linh hồn, Hợp nhất để Phòng ngừa, Hợp nhất để Chữa trị, do Hội đồng Giáo Hoàng về Văn hóa và Qũy Cura đứng ra tổ chức đã kết thúc vào Chúa nhật qua, sau 3 ngày sinh hoạt.

Dù Edward Pentin của National Catholic Register phê phán về thành phần tham dự và nguồn tài trợ đáng nghi ngờ vì có dính dáng đến đại họa phá thai, nhưng bình tâm mà xét, hội nghị này nói lên thái độ nhập cuộc và đề cao nguyên tắc đa nguyên, một nguyên tắc được Tòa Thánh hết lòng cổ vũ. Ngoài nền tảng yêu thương phổ quát, cũng còn lý do thực tiễn: mình đang bị thế tục đẩy vào phòng riêng, bị hạn chế tối đa ở quảng trường công cộng, không tự ý có sáng kiến đi vào quảng trường công cộng, hòa nhập với thế tục, thì ngày càng bị cô lập mà thôi. Vả lại, đề tài này là một tổng hợp mà mọi người, bất cứ ai cũng có thể đóng góp.



Ngày thứ nhất

Quả thế, ngày đầu tiên, 6 tháng 5, Anthony Fauci và Deepak Chopra đã đóng góp. Theo hãng tin CNA, Fauci nói về sự diễn biến trong đáp ứng của cộng đồng khoa học đối với sự bùng phát của coronavirus và sự khác nhau giữa việc hành động dựa trên bản năng và hành động dựa trên dữ kiện. Trả lời một câu hỏi của ký giả Sanjay Gupta của CNN, Fauci thừa nhận phải bắt đầu bằng một niềm tin nào đó “khi bạn bắt đầu từ số không”. Tuy nhiên, “khi có sẵn nhiều thông tin khoa học hơn, bạn phải rút lui một chút khỏi kinh nghiệm, bản năng, và đi vào thực tại của bằng chứng bạn có”.

Dĩ nhiên, chủ tịch của Qũy Cura, Robin Smith, và chủ tịch Hội Đồng Văn hóa, Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, đã có những nhận định khai mạc. Đức Hồng Y nói rằng “thân xác là thực tại nền tảng của hiện hữu và thông đạt nhân bản” và nhắc đến mầu nhiệm trung tâm của Kitô giáo, mầu nhiệm Nhập Thể. Ngài nói hội nghị được tổ chức xoay quanh 3 chủ đề được ngài mô tả như 3 ngôi sao lấp lánh trên bầu trời: thân xác, linh hồn và tâm trí. Ngài cũng nói thêm rằng hội nghị sẽ bao gồm cuộc đối thoại với các nhà chuyên môn và nhiều người khác nhau về các chủ đề này, và viễn kiến của người ta về các chủ đề này dĩ nhiên là khác nhau.

Deepak Chopra, nhân vật hàng đầu trong phong trào Tân Đại (New Age) tham dự cuộc thảo luận với bác sĩ Rudolf Tanzi về chứng viêm và bộ não do nhà giải phẫu và nhân tài truyền hình, Bác sĩ Mehmet Oz, phối hợp. Trong bối cảnh các căn bệnh thần kinh như Alzheimer, Lou Gehrig, và Parkinson, Chopra cho các lời khuyên về lối sống để giảm thiểu chứng viêm do căng thẳng, trong đó, có giấc ngủ tốt, phối hợp tâm trí và thân xác, luyện tập, linh động xúc cảm, thức ăn, có ý có tứ (mindfulness), và yoga.

Oz hỏi Chopra về “vai trò của tâm trí trong việc chữa lành thân xác”. Chopra trả lời: “một trong các vấn đề nền tảng trong khoa học có tên là ‘vấn đề khó hiểu về ý thức’ [consciousness]: Chúng ta trải nghiệm ra sao các tư tưởng, cảm giác, xúc cảm, cái nhìn thông sáng, trực giác, cảm hứng, óc sáng tạo, viễn kiến, thậm chí lòng kính sợ Thiên Chúa?” Vấn đề, theo ông, là “bộ não làm tất cả những điều đó ra sao? Tâm trí thúc đẩy bộ não hay bộ não thúc đẩy tâm trí? Hiện nay, cuộc đàm luận dường như là chẳng có cái nào thúc đẩy cái nào”.

Theo Chopra, “ý thức có tính nền tảng hơn. Chúng ta trải nghiệm nó một cách chủ quan như là tâm trí và chúng ta trải nghiệm nó một cách khách quan như là thân xác và bộ não, nhưng bộ não là một phần của thân xác”.

Ông cho rằng “ý thức” là điều “các truyền thống tâm linh gọi là linh hồn và các nhà khoa học về nhận thức gọi là tác nhân hữu thức (conscious agent).

Oz hỏi Chopra “điều gì mang lại cho ông yếu tính đó, linh hồn đó? Trong vũ trụ học của ông, nó phát xuất từ đâu?”

Chopra trả lời: “hiện nay, các nhà khoa học về nhận thức, tức những người tin vào khuôn mẫu này, nói rằng linh hồn, hay tác nhân hữu thức này, là một khía cạnh của ý thức phổ quát mà các tôn giáo có lẽ gọi Thiên Chúa. Ông gọi nó là gì, điều ấy không quan trọng... có một lãnh vực hữu thức, ý thức nằm ở bên dưới, nó tự điều biến (modulate) và tự dị biệt hóa thành các tác nhân hữu thức mà chúng ta gọi là linh hồn”.

Ngày thứ hai

Hai diễn giả được chú ý vào ngày thứ hai là Chelsea Clinton và Francis Collins. Theo CNA, Clinton kêu gọi phải ra qui định cho “nội dung chống vắcxin” trên các phương tiện truyền thông xã hội nhân cuộc thảo luận về việc xây dựng một hệ thống sức khỏe công bình hơn sau đại dịch coronavirus.

Chelsea, phó chủ tịch của qũy Clinton, suy tư về con số đông đảo những người không chịu chích vắcxin chống Covid-19. Cô cho rằng trong số này có những người chưa chịu chích lúc này và những người bác bỏ việc chích ngừa. Và cô cho biết Qũy Clinton tìm cách vươn tới cả hai loại người này. Cô nói: “chúng tôi vốn làm việc với một số cộng đồng tôn giáo khác nhau, trong đó có nhiều cộng đồng Công Giáo, để thực sự giúp bảo đảm rằng bất cứ ai có thể đàm thoại cũng có thể đánh phủ đầu hay trả lời bất cứ câu hỏi nào của người ta, thậm chí đối với những người hiện đang ở trong nhóm bác bỏ tiếp nhận một sứ điệp như ‘vắcxin đang chờ đợi các bạn, và những người chích vắcxin cũng thế,bất cứ lúc nào các bạn cảm thấy thoải mái. Và chúng tôi tiếp tục vươn tay ra giúp các bạn cảm thấy thoải mái’”.

Sở dĩ cô nhấn mạnh đến việc quốc tế phải ra qui định về nội dung của các phương tiện truyền thông xã hội về vắcxin, vì “các video phổ biến nhất khắp Châu Mỹ Latinh trong ít tuần qua và hiện có cả hàng chục triệu người coi, hoàn toàn có tính cách chống vắcxin, chống khoa học được trình chiếu mà YouTube không chịu lấy xuống”.

Cô cho biết thêm “nội dung chống vắcxin tạo ra ở Hoa Kỳ, chẳng may, đã trăm hoa đua nở khắp thế giới, qua các ngả như WhatsApp, Facebook, Instagram...Và chúng ta biết rằng, như chính tôi đã thử, kêu gọi ban lãnh đạo các công ty này làm đúng đã không thành công, nên chúng ta cần ra qui định”.

Trước đó, Bác sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) và là thành viên của Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Các Khoa Học đã phát biểu rằng cuộc khủng hoảng y tế là điều hiển nhiên xét về số người bị nhiễm virút và chết vì nó.

Nhưng, ông nói “Nó cũng làm gián đoạn chúng ta về tâm linh, vì nó tạo ra rất nhiều lao đao, về mặt sức khỏe tâm thần, lo lắng, trầm cảm, kể cả cảm thức sáo trộn căng thẳng hậu chấn thương (Post-traumatic stress disorder) của những người mắc đi mắc lại chứng này”.

Lên tiếng từ văn phòng của mình, nơi ông cho hay ông sống như một “vị ẩn tu”, Collins cho biết dù khoa học xem ra cung cấp cho ta hy vọng tốt nhất để thoát khỏi đại dich, nhưng nó không thể trả lời mọi câu hỏi sâu xa nhất của con người về ý nghĩa của đau khổ.

Ông nói, “niềm hy vọng mà chúng ta muốn cung ứng hiện nay phát xuất nhiều cách từ khoa học, nhưng có một điều tôi vốn ngụp lặn hàng ngày: việc khai triển các vắcxin này sở dĩ tiến triển nhanh chóng phi thường, với hiệu năng và an toàn cao một cách bất ngờ và hết sức đáng chú ý chính là một đáp ứng của cầu nguyện, ta có thể nói như thế”.

“Nhưng còn có nhiều lao đao khác mà người ta đang chịu đựng, những lao đao mà các vắcxin mà thôi không đương đầu nổi... Cảm thức vô vọng mà nhiều người đã và đang cảm nghiệm, sợ sệt, đó là chỗ tôi nghĩ đức tin là giải pháp tốt hơn nhiều so với những gì người ta vốn dành cho nó”.

Collins, một Kitô hữu tin lành, trước đây là một người vô thần, vốn giám sát việc chính phủ hợp tác với các công ty dược phẩm và các cơ quan chính phủ khác trong việc khai triển vắcxin chống Covid-19.

Ông nhận định rằng ông trải nghiệm nhiều khoảnh khắc khó khăn khi thấy virút lan tràn khắp thế giới, nhưng tìm được an ủi trong Kinh Thánh. Ông nói: “Trong suốt 15 tháng qua, tôi từng có nhiều khoảnh khắc cảm thấy ngã lòng, có lẽ cả một chút vô vọng nữa, rằng virút này tiếp tục thắng cuộc chiến chúng ta đang thua. Và tôi không biết làm gì hơn là cầu xin Thiên Chúa: ‘Sao lại xẩy ra việc này? Liệu có điều gì Chúa có thể làm về nó hay không?’”

“Nhưng khi đọc qua các trang sách Lời Chúa ấy, tức Kinh Thánh, tôi thấy thích dừng lại nhiều ở các Thánh vịnh. Vì nếu qúy vị nghĩ rằng thời ta và việc mình bị lao đao là điều mới lạ, thì, xin qúy vị đi đọc các Thánh vịnh, qúy vị sẽ thấy Đavít và các tác giả khác tạo ra các Thánh vịnh ấy cũng đã đương đầu với chúng rồi”.

“Và tôi tiếp tục trở lại với chúng nhất là các Thánh vịnh như Thánh vịnh 46, một Thánh vịnh xem ra đặc biệt viết cho thời ta. Thánh vịnh 46 bắt đầu như thế này ‘Thiên Chúa là nơi ẩn nàu và sức mạnh của chúng ta, sự trợ giúp mãi mãi trong cơn bĩ cực”. Bĩ cực. Chúng ta đã gặp bĩ cực. Chúng ta vẫn còn đang gặp bĩ cực. Nhưng có lời hứa hẹn này là Thiên Chúa biết điều đó và Người ở với chúng ta, và ở với chúng ta như nơi trú ẩn và sức mạnh”.

Ông nói tiếp: “Nên tôi vui mừng vì vắcxin. Tôi vui mừng vì các tiến bộ lớn lao trong các kỹ thuật chẩn đoán để hiểu rõ virút này ở đâu và ai bị lây nhiễm, và tôi vui mừng vì các tiến bộ điều trị đang diễn ra”.

“Nhưng tôi cũng vui mừng là tôi có lời hứa của một vị Thiên Chúa hiểu nỗi đau khổ, chết trên thập giá trong một kinh nghiệm đau dớn mà không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng được bao giờ, và là Đấng làm nơi trú ẩn và sức mạnh cũng như sự trợ giúp mãi mãi của chúng ta trong cơn bĩ cực”.

Ngày thứ hai của hội nghị còn được nghe Brandon Marshall, người từng chơi NFL 13 mùa. Anh suy tư về cuộc tranh đấu của anh với hiện tượng bất ổn nhân cách và mô tả các cố gắng của anh trong việc giúp đỡ những người có nguy cơ tự tử.

Ngày cuối cùng

Chúa nhật 8 tháng 5, ngày kết thúc hội nghị “tâm trí, thân xác và linh hồn” do Tòa Thánh đứng ra tổ chức, Đức Phanxicô và Jane Goodall đều nói về “làm con người có nghĩa gì”.

Theo CNA, trong một sứ điệp video gửi Hội nghị, Đức Phanxicô nói rằng lời của Thánh Augustinô trong cuốn “Tự Thú” quả là vượt thời gian: “Con người tự họ là một hố thẳm [great deep]”.

Đức Giáo Hoàng nói rằng “Sách thánh, và suy tư triết học và thần học cách riêng, đã sử dụng quan niệm ‘linh hồn’ để định nghĩa sự độc đáo của chúng ta như các hữu thể nhân bản và tính chuyên biệt của nhân vị, vốn bất khả giản lược vào bất cứ sinh vật nào khác và bao gồm sự cởi mở của chúng ta đối với chiều kích siêu nhiên và do đó với Thiên Chúa”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng “việc cởi mở đối với thể siêu việt này” có tính nền tảng và “làm chứng cho giá trị vô tận của mỗi nhân vị”

Trong khi đó, nhà nhân chủng học Jane Goodall, nổi tiếng nhờ việc làm của bà với loài tinh tinh (chimpanzees), cũng đặt tựa đề cho bài nói chuyện của bà là “làm người nghĩa là gì?”

Bà phát biểu, “Tôi nghĩ chỗ chúng ta thích đáng với hình ảnh các linh trưởng (primates) là chúng ta là con vượn vĩ đại thứ năm, và bà con gần gũi nhất trong số các con vượn vĩ đại khác... vâng, thực sự có hai con, con tinh tinh và con tinh tinh lùn (bonobo). Về phương diện di truyền, chúng ta chỉ khác nhau chưa quá 1%.”

Bà đưa ra điển hình: có thể dạy tinh tinh ngôn ngữ dấu hiệu, sử dụng máy vi tính và vẽ. Bà nói, trong diễn trình biến hóa, con người học thông đạt bằng lời nói, ngôn ngữ, và chữ viết giúp con người được phân biệt bởi khả năng tạo kế hoạch cho tương lai và chế tạo hỏa tiễn.

“Nhưng rồi, khi hiểu ra các tinh tinh giống chúng ta như thế nào, tuy nhiên, chúng ta khác ra sao nhờ việc phát triển đột phá trí hiểu, việc phát triển trí hiểu này không hề cho chúng ta lý do để tự khoác cho mình nhãn hiệu Homo sapiens, con vượn khôn ngoan. Chúng ta không khôn ngoan. Chúng ta đã thấy Sao Hoả trông ra sao. Chúng ta không muốn sống trên đó. Chúng ta chỉ có hành tinh duy nhất này, ít nhất trong đời ta, thế mà chúng ta lại hủy diệt nó”.

Bà nói thêm, “Mọi tôn giáo lớn đều có chung luật vàng, hãy làm cho người khác điều bạn muốn họ làm cho bạn. Nếu chúng ta áp dụng câu đó cho loài vật, cũng như cho nhau, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ tiến gần hơn việc có thể tự định nghĩa mình như Homo sapiens”.

Các phát biểu của những người như Fauci, Chopra, Clinton, Goodall là các phát biểu của những người được coi là chuyên gia trong lãnh vực của họ, tất cả không hẳn được Giáo hội thừa nhận, nhưng sẵn sàng lắng nghe. Và song song với các phát biểu của họ là các phát biểu phản ảnh quan điểm chính thống Kitô Giáo mà cao điểm là sứ điệp video của người được coi là đại biểu sáng chói của tôn giáo này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Kỳ sau, chúng tôi xin phổ biến nguyên văn sứ điệp đó, sứ điệp ngài dùng để không ngần ngại trình bầy trung thực quan diểm chính thức của Kitô giáo, dù quan điểm này có khác với quan điểm của một số người tham dự.