1. 146 Giám mục Ba Tây chỉ trích việc đối phó với đại dịch coronavirus của Tổng thống Jair Bolsonaro.
Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này, tử vong toàn thế giới đã lên đến hơn 683, 000 người, trong số hơn 17, 758, 000 trường hợp nhiễm coronavirus.
Riêng tại Ba Tây, tử vong tại quốc gia này đã lên đến hơn 93, 000 người, trong số hơn 2, 667, 000 trường hợp nhiễm coronavirus.
Trong bối cảnh đó, hôm 26 tháng 07 năm 2020, báo Folha de S. Paulo của Ba Tây đã đăng một bản thảo bức thư có chữ ký của 146 giám mục Ba Tây với những lời phê bình cứng rắn cách đối phó với đại dịch coronavirus của Tổng thống Jair Bolsonaro.
Lá thư có tựa đề “Thư của Dân Chúa” nói rằng Ba Tây đang phải đối mặt với một trong những thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử, những căng thẳng chính trị hiện tại ở nước này là do cách điều hành của Tổng thống, và phê bình chính phủ quá bất tài trong việc quản lý khủng hoảng.
Dù số ca nhiễm tại Ba Tây đã lên quá cao như thế, ông Bolsonaro đã không tuyên bố phong tỏa toàn quốc. Ông thường cố gắng giảm nhẹ tính nghiêm trọng của dịch bệnh, gọi đó là “cúm nhẹ”.
Thư của các giám mục Ba Tây nói đến những vấn đề mà châu Mỹ Latinh đang gặp phải, trong đó nói đến khủng hoảng sức khỏe chưa từng có ở Ba Tây cộng với sự sụp đổ kinh tế và căng thẳng ảnh hưởng đến nền tảng của nền Cộng hòa, chủ yếu do Tổng thống và các bộ phận xã hội khác gây nên, dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc.
Ðề cập đến bối cảnh chính trị, bức thư nói rằng cuộc khủng hoảng đã chứng minh cho sự bất lực và không có khả năng của Chính phủ Liên bang khi đối mặt với cuộc khủng hoảng đó. Các giám mục tuyên bố chính sách tự do hóa gần đây về lao động và lương hưu của Tổng thống đã làm cuộc sống của người nghèo trở nên tồi tệ hơn. Các ngài cáo buộc chính phủ đã coi thường các doanh nhân nhỏ, những người chịu trách nhiệm tạo ra hầu hết các công việc ở Ba Tây, và ưu tiên cho các nhóm tài chính là những nhóm không sản xuất ra bất cứ thứ gì.
Các giám mục khẳng định Chính phủ Liên bang đã gần trở thành chế độ độc tài và sử dụng các chiến thuật đáng phê bình, như hỗ trợ và khuyến khích các hành động chống lại dân chủ, tự do hóa luật pháp về buôn bán và sử dụng súng của người dân, và khuyến khích các hoạt động truyền thông đáng nghi ngờ, như tin tức giả mạo, huy động hàng loạt những người theo dõi quá khích.
Kết thúc lá thư, các giám mục kêu gọi một cuộc đối thoại toàn quốc rộng rãi bao gồm các nhà hoạt động nhân quyền, mọi người dấn thân cho nền dân chủ, các phong trào xã hội, những người nam nữ có thiện chí, để thiết lập lại sự tôn trọng đối với Hiến pháp và pháp quyền.
2. Viện dẫn lý do đại dịch coronavirus chính quyền Hương Cảng trì hoãn bầu cử cả một năm
Đặc khu trưởng của Hương Cảng là bà Carrie Lam, hay còn gọi là Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đã công bố quyết định trì hoãn các cuộc bầu cử hội đồng lập pháp cả đến một năm, với lý do có sự hồi sinh trong các trường hợp nhiễm coronavirus.
Các nhà phê bình đã lên tiếng chê bai quyết định này, và coi đó là hoạt động mới nhất trong một loạt các động thái gần đây nhằm kiềm chế quyền tự chủ đã rất hạn chế của Hương Cảng. Quyền tự chủ đó được đảm bảo trong 50 năm sau khi chấm dứt sự cai trị của Anh và bàn giao cho Trung Quốc vào năm 1997.
Lam, người được Bắc Kinh hậu thuẫn, đã viện dẫn quyền lực trong thời kỳ khẩn cấp để hoãn các cuộc bầu cử, dự kiến vào ngày 6 tháng 9 năm nay, sang tháng 9 năm sau 2021.
“Đó là quyết định rát khó khăn, ” Lam nói với các phóng viên hôm thứ Sáu, mặc dù biết rõ sẽ không có mấy người tin vào luận điểm của bà ta.
Bà Lam nói thêm: “Nhưng tôi phải xem xét sự an toàn công cộng và tình trạng sức khỏe của tất cả cư dân Hương Cảng, ” và lưu ý rằng số ca nhiễm coronavirus được xác nhận ở Hương Cảng đã tăng gấp đôi trong sáu tuần qua.
Từ ngày 13 tháng 6 đến ngày 5 tháng 7, không có trường hợp lây truyền tại địa phương ở Hương Cảng. Các trường học bắt đầu mở cửa trở lại vào cuối tháng 5 nhưng đã đóng cửa vào giữa tháng 7, vì số trường hợp bắt đầu tăng lên. Chính quyền Hương Cảng gọi đó là làn sóng nhiễm trùng thứ ba. Tính đến tối thứ Sáu, đã có 3, 273 trường hợp nhiễm coronavirus ở Hương Cảng.
3. Các tội oán ghét chống Kitô hữu tại Ấn Ðộ tăng hơn 40% trong thời kỳ đại dịch.
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hiện nay tại Ấn Ðộ, các tội ác oán ghét chống các tín hữu Kitô tại nước này gia tăng hơn 40%, theo phúc trình thường niên của tổ chức “Persecution Relief”, Cứu trợ Bách hại, công bố hôm 28 tháng 7 năm 2020. Tổng số các vụ xảy ra từ tháng Giêng đến tháng Sáu năm 2020 là 293 vụ.
Ðây là một tổ chức đại kết, từ nhiều năm nay vẫn theo dõi và tố giác những hành vi bạo lực chống các Kitô hữu tại Ấn Ðộ. Các nhà nghiên cứu và soạn các phúc trình này cho biết, những vụ được ghi nhận có bằng chứng chỉ là một phần nhỏ so với thực trạng bạo hành chống các tín hữu Kitô tại Ấn. Ông Shibu Thomas, sáng lập viên tổ chức Cứu trợ Bách hại nói rằng: “Sự tàn ác của những tội phạm đó cho thấy não trạng sa đọa và thái độ cực đoan cuồng tín trong thời đại ngày nay.”
Ấn Ðộ hiện nay đang do đảng Ấn giáo BJP cầm quyền, trong đó có phe cực đoan, vốn chủ trương đạt tới một quốc gia Ấn giáo, nơi mà các tôn giáo khác không được quyền có chỗ đứng.
Phúc trình khẳng định những điều đã được các tổ chức nhân quyền khác tố giác về sự chèn ép tôn giáo thiểu số tại Ấn Ðộ. Trong bảy năm qua, Ấn Ðộ được liệt vào danh sách của tổ chức Open Doors, Những cánh cửa mở, về các nước cần bị canh chừng, theo đó Ấn Ðộ từ vị trí 31 nhảy lên vị trí thứ 10 trong danh sách các nước bách hại tín hữu Kitô.
Ba bang bị coi là nguy hiểm nhất đối với các tín hữu Kitô tại Ấn Ðộ, là Jharkhand ở miền đông bắc, Odisha và Chhattisgard, là những nơi có sáu Kitô hữu bị giết trong sáu tháng đầu năm 2020. Trong số các nạn nhân, có hai phụ nữ Kitô bị hãm hiếp và bị giết vì đức tin. Ba người khác, gồm hai nữ tín hữu và một bé gái 10 tuổi bị hiếp vì từ chối không bỏ đạo Kitô họ mới theo.
Phúc trình năm 2020 của Ủy ban thuộc Bộ ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo quốc tế, đã xếp Ấn Ðộ cùng với Trung Quốc và Bắc Hàn vào số những nước cần được chú ý đặc biệt về vấn đề hạn chế tự do tôn giáo.