1. Phép lạ Serpii Maicii Domnului Lễ Đức Mẹ Lên Trời tại Hy Lạp
Tính cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này, tại Hy Lạp chỉ có 6, 632 trường hợp nhiễm bệnh và 223 trường hợp tử vong. Trong bối cảnh đó, Đài truyền hình Hy Lạp cho biết con số người hành hương Lễ Đức Mẹ Lên Trời rất đông. Trước là để cầu xin cho gia đình bình an, sau là để tạ ơn Đức Mẹ cho quốc gia này tránh được tai họa khủng khiếp về nhân mạng và kinh tế.
Năm nay, số người đến tu viện Chính Thống Giáo trên đảo Kefalonia để tận mắt chứng kiến phép lạ Serpii Maicii Domnului đông hơn rất nhiều so với những năm trước.
Hàng năm từ mùng 5 tháng 8 đến 15 tháng 8, các tín hữu Chính Thống Giáo mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời tại tu viện Dormition of the Theotokos, nghĩa là Mẹ Thiên Chúa an nghỉ. Đó là một tu viện nổi tiếng trên hòn đảo Kefalonia của Hy Lạp.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một hiện tượng rất siêu tự nhiên. Trong thời gian 10 ngày mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời từng đàn rắn từ biển bò lên và tụ tập chung quanh một ảnh tượng Đức Mẹ. Những con rắn này được gọi là Serpii Maicii Domnului, nghĩa là rắn của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.
Chúng rất hiền lành, không cắn ai. Các tín hữu có thể để chúng bò trên mặt mình. Các tín hữu Chính Thống Giáo tin rằng đây là một phép lạ diễn ra hàng năm. Năm nào không xảy ra hiện tượng này thì đó là một điềm xấu.
Những năm loài rắn đã không xuất hiện trên đảo là vào Thế chiến thứ Hai, và vào năm 1953, khi hòn đảo này xảy ra một trận động đất lớn.
Theo truyền thống, phép lạ này bắt đầu diễn ra vào năm 1705, khi các nữ tu của tu viện sắp bị những tên cướp biển tấn công.
Truyền thuyết kể rằng các nữ tu đã cầu nguyện nhiệt thành với Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ biến các chị thành rắn để tránh bị bắt hay làm sao cho tu viện có đầy rắn để xua đuổi những tên cướp biển. Cuối cùng họ đã được cứu.
Kể từ đó, mỗi năm ngay trước dịp lễ, một đàn rắn lại bò từ biển vào tu viện như thể để tôn vinh Đức Mẹ. Sau lễ chúng rút hoàn toàn ra biển không còn con nào sót lại trên đảo.
2. Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã không ngừng gia tăng trong thời gian gần đây.
Diễn biến chúng tôi đã tường trình với quý vị và anh chị em là ngày 10 tháng 07, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký sắc lệnh biến nó thành đền thờ Hồi giáo và ngày 24 tháng 07, buổi cầu nguyện đầu tiên của Hồi giáo đã diễn ra trong đền thờ.
Ðền thờ Hagia Sophia - Sự Khôn ngoan của Thiên Chúa - được xây dựng vào năm 537 như nhà thờ chính tòa của Tòa Thượng phụ Constantinople. Năm 1453, sau khi đế quốc Ottoman chiếm thành phố này, đền thờ bị biến thành đền thờ Hồi giáo. Năm 1934, đền thờ được chuyển thành bảo tàng viện.
Các vị lãnh đạo tôn giáo trên toàn thế giới, trong đó có Ðức Thánh Cha Phanxicô, đã lên án việc thay đổi này. Ðức Thánh Cha nói rằng ngài rất đau lòng khi đền thờ Hagia Sophia bị biến thành đền thờ Hồi giáo
Căng thẳng lại bùng nổ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương cử một tàu tìm dầu vào vùng biển tranh chấp với Hy Lạp.
Pháp đã mau chóng tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của họ ở Đông Địa Trung Hải.
Bộ quốc phòng Pháp cho biết hôm thứ Năm rằng “Pháp sẽ cử khu trục hạm Lafayette và hai chiến đấu cơ Rafale đến khu vực tranh chấp trong một kế hoạch tăng cường quân sự”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gọi tình hình ở Đông Địa Trung Hải là “đáng lo ngại”, ông kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngưng những hoạt động tìm kiếm “đơn phương” để “cho phép sự đối thoại hòa bình” giữa các thành viên NATO là hàng xóm với nhau.
“Tôi quyết định củng cố sự hiện diện quân sự của Pháp ở đông Địa Trung Hải một cách tạm thời trong những ngày tới, đã có sự hợp tác của các đối tác ở châu Âu, trong đó có Hy Lạp”, ông Macron cho biết trên Twitter vào hôm thứ Tư.
Theo một nguồn tin quốc phòng cuả Hy Lạp thì quân đội Pháp đã tiến hành các cuộc tập trận với lực lượng Hy Lạp ở ngoài khơi cuả đảo Crete, đây là một biểu hiện cho thấy sự ủng hộ của ông Macron với Hy Lạp.
“Ông Emmanuel Macron là một người bạn thực sự của Hy Lạp và là người bảo vệ các giá trị Âu châu và luật pháp quốc tế một cách nhiệt thành”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã tweet bằng tiếng Pháp sau một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là 2 đồng minh trong khối NATO, đã bất đồng một cách kịch liệt về những tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong vấn đề thềm lục địa, dựa trên quan hai điểm trái ngược nhau về phạm vi thềm lục địa cuả các đảo rải rác của Hy Lạp.
Vùng đó cũng là vùng biển giàu khí đốt và đã là nguồn tranh chấp thường xuyên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Síp và Israel.
3. Cuộc gặp gỡ Giới trẻ Âu châu Taizé bị hoãn lại một năm vì đại dịch.
Vì đại dịch Covid-19, cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô Âu châu lần thứ 43, do Tu viện đại kết tổ chức, dự kiến từ ngày 28 đến 31 tháng 12 năm 2020, tại thành Torino bị hoãn lại một năm, và sẽ tiến hành từ 28 đến 31 tháng 12 năm 2021.
Cho đến nay, người ta không chắc chắn về diễn tiến lan lây của nạn dịch trong những tháng sắp tới. Tu viện Taizé cũng như cộng đoàn giáo phận Torino mong muốn có những điều kiện an ninh y tế cho tất cả mọi người, nên đã đi tới quyết định trên đây. Lý do vì, trong những ngày gặp gỡ, các bạn trẻ sẽ được đón tiếp trong các gia đình, viếng thăm các bảo tàng viện, gặp gỡ dân chúng và các cộng đoàn địa phương, và tham dự những cuộc gặp gỡ cầu nguyện, suy niệm và đặc biệt là chiêm ngắm Khăn Liệm thánh ở nhà thờ chính tòa Torino. Các hoạt động đó phải diễn ra trong các điều kiện hoàn toàn an ninh về y tế.
Cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô Âu châu hồi cuối năm 2019, đã được tu viện Taizé tổ chức tại thành phố Breslavia bên Ba Lan, với sự tham dự của 15, 000 bạn trẻ đến từ các nước Âu châu, Liban và Nhật Bản, và có chủ đề là “Luôn luôn trên đường, không bao giờ bị mất gốc”.
Cộng đoàn tu viện Taizé được thầy Roger Schutz, người Thụy Sĩ, thuộc Giáo hội Tin lành cải cách thành lập cách đây 76 năm, cụ thể là năm 1944, bên Pháp, và hiện có khoảng 100 tu huynh thuộc các hệ phái Kitô khác nhau. Bề trên tu viện hiện nay là thầy Alois Loser, người Ðức, thuộc Giáo Hội Công Giáo.