CHÚA GIÊSU MỈM CƯỜI



(Nguyên bản: Le Sourire de Jésus
par Pierre Descouvemont
Bản tiếng Việt của Vũ Văn An
)



III. Một Nụ Mỉm Cười Mời Gọi Nụ Mỉm Cười Của Ta

Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca
”.
Tv 90:14


1.Lạy Chúa Giêsu, nụ mỉm cười của con làm Chúa vui lòng

Nếu đúng Chúa Kitô không ngừng mỉm cười với chúng ta, và đúng như thế, thì điều tối thiểu là chúng ta hãy điều chỉnh khuôn mặt ta cho phù hợp với nụ mỉm cười bất biến này, nụ cười muốn đòi hỏi nụ mỉm cười của ta.

Thánh Têrêxa thành công làm giám tập chính là nhờ nghệ thuật mỉm cười này. Thánh nữ thổ lộ, “Khi tôi rất đau khổ, khi xẩy ra cho tôi những chuyện đau lòng, không có chi thích thú, thay vì tỏ dáng điệu buồn bã, tôi đáp ứng bằng một nụ mỉm cười. Thoạt đầu, tôi không luôn thành công; nhưng nay, đây là một thói quen mà tôi thấy mình hạnh phúc đã thu đạt được” (37). Ngày 18 tháng 4 năm 1897, sau khi thổ lộ cùng Mẹ Agnès một số nỗi buồn tủi mà một lần nữa thánh nữ vừa “thu góp được”, thánh nữ nói thêm: “Thiên Chúa tốt lành đã ban cho con mọi phương thế để mãi làm người bé nhỏ; nhưng điều cần là con luôn hài lòng: con tự sắp đặt để dù ở giữa sóng bão, luôn giữ cho con được bằng an ở bên trong” (38). Sự tự tin qúy báu chứng minh hùng hồn việc hiện hữu cùng một lúc của cả cảnh náo động ở bình diện cảm giới, “sóng bão”, lẫn bình an sâu thẳm tận đáy “tâm hồn”.

Việc chọn mỉm cười luôn luôn và ở mọi nơi như trên, bất kể các hoàn cảnh hiện sinh có ra sao, không phải là thói quen dễ dàng có được: không phải ngày một ngày hai là đạt được và, ngay sau nhiều năm cố gắng, người ta vẫn phải chiến đấu để khỏi tức giận đối với những ai làm ta khó chịu và do đó đánh mất nụ mỉm cười.

Nhưng ở đây không có ý nói đến việc tự làm mình ra căng thẳng và tự thuyết phục mình đang bơi lội trong hạnh phúc và mọi sự sẽ tốt hơn trong thế giới tốt nhất: người ta duy trì một ý thức sắc bén đối với mọi bi kịch của cuộc đời và các khó khăn chính họ phải đương đầu.

Vốn là người mẫn cảm, Thánh Têrêxa biết rõ mình không thể ra lệnh một cách độc đoán cho các thất vọng và những điều bất ngờ trong mẫn cảm của mình; nhưng thánh nữ cũng biết rõ người ta có thể thu lượm được thói quen làm chủ các nét trên khuôn mặt mình và điều chỉnh để chúng phù hợp với ước nguyện đem lại một chút gắn bó chặt chẽ nào đó cho đời sống mình. Nếu Chúa mỉm cười với tôi, tôi phải mỉm cười đáp lễ lại Người.

Cho nên, không hề có chút giả hình nào trong thái độ trên. Nó phát biểu điều nó có một cách sâu xa hơn trong tôi: biết chắc rằng nụ mỉm cười của Chúa hiện diện ở đó, rất gần. Nó cũng phát biểu một cách đặc biệt niềm vui của tôi được đáp ứng bằng một nụ mỉm cười nụ mỉm cười rất gần gũi của Đấng Phụ Sinh:

“Tôi rất muốn chịu đau khổ tuy không nói ra
Để Chúa Giêsu được an ủi
Niềm vui của tôi là được nhìn thấy Người mỉm cười
Lúc lòng tôi phát vãng” (39).

Tại sao Chúa vui lòng đối với của dâng ta dâng lên Người bằng các hy sinh của ta? Phải chăng Người lấy làm vui thấy con cái Người đau khổ? Chắc chắn là không! Điều làm Người vui lòng nơi ta không phải là các đau khổ của ta, nhưng là xác tín sâu xa rằng chúng ta không giữ tận sâu thẳm trong ta bất cứ điều gì có thể tách rời ta khỏi tình yêu của Người, thứ “mỉm cười nội tâm” mà ta dâng lên Người và ta cố gắng diễn dịch trên khuôn mặt ta. Thánh Têrêxa từng nói một cách thân mật, “Thiên Chúa tốt lành, Đấng vốn yêu ta xiết bao, đã đau khổ đủ trong việc buộc phải để ta trên dương thế hoàn tất thời gian thử thách của ta, ta đừng luôn luôn đến thưa đi thưa lại với Người rằng chúng ta đau khổ ở đó; không nên có giáng vẻ bị nhìn thấy như vậy” (40).

Vì cùng một lý do, thánh nữ cũng có thói quen mỉm cười khi tự ban kỷ luật cho chính mình hay khi phải chịu một vài đau đớn thể xác. Và thánh nữ yêu cầu các tập sinh tiếp nhận cùng một thái độ. Chị Maria Chúa Ba Ngôi có lần nói, “Chị sửa dạy tôi mỗi lần chị thấy tôi nhăn trán hay cau mặt. Có lần chị bảo tôi, khuôn mặt phản chiếu linh hồn: phải luôn bình thản và thanh thản như khuôn mặt một em bé luôn hân hoan, cả khi ở một mình vì chị luôn hiện diện trước mặt Thiên Chúa và các thiên thần” (41).

Đó là lý do tại sao Thánh Têrêxa mạnh mẽ khuyên chị Maria Chúa Ba Ngôi đừng có khóc, dù ở nơi kín đáo. Sau này chị này làm chứng “Khi tôi khóc, chị Têrêxa bảo tôi nên làm quen với việc không để các nỗi đau buồn nho nhỏ của tôi lộ ra bề ngoài. Tôi nói với chị ‘đúng, em chỉ khóc với Thiên Chúa tốt lành mà thôi’. Chị sửa ngay: ‘đừng hành động như thế: Ông chủ tốt lành này chỉ có các đan viện của ta để Người làm vui tâm hồn Người. Người đến chỗ chúng ta để quên đi đủ thứ kêu ca liên tiếp của bạn hữu Người trên thế gian... vậy mà em lại hành động như những người tầm thường trong cõi tử sinh!... Chúa Giêsu thích những tâm hồn hồn vui tươi, vậy đến khi nào em mới biết giấu Người các đau khổ của em, hay nói với Người bằng giọng hát rằng em hạnh phúc khi được đau khổ vì Người?” (42).

Cha M.D. Molinié đã nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm vui trên trong linh đạo của Thánh Têrêxa. Ngài viết “Những người cứu các linh hồn là những người ca hát và không phải đau khổ mang giá trị cho lời ca của họ, mà là sự kiện ca hát vì yêu thương đem giá trị lại cho các đau khổ của họ vì nó đem lại cho chúng giá trị đó tại trường dạy của Chúa Giêsu để trở nên tiếng vang của lời ca ngợi Chúa Ba Ngôi [...] Người ta thấy có những người thiện chí có nguy cơ rơi vào sai lầm rất lớn, mà tôi không hề có ý định kết án, nhưng các đau khổ của họ có nguy cơ trở thành phần nào vô dụng, vì khi dâng hiến, họ gán vào đó nhiều tầm quan trọng hơn là tính nhưng không vô ích của lời ca vì yêu thương của họ. Thánh Têrêxa sau đó ít lâu cũng đã nói, ngay cả nếu Chúa Giêsu không biết tôi chịu đau khổ vì Người, tôi cũng vẫn sung sướng dành cho Người điều đó... chỉ đơn giản vì trong các tặng phẩm này, Thánh Têrêxa chỉ lưu tâm tới niềm vui cho đi, chứ không phải cái gía của điều thánh nữ cho đi” (43).

Thánh Têrêxa cũng biết rằng để chịu đau khổ “theo lòng Thiên Chúa” và cứu các linh hồn cho Người, không cần phải chịu đau khổ một cách can đảm, hào hứng; chỉ cần chấp nhận các đau khổ của mình vì Người, chúng có thế nào thì chấp nhận như vậy, và, mình có thế nào thì tự trình bầy cho Chúa như thế. Sự đau khổ, sự thất vọng thường mạnh đến nỗi niềm vui chỉ có thể có “trong tận sâu tâm hồn”.

Thánh Têrêxa vốn hoàn toàn hiểu rõ điều ấy khi đọc các ghi chép cuộc cấm phòng do Cha Pichon giảng ở dòng CátMinh Lisieux hồi tháng 10 năm 1887, chỉ vài tháng trước khi thánh nữ nhập dòng. Các suy tư của vị giảng phòng về cơn hấp hối của Chúa Kitô quả đạt tới kết luận này: “Thiên Chúa duy trì ta ở thế chịu đau khổ lớn lao, mạnh mẽ, đại lượng! Ôi! Ta hãy biết rằng nếu không có thập giá sâu kín đầy chán nản này, mọi thập giá khác đều không là gì cả”. Thánh Têrêxa thẩm thấu sâu xa bài học này, nếu ta phán đoán từ các lời khuyên ngài ngỏ cùng chị Céline khi chị 20 tuổi, tức ngày 26 tháng 4 năm 1889, lúc Ông Martin phải ở trong “nơi ẩn náu” như người ta nói hồi ấy, từ hai tháng trước: “Ta đừng tưởng có thể yêu mà không chịu đau khổ, không đau khổ nhiều. Ta hãy chịu đau khổ một cách đắng đót, nghĩa là không can đảm! Chúa Giêsu đã chịu đau khổ trong buồn bã; không buồn bã, linh hồn có đau khổ không? Thế mà chúng ta lại muốn chịu đau khổ một cách đại lượng, lớn lao... Này chị Céline! Quả là ảo tưởng!” (44).

Chính bằng cách đó Thánh Têrêxa sẽ chấp nhận cơn đau đớn của bệnh lao. Những Cuộc Đàm Đạo Cuối Cùng cho ta thấy việc chắc chắn cứu vớt được các linh hồn không khiến Thánh Têrêxa sống trong trạng thái sảng khoái. Nếu ta muốn một thí dụ về cách rất khiêm nhường thánh nữ đã chịu đau khổ, ta nên xem chiến thuật mà thánh nữ đã yêu cầu chị Céline sử dụng vào một trong những thời điểm đau đớn nhất của cơn bệnh, lúc bệnh lao đã lan tới đường ruột. Đó là ngày thứ bẩy 21 tháng 8. Bị tức thở khủng khiếp, Thánh Têrêxa thầm thĩ: “em đau, đau quá...” nhưng ngay sau đó, ngài tự trách mình và nói với chị Céline “khi em nói ‘em đau quá’, chị nên trả lời: “càng hay”! Em không còn sức; lúc đó, chị sẽ hoàn tất điều em muốn nói” (45).

Do đó, ta đừng tưởng tượng ra một Têrêxa thành Lisieux lúc nào cũng mìm cười, ngay ở giữa những đau đớn tàn bạo nhất. Những đau đớn khiến ngài phải nói đừng để thuốc men vừa tầm tay người bệnh đang đau đớn vì những cực hình tương tự (46).

Nhưng Thánh Têrêxa thực sự biết sự bình an sâu xa mà Chúa vốn ban cho những ai tin vào tình yêu của Người, một sự bình an tương hợp với mọi đau đớn của linh hồn và thân xác. Một ngày kia, chỉ lỗ hổng đen tối ngài nhìn thấy từ giường nằm trong lối đi có hàng cây dẻ, ngài đưa ra nhận xét “em đang hiện diện trong chính một lỗ hổng như thế, cả linh hồn lẫn thân xác. A! Đúng, tối tăm làm sao! Nhưng em ở đó bình an” (47).

Việc hiện hữu cùng một lúc trong tâm hồn thánh nữ cả bóng đen lẫn bình an giúp ngài đoán định được điều gì xẩy ra trong linh hồn Chúa Kitô, khi Người chịu đau đớn trong vườn Diệtsimani: cơn hấp hối khủng khiếp của Người không ngăn được Người vui hưởng phận làm Con yêu dấu của Chúa Cha” (48).

Đúng, sự chắc chắn “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:39) giúp ngài sống trọn vẹn câu 5 Thánh vịnh 92:

“Lạy Chúa, Chúa làm con đầy mừng rỡ,
mọi điều Chúa đã thực hiện”.

Thánh Têrêxa đã chép câu trên vào cuối cuốn Tin Mừng ngài luôn mang trên ngực. Và ngài gạch dưới chữ “mọi điều” vì xác tín rằng: “mọi sự đều là ơn thánh”.

Ước nguyện muốn làm vui lòng Chúa Giêsu xâm chiếm trọn tâm hồn Thánh Têrêxa đến nỗi ngài dám nói rằng ngài tự ý chấp nhận chịu đau khổ một cách vụng trộm để Người được vui, cho dù có thể Người không biết nguồn gốc của niềm vui này. Thánh nữ thổ lộ ngày 9 tháng 5 năm 1897, “Nếu Thiên Chúa tốt lành không thấy các hành động tốt của con, thì con cũng sẽ không hề buồn phiền chi. Con yêu mến Người đến nỗi con muốn có khả năng làm Người vui lòng ngay cả nếu Người không biết đó là chính con. Biết điều đó và thấy điều đó, Người như thể buộc phải trả công con: con không muốn đem đến cho Người nỗi khổ ấy” (49).

Mấy tuần lễ sau, thánh nữ viết trong tập viết tay cuối cùng rằng thánh nữ sung sướng được dâng đêm đen thiêng liêng để những người không tin trở lại. Và thánh nữ viết thêm: “Đau đớn càng sâu kín, càng ít tỏ hiện với mắt tạo vật, nó càng làm Chúa vui, ôi lạy Thiên Chúa của con! Nếu vì một phép lạ nào đó, chính Chúa làm ngơ nỗi đau đớn của con, con vẫn sung sướng nếu, nhờ nó, con có thể ngăn cản hay đền bù một lỗi lầm duy nhất đã phạm chống lại đức tin” (50).

Và một tháng sau đó, thánh nữ thổ lộ với mẹ đỡ đầu: “Nếu Thiên Chúa tốt lành nói với con: ‘Nếu con chết ngay lập tức, con sẽ có một vinh quang rất lớn. Nếu con chết lúc 80 tuổi, vinh quang của con chỉ còn một nửa, nhưng điều này sẽ làm Ta vui lòng nhiều hơn’. Thì con sẽ không ngần ngại trả lời: ‘Lạy Thiên Chúa của con, con muốn chết ở tuổi 80, vì con không tìm vinh quang của con, mà chỉ tìm sự vui lòng cho Chúa”. Các vị đại thánh đã làm việc vì vinh quang của Thiên Chúa tốt lành, nhưng phần con, con chỉ là một tâm hồn nhỏ bé, con làm việc vì sự vui lòng duy nhất của Người, vì những trò vui thích của Người và con sung sướng được chịu những đau đớn lớn lao nhất, ngay cả khi Chúa không biết, nếu có thể, không phải để đem lại cho Người một vinh quang chóng qua chỉ cần con được biết, qua việc đó, một nụ mỉm cười có thể nở trên môi Người” (51).

Đó là sứ điệp được Thánh Têrêxa không ngừng chuyển tới thầy Văn, người em trai nhỏ bé của thánh nữ: điều Chúa Giêsu đánh giá cao hơn hết nơi thầy là niềm vui trên khuôn mặt thầy.



“Chúa Giêsu hài đồng rất yêu thương em. Không bao giờ Người muốn thấy em buồn; nếu em buồn, Người không biết phải cười với ai. Em cũng như chị là đồ chơi của Chúa hài đồng: nên em phải làm sao để Người vui tươi, đừng bao giờ để lộ nỗi buồn. Nếu Người thấy em buồn, Người sẽ rất bối rối, sợ rằng đã làm em đau đớn vì một điều gì đó, và chính Người là nguyên nhân nỗi buồn của em” (52).

Một sứ điệp mà chính Chúa Giêsu cũng xác nhận trong những cuộc đàm đạo thân mật giữa Người và thầy:

-Lạy Chúa Giêsu, thầy Văn hỏi, có phải đôi khi xẩy ra việc Chúa buồn vì con không?

-Con ạ, nếu điều đó xẩy ra thì duy nhất là vì Ta thấy con buồn. Khi con vui, làm sao Ta lại buồn cho được? Vậy, con hãy luôn vui tươi, đúng không? Chỉ một trong các niềm vui của con thôi cũng đủ để Ta được an ủi rất nhiều” (53).

Niềm vui đó, thầy Văn phải giữ gìn suốt trong tuần thánh! Ngày 20 tháng 4 năm 1946, Thứ Bẩy Tuần Thánh, Chúa Giêsu nói với thầy Văn:

“Chú nhỏ, ai bảo con khóc vào ngày Ta chịu đóng đinh? Thế là con pha mình vào công việc Ta làm rồi. Vai trò của con không phải là thương hại Ta, mà duy nhất là yêu mến Ta” (54).

Trước đó ít ngày, Người nói với thầy Văn, “Chuyện thông thường là con nhận được nhiều an ủi trong tuần thánh vì người làm vườn là Ta tìm được niềm vui làm cho đóa hoa của mình tươi đẹp hơn: càng vui tươi, con càng an ủi người yêu hoa” (55).

Một trong các sứ mệnh của thầy Văn chắc chắn là công bố ước nguyện chính thức của Chúa: “Hãy luôn vui tươi trong mọi hoàn cảnh, để Ta được vui!”

Với một bạo dạn gây ngạc nhiên, Thánh Têrêxa hết lòng tin rằng chỉ bằng các nụ mỉm cười của ngài, ngài có khả năng làm Chúa Giêsu mỉm cười nhiều hơn nữa, làm Người thực sự vui lòng. Xác tín này sinh động hóa các hy sinh thánh nữ đã hoàn thành lúc còn thơ và ngài ghi sổ trên cỗ tràng hạt thực hành. Thánh nữ viết trên tờ khấn dòng của ngài, ngày 8 tháng 9 năm 1890: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho con, nếu con nói những điều không nên nói: con chỉ muốn làm Chúa vui tươi và an ủi Chúa” (56). Trong Kinh dâng mình, ngày 11 tháng 6 năm 1895, ngài quả quyết chỉ làm việc vì một mục đích duy nhất là làm Người “vui lòng” (57) và trong một bài thơ cuối cùng tựa là “Niềm Vui Của Tôi”, ngài kêu lên:

“Vì Chúa, người anh trai Thần Thánh bé nhỏ của con
Con sung sướng chịu đau khổ
Niềm vui duy nhất của con ở trên đời
Là có khả năng làm Chúa vui tươi” (58).

Người ta chỉ thể tự giải thích tính đại lượng khó tin của Thánh Têrêxa rằng bằng sự bạo dạn này, mà với nó thánh nữ đã dám tin ngài có khả năng làm Chúa Giêsu mỉm cười. Những bông hoa thánh nữ muốn dâng trước ngai của Người và các ca khúc đi kèm lễ dâng này “sẽ làm Giáo Hội chiến thắng mỉm cười, chúng sẽ làm Chúa Giêsu ‘say mê’, chúng ‘sẽ làm Người vui lòng’” (59).

-Hỡi bông hoa nhỏ trên núi, nép giữa hai tảng đá, ngươi đang làm gì vậy? một người leo núi vừa tìm ra nó hỏi vậy. Không ai thấy ngươi... Ngươi dùng làm gì vậy?
-Tôi nở hoa, nó trả lời, để một sáng kia, khi ngắm nhìn thế giới, Thiên Chúa thấy nó đẹp đẽ hơn.


Quả là một mầu nhiệm! Nó làm mê hồn Cha Marie-Bernard, vị đan sĩ ở Soligny, người đã làm mẫu tại xưởng vẽ của ngài tượng “Têrêxa hoa hồng” mà người ta tìm thấy hầu như khắp nơi (ba trăm ngàn bức trên thế giới). Trong một ghi chú ngày 31 tháng Giêng năm 1963, ngài nhấn mạnh sự bất lực của lý trí ta để làm rõ ý niệm về khả thể chưa từng được nghe là ta phải làm trái tim Thiên Chúa vui tươi. Giữa sự sống Ba Ngôi, Thiên Chúa vui hưởng một hạnh phúc bất tận. Người tuyệt đối không cần đến ta để được hạnh phúc. Tuy nhiên, Người vui lòng, một cái vui bất tận! tiếp nhận các cử chỉ yêu thương và biết ơn của các tạo vật nhỏ bé khốn khổ này. Cha Marie-Bernard nhận xét rằng “các nhà thần học nói rằng như thế, ta đem đến cho Thiên Chúa một niềm vui phụ (accidentelle)”. Vị đan sĩ dòng Trappe nói mỉa một cách dịu dàng “Hãy coi như thế nếu bạn muốn, nhưng điều chắc chắn, tuyệt đối chắc chắn, là niềm vui này của Thiên Chúa, của Chúa chúng ta, rất mênh mông và tùy sự tự do, lòng biết ơn và lòng độ lượng nhân bản”.

Nhiều lần, trong các vần thơ của ngài, Cha Marie-Bernard cũng phát biểu niềm vui của ngài được góp phần vào hạnh phúc của Thiên Chúa:

“A, miễn là tôi được làm niềm vui của Người
Sự an nghỉ, vinh quang, mồi của Người,
Kết liễu mọi hạnh phúc khác” (60).

Lạy Chúa, xin mở môi con
Và miệng con sẽ ca ngợi Chúa

(Tv 51:17)

Khi hát câu Thánh vịnh trên đầu giờ kinh nguyện phụng vụ, ta không những xin ơn hát hay, mà cả ơn biết mỉm cười nữa! Vâng, lạy Chúa, xin cho con mỉm cười! Lúc đó, con có thể hát đúng sự thật rằng “Niềm vui trên môi, con sẽ ca ngợi Chúa” (Tv 63:6).

Phác thảo một nụ mỉm cười trên môi, điều đó đẹp đẽ và cử hành vinh quang của Thiên Chúa cách tốt đẹp, là diễn tả trên khuôn mặt ta sự dịu dàng mênh mông của Chúa Cha. Cha Marie-Bernard thích nhắc đi nhắc lại “Linh hồn ca hát là linh hồn được Thiên Chúa sảng khoái”. Ta có thể thêm: “khuôn mặt tươi cười, đó là trái tim vui tươi, một hữu thể được Thiên Chúa thán phục”.

Và không phải việc nhớ đến các tội lỗi của mình phải ngăn cản ta mỉm cười và ca hát. Tất cả các câu trong Thánh vịnh 51 là tiếng khóc than của một người tội lỗi. Họ nhận biết tội lỗi mình, sai phạm của họ luôn ở trước mặt họ (câu 5), họ xin Chúa tắm rửa họ, làm họ trong sạch (câu 4), ban cho họ tâm hồn trong trắng (câu 12), nhưng trên hết, họ xin Người ban cho họ niềm vui cứu rỗi (câu 14).


Kỳ tới: 2. Lạy Chúa Giêsu, nụ mỉm cười của con góp phần cứu rỗi thế giới