1. Rạng sáng thứ Hai 26 tháng Tư, Giám Mục mới được bổ nhiệm tại Nam Sudan bị ám sát

Một vị Giám mục người Ý vừa được bổ nhiệm ở Nam Sudan đã bị ám sát, Giáo Hội địa phương đang cố gắng di tản ngài về thủ đô Narobi của Kenya nơi có các phương tiện điều trị chuyên biệt.

ACI Africa cho biết vị giám mục vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm chăm sóc Giáo phận Rumbek của Nam Sudan đã bị ám sát vào đêm Chúa Nhật rạng sáng thứ Hai 26 tháng Tư và đang điều dưỡng vết thương do đạn bắn tại một cơ sở y tế địa phương.

“Giám mục vừa được bổ nhiệm của chúng tôi đã bị bắn đêm qua. Ngài hiện đang được điều trị tại một bệnh viện CUAMM ở Rumbek”, giáo phận Rumbek nói với ACI Africa hôm thứ Hai. CUAMM là hệ thống các bệnh viện Công Giáo do tổ chức phi chính phủ “Bác sĩ cho Phi Châu” có trụ sở tại Ý điều hành.

Cha Christian Carlassare, người Ý, thuộc Dòng Truyền Giáo Comboni của Thánh Tâm Chúa Giêsu, được bổ nhiệm làm giám mục Giáo phận Rumbek vào ngày 8 tháng 3, sau một thời gian giáo phận này trống tòa kéo dài gần một thập kỷ.

Cha Andrea Osman của Giáo phận Rumbek, người đang ở trong phòng bên cạnh Đức Cha Carlassare khi vụ nổ súng xảy ra, nói với ACI Africa như sau:

“Vụ việc xảy ra lúc 12h45 đêm qua. Tôi nghe thấy Đức Cha hét lên. Tôi thấy hai người trang bị vũ khí. Tôi đã cố gắng đập cửa từ bên trong để có thể xua đuổi họ, nhưng họ dường như không bận tâm. Họ đập cửa và bắt đầu bắn phá vào cánh cửa cho đến khi phá được. Sau đó, họ bắn Đức Cha. Khi họ nhìn thấy tôi, họ bảo tôi biến đi. Một người đã bắn hai phát đạn cảnh cáo hướng về phía tôi trước khi rút lui”.

Hiện nay các bác sĩ đã kiểm soát được tình trạng chảy máu nhiều. Tuy nhiên, Đức Cha Carlassare cần phải được vận chuyển đến thủ đô Nairobi của Kenya để tránh nguy cơ tàn phế.

Lễ tấn phong giám mục cho Đức Cha Carlassare, được lên kế hoạch diễn ra vào Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 23 tháng Năm.

Ngài đã phục vụ tại Giáo phận Malakal của Nam Sudan kể từ khi ngài đến quốc gia Đông-Trung Phi này vào năm 2005.

Ngài đã đến Giáo phận Rumbek vào ngày 15 tháng 4 vừa qua, sau những ngày tĩnh tâm tại thủ đô Juba của Nam Sudan.

Giáo phận Rumbek rơi vào tình trạng trống tòa từ tháng 7 năm 2011 sau cái chết đột ngột của Đức Cha Caesar Mazzolari. Vị giám mục của Hội Truyền giáo Comboni đã gục ngã khi đang dâng thánh lễ vào sáng ngày 16 tháng 7 năm 2011, một tuần sau khi Nam Sudan độc lập. Ngài được xác nhận đã chết tại Bệnh viện Rumbek vào sáng hôm đó.

Cha Fernando Colombo, một thành viên của Hội Truyền giáo Comboni, đã điều hành giáo phận với tư cách là Giám Quản Tông Tòa của giáo phận cho đến ngày 27 tháng 12 năm 2013. Đức Hồng Y Fernando Filoni, khi đó là tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đã bổ nhiệm Cha Mathiang làm Giám Quản Tông Tòa cho đến ngày 8 tháng Ba năm nay.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 26 Tháng Tư, Ủy ban Nhân quyền Nam Sudan lên án hành động dã man này.

“Chúng tôi lên án hành động man rợ này bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể và kêu gọi cả Tiểu bang và Chính phủ quốc gia thành lập một ủy ban để tiến hành điều tra kỹ lưỡng với mục đích buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm.”
Source:Catholic News Agency

2. Đức Hồng Y Tổng giám mục Hán Thành tái khẳng định chống hôn nhân đồng phái

Trong tuyên ngôn tựa đề: “Bài học từ Giáo Hội Công Giáo về hôn nhân và gia đình”, do Tổng giáo phận Hán Thành công bố hôm 21 tháng Tư vừa qua, nhân Tuần lễ Sự sống, Đức Hồng Y Anrê Liêm Chu Chính (Andrew Yeom Soo-jung), khẳng định rằng: “Ý thức hệ về giống chủ trương con người có thể phủ nhận phái tính nam hoặc nữ về mặt sinh học, và tự do chọn lựa xu hướng tính dục của mình. Đây là điều đi ngược lại với sự quan phòng của Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng người nam và người nữ khác nhau để họ giúp đỡ lẫn nhau”.

Đức Hồng Y nói thêm rằng: “Sống chung với nhau không có hôn phối và hôn nhân thông thường được coi như đồng tính luyến ái và làm thương tổn định nghĩa gia đình, vốn được hình thành nhờ tình yêu thương trọn đời và sự kết hợp giữa vợ chồng và sinh sản, giáo dục con cái”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Liêm Chu Chính nhấn mạnh rằng điều ngài nói không có nghĩa là người ta có thể kỳ thị người khác, dựa trên xu hướng tính dục hoặc căn tính, hoặc có nghĩa là một người có thể bị xúc phạm bằng lời nói hoặc thể lý, chỉ vì không nhìn nhận quyền kết hôn của họ.

Nhắc đến dự luật cấm kỳ thị, đang được dư luận thảo luận sôi nổi ở Hàn Quốc, Đức Hồng Y nhận xét rằng: “Một số câu trong dự luật, đặc biệt là những chính sách nới rộng ý niệm về gia đình để cho sống chung không kết hôn hoặc hôn nhân tự nhiên, là điều rất khác với các giá trị phổ quát trong xã hội và tín ngưỡng tôn giáo, luân lý đạo đức của Giáo Hội Công Giáo”.

Tại Nam Hàn, trong cuộc tranh luận về dự luật nói trên, cộng đoàn Phật giáo ủng hộ, còn các cộng đoàn Công Giáo và Tin lành thì phê bình một số chi tiết trong dự luật.


Source:Korea Times

3. Giám Mục Bätzing mở đường cho những người Tin lành được rước lễ ở Đức

Khi Đức Phanxicô lên ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013, ngài Georg Bätzing vẫn chỉ là một linh mục. Tuy nhiên, ngày nay, ngài được truyền thông thế tục Đức phong là “Neuer Papst”, “Đức Tân Giáo Hoàng”. Không biết ngài có tự huyễn hoặc mình hay không, nhưng xem ra ngài đang hành xử như thế khi liên tục công khai chống đối các giới thẩm quyền của Vatican, và liên tục đòi xét lại các chân lý đức tin đã được thiết định cũng như đòi huỷ bỏ một số kỷ luật của Giáo Hội như luật độc thân linh mục và việc không thể phong chức cho phụ nữ.

Edward Pentin có bài tường trình sau trên tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình Hoa Kỳ EWTN ngày 23 tháng Tư.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Bishop Bätzing Opens Path to Protestants Receiving Catholic Communion in Germany

By Edward Pentin

Giám Mục Bätzing mở đường cho những người Tin lành được rước lễ ở Đức


Trong lần thách thức mới nhất đối với thẩm quyền của Rôma, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đã công khai bác bỏ các chỉ thị gần đây của Vatican liên quan đến vấn đề cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo.

Trong thách thức ngạo mạn mới nhất đối với Rôma, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức cho rằng bất kỳ tín hữu Tin lành Đức nào muốn được rước lễ trong một Nhà thờ Công Giáo vào ngày Kirchentag, nghĩa là ngày hiệp nhất vào tháng 5 của những người theo đạo Tin lành Đức, đều được hoan nghênh.

“Bất cứ ai theo đạo Tin lành và tham dự thánh lễ đều có thể rước lễ”, Giám mục Georg Bätzing nói trong một cuộc thảo luận trực tuyến tại Frankfurt hôm thứ Năm 22 Tháng Tư về sự kiện ngày 15 tháng 5 thường quy tụ hàng ngàn Kitô hữu đến thành phố này để tham dự các sự kiện của Giáo hội”.

“Chúng tôi muốn thực hiện các bước hướng tới sự thống nhất”, ngài nói và nhận xét rằng “bất cứ ai có niềm tin nơi những gì được cử hành trong các hệ phái khác đều có thể tiến lên [bàn thờ] và sẽ không bị từ chối”.

Theo trang tin tức Katholisch.de của các giám mục Đức, vị giám mục Limburg tiếp tục nói rằng tập tục này “đã được duy trì trong suốt thời gian qua” và thực ra “không có gì mới”. Có lẽ điều mới là nó đang được thảo luận, và nói thêm rằng ngài không mong đợi “một sự phản đối từ Rome”.

Ngài lưu ý Vatican có sự dè dặt đối với Giáo hội ở Đức, và nhận định rằng: “Đối với nhiều quan chức ở Rôma, Giáo Hội Công Giáo Đức có mùi Tin lành”. Ngài khẳng định đây “không phải là trường hợp của các cấp cao nhất trong hàng tổng trưởng”, mà là trường hợp các quan chức thiếu kinh nghiệm với Giáo hội ở Đức.

Giám mục Bätzing tiếp tục ghi nhận “nỗi sợ hãi” ở Rôma về Tiến Trình Công Nghị ở Đức, và những thách thức trong việc duy trì sự hiệp nhất, nhưng nói thêm: “Bạn cũng có thể gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất bằng cách nuôi dưỡng sự hiệp nhất bằng những công cụ không phù hợp với thời điểm và thế giới mà chúng ta sống trong sự đa dạng về văn hóa của nó”.

Giám mục Bätzing nói thêm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần nói rằng “Giáo hội không thể được kiểm soát một cách tập trung” và các quyết định phi tập trung phải được đưa ra trong khuôn khổ giáo lý và giáo luật Công Giáo. “Đây là cách mà chúng tôi đang thử nghiệm”, Giám Mục Bätzing nói.

Vị Giám mục này ám chỉ đến một đoạn trong Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm - năm 2013 của Đức Giáo Hoàng, trong đó ngài viết rằng Công đồng Vatican II kêu gọi “hiện thực hóa cụ thể tinh thần tập thể”, và ngài lấy làm tiếc rằng mong muốn này “đã không được thực hiện đầy đủ, vì địa vị pháp lý của các Hội Đồng Giám Mục coi họ là đối tượng của các quy định cụ thể, bao gồm thẩm quyền giáo lý chính thống, vẫn chưa được xây dựng đầy đủ”.

Đức Phanxicô nói thêm: “Việc tập trung hóa quá mức, thay vì tỏ ra hữu ích, đã làm phức tạp thêm đời sống của Giáo hội và việc tiếp cận truyền giáo của Giáo hội”.

Tháng 9 năm ngoái, Bộ Giáo lý Đức tin đã gửi một bản phê bình bốn trang và một bức thư tới Giám mục Bätzing giải thích rằng sự khác biệt về giáo lý với những người theo đạo Tin lành “vẫn còn rất nặng nề” đến nỗi “việc cùng tham gia vào Bữa Tiệc Ly của Chúa hoặc Bí Tích Thánh Thể” là không thể.

Bản phê bình được đưa ra để đáp lại việc xuất bản một tài liệu có tên “Cùng nhau tại Bàn của Chúa”, được soạn thảo vào năm 2019 bởi một nhóm các nhà thần học Tin lành và Công Giáo Đức ủng hộ “lòng hiếu khách Thánh Thể có đi có lại”.

Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô giáo, nói với tờ Register vào tháng trước rằng ngài chia sẻ mối quan tâm của CDF về tài liệu này và đã bày tỏ sự phản đối của cá nhân mình đối với tài liệu này.

Tờ Register cũng báo cáo rằng cả Đức Hồng Y Koch và Đức Hồng Y Tổng trưởng CDF, Luis Ladaria đều muốn triệu tập Giám mục Bätzing đến Rôma vào tháng Giêng để làm rõ với ngài về một cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông, trong đó ngài bày tỏ sự bất đồng với giáo huấn của Giáo hội trong một số lĩnh vực nhưng mong muốn của các vị Hồng Y đã bị Đức Thánh Cha Phanxicô từ chối.

Tờ Register đã liên hệ với Đức Hồng Y Koch để đưa ra bình luận vào thứ Sáu, và để hỏi xem liệu Vatican sẽ thực hiện bất kỳ hành động nào sau nhận xét của Giám mục Bätzing hay không. Đức Hồng Y chưa trả lời vào thời điểm bài báo này được xuất bản.

“Tàu đã rời ga và quan trọng nhất, Rôma sẽ không can thiệp”, một nguồn tin của Giáo hội Đức nói với tờ Register hôm thứ Sáu. “Giáo triều đã trở nên không có răng, và ngoại lệ bây giờ trở thành quy luật”.

Kirchentag thường đưa hàng chục nghìn người theo đạo Tin lành và Công Giáo đến Frankfurt để tham dự các sự kiện nhưng do hạn chế của coronavirus, nó hầu như sẽ được tổ chức trực tuyến, hạn chế khả năng thực hành rước lễ chung mà Giám mục Bätzing đã đề xuất.
Source:National Catholic Register

4. Bản sao chiếc ô tô điện 'đầu tiên' lái qua Paris để đánh dấu 140 năm

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một chiếc xe điện trông giống như 140 năm trước. Nó được coi là chiếc xe điện chạy bằng pin khả thi đầu tiên

Bản sao của chiếc xe năm 1881 này đã được dùng cho lễ kỷ niệm

“Lịch sử của xe điện thực sự bắt nguồn xa hơn rất nhiều so với những gì mọi người nhận ra. Vì vậy, tôi nghĩ thực sự tuyệt vời khi tổ chức lễ kỷ niệm 140 năm cho thấy rằng công nghệ này đã xuất hiện và đã tồn tại và thực sự đã được áp dụng khá rộng rãi vào thời điểm ban đầu.”

Việc tái tạo chiếc xe bày tỏ lòng kính trọng đối với người phát minh ra nó là Kỹ sư Gustave Trouve /gít-ta trúf /.

“Gustave Trouve là nhà phát minh ra chiếc xe này khi ông kết hợp với động cơ điện, một cục pin có thể sạc lại. Đó là một trong những chiếc xe điện có rất sớm nếu không muốn nói là chiếc xe điện đầu tiên được nhìn thấy trên đường”.
Source:Reuters

5. Các thẩm phán Tòa án tối cao chụp ảnh hàng năm

Theo một truyền thống, các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đã chụp ảnh hàng năm với nhau trước khi đưa ra các phán quyết cuối cùng vào tháng Sáu.

Các vị thẩm phán Brett Kavanaugh, Elena Kagan, Neil Gorsuch, Amy Coney Barrett, Samuel Alito, Clarence Thomas, Stephen Breyer, Sonia Sotomayor, và Chánh án John Roberts đều tham gia.
Source:Reuters