1. Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Trong thông cáo ngày 6 tháng Hai, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã cho biết các chi tiết liên quan đến các cử hành phụng vụ sắp tới và các Bài giảng Mùa Chay.
Vào sáng ngày thứ Tư 17 tháng 2, lúc 9 giờ 30 theo giờ địa phương Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ, làm phép và xức tro tại Bàn thờ Ngai Tòa, trong Đền Thờ Thánh Phêrô.
Buổi lễ sẽ diễn ra “với sự hiện diện của một số lượng rất hạn chế các tín hữu theo các phương thức được sử dụng trong những tháng qua, liên quan đến các biện pháp phòng ngừa COVID-19. Vào ngày đó, sẽ không có buổi tiếp kiến chung hàng tuần.”
Tuyên bố cũng cho biết rằng các Bài giảng Mùa Chay cho năm 2021 sẽ do Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa OFM, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng trình bày với chủ đề “Các con nói Thầy là ai?” (Mt 16:15).
Các bài thuyết giảng sẽ diễn ra, theo cùng một thể thức như các bài suy niệm Mùa Vọng năm 2020, trong Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican để tạo điều kiện cho những người tham gia có thể giữa khoảng cách xã hội phù hợp.
Những người được mời tham dự là các Hồng Y, các giám mục, thành viên của Giáo triều Rôma, của Phủ Giáo hoàng, của giáo phận Rôma, Bề trên Tổng quyền của các Dòng tu.
Các bài giảng sẽ diễn ra với sự hiện diện của Đức Thánh Cha vào các ngày Thứ Sáu của Mùa Chay: cụ thể là vào các ngày 26 tháng 2, 5, 12 và 26 tháng 3 lúc 9 giờ sáng theo giờ địa phương.
2. Buổi đọc kinh Truyền Tin được dời ra quảng trường Thánh Phêrô như trước
Một lần nữa, buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và các ngày lễ trọng của Đức Thánh Cha được chuyển trở lại quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật 7 tháng Hai, sau bảy tuần vắng mặt.
Đức Thánh Cha thường chủ sự các buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và các ngày lễ trọng từ cửa sổ nhìn ra quảng trường, nơi chật kín người đến nghe ngài.
Nhưng kể từ khi Rôma một lần nữa được chỉ định là “vùng đỏ” và sau đó là “vùng da cam”, nghiã là được đặt dưới các quy định nghiêm ngặt hơn về coronavirus vào cuối tháng 12 và trong suốt tháng Giêng, buổi đọc kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha đã được chuyển vào trong thư viện của Dinh Tông Tòa và được live stream.
Hôm thứ Hai 1 tháng Hai, khu vực Lazio của Rome đã trở thành “khu vực màu vàng”. Với các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, các bảo tàng, bao gồm cả Bảo tàng Vatican, đã mở cửa trở lại cho du khách.
Bảo tàng Vatican, sau khi mở cửa trở lại vào tháng 6 năm 2020 khi tình trạng cô lập toàn quốc kết thúc, đã buộc phải đóng cửa thêm 86 ngày nữa khi các hạn chế một lần nữa được thắt chặt vào đầu tháng 11.
Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 7 tháng 2 là lần xuất hiện trực tiếp thứ hai của ngài trong những ngày gần đây. Hôm thứ Ba, ngày 2 tháng Hai, ngài đã dâng thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô nhân Ngày Thế giới Đời sống Thánh hiến, được cử hành hàng năm trong 25 năm qua vào ngày lễ Dâng Chúa Vào Đền Thánh.
Cuối tháng trước, Đức Thánh Cha đã bị buộc phải hủy bỏ ba lần xuất hiện trước công chúng do cơn đau thần kinh toạ tái phát vào cuối năm 2020.
Trong một buổi tiếp xúc riêng với thông tấn xã CNS của Hoa Kỳ, vào ngày 1 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài thường có thể cảm nhận được khi cơn đau thần kinh tọa đang bùng phát và bác sĩ khuyên ngài nên hủy bỏ hoặc hoãn các sự kiện đòi hỏi phải đứng trong một thời gian dài..
Tuy nhiên, ngài nói với CNS rằng, bác sĩ khuyên ngài vẫn cần phải “hướng dẫn buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật nếu không mọi người sẽ nói rằng ngài đã chết”.
Mỗi Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, Đức Thánh Cha theo thông lệ sẽ chào đón những người hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô từ cửa sổ phòng làm việc của ngài, trình bày một bài huấn đức, và đọc kinh Truyền Tin (hay kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, trong mùa Phục sinh) với những người có mặt.
Đây là một cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha không đòi hỏi phải xin vé. Ai tham dự cũng được và thường rất ngắn gọn.
Lịch sử các buổi đọc kinh Truyền Tin
Buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên đã diễn ra vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, 11 tháng Hai, năm 1959, và được khởi xướng bởi vị “Giáo hoàng hiền lành” Gioan 23, là vị Giáo Hoàng đã triệu tập Công đồng Vatican II.
Ngày 11 tháng Hai, năm 1959 vừa là ngày khai mạc Mùa Chay vừa là ngày kỷ niệm các cuộc hiện ra tại Lộ Đức, và kết thúc các lễ kỷ niệm một trăm năm Đức Mẹ hiện ra.
Liên kết hai sự kiện với nhau, Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 nói rằng khi Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, thông điệp của Đức Mẹ là hãy sám hối, sám hối, và sám hối. Đó cũng là thông điệp của ngày thứ Tư lễ Tro.
Đức Gioan XXIII cũng nhắc nhở những người hành hương Ý rằng đây là dịp kỷ niệm 30 năm Hiệp ước Lateranô. Đó là một thỏa thuận trong đó Ý công nhận Vatican là một quốc gia độc lập.
Sau buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên này, Đức Gioan 23 chỉ xuất hiện rải rác vào các ngày Chúa nhật trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài.
Khi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục bắt đầu triều Giáo Hoàng của ngài, buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và các ngày lễ trọng đã trở thành một phần thường xuyên trong các hoạt động của Đức Thánh Cha. Tất cả các Đức Giáo Hoàng kể từ đó đã tiếp tục truyền thống này, mở rộng nó để bao gồm các bài huấn đức bằng các ngôn ngữ khác như hiện nay. Thông thường, trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha trình bày một bài huấn đức; và sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng sẽ nói thêm vài lời để thu hút sự chú ý của thế giới đến một vấn đề cần quan tâm cụ thể và yêu cầu các tín hữu gia tăng những lời cầu nguyện.
Lúc đầu, buổi đọc kinh Truyền Tin tại Vatican được nhắm đến những người có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô, nhưng giờ đây trong thời đại kỹ thuật số, hoạt động này dành cho tất cả mọi người trên khắp thế giới và đã trở thành một nền tảng để Đức Giáo Hoàng nói chuyện với đàn chiên lớn hơn của mình.
3. Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 7/2/2021
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Anh chị em thân mến,
Chào buổi sáng!
Một lần nữa chúng ta lại quay trở lại Quảng trường! Đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mc 1,29-39) trình bày việc Chúa Giêsu chữa lành nhạc mẫu của ông Phêrô và sau đó là nhiều người bệnh tật, đau khổ khác đang quây quần bên Người. Việc chữa lành bệnh cho nhạc mẫu của Thánh Phêrô là sự chữa lành thể xác đầu tiên được Thánh Máccô kể lại: người đàn bà bị sốt nằm trên giường. Vị Thánh sử ghi nhận rằng thái độ và cử chỉ của Chúa Giêsu đối với bà thật đầy biểu tượng: “Người đến và cầm tay bà” (câu 31). Có rất nhiều sự dịu dàng trong hành động đơn giản này, xem ra rất tự nhiên: “cơn sốt đã rời khỏi bà; và bà đã phục vụ họ” (thd). Quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu không gặp sự phản kháng nào; và người được chữa lành trở lại cuộc sống bình thường của bà, ngay lập tức nghĩ đến người khác chứ không phải bản thân mình - và điều này rất quan trọng; đó là dấu hiệu của “sức khỏe” thật sự!
Hôm đó là một ngày sabát. Người dân trong làng chờ đợi mặt trời lặn, tức là lúc hết phải giữ nghĩa vụ nghỉ ngơi, họ đi ra ngoài và mang đến cho Chúa Giêsu tất cả những bệnh nhân và những người bị quỷ ám. Và Ngài chữa lành cho họ, nhưng cấm ma quỷ tiết lộ rằng Ngài là Chúa Kitô (xem câu 32-34). Như vậy, ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã thể hiện lòng yêu thương của Người đối với những người đau khổ về thể xác và tinh thần: Chúa Giêsu ưu ái đến gần những ai đau khổ phần hồn hay phần xác. Vì lòng ưu ái của Chúa Cha, mà Ngài nhập thể và thể hiện lòng ưu ái ấy bằng những việc làm và lời nói. Các môn đệ của Ngài đã chứng kiến điều này; họ nhìn thấy và sau đó đưa ra chứng tá về điều đó. Nhưng Chúa Giêsu không muốn thấy các môn đệ chỉ là những khán giả quan sát sứ mệnh của Ngài: Ngài lôi cuốn họ tham gia vào; Người sai họ đi; Người còn ban cho họ quyền năng chữa lành bệnh tật và trừ quỷ (x. Mt 10, 1; Mc 6: 7). Và điều này đã tiếp tục không bị gián đoạn trong đời sống của Giáo Hội, cho đến ngày nay. Và điều này là quan trọng. Chăm sóc mọi người bệnh không phải là một “hoạt động tùy chọn” đối với Giáo hội, không! Nó không phải là một cái gì đó nới rộng, không phải như thế. Chăm sóc mọi người bệnh là một phần không thể thiếu trong sứ mệnh của Giáo hội, như trong sứ mệnh Chúa Giêsu. Và sứ mệnh này là mang sự dịu dàng của Thiên Chúa đến với một nhân loại đang đau khổ. Chúng ta sẽ được nhắc nhở về điều này trong vài ngày tới, vào ngày 11 tháng 2, Ngày Thế giới Bệnh Nhân
Thực tế mà chúng ta đang trải qua trên khắp thế giới do đại dịch làm cho thông điệp này, sứ mệnh thiết yếu này của Giáo hội, đặc biệt phù hợp. Tiếng nói của ông Gióp, vang dội trong phụng vụ hôm nay, một lần nữa diễn giải thân phận phàm nhân của chúng ta, rất cao cả trong phẩm giá, nhưng đồng thời lại rất mỏng giòn. Đứng trước thực tại ấy, trong tâm hồn chúng ta luôn nảy sinh câu hỏi: “tại sao?”.
Và đối với câu hỏi này, Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, không trả lời bằng một lời giải thích - vì chúng ta có phẩm giá cao cả và thân phận quá mong manh, Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi ‘tại sao’ này bằng một lời giải thích - nhưng bằng một sự hiện diện đầy yêu thương, cúi xuống, cầm tay nâng lên, như Người đã làm với mẹ vợ ông Phêrô (x. Mc 1:31). Cúi xuống để nâng người kia lên. Chúng ta đừng quên rằng cách chính đáng duy nhất để nhìn một người từ trên xuống là khi anh chị em đưa tay ra đỡ họ dậy. Đó là cách duy nhất. Và đây là sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã giao phó cho Giáo hội. Con Thiên Chúa bày tỏ Quyền Uy Chúa Tể của Ngài không phải “từ trên xuống”, không phải từ xa, nhưng khi cúi xuống, đưa tay ra; Ngài thể hiện Quyền Uy Chúa Tể Càn Khôn của mình trong sự gần gũi, dịu dàng, trong lòng trắc ẩn. Gần gũi, dịu dàng, từ bi là phong cách của Chúa. Thiên Chúa đến gần, và Ngài đến gần với sự dịu dàng và lòng thương cảm. Chúng ta đọc bao nhiêu lần trong Tin Mừng, trước một vấn đề sức khỏe hay bất kỳ vấn đề nào: “Người động lòng trắc ẩn”. Lòng thương cảm của Chúa Giêsu, sự gần gũi của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu là phong cách của Thiên Chúa. Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta rằng lòng trắc ẩn này bắt nguồn sâu xa từ mối quan hệ mật thiết với Chúa Cha. Tại sao? Trước khi trời sáng và sau khi mặt trời lặn, Chúa Giêsu lui vào thanh vắng một mình cầu nguyện (câu 35). Từ đó Ngài rút ra sức mạnh để hoàn thành sứ mệnh, rao giảng và chữa bệnh.
Cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta để Chúa Giêsu chữa lành chúng ta - chúng ta luôn cần điều này, tất cả mọi người - để đến lượt chúng ta, chúng ta có thể trở thành chứng nhân cho sự dịu dàng chữa lành của Thiên Chúa.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:
Anh chị em thân mến!
Trong những ngày này, tôi đang theo dõi với sự quan tâm sâu sắc đến những diễn biến tình hình đang xảy ra tại Miến Điện, một đất nước mà kể từ chuyến Tông du năm 2017, tôi đã mang trong lòng rất nhiều tình cảm. Trong thời điểm mong manh nhất này, tôi muốn một lần nữa bảo đảm sự gần gũi về tinh thần, lời cầu nguyện và tình đoàn kết của tôi với người dân Miến Điện. Và tôi cầu nguyện rằng những người có trách nhiệm với đất nước sẽ chân thành phục vụ thiện ích chung, thúc đẩy công bằng xã hội và ổn định quốc gia, vì một sự chung sống hài hòa và dân chủ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Miến Điện. [im lặng cầu nguyện]
Tôi muốn đề cập đến một thỉnh cầu dành cho các trẻ vị thành niên nhập cư không có người đi kèm. Có rất nhiều em như thế! Đáng buồn thay, trong số những người vì nhiều lý do buộc phải rời bỏ quê hương, luôn có hàng chục trẻ em và thanh niên đơn độc, không gia đình và phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Trong những ngày này, tôi đã biết về hoàn cảnh bi đát của những người trên cái gọi là “tuyến đường Balkan”. Nhưng cũng có một số trên tất cả các “tuyến đường” khác. Chúng ta phải bảo đảm rằng những sinh vật mong manh và không có khả năng tự vệ này không thiếu các kênh nhân đạo ưu ái và chăm sóc họ thích hợp.
Hôm nay tại Ý, chúng ta đang kỷ niệm Ngày vì Cuộc sống với chủ đề “Tự do và cuộc sống”. Hiệp cùng với các giám mục Ý, tôi nhắc lại rằng tự do là ân sủng tuyệt vời mà Chúa đã ban cho chúng ta để tìm kiếm và đạt được lợi ích cho chính mình và cho người khác, bắt đầu từ thiện ích chủ yếu là sự sống. Cầu xin cho xã hội của chúng ta được chữa lành khỏi tất cả các cuộc tấn công vào sự sống, để sự sống có thể được bảo vệ trong tất cả các giai đoạn của nó. Và cho phép tôi thêm một trong những mối quan tâm của tôi: đó là mùa đông nhân khẩu học ở Ý. Ở Ý, sinh suất đã giảm và tương lai đang bị đe dọa. Chúng ta hãy giải quyết mối quan tâm này và tìm cách bảo đảm rằng mùa đông nhân khẩu học này kết thúc, và một mùa xuân mới của trẻ em sẽ phát triển mạnh mẽ.
Ngày mai, lễ tưởng nhớ Thánh Josephine Bakhita, một phụ nữ Sudan, một nữ tu quen thuộc với những nhục hình và đau khổ của chế độ nô lệ, chúng ta kỷ niệm Ngày Cầu Nguyện Và Nâng Cao Nhận Thức Chống Lại Nạn Buôn Người. Mục tiêu của năm nay là làm việc cho một nền kinh tế không ủng hộ, dù chỉ là gián tiếp, nạn buôn người đáng khinh bỉ này, tức là một nền kinh tế không bao giờ biến con người trở thành hàng hóa, đồ vật, nhưng phải luôn coi họ là mục tiêu. Phục vụ cho con người, nhưng không sử dụng họ như hàng hóa. Chúng ta hãy kêu cầu Thánh Josephine Bakhita giúp chúng ta trong việc này.
Và tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, người dân thành phố Rôma và những người hành hương: Tôi rất vui khi thấy anh chị em một lần nữa tập trung tại Quảng trường, ngay cả những nữ tu người Tây Ban Nha cũng ở đây, những người luôn có mặt; dù mưa hay nắng! Và cả những người trẻ của phong trào Đức Mẹ Vô Nhiễm. Tất cả các bạn. Tôi rất vui. Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc các bạn một bữa trưa ngon miệng! Chào tạm biệt!
Source:Holy See Press Office