Trước nạn dịch Covid-19, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh kêu gọi thế giới hãy cùng nhau đoàn kết và nói lên sự dấn thân của Giáo hội cho những người đang đau khổ vì coronavirus.

(Tin Vatican - Andrea Tornielli)

Xin tóm lược ý chính của cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Quốc vụ khanh của Tòa Thánh về nhiều vấn đề như sau:

1. Đức Thánh Cha và Giáo triều La Mã sinh hoạt ra sao trước cuộc khủng hoảng này?


Chúng tôi cùng chia sẻ những khó khăn với mọi người. Chúng tôi nghĩ tới những người mắc bệnh, những người già cả, sắp chết và gia đình của họ. Chúng ta đang sống trong thời gian của đêm đen đợi chờ sự Phục Sinh của Chúa. Giáo hội thật sự gần gũi với mọi thành phần con cái của Giáo hội trên thế giới và cầu mong tất cả mau chóng thoát khỏi cơn đại dịch!

"Lazarus, hãy trỗi dậy!" (Ga 11,43), là tiếng kêu trong thời gian đen tối này. Đức Thánh Cha qua các phương tiện truyền thông hiệp nhất, gần gũi với mọi người trên khắp thế giới. Ngài dâng lễ trực tuyến hàng ngày từ nguyện đường thánh Marta. Ngài liên nỉ cầu nguyện cho các nạn nhân, gia đình của họ, cho các nhân viên y tế, tình nguyện viên, linh mục, công nhân, và các gia đình...

Cuộc khủng hoảng này đang ảnh hưởng đến các gia đình, thay đổi cuộc sống của mọi người và gây ra hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt... Nó có thể dạy chúng ta điều gì?

Trước hết, chúng ta đang phải đối mặt với sự mong manh và mỏng dòn của thân phận con người chúng ta. Chúng ta nhìn nhận rằng chúng ta không phải là người sáng tạo, mà là những hữu thể đáng thương, tồn tại được nhờ vào Đấng Chí tôn.

2. Làm thế nào để sống đức tin Kitô giáo trước những gì đang xảy ra?

Thiên Chúa trở thành xác phàm để chia sẻ với chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi! Ngài đã vui lòng gánh chịu đau khổ và chết để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm lại cuộc thương khó, sự chết và sự Phục sinh quang vinh của Ngài… Chúa Giêsu đã sống lại, chiến thắng sự chết để ban cho chúng ta sự sống.

Đức tin và niềm hy vọng cho thời điểm đen tối này giúp chúng ta nép mình vào Chúa, cầu xin Ngài giúp chúng ta vượt qua được thời gian thử thách này. Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục tu sĩ hãy dấn thân vượt lên trên cả bổn phận mục vụ; Ngài cũng cảm kích trước những dấn thân của các bác sĩ, y tá, các tình nguyện viên đang miệt mài chiến đấu với căn bệnh này...

Tôi nhận ra rằng, dù khủng hoảng đen tối nhưng tất cả mọi người đang tìm đến với nhau qua các phương tiện truyền thông để hỗ trợ lẫn nhau.

3. Tòa thánh làm gì để nâng đỡ các Giáo hội địa phương khắp nơi trên thế giới?

Thông qua các Bộ sở của Tòa Thánh, Tòa Thánh liên hệ với các Giáo hội địa phương, nâng đỡ và giúp cách phòng chống sự lây lan của coronavirus, vượt trên lãnh vực tôn giáo hay quốc gia. Kể từ khi cơn dịch bùng phát, chính Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự gần gũi và hiệp thông của Ngài với nhân dân Trung Quốc, gửi những tặng phẩm đến cho Trung quốc, cho Hồng Kông, và sau đó là cho Iran, Ý và Tây Ban Nha… Nhiều sáng kiến khác nhau đang được nghiên cứu để nói lên những cử chỉ cụ thể của sự đoàn kết, qua các công tác từ thiện.

Các Thánh lễ và các nghi lễ phụng vụ khác - bao gồm cả tang lễ - đã bị đình chỉ! Nhưng nhiều Nhà thờ vẫn được mở cửa.

4. Bạn nghĩ gì khi các tín hữu không thể lãnh nhận các bí tích?

Việc đình chỉ cử hành phụng vụ là điều cần thiết để tránh các cuộc tụ họp đông người hầu ngăn chặn sự lây lan của cơn bệnh! Tuy nhiên, ở nhiều nơi, các nhà thờ vẫn được mở cửa. Chúa Giêsu hiện diện nơi đó trong Bí tích Thánh Thể.

Các linh mục hằng liên nỉ cầu nguyện và cử hành thánh lễ dù các tín hữu không thể tham dự. Chúng ta có thể hiệp thông cầu nguyện, tham dự các nghi thức Thánh lễ cũng như Tuần thánh qua các phương tiện trực tuyến và truyền thông...

Đối với nhiều thành viên của cộng đoàn cảm thấy hụt huẫng đau khổ vì họ không thể được nhận lãnh các Bí tích, tôi thành tâm chia sẻ nỗi buồn với anh chị em. Nhưng tôi muốn nhắc nhớ cho tất cả hay biết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô, đại diện thánh Phêrô Tông đồ, đã rộng ban ân toàn xá đặc biệt cho mọi tín hữu, không chỉ cho những nạn nhân của Covid-19, mà còn cho những ai đang chăm sóc họ, các thành viên gia đình và tất cả những người chăm sóc họ dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả việc cầu nguyện.

5. Cô đơn là một trong những thách thức lớn nhất vào lúc này.

Trước cơn đại dịch Covid-19, nhiều người đang hấp hối một mình, không một an ủi nào từ những người thân yêu! Làm thế nào Giáo hội cho thấy Giáo hội đang gần gũi với họ?

Đây là hậu quả bi thương của cơn đại dịch! Dù linh mục không thể hiện diện bên giường chết của người tín hữu, nhưng qua lời cầu nguyện và qua bàn tay của các bác sĩ, y tá, những người này đang an ủi và đồng hành cùng người bệnh trong những giây phút cuối đời của họ, đã trở thành bàn tay và lời nói của tất cả chúng ta, của Giáo hội, của gia đình để cầu xin ơn tha thứ và giã biệt họ! Đó chính là tình thương tha thứ của Chúa cứu chữa và ban sự sống, sự sống vĩnh cửu cho họ….

6. Phụng vụ Tuần Thánh sẽ diễn ra như thế nào tại Vatican?

Chúng tôi đã nghiên cứu các hình thức khác nhau so với các hình thức truyền thống. Trên thực tế, đã không còn các cuộc triều yết như mọi khi. Để tránh lây lan, Tòa thánh sẽ cử hành các Nghi thức Phục sinh hiệp thông với tất cả mọi người thông qua các kênh viễn thông…

Giáo hội không chỉ quan tâm đến tình trạng khẩn cấp về cơn đại dịch hiện nay, mà Giáo hội còn quan tâm đến các cuộc chiến, đến các anh chị em tỵ nạn, đến những người túng nghèo đói khổ!

Giáo hội mời gọi thế giới hãy đoàn kết lại với nhau để hòa giải mọi bất đồng, chấm dứt chiến tranh qua các cuộc hòa đàm ngưng chiến... Hãy vượt lên trên những lợi ích cá nhân, phe nhóm và cả lợi ích quốc gia, hầu mang lại hòa bình và cơm no áo ấm cho quảng đại quần chúng, cho công ích chung theo các giá trị của tự do và công bình chân lý.