Ít nhất đó cũng là nhận định của nhóm National Catholic Register (https://www.ncregister.com/news/donald-trump-and-joe-biden-campaigns-intensify-faith-outreach-efforts-with-a-focus-on-catholics).
Trái qua phải: các giaó sĩ và các nhà hoạt động cộng đồng cầu nguyện cho ứng viên Dân Chú Joe Biden tranh chức tổng thống Hoa Kỳ lúc ông này tới Nhà thờ Bethel ở Wilmington, Delaware, 1 tháng Sáu. Các người ủng hộ Tổng thống Trump đang cầu nguyện trong lúc chờ ông đến phi trường Latrobe |
Thực vậy, theo hãng tin trên, càng đến gần ngày bầu cử, các chiến dịch tranh cử của Trump và Biden càng kêu gọi các cộng đồng đức tin ủng hộ họ bằng cách làm nổi bật các vấn đề họ cho là vang dội đối với các cử tri tôn giáo.
Chiến dịch nối kết với các tín hữu tôn giáo của Trump tập chú vào các thành quả phò sinh và bảo vệ tự do tôn giáo của Tổng Thống, trong khi chiến dịch Biden nhấn mạnh tới các vấn đề như di dân và môi trường, cũng như tác phong luân lý, và tránh thảo luận lập trường ủng hộ phá thai hợp pháp của ông này.
Chiến dịch tranh cử của Trump trước nhất nhằm tăng cường nỗ lực nối vòng tay lớn với người Công Giáo vào đầu năm nay, tức ngày 2 tháng 4, với việc phát động nhóm "Người Công Giáo bỏ phiếu cho Trump". Hội đồng cố vấn gồm 33 thành viên của nhóm bao gồm đồng chủ tịch Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ và là chồng của đương kim Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh, Callista Gingrich, và một số nhà lãnh đạo phò sinh nổi tiếng như Marjorie Dannenfelser, chủ tịch của Susan B. Anthony List, Kristan Hawkins, chủ tịch Các Sinh viên Phò Sinh, và Janet Morana, giám đốc điều hành của Linh mục Phò sinh và đồng sáng lập Chiến dịch Ý Thức Không Im lặng Nữa.
Ngoài ra, nhiều diễn giả Công Giáo đã được giới thiệu tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào tháng trước, và việc trình diễn bài Ave Maria thậm chí đã kết thúc biến cố này.
Justin Clark, phó giám đốc chiến dịch tranh cử năm 2020 của Trump, nói với tờ Register rằng tổng thống “là vị tổng thống phò sinh nhất trong lịch sử, một người lớn tiếng bảo vệ tự do tôn giáo, và đã bổ nhiệm hơn 200 thẩm phán vào các tòa án liên bang.” Ông nói thêm rằng "sự tương phản không thể nào rõ ràng hơn" với cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người "đã nói rõ rằng, nếu được bầu, chính phủ của ông sẽ bỏ các nguyên tắc tự do tôn giáo, hệ thống hóa vụ Roe kiện Wade và thiết lập quyền phá thai theo yêu cầu".
Carl Cannon, trưởng phòng Chính trị của RealClear ở Washington, nói với tờ Register rằng chiến dịch Trump có chiến lược "ba mũi nhọn" để nối kết với những người có đức tin.
Ông nói: “Đầu tiên, nó muốn duy trì những người Thệ phản Phúc âm trong tầm ảnhhưởng của mình. Thứ hai, nó nhấn mạnh lời kêu gọi các người Công Giáo vốn bảo thủ về mặt tín lý trong bối cảnh liên quan đến chính trị đảng phái (tức phò sinh). Cuối cùng, và điều này chưa được chú ý nhiều, chiến dịch của Trump đang cố gắng bóc phiếu của các cử tri người Mỹ gốc Phi theo Kitô giáo - thuộc bất cứ giáo phái nào – một việc khá hiển nhiên căn cứ vào danh sách các diễn giả tại đại hội đảng Cộng hòa".
Biden tránh nói đến Phá thai
Về phần mình, chiến dịch Biden tiết lộ nhóm "Những người Công Giáo bầu cho Biden" trong tháng này với việc tập chú vào các vấn đề như xây dựng "một nền kinh tế trong đó mọi người cùng tham gia và chúng tôi bảo vệ ‘những người nhỏ bé nhất trong số này’", đóng vai trò là "người quản lý sáng thế" và theo đuổi một "Chính sách di dân nhân đạo".
Một trong các thành viên của danh sách các đồng chủ tịch được nêu tên gần đây của “Người Công Giáo bầu cho Biden” là Bộ trưởng Tư pháp California Xavier Becerra, người đã bảo vệ luật lệ của tiểu bang định rằng các trung tâm mang thai phò sinh phải cổ vũ phá thai, điều mà Tối cao Pháp viện cuối cùng đã ra phán quyết chống lại trong vụ NIFLA kiện Becerra. Danh sách này cũng bao gồm người đứng chung liên danh năm 2016 của Hillary Clinton, Thượng nghị sĩ Tim Kaine, D-Va., người, giống như Biden năm ngoái, đã thay đổi lập trường của mình vào năm 2016 để hỗ trợ việc người đóng thuế tài trợ cho việc phá thai.
Các đồng chủ tịch khác bao gồm Carolyn Woo, cựu chủ tịch của Sở Cứu trợ Công Giáo, Stephen Schneck, cựu chủ tịch khoa chính trị của Đại học Công Giáo America và là đồng chủ tịch của “Người Công Giáo bầu cho Obama” vào năm 2012, và bốn thành viên của gia đình Kennedy.
Một sự khác biệt lớn giữa các nỗ lực nối kết với đức tin của cả hai chiến dịch là, trái ngược với chiến dịch Trump tập trung vào phá thai, nghị trình của Biden đối với cộng đồng Công Giáo không đề cập đến việc phá thai, một vấn đề mà Biden mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.
Câu hỏi về việc cử tri Công Giáo tập chú sát nút ra sao vào việc phá thai đã được giải đáp vào mùa thu năm ngoái khi Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đặc biệt làm nổi bật vấn đề phá thai như “ưu tiên hàng đầu” trong lá thư mới của các giám mục cung cấp cho các công dân tín hữu của họ tài liệu hướng dẫn các cử tri Công Giáo.
Vào thời điểm đó, Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Thành phố Kansas, thuộc tiểu bang Kansas, Chủ tịch Ủy ban Các Hoạt động Phò sinh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói với tờ Register rằng phá thai là “ưu tiên hàng đầu” vì “đó là một cuộc tấn công trực tiếp vào sự sống diễn ra trong cung thánh gia đình vì vậy nó phá hủy các mối liên hệ gia đình” và cũng do “ nguyên số lượng” các trẻ em chưa sinh bị giết do phá thai, ngài nói rằng “không có gì có thể so sánh được: hơn 60 triệu em kể từ năm 1973 và vẫn còn hàng triệu em khác hàng năm”.
Theo Đức Tổng Giám Mục Naumann, sau chuyến thăm ad limina vào tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý với việc các giám mục Hoa Kỳ xác định phá thai là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, Giám mục Robert McElroy của San Diego vào thời điểm đó đã lập luận chống lại việc coi việc phá thai là “ưu tiên hàng đầu” và nói với tờ Register rằng ngài tin rằng “có ba vấn đề hàng đầu trong đời sống công cộng Hoa Kỳ ngày nay đối với công dân Công Giáo: Một là phá thai, hai là môi trường và ba là di dân".
Một số giám mục Công Giáo gần đây đã duyệt lại cuộc thảo luận đó.
Đức Hồng Y Joseph Tobin của Newark, New Jersey, đã nói trong một cuộc thảo luận hồi đầu tháng này rằng “một người có lương tâm tốt có thể bỏ phiếu cho ông Biden” và “Thành thật mà nói, theo cách nghĩ của riêng tôi, tôi có một thời gian khó khăn hơn đối với chọn lựa kia”. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Tobin sau đó đã minh xác với Hãng thông tấn Công Giáo News Agency rằng các bình luận của ngài không nhằm ủng hộ bất cứ ứng cử viên nào.
Ngược lại, Giám mục Thomas Tobin của Providence, Rhode Island, đã “tweet” vào tháng 8 rằng liên danh Biden-Harris đánh dấu "lần đầu tiên trong một thời gian là liên danh của đảng Dân chủ không có người Công Giáo nào trên đó cả", dường như ám chỉ quan điểm ủng hộ phá thai của Biden, một người Công Giáo đã rửa tội.
Giám mục Joseph Strickland của Tyler, Texas, gần đây cũng tham gia vào cuộc tranh luận, ủng hộ một video của linh mục ở Wisconsin, Cha James Altman, trích dẫn lập trường của Đảng Dân chủ về việc phá thai như một lý do để “Bạn không thể vừa là người Công Giáo vừa là Đảng viên Dân chủ”.
Các nhóm tôn giáo vận động chống lại Biden cũng tập chú vào vấn đề phá thai. Nhóm vận động chính trị Lá phiếu Công Giáo (Catholic Vote) đã công bố một tường trình toàn diện về hồ sơ phá thai và tự do tôn giáo của ông, cũng như hôn nhân, chăm sóc sức khỏe và di dân. Nhóm đã phát động một chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số và đang vận động các khu dân cư giáo xứ ở các tiểu bang xôi đậu để kêu gọi sự chú ý đến hồ sơ “chống Công Giáo” của Biden về những vấn đề này.
Người Công Giáo ‘thiện ích chung’
Những người làm công tác nối kết tôn giáo cho Biden đã lập luận rằng các vấn đề khác nên được xem xét như là "thánh thiêng không kém" vấn đề phá thai.
Trong các tài liệu mà họ cổ vũ, “Người Công Giáo bầu cho Biden” đã trích dẫn lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng dù “việc bảo vệ những đứa trẻ vô tội chưa sinh” phải “rõ ràng, chắc chắn và tha thiết… tuy nhiên, sự sống của những người nghèo, những người đã được sinh ra, những người túng thiếu, những người bị bỏ rơi và kém may mắn, những người yếu đuối dễ bị tổn thương và những người cao tuổi có nguy cơ bị trợ tử trá hình, những nạn nhân của việc buôn người, những hình thức nô lệ mới và mọi hình thức bị bác bỏ cũng thánh thiêng không kém”. Chiến dịch nối kết với đức tin của Biden đang cổ vũ tài liệu gọi người chịu coi các vấn đề như phân biệt chủng tộc, nghèo đói, di dân và chăm sóc sức khỏe như “những vấn đề thánh thiêng” là “Người bỏ phiếu theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.
Joshua Dickson, giám đốc nối kết đức tin của nhóm “Biden làm Tổng thống”, ngày 14 tháng 9 tuyên bố rằng “nghị trình Biden-Harris phù hợp sâu sắc với các giá trị thiện ích chung của người Công Giáo và những người có đức tin và phù hợp với những giá trị đó nhiều hơn những gì chúng ta thấy từ chính phủ hiện tại”.
Patrick Carolan, giám đốc nối kết Công Giáo của nhóm “Bầu chọn Thiện ích chung”, một nhóm vận động cho Biden, nói với tờ Register rằng thông điệp của Biden dành cho cử tri tôn giáo là “Joe Biden biết quan tâm; ông biết cảm thương; ông muốn mang chúng ta lại với nhau, tôn trọng chủ trương của mọi người; ông hiểu sự khác biệt ý kiến, nhưng chúng ta phải đến với nhau chứ không chia rẽ ”.
Ông nhắc đến Giám mục McElroy, người trong một bài phát biểu đầu năm nay nói rằng điều quan trọng là phải xem xét nhân cách của ứng cử viên.
Carolan nói: “Nếu bạn nhìn vào hai ứng cử viên này, không có sự so sánh nào giữa nhân cách của họ và ai là Kitô hữu nhiều hơn”.
Ông nói rằng “Tôi nghĩ người Công Giáo sẽ xem xét nhân cách của cả hai ứng cử viên. Họ chắc chắn sẽ cân nhắc về một số vấn đề, nhưng tôi cũng nghĩ rằng họ sẽ xem xét ai sẽ thể hiện tốt nhất hình ảnh Kitô hữu là gì, người Công Giáo là gì”.
Phá thai, Tự do tôn giáo
Tuy nhiên, Joshua Mercer, biên tập viên của “The Loop” trong nhóm vận động chính trị Lá Phiếu Công Giáo (Catholic Vote), nói với tờ Register rằng giáo huấn của Giáo hội về phá thai và những lo ngại ngày càng tăng về tự do tôn giáo, trên thực tế, có thể là nhân tố quyết định đối với nhiều người Công Giáo. Ông nói rằng mặc dù tự do tôn giáo có thể không phải là vấn đề hàng đầu đối với các cử tri Công Giáo, nhưng “nó có thể là loại vấn đề có thể khiến ai đó ủng hộ ứng cử viên này mà bỏ ứng cử viên khác”.
Ông nói: “Các nghiên cứu đã cho thấy rằng nếu chúng ta dùng tiền đóng thuế tài trợ cho hoạt động phá thai, thì sẽ có thêm 50,000 trẻ thơ sẽ bị giết trong năm tới và đó là điều có trên lá phiếu,” ông nói và nói thêm rằng phá thai “không còn là vấn đề duy nhất nữa”.
Ông cho rằng tự do tôn giáo ngày càng trở nên gắn liền với vấn đề sự sống, vì các đảng viên Dân chủ đã nhắm tấn công việc bảo vệ quyền phản đối dựa vào lương tâm đối với việc chi trả cho việc phá thai của Tu Chính án Hyde và đã hứa sẽ làm sống lại cuộc chiến pháp lý của chính phủ Obama với Dòng Tiểu Muội Người Nghèo về qui định ngừa thai của Đạo Luật Chăm Sóc Vừa Túi Tiền (Affordable Care Act).
Mercer nói, “Người Công Giáo là nhóm cuối cùng ủng hộ Donald Trump vào năm 2016, vì có sự dè dặt về nhân cách. … Đó là lý do tại sao có được bốn năm bảo vệ vững như đá chính sách phò sinh và tự do tôn giáo đã thực sự giúp ông ấy cải tiến cơ sở đó ”.
Ông cho biết các đảng viên Dân chủ “muốn nói về sự kiện Joe Biden đọc Kinh Mân Côi” và “tình trạng linh hồn của ông ấy là chuyện giữa ông ấy và Chúa của chúng ta, nhưng khi nói đến các quan tâm của cử tri Công Giáo, chúng tôi không muốn bị ép buộc phải trả tiền cho những ca phá thai hợp pháp”.
Cuộc thăm dò mới
Một cuộc thăm dò mới từ EWTN News và RealClear Opinion Research, diễn ra từ ngày 27 tháng 8 đến ngày 1 tháng 9, cho thấy ba vấn đề hàng đầu đối với người Công Giáo là coronavirus, với 73% người Công Giáo có khả năng là cử tri nói rằng đó là “mối quan tâm lớn”, tiếp theo là nền kinh tế và việc làm (70%) và chăm sóc sức khỏe (66%). Chỉ có 30% người Công Giáo có khả năng đi bầu gọi tự do tôn giáo và phá thai là “mối quan tâm lớn”.
Tuy nhiên, trong số những người Công Giáo chấp nhận mọi hoặc hầu hết các giáo huấn của Giáo hội, một bách phân hơi cao hơn một chút gọi phá thai (37%) và tự do tôn giáo (36%) là “mối quan tâm lớn”.
Cannon của RealClearPolitics nói với tờ Register rằng đây là “một cuộc bầu cử đại dịch” vì những lo ngại về coronavirus và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế đã vượt qua những lo ngại về các vấn đề khác như phá thai và tự do tôn giáo. Ông nói: “Tổng thống đang được đánh giá qua lăng kính này về đại dịch, và người ta cũng đang nhìn vấn đề theo cách đó”.
Tuy nhiên, Cannon nói thêm rằng ông nhận thấy các quan tâm về tự do tôn giáo “ngày càng gia tăng nơi các người Công Giáo,” và tự do tôn giáo là “một trong những vấn đề mà những người Công Giáo mộ đạo đang ăn khớp nhiều hơn với những người theo phái phúc âm”.
Ông nhấn mạnh tới các kết quả của cuộc thăm dò cho thấy 57% người Công Giáo “rất lo ngại” và 24% “hơi lo ngại” về những vụ phá hoại và tấn công nhà thờ gần đây, và 50% “rất lo ngại” trước những lời kêu gọi gỡ bỏ tượng, tranh tường và kính màu mô tả Chúa Giê-su như “người châu Âu da trắng”. Ông cho biết những người có đức tin đang đánh đồng những vấn đề đó với các cuộc tấn công vào quyền tự do tôn giáo và có mức độ lo ngại cao về nó.
Đối với những người mà các nỗ lực nối kết đức tin của họ đã được chứng minh là thành công hơn, Cannon cho biết một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy chiến dịch Trump vẫn còn nhiều việc phải làm trong lĩnh vực này.
Ông nói: “Một cuộc thăm dò hồi tháng 8 của Fox News cho thấy Biden được phái phúc âm ủng hộ nhiều hơn gấp đôi so với Hillary Clinton vào năm 2016, một điều sẽ là một tin đáng ngại đối với Trump nếu nó tiếp tục ”.
Nhưng việc lấy mẫu của cuộc thăm dò được thực hiện trước cái chết ngày 18 tháng 9 của Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Ruth Bader Ginsburg, một điều ngay lập tức gây ra một cuộc tranh luận chính trị căng thẳng về việc đề cử một thành viên mới cho tòa án này.
Cuộc tranh luận có tiềm năng thay đổi đáng kể năng động tính của cử tri về một loạt các vấn đề liên quan đến những người được đề cử vào Tối cao Pháp viện - đặc biệt bao gồm việc phá thai và tự do tôn giáo.