Cuộc đảo chính tại Miến Điện không chỉ đơn giản là một cuộc tấn công vào bà Aung San Suu Kyi hoặc thậm chí vào chính phủ hoặc đảng của bà. Đó là một cuộc tấn công toàn diện vào nền dân chủ và phá bỏ một thập kỷ cải cách.

Chính quân đội Miến Điện, thường được gọi là Tatmadaw, đã khởi xướng 10 năm cải cách vừa qua và giám sát tiến trình này rất chặt chẽ. Tatmadaw đã viết hiến pháp, bảo đảm rằng nó kiểm soát ba bộ chủ chốt: Nội vụ, Hải quan, và Quốc phòng - và dành một phần tư số ghế quốc hội cho quân đội. Nó đã kẹp chặt đôi cánh của Suu Kyi, ngăn cản bà trở thành tổng thống, sử dụng bà như một bức tường lửa để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về tội ác chống lại loài người, đồng thời giữ quyền kiểm soát ngân sách và lợi ích kinh doanh của nó. Nói cách khác, Tatmadaw đã nắm quyền trước ngày 1 tháng 2, vậy tại sao họ lại trực tiếp nắm quyền và đưa Miến Điện trở lại chế độ độc tài quân phiệt?

Một trong những động lực đằng sau chương trình cải cách cách đây một thập kỷ là các tướng lĩnh không chịu nổi các áp lực liên tục của Trung Quốc, và họ biết cách duy nhất để làm loãng ảnh hưởng của Bắc Kinh là cải cách để thu hút sự tham gia của cộng đồng quốc tế.

Điều đó đã có tác dụng trong một vài năm, dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, các chuyến thăm liên tiếp của Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton, Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và các nhà lãnh đạo thế giới khác. Đến năm 2014, Miến Điện đã hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm đất nước này.

Các vị tướng đã đạt được tất cả những điều này mà không phải nhượng bộ bao nhiêu. Trái lại, họ còn được hưởng nhiều lợi thế. Mối quan hệ giữa Tatmadaw và bà Suu Kyi đã phát triển trong những năm gần đây, đến mức bà đã đến The Hague để bảo vệ các tướng lĩnh trước cáo buộc diệt chủng. Bà đã phải phá vỡ danh tiếng quốc tế của mình vì họ.

Chủ mưu đảo chính: Tướng Min Aung Hlaing.
Thành ra, cuộc đảo chính này là vô nghĩa và bất ngờ đối với nhiều người, nếu chúng ta không nhìn nó từ góc độ của Tướng Min Aung Hlaing. Ông ta phải nghỉ hưu, giã từ tư cách tổng tư lệnh quân đội vào tháng 6 tới đây. Gia đình ông ta có nhiều lợi ích kinh doanh, ông ta bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh, ông ta muốn trở thành tổng thống nhưng đảng của ông ta đã thua đậm trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.

Không bằng lòng với việc nghỉ hưu để đọc hoặc viết sách, chăm sóc vườn tược hay vẽ tranh như những người khác đã làm, và không an tâm tin tưởng rằng tài sản của mình sẽ được bảo vệ, ông ta đã ra tay sau khi có những hứa hẹn từ bọn cầm quyền Trung Quốc, được thể hiện cụ thể qua chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Ngoại Giao Bắc Kinh Vương Nghị.

Kết quả là người dân Miến Điện sẽ bị thiệt hại. Tất cả những ai muốn tự do, đã tận hưởng sự mở cửa của thập kỷ trước, giờ đây lại bị rơi vào một kỷ nguyên mới đầy những sợ hãi và nguy hiểm. Và trên hết, các sắc dân thiểu số và các tôn giáo thiểu số của đất nước đang gặp nhiều nguy hiểm hơn.

Việc quân đội, được sự ủng hộ mạnh mẽ của hàng lãnh đạo Phật Giáo cực đoan, trở lại quyền kiểm soát trực tiếp chính phủ chỉ có thể là tin xấu đối với các sắc dân thiểu số - xung đột leo thang, tăng cường các cuộc tấn công và tiếp tục các hành động tàn bạo.

Về tự do tôn giáo, nó đẩy Miến Điện sâu hơn vào bầu không khí của chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, khiến cuộc sống đa dạng trở nên khó khăn hơn. Cuộc sống của người Công Giáo, một thiểu số chỉ có 6.4% tại quốc gia này sẽ vô cùng khó khăn.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đảo chính này cần phải rất thận trọng để dừng đẩy Miến Điện rơi ngược trở lại tầm kiểm soát của Trung Quốc như trong các thập niên trước.

Đức Hồng Y Charles Bo đã chỉ ra rằng: “những kết luận và phán xét đột ngột cuối cùng không có lợi cho dân tộc nào cả... Những biện pháp cứng rắn này đã chứng tỏ là một phước lành to lớn đối với những siêu cường đang để mắt đến tài nguyên của chúng tôi. Chúng tôi cầu xin các bạn đừng buộc những người có liên quan đến bước đường cùng là bán rẻ chủ quyền của chúng tôi”.
Source:UCANews