Khi đến Qaraqosh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Đức Tổng Giám Mục Yohanna Petros Moshe của tổng giáo phận Công Giáo nghi lễ Syriac Mosul đón tiếp cùng Đức Tổng Giám Mục Jean Benjamin Sleiman của tổng giáo phận Công Giáo Latinh Baghdad, và một số nhà chức trách dân sự và tôn giáo. Sau đó, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, nơi vào lúc 12g30 theo giờ địa phương, ngài đã gặp gỡ cộng đồng Qaraqosh.
Tại lối vào nhà thờ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan Đệ Tam là Thượng phụ thành Antiôkia của Công Giáo nghi lễ Syriac đón tiếp. Đức Thượng Phụ đã trao cây thánh giá và nước thánh cho ngài. Hai trẻ em đã dâng hoa lên Đức Thánh Cha. Sau lời giới thiệu của Đức Thượng Phụ, và chứng từ của một phụ nữ giáo dân và một linh mục, Đức Thánh Cha đã ban huấn từ sau.
Tôi biết ơn Chúa vì đã có cơ hội ở giữa anh chị em sáng nay. Tôi đã mong chờ lần gặp gỡ cùng nhau này từ lâu. Tôi cảm ơn Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan vì những lời chào mừng của Ngài, và Bà Doha Sabah Abdallah cũng như Cha Ammar Yako vì những chứng từ của họ. Khi tôi nhìn vào anh chị em, tôi có thể thấy sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo của người dân Qaraqosh, và điều này cho thấy một điều gì đó về vẻ đẹp mà toàn bộ khu vực này mang đến cho tương lai. Sự hiện diện của anh chị em ở đây là một lời nhắc nhở rằng vẻ đẹp không phải là đơn sắc, mà là sự đa dạng và khác biệt.
Đồng thời, với nỗi buồn lớn, chúng ta nhìn xung quanh và thấy những dấu hiệu khác, những dấu hiệu cho thấy sức mạnh tàn phá của bạo lực, hận thù và chiến tranh. Biết bao nhiêu thứ đã bị phá hủy! Cần phải xây dựng lại biết là ngần nào! Cuộc gặp gỡ của chúng ta ở đây hôm nay cho thấy rằng khủng bố và chết chóc không bao giờ có tiếng nói cuối cùng. Lời cuối cùng thuộc về Thiên Chúa và Con Ngài, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ngay cả giữa sự tàn phá của khủng bố và chiến tranh, chúng ta có thể nhìn thấy, với con mắt của đức tin, chiến thắng của sự sống trên cái chết. Trước mặt anh chị em là gương của những người cha, người mẹ của anh chị em trong đức tin, những người đã thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa tại nơi này. Họ kiên trì với niềm hy vọng vững chắc trong suốt cuộc hành trình trên dương thế, tin cậy nơi Thiên Chúa, Đấng không bao giờ làm chúng ta thất vọng và luôn nâng đỡ chúng ta bởi ân sủng của Ngài. Di sản tinh thần to lớn mà tiền nhân anh chị em để lại vẫn tiếp tục sống trong anh chị em. Hãy giữ lấy di sản này! Đó là sức mạnh của anh chị em! Bây giờ là lúc để xây dựng lại và bắt đầu lại từ đầu, dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn số phận của tất cả các cá nhân và dân tộc. Anh chị em không đơn độc! Toàn thể Giáo hội gần gũi với anh chị em, với những lời cầu nguyện và lòng bác ái cụ thể. Và trong khu vực này, có rất nhiều người đã mở cửa cho anh chị em vào lúc cần thiết.
Anh chị em thân mến, đây là thời điểm để khôi phục không chỉ các tòa nhà mà còn là các mối dây liên kết cộng đồng gắn kết cộng đoàn và gia đình, người già và người trẻ lại với nhau. Tiên tri Giôen nói: “Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến”. (x. Giôen 3: 1). Khi người già và người trẻ xích lại gần nhau, điều gì sẽ xảy ra? Người già ước mơ, họ mơ một tương lai cho lớp trẻ. Và những người trẻ có thể thực hiện những giấc mơ và lời tiên tri đó, biến chúng thành hiện thực. Khi già và trẻ đến với nhau, chúng ta giữ gìn và truyền lại những ân sủng mà Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta nhìn con cái của mình, biết rằng chúng sẽ không chỉ được thừa hưởng một vùng đất, một nền văn hóa và một truyền thống, mà còn cả những thành quả sống động của đức tin là những phước lành của Chúa trên mảnh đất này. Vì vậy, tôi khuyến khích anh chị em: đừng quên anh chị em là ai và anh chị em đến từ đâu! Đừng quên những ràng buộc đã giữ anh chị em lại với nhau! Đừng quên bảo tồn gốc rễ của anh chị em!
Chắc chắn, sẽ có những khoảnh khắc mà đức tin có thể bị lung lay, khi dường như Chúa không nhìn thấy hoặc không hành động. Điều này đúng trong trường hợp của anh chị em trong những ngày đen tối nhất của chiến tranh, và nó cũng đúng trong những ngày khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và nỗi bất an kinh hoàng. Những lúc như thế này, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đang ở bên cạnh anh chị em. Đừng từ bỏ ước mơ! Đừng bỏ cuộc! Đừng mất hy vọng! Từ trên trời, các thánh đang che chở cho chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện với các ngài và đừng bao giờ mệt mỏi khi cầu xin sự chuyển cầu của các vị. Ngoài ra còn có các thánh bên cạnh, là “những người, sống ở giữa chúng ta, phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa” (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 7). Vùng đất này có rất nhiều người các vị thánh bên cạnh chúng ta, bởi vì đó là một vùng đất của nhiều người nam nữ thánh thiện. Hãy để họ đồng hành cùng anh chị em đến một tương lai tốt đẹp hơn, một tương lai đầy hy vọng.
Một điều mà Doha nói đã khiến tôi vô cùng xúc động. Cô ấy nói rằng sự tha thứ là cần thiết từ phía những người sống sót sau cuộc tấn công khủng bố. Tha thứ; đó là một từ ngữ cốt yếu. Sự tha thứ là cần thiết để duy trì tình yêu, để tiếp tục là Kitô hữu. Con đường để hồi phục hoàn toàn có thể còn rất dài, nhưng tôi xin anh chị em đừng nản lòng. Điều cần thiết là khả năng tha thứ, nhưng cũng cần có dũng khí để không bỏ cuộc. Tôi biết rằng điều này là rất khó khăn. Nhưng chúng ta tin rằng Chúa có thể mang lại hòa bình cho vùng đất này. Chúng ta tin tưởng vào Ngài và cùng với tất cả những người thiện chí, chúng ta nói “không” với khủng bố và sự thao túng tôn giáo.
Cha Ammar, khi nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra trong các cuộc tấn công khủng bố và chiến tranh, cha cảm ơn Chúa đã luôn đổ tràn đầy niềm vui cho cha, lúc thuận lợi cũng như lúc gian truân, lúc ốm đau cũng như khi thịnh vượng. Lòng biết ơn được sinh ra và lớn lên khi chúng ta nhớ đến những ân sủng và lời hứa của Thiên Chúa. Ký ức về quá khứ định hình hiện tại và dẫn chúng ta tới tương lai.
Trong mọi lúc, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những món quà nhân từ của Người và xin Người ban sự bình an, tha thứ và tình huynh đệ cho vùng đất này và dân tộc này. Chúng ta hãy cầu nguyện không mệt mỏi cho sự hoán cải của trái tim và sự thành tựu của một nền văn hóa sự sống, hòa giải và tình yêu huynh đệ giữa mọi người nam nữ, tôn trọng sự khác biệt và các truyền thống tôn giáo đa dạng, trong nỗ lực xây dựng một tương lai hiệp nhất và hợp tác giữa tất cả những người có thiện chí. Một tình yêu huynh đệ công nhận “những giá trị nền tảng của nhân loại chúng ta, những giá trị trên đó chúng ta có thể và phải hợp tác với nhau, xây dựng và đối thoại, tha thứ và trưởng thành” (Fratelli Tutti, 283).
Khi tôi đến đây trên trực thăng, tôi nhìn thấy tượng Đức Mẹ Maria trên Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Tôi đã phó thác sự tái sinh của thành phố này cho Đức Mẹ. Mẹ không chỉ che chở chúng ta từ trên cao, nhưng xuống với chúng ta bằng tình yêu của Mẹ. Hình ảnh của Mẹ ở đây đã gặp phải sự ngược đãi và thiếu tôn trọng, nhưng khuôn mặt của Mẹ Thiên Chúa vẫn tiếp tục nhìn chúng ta với tình yêu thương. Đó là những gì các bà mẹ làm: họ an ủi, họ vỗ về và họ trao ban cuộc sống. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả những người mẹ và những người phụ nữ của đất nước này, những người phụ nữ dũng cảm, những người tiếp tục cống hiến cuộc sống, bất chấp những sai lầm và đau đớn. Cầu mong những người phụ nữ được tôn trọng và bảo vệ! Mong họ được tôn trọng và được trao cho cơ hội!
Và bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Mẹ của chúng ta, khẩn cầu sự chuyển cầu của Mẹ cho những nhu cầu và kế hoạch tương lai của anh chị em. Tôi đặt tất cả các anh chị em dưới sự cầu bầu của Đức Mẹ. Và tôi xin anh chị em, đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Kết thúc buổi gặp gỡ, sau khi Sổ Lưu Niệm, Đức Thánh Cha chào cộng đoàn và đã di chuyển bằng xe hơi về Chủng viện Thánh Phêrô thành Erbil nơi ngài dùng bữa trưa.
Source:Holy See Press Office