Cha Robert P. Imbelli, một linh mục của Tổng giáo phận New York, là tác giả của cuốn sách “Rekindling the Christic Imagination”, nghĩa là “Khơi dậy trí tưởng tượng về Chúa Kitô”. Hôm 19 tháng Ba, ngài đã có một bài nhận định liên quan đến các phản ứng chống báng tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc không thể chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
By Fr. Robert P. Imbelli
Tình trạng vô đạo hiện tại
Không cần đến sự tinh anh sáng suốt, người ta cũng có thể dự đoán được một số phản ứng tiêu cực gây sốt đối với tuyên bố gần đây của Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, trong đó tuyên bố việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính là bất hợp pháp. Người ta chỉ cần nhớ lại câu châm ngôn đã cũ kỹ của Scholastics: “Quidquid pititur ad modum receiveris recitur” - “bất cứ thứ gì nhận được đều đã được tiếp nhận tùy theo khả năng của người nhận”.
“Phương thức tiếp nhận” thống trị hiện nay đã được nhà văn quá cố Philip Rieff phác họa vào giữa những năm chuyển đổi văn hóa vào thập niên 1960 trong cuốn sách “The Triumph of the Therapy” – “Sự Khải Hoàn của Liệu Pháp [Tuỳ Cơ Ứng Biến]”, một cuốn sách mang tính tổng kết và tính tiên tri. Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa bị thống trị bởi tính chủ quan và duy cảm xúc, mà hàng ngày bánh mì của nó là việc công bố long trọng “câu chuyện của tôi”, “sự thật của tôi”, và “vùng thoải mái của tôi”. Phản ứng phổ biến đối với tuyên bố của CDF là sự than van vì “bị tổn thương” chỉ đưa ra cho chúng ta một sự xác nhận cho luận điểm của Rieff.
Trong một nền văn hóa như vậy, khi CDF đề cập đến những biểu thức như “sự thật của các nghi thức phụng vụ”, “chính bản chất của các á bí tích”, “đòi hỏi một cách khách quan”, thì những biểu thức như thế chắc chắn sẽ vấp phải trở ngại. Và lời tuyên bố dám kết luận với khẳng định đanh thép rằng “Thiên Chúa không bao giờ ngừng chúc phúc cho mỗi người con lữ hành của Ngài trên thế giới này... Nhưng Ngài không và không thể ban phước cho bất kỳ tội lỗi nào” chỉ là một tai tiếng trong tâm trí của nhiều người.
Điều quan trọng là phải nhận ra rằng phản ứng của CDF thừa nhận mối quan tâm mục vụ thực sự của nhiều người ủng hộ việc chúc lành đó. CDF đánh giá cao mong muốn “chào đón và đồng hành” với các cá nhân khi họ trưởng thành trong đức tin. Tuy nhiên, không giống như một số người nói một cách dễ dàng thoải mái về “sự đồng hành”, tuyên bố này nêu bật rất rõ ràng về mục tiêu của sự đồng hành và nội dung của đức tin: đó là sự thánh khiết mà tất cả những người đã chịu phép rửa tội đều được mời gọi - một sự thánh khiết được Chúa Giêsu Kitô thể hiện và kích hoạt. Và, mặc dù không được trích dẫn rõ ràng, lời khuyến khích của Thánh Phaolô đối với các tín hữu thành Rôma có thể đã được sử dụng như lời khuyến cáo của tuyên bố: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12: 1–2).
Tuyên bố của CDF, mặc dù xem ra như tập trung vào vấn đề chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính, nhưng lại có ảnh hưởng rộng rãi hơn nhiều. Tuyên bố ấy đối diện với cuộc khủng hoảng đang lan tràn trong đạo Công Giáo kể từ khi Công đồng kết thúc. Cuộc khủng hoảng đi sâu xa hơn những tương phản về “phong cách” của một giáo hoàng nào đó, hoặc sự cân bằng thích hợp cần được đề cập đến giữa “thể chế” và “đặc sủng” hay giữa “pháp lý” và “ mục vụ. “ Nó liên quan đến bản chất bí tích, là hình thức nổi bật của Nhiệm thể Chúa Kitô.
Sự can thiệp của CDF dường như là vì tình hình của Giáo hội ở Đức, nơi mà việc chúc lành cho các kết hiệp kiểu đó đang được đề cao và thực hiện, với sự khuyến khích, ngấm ngầm hoặc công khai, của một số giám mục. Nhưng bối cảnh rộng hơn là cái gọi là “Tiến Trình Công Nghị” đang được tiến hành ở đó. Các tài liệu sơ bộ của Tiến Trình Công Nghị đã làm dấy lên mối quan tâm rộng rãi rằng những gì đang diễn ra không phải là sự phát triển của đạo lý, mà là sự tương đối hóa và phá hoại đạo lý. Và điều này kết hợp quá chặt chẽ với liệu pháp tuỳ cơ ứng biến đặc trưng cho phần lớn Công Giáo phương Tây.
Cuộc khủng hoảng hiện tại của chúng ta đã được Thánh John Henry Newman dự đoán cách đây 150 năm. Trong một bài diễn văn khánh thành Chủng viện Thánh Bernard, Đức Hồng Y Newman thừa nhận rằng mọi thời đại đều có những nguy cơ riêng biệt, và Giáo hội sẽ luôn bị tàn phá do những hành vi sai trái và thất bại của các thành viên, cũng như bởi những cuộc tấn công của kẻ thù. Nhưng hiện tại ngài đã cảnh báo rằng “Kitô Giáo chưa bao giờ có kinh nghiệm về một thế giới đơn giản là phi tôn giáo” - chúng ta có thể nói đó là một thế giới của những “Nones” – tức là những người thờ ơ với tôn giáo. Và vì vậy Đức Hồng Y Newman đặt tiêu đề cho bài diễn văn của mình là “Tình trạng vô đạo trong tương lai”.
Tất nhiên, đối với Đức Hồng Y Newman, một dấu hiệu chính của cuộc khủng hoảng sắp xảy ra này là cái mà ngài gọi là “tinh thần cấp tiến trong tôn giáo”. Theo tinh thần này “những gì được mạc khải trong tôn giáo không phải là chân lý, nhưng là tình cảm và thị hiếu; không phải là một đức tin khách quan”. Điều này dẫn đến niềm tin rằng “mỗi cá nhân có quyền khi nói về những gì gây ấn tượng với sở thích của mình”. Mặc dù Đức Hồng Y Newman thừa nhận rằng tư duy này có thể mang nhiều chiêu bài khác nhau ở các quốc gia khác nhau, “đặc điểm chung và giống nhau ở mọi nơi là tính chất bội giáo” của nó.
“Bội giáo” có nhiều hình thái đa dạng, nhưng tất cả đều có một hệ quả sinh tử. Sáu mươi năm sau bài phát biểu của Đức Hồng Y Newman, H. Richard Niebuhr đã viết một cáo phó cho ngõ cụt đáng buồn của đạo Tin lành cấp tiến: “Các thừa tác viên coi mình là Chúa Kitô không có Thập tự giá đã trình bày một Đức Chúa Trời không có cơn thịnh nộ, và đã đưa những người không muốn phạm tội vào một vương quốc không có sự phán xét.” Trong Mùa Chay này, Newman và Niebuhr cung cấp một lời mời gọi tự vấn lương tâm cho tất cả những người Công Giáo.
Source:First Things