Đức Hồng Y Joseph Ratzinger |
Bài đọc thứ nhất đưa ra một hình ảnh tiên tri về chân dung của Đấng Mêsia - một chân dung nhận được toàn bộ ý nghĩa từ giây phút mà Chúa Giêsu đọc văn bản này trong hội đường Nazarét, khi Ngài tuyên bố “Hôm nay đã ứng nghiệm những lời Kinh Thánh này” (Lc 4:21). Ở trọng tâm đoạn văn của ngôn sứ, chúng ta tìm thấy một câu mà - ít là thoạt đầu - có vẻ mâu thuẫn. Đấng Mêsia, khi nói về chính Người, cho biết Ngài được sai đến để “công bố một năm hồng ân của Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta” (Is 61:2). Chúng ta vui mừng nghe lời công bố năm hồng ân: hồng ân Chúa áp đặt giới hạn cho sự ác như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói với chúng ta. Chúa Giêsu Kitô là hiện thân của lòng thương xót Chúa: gặp gỡ Đức Kitô là gặp gỡ lòng thương xót Thiên Chúa; sứ mạng của Chúa Kitô trở thành sứ mạng của chúng ta qua việc xức dầu tư tế; chúng ta được mời gọi để công bố - không chỉ bằng lời nói nhưng bằng chính đời sống chúng ta và với những dấu chỉ hiệu quả của các bí tích là “năm hồng ân của Thiên Chúa”. Nhưng tiên tri Isaia muốn nói gì khi ngài loan báo “một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta”? Tại Nazarét, khi đọc những lời tiên tri này, Chúa Giêsu đã không đọc những lời này - Ngài kết thúc ở chỗ loan báo năm hồng ân. Phải chăng đây là duyên cớ cho những lời xào xáo thốt lên sau bài giảng của Ngài? Chúng ta không biết. Dẫu sao, Thiên Chúa đã đưa lời bình luận chân thật của Ngài cho những lời này qua cái chết trên Thánh Giá.
“Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá”(1 Pet 2:24). Và Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Galát : “Đức Ki-tô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ! Như thế là để nhờ Đức Giê-su Ki-tô, các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Áp-ra-ham, và để nhờ đức tin, chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thần Khí.” (Gal 3:13).
Lòng thương xót Chúa không phải là hồng ân có thể hạ giá, lòng thương xót Chúa không đòi hỏi sự tầm thường hóa sự ác. Đức Kitô mang trong thân thể Ngài toàn bộ gánh nặng của sự ác, toàn thể quyền năng hủy diệt của nó. Ngài đốt cháy và chuyển hóa sự ác nơi sự đau khổ của Ngài, nơi lửa của tình yêu khổ đau. Ngày báo phục và năm hồng ân trùng hợp nơi mầu nhiệm Vượt Qua, nơi Chúa Kitô đã chết và đã Phục Sinh. Đây là sự báo phục của Thiên Chúa: Chính Ngài, nơi ngôi Con, chịu đau khổ vì chúng ta. Càng bị động đến bởi lòng thương xót Chúa bao nhiêu, chúng ta càng tiến sâu hơn vào tình liên đới với sự đau khổ của Ngài - chúng ta sẽ trở nên sẵn sàng để bổ sung trong thân xác chúng ta “điều thiếu sót nơi những thương tích của Đức Kitô” (Col 1:24).
Chúng ta hãy bước sang bài đọc thứ hai, thư gởi Êphêsô, mà nòng cốt là bàn đến ba vấn đề: thứ nhất là những tác vụ và những đặc sủng của Giáo Hội, như những hồng ân của Chúa Phục Sinh, Đấng đã lên trời; thứ hai là sự trưởng thành trong đức tin và tri thức về Con Thiên Chúa, như điều kiện và nội dung của sự hiệp nhất trong thân thể Chúa Kitô; và cuối cùng là sự dự phần trong sự lớn mạnh của thân mình Chúa Kitô, nghĩa là sự chuyển hóa thế giới trong sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Ở đây chúng ta chỉ dừng lại ở hai điểm. Thứ nhất là hành trình tiến đến “sự trưởng thành trong Chúa Kitô”, hay, theo như văn bản Hy lạp “thước đo sự viên mãn về Chúa Kitô” mà chúng ta được mời gọi để trưởng thành thực sự trong đức tin. Chúng ta không thể cứ mãi là những trẻ thơ trong đức tin, trong trạng thái vị thành niên. Cứ mãi là những trẻ thơ trong đức tin nghĩa là gì? Thánh Phaolô trả lời: nghĩa là “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý.. ” (Eph 4:14). Một diễn tả rất thời sự!
Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng … Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này - trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc(x Eph 4:14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.
Trái lại chúng ta có một mẫu mực khác, đó là Con Thiên Chúa, là người thật. Ngài là thước đo của chủ nghĩa nhân bản đích thật. Đức tin “trưởng thành” không phải là một đức tin trôi theo những làn sóng thời thượng hay mốt mới. Đức tin với vóc dáng đầy đủ và trưởng thành là một đức tin ăn rễ sâu xa nơi tình bằng hữu với Chúa Kitô. Đó là tình bằng hữu mở lòng chúng ta cho tất cả những gì là thiện hảo và cho chúng ta những tiêu chuẩn để phân biệt giữa đúng và sai, giữa giả trá và chân thật. Chúng ta phải đạt đến mức trưởng thành trong đức tin chín chắn này và chúng ta phải hướng dẫn đàn chiên Chúa đến với đức tin này. Và đó là đức tin – và chỉ có đức tin ấy kiến tạo sự hiệp nhất được thực hiện trong đức bác ái. Về vấn đề này, thánh Phaolô mang lại cho chúng ta những lời thật đẹp trái với những lời vòng vo lên xuống của những kẻ như trẻ thơ bị vùi giập theo làn sóng. Ngài nói hãy thực thi chân lý trong tình bác ái, vì đó là công thức căn bản cho sự hiện hữu Kitô Giáo. Chân lý và yêu thương đồng quy nơi Đức Kitô. Chân lý và bác ái đồng nhất với nhau tùy theo mức độ gần gũi của chúng ta với Chúa Kitô trong cuộc sống của chúng ta. Tình yêu mà không có chân lý chỉ là tình yêu mù quáng; chân lý mà không có yêu thương chỉ là “não bạt phèng la” mà thôi(1 Cor:13-1).
Giờ đây chúng ta hãy hướng sự chú ý đến bài Tin Mừng, từ sự phong phú của bài này, tôi muốn trích ra chỉ hai nhận xét nhỏ này. Chúa nói với chúng ta những lời thật đẹp này: “Thầy sẽ không gọi anh em là tôi tớ …Thầy gọi anh em là bạn hữu thân tình” (Ga 15:15). Rất thường chúng ta cảm thấy - và đúng như thế - rằng chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng (x Lc 17: 10). Chúa định nghĩa tình bạn bằng hai cách. Thứ nhất là không có gì bí mật giữa những bằng hữu với nhau: Chúa Kitô cho chúng ta biết những điều Ngài đã nghe biết từ Cha Ngài; Ngài tin cậy chúng ta hoàn toàn, và với niềm tin tưởng này, Ngài ban cho chúng ta tri thức. Ngài mạc khải thánh nhan và tâm hồn Ngài cho chúng ta. Ngài tỏ cho ta thấy sự dịu dàng của Ngài, tình yêu nồng nhiệt của Ngài đi xa đến sự điên rồ của Thánh Giá. Ngài phó thác chính Ngài cho chúng ta, Ngài ban cho chúng ta năng quyền nói với tiếng “Tôi” của Ngài: “Đây là mình Thầy” “Tôi tha tội cho anh chị em..”. Ngài phó thác thân thể của Ngài, là Giáo Hội, cho chúng ta. Ngài tín thác vào những trí óc dại khờ chúng ta, đôi tay yếu đuối chúng ta sự thật của Ngài - mầu nhiệm của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; mầu nhiệm của Thiên Chúa “đã yêu thế gian đến độ ban cho người Con duy nhất của Ngài” (Ga 3:16). Ngài đã làm bạn với chúng ta - và chúng ta đáp lại như thế nào?
Yếu tố thứ hai, trong đó Chúa Giêsu định nghĩa tình bằng hữu là sự hiệp thông ý chí. "Idem velle -- idem nolle" (Đồng tâm – hiệp ý), đây cũng là cách thức những người La Mã Cổ định nghĩa tình bạn. “Anh em là bằng hữu của Thầy nếu anh em thi hành lệnh Thầy truyền cho anh em”. (Ga 15:14). Tình bằng hữu của Chúa Kitô trùng hợp với điều được diễn tả trong lời thỉnh cầu thứ ba trong kinh “Lạy Cha”: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Trong giờ phút nơi vườn Giệtsimani, Chúa Giêsu chuyển hóa ý chí thừng tình, nổi loạn của chúng ta thành một ý chí tương ứng và hiệp nhất với thánh ý Chúa. Ngài chịu đựng toàn bộ thảm kịch của sự tự trị của chúng ta - và chính xác hơn đã ban cho chúng ta tự do bằng cách đưa ý chí chúng ta vào bàn tay Thiên Chúa “xin đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha” (Mt 26:39). Sự cứu chuộc chúng ta đạt được trong sự hiệp thông ý chí này: trở nên bạn hữu của Chúa Giêsu, trở nên bạn hữu với Thiên Chúa. Chúng ta càng yêu mến Chúa Giêsu, sự tự do đích thực của chúng ta càng triển nở, niềm vui được cứu chuộc lớn theo. Xin cám tạ Chúa Giêsu vì tình bạn của Chúa!
Yếu tố khác của Tin Mừng tôi muốn suy tư là điều Chúa Giêsu nói về việc sinh hoa trái: “Thầy cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15:16). Nơi đây tỏ hiện chiều kích sinh động về sự hiện hữu của một Kitô hữu; một tông đồ: Thầy cắt cử anh em đi.
Chúng ta cần phải đầy lòng an vui thánh thiện: sự an vui mang đến cho mọi người hồng ân của đức tin, của tình bằng hữu với Chúa Kitô. Thật vậy, tình yêu và tình bạn của Thiên Chúa được trao cho chúng ta để đến với những người khác nữa. Chúng ta nhận được đức tin ngõ hầu trao ban cho người khác - chúng ta là những linh mục để phục vụ những người khác. Và chúng ta phải sinh hoa trái trường tồn. Mọi người đều muốn để lại dấu tích trường tồn. Nhưng để lại điều gì? Tiền bạc chăng? Không phải. Ngay cả các dinh thự cũng không trường tồn: sách vở cũng không. Sau một thời gian nhất định, sớm hay muộn, tất cả những thứ này biến mất. Điều còn mãi, còn mãi thiên thu, là linh hồn con người, con người đã được Chúa tạo dựng cho vĩnh cửu. Hoa trái tồn tại, do đó, là những gì chúng ta gieo nơi các linh hồn con người - tình yêu, tri thức, cử chỉ đánh động tâm hồn, những lời mở lòng ra cho niềm vui của Thiên Chúa. Vì thế khi chúng ta tiến bước và cầu nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta sinh hoa kết quả, một hoa trái tồn tại. Chỉ trong cách thế này trái đất mới có thể biến đổi để thoát khỏi một thung lũng đầy nước mắt.
Lần nữa, chúng ta hãy hướng đến Thư gửi tín hữu Êphêsô. Thư này nói với những lời của Thánh Vịnh 68 rằng Chúa Kitô, khi lên trời “đã ban ơn sủng của Ngài cho nhân loại” (Eph 4:8). Người chiến thắng phân phối tặng vật. Và những tặng vật này là các tông đồ, các tiên tri, những nhà truyền giáo, những mục tử và thầy dạy. Sứ vụ của chúng ta là một ơn sủng từ Chúa Kitô cho nhân loại, để xây dựng nhiệm thể Ngài - một thế giới mới. Chúng ta hãy sống sứ vụ của chúng ta theo cách thế này, như quà tặng của Chúa Kitô cho nhân loại! Nhưng trong giờ phút này đây, trên tất cả, chúng ta hãy cầu nguyện với sự kiên trì lên Thiên Chúa sao cho sau ơn sủng của Ngài là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Ngài lại ban cho chúng ta lần nữa một mục tử theo lòng nhân hậu của Ngài, một mục tử sẽ dẫn dắt chúng ta nhận biết Chúa Kitô, đến với tình yêu của Ngài, đến với niềm vui chân thật. Amen.