Nếu tình hình tại Trung Quốc hiện nay không thay đổi, đảng cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục nắm quyền, nước ta có nguy cơ mất độc lập tự chủ và trở thành một tỉnh của Tầu.

Nếu nhân đại dịch coronavirus kinh hoàng này Trung Quốc ngoi lên địa vị bá chủ thế giới, nguy cơ trở về thời kỳ 1,000 năm nô lệ giặc Tầu của chúng ta trở thành một điều đương nhiên.

Các chính khách cánh tả tại Tây Âu đang nồng nhiệt ca ngợi vai trò bá chủ thế giới của Trung Quốc. Cả cái Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, cũng nồng nhiệt ủng hộ bọn cầm quyền Bắc Kinh. Nhưng liệu Trung Quốc đã thực sự trở nên giàu có và mạnh mẽ chưa?

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi nhận định sau trên UCANews của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, một người Trung Hoa.


Trước những gương xấu của chủ nhân, người dân Trung Quốc đã đánh mất những đức tính truyền thống của họ

Một đại dịch mang chiều kích cánh chung tiếp tục gây ra sự mất mát khôn lường về sinh mạng và các nguồn lực kinh tế. Chúng ta chưa thấy sự kết thúc của đại dịch đó, nhưng chúng ta có thể và phải nắm bắt một số sự thật rõ ràng và phân tích mối quan hệ nhân quả của chúng. Chỉ khi làm như vậy, chúng ta mới có thể chuẩn bị cho việc xây dựng lại xã hội và đem lại sự bảo vệ mới cho tương lai nhân loại.

Thực tế là: một đại dịch bắt đầu ở Trung Quốc và nó lan nhanh trên toàn thế giới.

Phân tích: phải có một cái gì đó liên hệ tới toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa là một thực tế, và việc di chuyển tăng lên của một số lượng khổng lồ những con người đã giải thích sự lây lan nhanh chóng của đại dịch, một phần nào đó. Nhưng tiến bộ hiện đại trong truyền thông lẽ ra đã có thể đưa ra một sự báo động kịp thời và kềm hãm sự lây lan đó. Rõ ràng là có gì đó đã sai lầm.

Chúng ta hãy nhớ rằng toàn cầu hóa là một hiện tượng hai mặt: nó có thể tốt, nó có thể xấu, nó phụ thuộc vào cách chúng ta quản lý nó.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã từng phân biệt một sự “toàn cầu hóa đoàn kết” với một sự “toàn cầu hóa gạt sang bên lề”. Một cái được điều hành bởi những người quan tâm đến lợi ích thực sự của tất cả mọi người, cái kia được điều khiển bởi lợi ích ích kỷ của các cá nhân và các nhóm.

Đó cũng là cơ hội để ghi nhớ những gì đã được Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI nói: Tiến bộ thực sự là khi mọi người cùng tiến bộ và toàn bộ con người tiến bộ. Với những tiền đề đó, chúng ta hãy đi kiểm tra thực tế hiện nay, đặc biệt thực tế có liên quan đến Trung Quốc.

Nhiều người hoan nghênh sự xuất hiện của toàn cầu hóa: với việc thế giới trở thành một “ngôi làng”, một “gia đình lớn”, một sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn, những người giàu và mạnh có thể giúp đỡ người nghèo và người yếu. Nhưng, than ôi, kết quả thực tế rất đáng thất vọng. Tại sao tất cả những cuộc biểu tình thường là đẫm máu được tổ chức tại các địa điểm các cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới? Câu trả lời là: người nghèo của các nước nghèo không cảm thấy họ nhận được sự giúp đỡ nào từ nền kinh tế toàn cầu hóa này của thế giới.

Những người đang vận hành toàn cầu hóa kinh tế là những người giàu và mạnh của thế giới: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, v.v... Họ có ý giúp đỡ các nước nghèo, nhưng rất thường khi họ kết thúc bằng cách giúp đỡ chính phủ của các nước nghèo, những người giàu và mạnh ở những nước đó, chứ không phải những người dân nghèo, vì những người dân nghèo của các nước nghèo chưa được mời tham gia tích cực vào quá trình này.

Các nhà quản lý toàn cầu hóa lập kế hoạch cho nền kinh tế thế giới nhưng hiếm khi xét đến hoàn cảnh và nhu cầu thực tế của địa phương. Chính quyền địa phương và các nhà điều hành khác, giàu có và quyền lực, có lẽ quan tâm nhiều hơn đến việc đưa tiền vào túi riêng của họ hơn là giúp đỡ những người dân nghèo của đất nước họ.

Trung Quốc bước vào thế giới

Tại thời điểm khi tất cả những điều này đang trở nên rõ ràng, Trung Quốc bước vào sân khấu thế giới, xưa là một quốc gia nghèo bây giờ giàu có và mạnh mẽ, là hình mẫu và lãnh đạo của các quốc gia châu Á và châu Phi. Trung Quốc mang đến cho họ niềm hy vọng về một xã hội ngay chính hơn, công bằng hơn, thịnh vượng hơn.

Có nhiều điều để thảo luận về một nhận thức như vậy. Trung Quốc đã thực sự trở nên giàu có và mạnh mẽ chưa? Chúng ta phải phân biệt giữa người dân và quốc gia. Trung Quốc trở nên giàu có và mạnh mẽ bởi vì người dân của họ chăm chỉ và học hỏi nhanh. Là quốc gia đông dân nhất, Trung Quốc trở thành nhà cung cấp lao động khổng lồ trên thế giới, có khả năng sản xuất khổng lồ và mang tiền vào kho bạc của quốc gia.

Nhưng còn người dân thì sao? Trong một chế độ toàn trị, người dân đóng góp vào sự giàu có của quốc gia, nhưng họ không có được sự chia sẻ công bằng về sự thịnh vượng của nó. Ở Trung Quốc, người dân là nô lệ dưới đảng cộng sản Trung Quốc. Nô lệ không được phép có nhân phẩm xa xỉ. Dưới sự thống trị và trước gương xấu của chủ nhân, người dân Trung Quốc đã mất đi những đức tính truyền thống. Trong một thế giới đấu tranh để sinh tồn, họ tìm cách nói dối và bạo lực, giống như chủ nhân của họ. Trung Quốc trở thành mối đe dọa cho thế giới.

Thế giới hẳn đã có cơ hội nhận thức được tất cả những điều này, nhưng họ có thể chưa bao giờ nghe nói về nhiệm vụ “đầu tư đạo đức” và “tiêu dùng đạo đức” cho đến khi họ nhận ra rằng họ là đồng phạm trong việc nuôi dưỡng một con quái vật nguy hiểm.

Đặng Tiểu Bình, người khởi xướng chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc, đã từng nói rằng để quốc gia trở nên giàu có, bạn phải cho phép ai đó làm giàu trước. Nhưng ai có thể là những người đầu tiên trở nên giàu có và trong bao lâu? Rõ ràng là những người nắm quyền lực, các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc, và một khi họ trở nên giàu có, họ sẽ mạnh hơn và họ có thể duy trì như vậy mãi mãi.

Bây giờ, để đảng cộng sản Trung Quốc chuyển từ việc là những nhà tư bản bóc lột đồng hương của họ sang trở thành những tên đế quốc bóc lột các quốc gia khác, chỉ còn một bước nữa.

Theo dự án “ Một Vành đai, Một Con đường”, nghĩa là Con đường Tơ lụa hiện đại, Tập Cận Bình tự giới thiệu mình với nhiều quốc gia châu Á và châu Phi như một vị cứu tinh, là người có thể giải thoát họ khỏi cảnh nghèo đói mà những tên thực dân đã để lại.

“Chúng tôi cho bạn mượn tiền, đặc biệt là để xây dựng cơ sở hạ tầng, là nền tảng của tiến bộ”. Những người cộng sản “cho vay tiền”, họ không bao giờ làm “quà”.

“Chúng tôi cung cấp cho bạn kiến thức chuyên môn và chúng tôi cử người lao động đi làm việc”. Rõ ràng là bạn phải trả tiền cho tất cả những điều này. Điều đó có nghĩa là tiền đã vay quay trở lại Trung Quốc.

Khi họ không thể trả lại tiền, họ được yêu cầu thanh toán bằng các quyền lợi và các ưu tiên độc quyền, hoặc thậm chí bằng việc nhượng bộ lãnh thổ và các cảng trong 99 năm. Những tên thực dân mới tồi tệ hơn những tên thực dân cũ!

Một đại dịch bùng nổ, một thảm họa thế giới. Đó là một sự thức tỉnh cho mọi người. Đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn nghiêm túc về hành trình trong lịch sử của nhân loại chúng ta. Chúng ta có thể tự hào về tiến bộ khoa học của mình, tự hào về nhiều cơ hội tiêu thụ nhiều hơn không? Bỗng nhiên chúng ta mất tất cả và thấy mình bất lực.

Bây giờ chúng ta nhận ra tầm quan trọng của sự thật, của quyền được thông tin của chúng ta và quyền tự do ngôn luận. Tiếp xúc gần hơn với cái chết, chúng ta được khuyến khích theo đuổi các giá trị nhân bàn và Tin Mừng với quyết tâm cao hơn.

Chúng ta phát hiện ra rằng những anh hùng thực sự không phải là những người chúng ta từng ngưỡng mộ trên màn hình mà là những người hy sinh chính mình để phục vụ những người bệnh, những người chăm sóc để giữ cho môi trường của chúng ta sạch sẽ và có lợi cho sức khỏe.

Cuối cùng, chúng ta đánh giá cao đức tin của chúng ta dạy chúng ta rằng chúng ta là con cái của Chúa, là anh chị em trong gia đình nhân loại. Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa vì bài học rút ra từ đại dịch này.


Source:UCAN