Hai ngày sau khi chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Tổng Giám Mục Gomez của Los Angeles, chính thức thừa nhận chiến thắng của liên danh Biden-Harris, Tòa Thánh, qua ngòi bút xã luận của Gisotti, một cách mặc nhiên, cũng đã thừa nhận chiến thắng ấy nhưng nhấn mạnh tới nhu cầu phải lặp lại sự hợp nhất quốc gia.



Theo CNA, Tổng Giám Mục Gomez viết như sau: “Chúng tôi nhìn nhận rằng Joseph R. Biden, Jr. đã nhận đủ số phiếu để được bầu làm Tổng thống thứ 46 của Hiệp Chúng Quốc. Chúng tôi chúc mừng Ông Biden và nhìn nhận rằng ông tham gia với cố Tổng Thống John F. Kennedy như là tổng thống thứ hai của Hiệp Chúng Quốc trong việc tuyên xưng đức tin Công Giáo”.

Sau đó, Tổng Giám Mục Gomez nhận định rằng “nay là lúc để các nhà lãnh đạo của chúng ta đến với nhau trong tinh thẩn hợp nhất quốc gia và dấn thân vào đối thoại và thỏa hiệp vì thiện ích chung”.

Phần nào dựa vào nhận định ấy, Alessandro Gisotti, có lúc là giám đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, và nay ở trong ban biên tập xã luận của Bộ Truyền Thông, có bài tựa là “Hiệp Chúng Quốc: thách đố hợp nhất sau cuộc bỏ phiếu”, với nội dung như sau, dựa và ấn bản tiếng Anh của VaticanNews:

“Một nhà tự chia rẽ không thể đứng vững”. Vào ngày 16 tháng 6 năm 1858, Abraham Lincoln, một ứng cử viên Thượng viện vào thời điểm đó, đã phát biểu như thế, lấy cảm hứng từ Tin Mừng của Thánh Máccô (3:25), trong một bài diễn văn nhằm nhấn mạnh rằng nền dân chủ non trẻ của Mỹ không thể chịu đựng được việc một nửa các tiểu bang cho phép chế độ nô lệ. Bài diễn văn đó của vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ, được trích dẫn không biết bao nhiêu lần trong một thế kỷ rưỡi qua, vẫn là một huấn thị mãi mãi hiện diện với người dân Hoa Kỳ, được ghi khắc ngay trên con dấu của nó với những hạn từ được các Quốc phụ sáng lập chọn để nhắc nhớ nguyên tắc hợp nhất: E pluribus unum (từ nhiều thành một).

Đó chính là sự hợp nhất, một sự hợp nhất luôn "lớn hơn sự xung đột" như Evangelii Gaudium đã nói, được khơi dậy một cách mạnh mẽ vào thời điểm này sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gây chia rẽ và phân cực nhất trong lịch sử gần đây của đất nước. “Nay là lúc để các nhà lãnh đạo của chúng ta đến với nhau trong tinh thẩn hợp nhất quốc gia”, chủ tịch của các giám mục Hoa Kỳ, Tổng giám mục của Los Angeles, José H. Gomez, nói như thế trong thông điệp chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử, Kamala Harris. Hơn nữa, các phương tiện truyền thông Mỹ, gần như nhất trí, đặt chủ đề hòa giải dân tộc như thách thức cấp bách nhất (cùng với Covid-19 và hậu quả là cuộc khủng hoảng kinh tế) mà, kể từ ngày 20/1 tới, cư dân tiếp theo của Nhà Trắng sẽ phải đối diện.

Một cách có ý nghĩa, ngày 30 tháng 6 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tập chú vào vấn đề hợp nhất trong một thông điệp gửi cho Hiệp hội Báo chí Công Giáo, mà các tổ chức truyền thông Công Giáo ở Bắc Mỹ vốn thuộc về. Đức Giáo Hoàng nhận xét: “E pluribus unum, lý tưởng hợp nhất giữa sự đa dạng, được phản ảnh trong huy hiệu của Hoa Kỳ, cũng phải truyền cảm hứng cho việc phục vụ mà anh chị em cung ứng vì lợi ích chung. Ngày nay, điều này càng cấp thiết biết bao, trong một thời đại bị đánh dấu bởi các xung đột và phân cực mà chính cộng đồng Công Giáo cũng không miễn nhiễm. Chúng ta cần những phương tiện truyền thông có khả năng xây dựng những nhịp cầu, bảo vệ sự sống và phá đổ những bức tường, hữu hình và vô hình, vốn ngăn cản đối thoại chân thành và giao tiếp trung thực giữa các cá nhân và cộng đồng”. Những lời lẽ ấy được dành cho giới truyền thông, nhưng cũng có thể áp dụng cho các lĩnh vực khác của xã hội Hoa Kỳ.

Chắc chắn, đối với Đức Giáo Hoàng, sự hợp nhất không có nghĩa là sự độc dạng. Ngay cả trong bối cảnh đặc thù này, chúng ta được hỗ trợ bởi hình ảnh khối đa diện, mà trong viễn ảnh của Đức Phanxicô, vốn “phản ảnh sự hội tụ của mọi bộ phận của nó, mỗi bộ phận đều bảo tồn được tính khác biệt của nó”. Mô hình này càng có giá trị đối với một quốc gia, ngay từ khi ra đời, đã tự trình bày mình như đa diện: đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo. Tuy nhiên, việc tìm kiếm sự hợp nhất này - được chứng thực bởi tình bạn xã hội, nói theo Thông điệp Fratelli tutti - không phải là một mục đích ngay trong nó, nhưng nó hướng tới việc cổ vũ thiện ích của con người và cộng đồng. Hai chủ thể này vốn là trọng tâm trong bài diễn văn của Đức Phanxicô trước Quốc hội Hoa Kỳ (lần đầu tiên dành cho một vị Giáo hoàng trên Đồi Capitol), diễn ra vào ngày 24 tháng 9 năm 2015.

Huấn dụ của ngài vào dịp đó là “Nếu chính trị thực sự phải phục vụ con người, thì điều tất nhiên là nó không thể làm nô lệ cho kinh tế và tài chính. Thay vào đó, chính trị nói lên nhu cầu bắt buộc chúng ta phải sống như một, để như một chúng ta xây dựng thiện ích chung lớn nhất: tức thiện ích của một cộng đồng biết hy sinh các lợi ích riêng để chia sẻ các hàng hóa, các lợi ích, đời sống xã hội của mình, một cách hợp công lý và hòa bình”. Phát biểu trực tiếp với các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi không đánh giá thấp sự khó khăn mà việc này bao gồm, nhưng tôi khuyến khích qúy vị trong nỗ lực này”. Một lời huấn dụ mà ngày nay, trong một thời khắc rất tế nhị trong lịch sử của Hoa Kỳ, càng vang vọng một cách mạnh mẽ hơn.