Suy niệm Tin mừng Gioan (1, 35-42) trích đọc vào Chúa nhật 2 thường niên
Trước năm 1960, vì chưa có vô tuyến truyền hình, nên mỗi lần có trận giao đấu giữa hai đội bóng đá mạnh, thính giả toàn quốc chỉ được nghe tường thuật về trận đấu qua làn sóng của đài phát thanh. Thật khó hình dung nổi diễn tiến trận đấu với những pha đi bóng gay cấn, những cú sút ngoạn mục khi chỉ được nghe nói bằng tai. Hiện nay, chuyện theo dõi trận đấu qua đài phát thanh đã thuộc về dĩ vãng vì ưu thế vượt trội của công nghệ truyền hình. Nhờ đủ dạng sóng truyền hình hiện đại bao trùm trái đất, người hâm mộ bóng đá từ nửa bên nầy địa cầu có thể chứng kiến, như thể tại trận, từng chi tiết, từng pha đi bóng của những cầu thủ trong những trận đấu diễn ra ở nửa bên kia trái đất. Thế là từ khi có truyền hình, người ta không còn tường thuật những trận đấu qua đài phát thanh nữa.
Hai hình thức mặc khải
Tiến trình mặc khải cũng trải qua hai chặng đường như thế. Khởi đầu, Thiên Chúa không trực tiếp tỏ mình cho loài người xem thấy nhưng chỉ phán dạy qua các ngôn sứ - như thể qua xướng ngôn viên trên các đài phát thanh - nên con người không thể biết gì về dung mạo của Thiên Chúa. Thư Do-thái viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Do-Thái 1, 1). Tiến sang giai đoạn hai, Thiên Chúa không còn mặc khải chính mình bằng lời nói, qua trung gian các ngôn sứ nữa, nhưng đã bày tỏ cách cụ thể, qua Người Con của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô. Thư Do-thái viết: “Nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh tử” (Do Thái 1, 1b). Thế là từ đây, Lời của Thiên Chúa - tức Ngôi Lời - không còn là tiếng nói từ cõi xa xăm vọng lại, nhưng đã mặc lấy một hình hài, một thân xác để cho mọi người không những được nghe tiếng mà còn có thể nhìn ngắm, đụng chạm, tiếp xúc với Ngôi Lời. Tin mừng thứ tư xác nhận: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Gioan 1, 14).
Thế là chương trình mặc khải của Thiên Chúa đã chuyển sang một khúc quanh mới: giai đoạn mặc khải qua hình ảnh, qua chân dung. Nhờ đó, nhân loại không những có thể “nghe”, mà còn được “thấy tận mắt, được chiêm ngưỡng và được chạm đến Lời” của Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô (Thư I Gioan 1, 1).
Hãy đến mà xem “Hôm ấy, ông Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa. "Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế?" Họ đáp: "Thưa Thầy, Thầy ở đâu? "Ngài bảo họ: "Đến mà xem" (Ga 1, 35-39).
Thế là hai anh em nầy không những đến xem mà còn ở lại với Chúa Giê-su, sống gắn bó với Ngài và trở thành môn đệ của Ngài. Hôm nay, cũng như với hai môn đệ xưa, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta “hãy đến mà xem” Ngài. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn xem Chúa ở đâu? - Hãy đến mà xem Chúa Giê-su tự trao hiến thân mình vì ta trong Bí tích Thánh thể: “Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em… Nầy là Máu Thầy đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội”, để nhờ đó, chúng ta cảm nhận tình yêu tự hiến cao vời của Chúa Giê-su. “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người đã hiến mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
- Hãy đến mà xem Chúa Giê-su chịu khổ hình và chết thay cho chúng ta trên Thánh giá để cảm nhận Thiên Chúa Cha yêu thương loài người đến mức tuyệt đối: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người” (Ga 3, 16).
- Hãy đến mà xem chân dung Chúa Giê-su được phác hoạ qua những trang Tin mừng, qua đó, chúng ta xem thấy lòng thương xót của Chúa Giê-su rộng mở để đón nhận hết tất cả những người tội lỗi, bần cùng, bệnh tật yếu đau …
Lạy Chúa Giê-su,
Xin giúp chúng con biết dành thời giờ để thường xuyên “đến mà xem” Chúa trong Kinh thánh, “ở lại với Ngài” nơi bí tích Thánh Thể, để rồi trở thành môn đệ thân tín của Ngài như An-rê và người bạn của ông.