Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 16g ngày thứ Bẩy 30 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã viếng thăm lăng tẩm của Vua Mohammed Đệ Ngũ, trước khi hội kiến riêng với Vua Mohammed Đệ Lục tại hoàng cung vào lúc 16:25.
Trong vòng 44 năm, từ năm 1912 đến năm 1956, Marốc là xứ bảo hộ của Pháp và Tây Ban Nha. Tháng Ba năm 1956, người Pháp trao trả độc lập cho Marốc. Một tháng sau, Tây Ban Nha cũng theo gót người Pháp ra đi.
Năm 1957, Vua Mohammed Đệ Ngũ là ông nội của nhà vua hiện nay lên ngôi, cai trị Marốc cho đến năm 1961 thì qua đời.
Sau khi thăm viếng lăng mộ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký vào Sách Danh dự nơi ngài cầu nguyện cho quốc vương Marốc và cho sự phát triển của tình huynh đệ đoàn kết giữa Kitô hữu và Hồi giáo.
Đức Thánh Cha đã đặt vòng hoa trên mộ, rồi đứng lặng cầu nguyện trước khi tiến tới một cái bàn để ký vào Sách Danh dự đánh dấu chuyến viếng thăm Marốc của Ngài.
Nhân dịp thăm Lăng tẩm này, tôi cầu khẩn Thiên Chúa toàn năng ban cho quí quốc sự thịnh vượng, xin Ngài làm cho tình huynh đệ đoàn kết giữa Kitô hữu và Hồi giáo được triển nở!
Quan chức phụ trách Lăng tẩm đã tặng Đức Thánh Cha một kỷ vật kỷ và một cuốn sách viết về lịch sử của các ngôi mộ.
Kết thúc chuyến viếng thăm Lăng tẩm, Đức Thánh Cha lên xe hơi về Cung điện Hoàng gia để thăm xã giao Quốc Vương Mohammed Đệ Lục và hoàng gia.
2. Đức Thánh Cha viếng thăm trụ sở của Caritas
Sinh hoạt cuối cùng trong ngày thứ nhất tại Marốc diễn ra lúc 18:10 khi Đức Thánh Cha viếng thăm trụ sở của Caritas giáo phận Rabat để gặp gỡ anh chị em di dân.
Khi nói chuyện tại Trụ Sở chính của Caritas tại Rabat, Đức Phanxicô đã nhắc lại kế hoạch 4 điểm trong Thông Điệp Ngày Di Dân và Tị Nạn Thế Giới năm 2018: chấp nhận, bảo vệ, cổ vũ và hoà nhập.
Ngài nói:
Các bạn thân mến,
Tôi rất vui khi có cơ hội này được gặp gỡ các bạn trong chuyến thăm Vương quốc Marốc. Nó cho tôi cơ hội một lần nữa bày tỏ sự gần gũi của tôi với tất cả các bạn và cùng với các bạn, để thảo luận về một vết thương lớn và sâu tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta ở đầu thế kỷ hai mươi mốt này. Một vết thương đang kêu thấu tới trời. Chúng ta không muốn phản ứng của chúng ta là một phản ứng thờ ơ và im lặng (xem Xh 3: 7). Điều này càng đúng vào ngày nay, khi chúng ta chứng kiến nhiều triệu người tị nạn và di dân bị cưỡng bức khác đi tìm sự bảo vệ quốc tế, chưa kể các nạn nhân của nạn buôn người và các hình thức nô lệ mới do các tổ chức tội phạm thực hiện. Không ai có thể thờ ơ với tình huống đau đớn này.
Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Santiago [Agrelo Martínez] vì những lời chào mừng và việc làm của Giáo hội trong việc hỗ trợ người di cư. Tôi cũng cảm ơn Jackson vì chứng từ của anh, và tất cả các bạn, cả người di cư lẫn thành viên của các hiệp hội đang tận tụy chăm sóc họ. Chúng ta gặp nhau chiều nay để tăng cường mối liên hệ của chúng ta và tiếp tục các nỗ lực của chúng ta để bảo đảm các điều kiện sống xứng đáng cho tất cả mọi người. Tất cả chúng ta được kêu gọi đáp ứng nhiều thách thức đặt ra bởi các phong trào di cư đương thời một cách đại lượng, nhiệt tình, khôn ngoan và nhìn xa trông rộng, mỗi người theo khả năng tốt nhất của mình (xem Thông điệp về Ngày di cư và tị nạn thế giới năm 2018).
Một vài tháng trước đây, tại thành phố Marrakech, Hội nghị liên chính phủ đã thông qua việc áp dụng hiệp ước Global Compact về di cư an toàn, có trật tự và hợp lệ. Hiệp ứơc di dân Compact thể hiện một bước tiến quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, cộng đồng mà giờ đây, trong bối cảnh Liên Hợp Quốc, lần đầu tiên đã xử lý chủ đề này trên bình diện đa phương trong một văn kiện có tầm quan trọng đến thế (Diễn văn với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh, ngày 7 tháng 1 năm 2019).
Hiệp ước này giúp chúng ta thấy rằng, “không chỉ về người di cư mà thôi (xem Chủ đề Ngày di cư và tị nạn thế giới 2019), như thể cuộc sống và trải nghiệm của họ hoàn toàn không liên quan gì đến phần còn lại của xã hội hoặc tư cách của họ như những con người với đầy đủ các quyền phần nào đã “bị đình chỉ” vì tình hình hiện tại của họ. “Phía biên giới nơi người di cư đang đứng không làm cho anh ta hoặc cô ta ít là người hơn.
Nó cũng nói đến khuôn mặt mà chúng ta muốn dành cho xã hội và đến giá trị của mỗi đời sống con người. Nhiều bước tích cực đã được thực hiện ở các khu vực khác nhau, nhất là ở các nước phát triển, nhưng chúng ta không thể quên rằng tiến bộ của nhân dân chúng ta không thể được đo lường bằng những tiến bộ kỹ thuật hoặc kinh tế mà thôi. Trên hết, nó phụ thuộc vào sự cởi mở của chúng ta, sẵn sàng để mình bị đánh động và xúc động bởi những người đến gõ cửa nhà chúng ta. Khuôn mặt của họ phá tan và vạch trần tất cả những thần tượng sai lầm có thể đã chiếm lĩnh và nô dịch cuộc sống chúng ta; những thần tượng hứa hẹn một hạnh phúc ảo tưởng và nhất thời đui mù trước cuộc sống và đau khổ của người khác. Một thành phố trở nên khô cằn và khắc nghiệt xiết bao, khi nó đánh mất khả năng cảm thương! Một xã hội nhẫn tâm... một người mẹ cằn cỗi. Các bạn không phải là người ngoài lề; các bạn đang ở trung tâm của trái tim Giáo Hội.
Tôi muốn đề xuất bốn động từ - chấp nhận, bảo vệ, cổ vũ và hòa nhập – những động từ có thể giúp những người muốn giúp đỡ làm cho giao ước này trở nên cụ thể và thực chất hơn, hành động thận trọng hơn là giữ im lặng, hỗ trợ thay vì cô lập, xây dựng hơn là bỏ rơi.
Các bạn thân mến, tôi muốn nhắc lại tầm quan trọng của bốn động từ này. Chúng tạo thành cái khung tham chiếu cho tất cả chúng ta. Vì tất cả chúng ta đều can dự vào nỗ lực này – can dự theo nhiều cách khác nhau, nhưng tất cả đều can dự - và tất cả chúng ta đều cần thiết trong công việc xây dựng một cuộc sống xứng đáng, an toàn và huynh đệ hơn. Tôi thích nghĩ rằng tình nguyện viên, người trợ tá, người cứu hộ hoặc bạn bè đầu tiên của một người di cư là một người di cư khác, vì họ là người đầu tiên biết rõ các gian khổ của hành trình. Chúng ta không thể khai triển các chiến lược quy mô lớn có khả năng khôi phục phẩm giá bằng cách chỉ áp dụng phương thức phúc lợi mà thôi. Đó là loại hỗ trợ cần thiết nhưng không đầy đủ. Các bạn, những người là người di cư, nên cảm nhận được lời kêu gọi phải đi đầu và hỗ trợ việc tổ chức toàn bộ diễn trình này.
Bốn động từ mà tôi đã đề cập có thể giúp chúng ta tìm được các chiến lược chung để tạo không gian chào đón, bảo vệ, cổ vũ và hòa nhập. Những không gian, cuối cùng, sẽ đem lại phẩm giá.
“Trong tình hình hiện nay, chào đón, trước hết, có nghĩa cung cấp các giải pháp rộng rãi hơn để các di dân và người tị nạn đến các quốc gia đích đến một cách an toàn và hợp pháp (Thông điệp cho Ngày di cư và tị nạn thế giới 2018). Thật vậy, mở rộng các đường di dân hợp lệ là một trong những mục tiêu chính của hiệp ước Global Compact. Cam kết chung này là cần thiết để tránh tạo ra những cơ hội mới cho “những lái buôn người”, những kẻ khai thác giấc mơ và nhu cầu của di dân. Cho đến khi cam kết này được thực hiện đầy đủ, tình trạng khẩn cấp của việc di dân bất hợp lệ phải được giải đáp bằng công lý, liên đới và lòng thương xót. Các hình thức trục xuất tập thể, không cho phép đối xử thích đáng từng trường hợp cá thể, là điều không thể chấp nhận được. Mặt khác, các chiến lược luật pháp hóa đặc biệt, nhất là trong trường hợp các gia đình và trẻ vị thành niên, cần được khuyến khích và đơn giản hóa.
Bảo vệ có nghĩa là bảo vệ “các quyền và phẩm giá của người di cư và người tị nạn, không phụ thuộc tư cách pháp lý của họ” (ibid.). Trong bối cảnh của toàn bộ khu vực này, việc bảo vệ, trước hết và trên hết, phải được bảo đảm dọc theo các tuyến di cư, những tuyến, đáng buồn thay, thường là các nơi diễn ra bạo lực, bóc lột và lạm dụng đủ loại. Ở đây cũng vậy, dường như cần phải chú ý đặc biệt đến người di cư trong các tình huống dễ bị tổn thương lớn lao: đối với nhiều trẻ vị thành niên không có người đi kèm và phụ nữ. Điều cần thiết là mọi người phải được bảo đảm quyền được hỗ trợ y tế, tâm lý và xã hội cần thiết để khôi phục phẩm giá cho những người đã mất nó trên đường đi, như các bạn làm việc trong cơ quan này đang thực hiện cách rất tận tâm. Trong số những người có mặt, một số người có thể đích thân làm chứng cho tầm quan trọng của các dịch vụ bảo vệ này để mang lại hy vọng trong thời gian lưu trú tại các quốc gia sở tại.
Cổ vũ có nghĩa là bảo đảm rằng tất cả mọi người, người di cư và người dân địa phương, đều có thể hưởng được một môi trường an toàn để họ có thể phát triển mọi năng khiếu của mình. Việc cổ vũ này bắt đầu với việc thừa nhận rằng không con người nhân bản nào đáng bị loại bỏ, nhưng đúng hơn phải được coi là một nguồn tiềm năng làm giàu về phương diện bản thân, văn hóa và chuyên nghiệp ở bất cứ nơi nào họ hiện diện. Các cộng đồng chủ nhà sẽ được làm giàu nếu họ học được cách đánh giá và tận dụng sự đóng góp của người di cư trong khi cố gắng ngăn chặn mọi hình thức kỳ thị và bài ngoại. Người di cư nên được khuyến khích học hỏi ngôn ngữ địa phương như một phương tiện thiết yếu để thông đạt liên văn hóa và được giúp đỡ tích cực để khai triển được ý thức trách nhiệm đối với xã hội đã chấp nhận họ, học cách tôn trọng các cá nhân và dây liên kết xã hội, luật pháp và văn hóa. Điều này sẽ góp phần vào sự phát triển con người toàn diện.
Nhưng chúng ta đừng quên rằng việc cổ vũ các di dân và gia đình họ về nhân bản cũng bắt đầu từ các cộng đồng nguồn gốc của họ, nơi quyền được di cư phải được bảo đảm, nhưng cả quyền không buộc phải di cư nữa, nghĩa là quyền được hưởng tại quê hương họ các điều kiện thích đáng cho một cuộc sống xứng đáng. Tôi đánh giá cao và khuyến khích các chương trình hợp tác quốc tế và phát triển liên quốc gia không có tư lợi đảng phái, có sự tham gia của người di cư trong tư cách chủ đạo tích cực (xem Diễn văn cho những người tham gia Diễn đàn quốc tế về Di cư và Hòa bình, 21 tháng 2 năm 2017).
Hòa nhập có nghĩa là dấn thân vào một diễn trình nhằm nâng cao cả di sản văn hóa của cộng đồng chào đón lẫn di sản văn hóa của người di cư, do đó xây dựng một xã hội cởi mở và liên văn hóa. Chúng ta biết rằng đối với những người đến và những người tiếp nhận họ, gặp gỡ một nền văn hóa ngoại lai, đặt mình vào vị trí của những người khác hẳn chúng ta, để hiểu suy nghĩ và kinh nghiệm của họ, là điều không dễ dàng. Do đó, chúng ta thường từ chối gặp gỡ người khác và dựng lên các rào cản để tự bảo vệ mình (x. Bài giảng tại Thánh lễ cho Ngày di dân và Người tị nạn Thế giới, 14 tháng 1 năm 2018). Hòa nhập đòi hỏi chúng ta không để sợ hãi và thiếu hiểu biết chi phối.
Như thế, trước mắt chúng ta, là một hành trình chúng ta phải cùng nhau bước đi, như những người bạn đồng hành thực sự. Đó là một hành trình mời gọi mọi người, người di cư và người dân địa phương, trong việc xây dựng các thành phố biết chào đón, tôn trọng các khác biệt và lưu ý đến các diễn trình liên văn hóa. Các thành phố có khả năng đánh giá sự phong phú của đa nguyên phát sinh từ cuộc gặp gỡ của chúng ta với người khác. Ở đây cũng vậy, nhiều người trong các bạn có thể đích thân chứng thực mức độ chủ yếu của cam kết đó.
Các bạn di cư thân mến, Giáo hội nhận thức được các đau khổ vốn đi theo cuộc hành trình của các bạn và Giáo Hội cùng đau khổ với các bạn. Khi vươn tay ra với các bạn trong những tình huống rất khác nhau của các bạn, Giáo Hội quan tâm nhắc nhở các bạn rằng Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta sống hết mình. Giáo hội muốn ở bên cạnh để giúp các bạn đạt được điều tốt nhất cho cuộc sống của các bạn. Vì mỗi con người nhân bản đều có quyền sống, mỗi ngườị đều có quyền mơ ước và tìm được vị trí xứng đáng của mình trong “ngôi nhà chung” của chúng ta! Mỗi người đều có quyền có tương lai.
Một lần nữa, tôi xin gửi lời cảm ơn tới tất cả những người tham gia hỗ trợ người di cư và người tị nạn trên khắp thế giới, và đặc biệt tới các bạn, nhân viên của Caritas, và tới các cơ quan đối tác của các bạn, những người có vinh dự biểu lộ tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với rất nhiều anh chị em của chúng ta nhân danh toàn thể Giáo hội. Do kinh nghiệm, các bạn biết rõ rằng đối với các Kitô hữu, “không phải chỉ là về người di cư”, vì chính Chúa Kitô cũng từng gõ cửa nhà chúng ta.
Nguyện xin Chúa, Đấng, trong suốt cuộc đời trần thế, đã trải nghiệm trong xác thịt Người nỗi đau khổ bị đầy ải, chúc phúc cho mỗi người các bạn. Xin Người ban cho các bạn sức mạnh cần thiết để không bao giờ ngã lòng và luôn là “Bến an toàn” dành cho nhau sự chào đón và chấp nhận.
Cảm ơn các bạn!
3. Đức Phanxicô đến Marốc để củng cố đức tin của anh chị em mình
Đức Phanxicô tới Marốc tất nhiên vì nhiều lý do, nhưng nếu New York Times bắt mạch đúng, thì ngài đến đó chủ yếu để củng cố đức tin cho anh chị em “nhỏ bé” của ngài, nhỏ về con số và do đó, nhỏ cả về tầm ảnh hưởng. New York Times không ngại mà cho rằng họ đang bị kỳ thị, nếu không muốn nói là bách hại trên thực tế.
Trước khi Đức Phanxicô tới Rabat một ngày, New York Times đăng tấm hình với lời chú thích “Các tân tòng Kitô Giáo Marốc tổ chức các buổi cầu nguyện tại một căn nhà tư. Nhiều người không cảm thấy họ có thể thực hành đức tin của họ cách công khai tại Marốc”. Dù tờ báo này xác nhận: Marốc được nhiều người coi như một quốc gia Hồi Giáo có lòng khoan dung phi thường: nước duy nhất dùng hiến pháp bảo đãm việc nhìn nhận dân số Do Thái giáo của mình. Nó cũng là quốc gia thường xuyên tổ chức các biến cố nhằm cổ vũ đối thoại liên tôn và phê chuẩn các hiệp ước quốc tế nhằm bảo đảm tự do tôn giáo. Tuy nhiên, người Marốc không thể tự do phát biểu các niềm tin vô thần hay chuyển sang 1 tín ngưỡng khác. Phê phán Hồi Giáo vẫn là một điều cực kỳ nhậy cảm, và đối với các Kitô hữu bản địa, con số hiện trên dưới 50,000, việc thờ phượng là một điều gây nghi vấn, nhất là đối với những người từ Hồi Giáo chuyển sang.
Các Kitô hữu Marốc, từ lâu, vốn bị xã hội tẩy chay, đôi khi bác bỏ và bị nhà nước theo dõi sát nút. Họ không chính thức bị cấm tới nhà thờ. Nhưng thực hành đức tin cách công khai thường bị sách nhiễu và đe dọa. Dù hiện nay, gần như không có ai bị bắt vì đức tin của mình, nhưng phần lớn cảm thấy bị hạn chế trong việc tự do đến nhà thờ và công khai thực hiện các nghi lễ như rửa tội, hôn phối và an táng theo đức tin của họ. Các linh mục và mục sư có thể bị buộc tội cải đạo (proselytizing), 1 tội ác tại Marốc, chỉ vì có người Marốc tham dự thánh lễ.
Chính vì thế, theo Crux, ngay lúc gặp quốc vương Mohammad VI, ngày đầu chuyến tông du, Đức Phanxicô không ngại nói với nhà vua và thần dân của ông ta rằng: đối thoại liên tôn chân chính phải dẫn người ta tới chỗ không “chỉ khoan dung” mà thôi mà còn phải coi các nhóm thiểu số tôn giáo như các công dân trọn vẹn bất kể con số của họ. Ngài nói: “Dù kính trọng các dị biệt của chúng ta, đức tin vào Thiên Chúa dẫn chúng ta tới chỗ nhìn nhận phẩm giá ưu việt của mỗi con người nhân bản, cũng như các quyền lợi bất khả nhượng của họ. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa tạo dựng nên các con người nhân bản bình đẳng nhau về quyền lợi, bổn phận và phẩm giá, và Người kêu gọi họ sống như anh chị em và truyền bá các giá trị lòng tốt, tình yêu và hòa bình”.
Đức Phanxicô cũng nói với nhà vua và thần dân của ông ta rằng điều cần là thay thế ý niệm thiểu số tôn giáo bằng ý niệm “công dân và việc thừa nhận giá trị nhân vị, một giá trị phải chiếm vị trí trung tâm trong bất cứ hệ thống luật pháp nào”.
Lời lẽ của ngài có thể không lọt lòng nhà vua và thần dân Marốc. Nhưng không hệ gì. Ngài sẽ gặp gỡ anh chị em mình, nhỏ nhoi thôi, chỉ chừng 35,000 người trong số 36 triệu dân Marốc, nhưng vô cùng thân thiết với ngài, thân thiết đủ để ông già ngoài 80 “lặn lội” tới đây “củng cố” đức tin của họ.
Theo Inés San Martin của tờ Crux, ngài gọi họ là “men” xã hội. Men thì bao giờ cũng ít, cũng bé, cũng nhỏ mà xã hội thì thật là lớn, lớn một cách áp đảo.
Ngài từng đến “củng cố” hàng mấy triệu tín hữu một lúc như ở Phi Luật Tân. Nhưng ở đấy, anh chị em ngài, dù hết sức thân thiết, chỉ được “kính nhi viễn chi”. Ở Rabat, ngài gần như đụng đến từng người anh chị em của ngài. Khung cảnh thật cảm động.
Ngài nói với họ: “Vấn đề không phải là lúc chúng ta ít ỏi về con số, nhưng là lúc chúng ta vô nghĩa, giống như muối mất hết vị Tin Mừng hay đèn không còn chiếu sáng nữa”.
“Sứ mệnh của chúng ta trong tư cách những người đã chịu phép rửa... thực sự không được xác định bởi con số hay kích cỡ không gian chúng ta chiếm giữ, mà đúng hơn bởi khả năng phát sinh thay đổi và đánh thức sự ngạc nhiên và lòng cảm thương”.
Ngài nói thêm: “Chúng ta làm thế bằng cách sống như môn đệ của Chúa Giêsu, giữa những người chúng ta chia sẻ cuộc sống, niềm vui và sầu buồn, đau hổ và hy vọng hàng ngày”, chứ không phải lo “cải đạo”, một điều chỉ dẫn tới “ngõ cụt”.
Ngài thừa nhận các khó khăn họ phải chịu đựng hiện nay qua việc tại Nhà Thờ Chính Tòa Rabat, ôm hôn Cha Jean Pierre Schumacher, vị đan sĩ người Pháp duy nhất sống sót cuộc thảm sát ở Tibhirine, lúc 7 đan sĩ dòng Trappist và 12 người Công Giáo bị bắt cóc khỏi đan viện Tibhirine năm 1996 và bị giết. Bẩy vị trong số này đã được phong á thánh ngày 8 tháng 12 năm rồi.
Đúng tinh thần “phúc âm hóa” chứ không “cải đạo”, ngài bảo những người hiện diện không đầy nửa nhà thờ chính tòa Rabat: làm Kitô hữu không phải là “gắn bó với một tín lý, một đền thờ hay một nhóm sắc tộc. Làm Kitô hữu là vấn đề gặp gỡ. Chúng ta là Kitô hữu vì chúng ta được yêu thương và gặp gỡ, chứ không phải hoa trái một cuộc cải đạo. Làm Kitô hữu là biết rằng chúng ta đã được tha thứ và được yêu cầu cư xử với người khác cùng một cách như Thiên Chúa cư xử với chúng ta”.
“Cải đạo” thường để chỉ các cố gắng làm người ta chấp nhận một tôn giáo đặc thù. Tuy nhiên, các vị giáo hoàng gần đây hiểu nó với nghĩa dùng áp lực hay rù quyến, trái với “phúc âm hóa” trong đó, ta chỉ đề xuất sứ điệp Kitô giáo chứ không mưu toan áp đặt nó.
Trích dẫn Thánh Phaolô VI, ngài nói rằng Giáo Hội Công Giáo được mời gọi bước vào cuộc đối thoại với xã hội hiện đại nhưng không “theo thời thượng”, càng không theo chiến lược gia tăng con số sổi các tín hữu.
Ngài cám ơn họ đã thực hành điều ngài gọi là “đại kết bác ái”, lấy nó làm đường hiệp thông giữa các Kitô hữu và thúc giục họ cũng áp dụng hình thức này đối với người Hồi Giáo. Đây là hình thức đại kết được vị giáo hoàng người Á Căn Đình nhấn mạnh xưa nay khi cho rằng các luận điểm cao qúy nên đặt vào tay các nhà thần học. Còn người thiện chí được mời gọi làm việc với nhau để xây dựng “nền văn hóa gặp gỡ”.
“Do đó, tôi khuyến khích anh chị em đừng có ước nguyện nào khác ngoài việc làm cho sự hiện diện và tình yêu Chúa Kitô trở thành hiển hiện, Đấng đã vì chúng ta trở nên nghèo khó để làm giầu chúng ta bằng sự nghèo khó của Người (xem 2Cr 8:9): anh chị em hãy tiếp tục làm láng giềng với những người thường bị để lại sau lưng, những người hèn mọn và nghèo khó, các tù nhân và di dân”.
Vào buổi sáng Chúa Nhật, Đức Phanxicô cũng đã gặp một số nữ tu, trong đó, có nữ tu người Ý, tên Ersilia Mantovani, nay đã 97 tuổi, làm nữ tu Phansinh đã 80 năm nay và làm nhà truyền giáo ở Marốc đã gần 55 năm qua. Trong cuộc phỏng vấn năm 2009, bà cười nhắc lại lúc ấy, bà chỉ mong được dạy giáo lý, nhưng khi đến Marốc, thấy chả có Kitô hữu nào để dạy giáo lý, đành đi phục vụ tại một phòng thí nghiệm y khoa.
Bà nói: “Do kinh nghiệm của tôi, tôi thấy qúy ông bà có thể sống ngon lành với người Hồi Giáo. Họ rất khoan dung, và họ đặt nhiều tin tưởng nhiều nơi chúng tôi”.
Sau khi chào nữ tu Montovani, Đức Phanxicô nói rằng “Tất cả chị em đều là chứng tá cho một lịch sử vinh quang. Một lịch sử hy sinh, hy vọng, đấu tranh hàng ngày, những cuộc đời dành cho phục vụ, kiên tâm và làm việc vất vả, vì mọi việc làm đều vất vả, làm ‘với mồ hôi trán’. Nhưng tôi xin nói với các chị em rằng chị em có một lịch sử đầy vinh quang để tưởng nhớ và thuật lại, nhưng cũng là một lịch sử lớn lao cần được hoàn tất!”
Gerard O’Connel của Amrica thì nhấn mạnh tới tính đại kết của buổi gặp gỡ tại Nhà Thờ Chính Tòa vì tại đó hôm ấy còn có cả đại diện của 4 giáo hội Kitô giáo khác là Anh Giáo, Tin Lành, Chính thống Hy Lạp và Chính Thống Nga.
Ở đấy, theo O’Connel, ngài được nghe chứng từ của một linh mục và một nữ tu và ôm hôn một linh mục già và một nữ tu. Vị linh mục giới thiệu Cha Jean Pierre với Đức Giáo Hoàng còn vị nữ tu giới thiệu nữ tu Ersilla lên Đức Giáo Hoàng.
O’Connel cũng cho hay: Đức Phanxicô nói với những người hiện diện hãy học đối thoại bằng cách “theo gương Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, bằng một tình yêu sốt sắng và bất vụ lợi, không tính toán và giới hạn, và với lòng tôn trọng tự do của người khác”. Ngài nêu gương sáng của Thánh Phanxicô và của chân phúc Charles de Foucault, người “xúc động sâu xa bởi cuộc sống khiêm hạ và ẩn dật của Chúa Giêsu ở Nadarét, Đấng ngài vốn âm thầm thờ lạy, đến nỗi đã muốn trở thành ‘anh em của mọi người’”.
Trong tinh thần ấy, ngài thúc giục họ “trải nghiệm cuộc đối thoại cứu rỗi này, trước hết, như việc cầu bầu cho những người được ủy thác cho ta” nghĩa là “đem lên bàn thờ và vào lời cầu nguyện của ta cuộc đời của mọi người quanh ta”.
Cũng theo O’Connel, trong thánh lễ cử hành sau đó, với bài Tin Mừng nói về người con phung phá, Đức Phanxicô nói rằng: niềm vui của người cha chỉ trọn vẹn nếu có sự hiện diện của người con kia. Nên ông đã ra ngoài tìm kiếm anh ta, nhưng anh ta từ chối tham dự tiệc mừng đứa em trở về. Làm thế, theo Đức Phanxicô, “anh ta không những không nhìn nhận đứa em mà cả người cha, anh ta cũng không nhìn nhận!” Ngài bảo “anh ta thích cô lập hơn gặp gỡ, đắng cay hơn vui mừng”.
Ngài cho rằng dù ta đang sống giữa chia rẽ và tranh chấp, gây hấn và chống đối, nhưng ta vẫn thấy rõ như ban ngày ước nguyện của người cha được thấy mọi con cái Người cùng chia sẻ niềm vui của Người, không ai phải sống trong các điều kiện vô nhân, giống đứa con thứ hay cô độc, xa cách và cay đắng giống đứa con cả.
Phải theo gương người cha mới thấy mọi người đều là anh chị em, mới “nhìn sự việc một cách không coi thường các dị biệt nhân danh sự hợp nhất cưỡng bức hay bị đẩy ra bên lề cách âm thầm”.
Ngài nói rõ: “di sản và sự giầu có vĩ đại nhất của một Kitô hữu” là nhìn sự việc bằng “lòng cảm thương và đôi mắt trìu mến của Chúa Cha”. Nhờ thế, “thay vì tự đo lường mình hay tự xếp hạng mình theo các tiêu chuẩn luân lý, xã hội, sắc tộc hay tôn giáo khác nhau, chúng ta nên có khả năng nhận ra rằng một tiêu chuẩn khác quả có hiện hữu, một tiêu chuẩn không ai có thể lấy mất vì nó là một hồng ân tinh tuyền. Đó là điều nhận ra rằng chúng ta đều là con trai con gái qúy yêu, những kẻ Chúa Cha đang chờ đợi và mừng vui”.
Ngài cảnh cáo họ đừng sa vào “cơn cám dỗ muốn giản lược sự kiện chúng ta là con cái Người chỉ còn là vấn đề luật lệ và qui định, nhiệm vụ và tuân giữ”. Thực ra “căn tính và sứ mệnh của chúng ta không phát sinh từ các hình thức duy ý chí, duy luật lệ, duy tương đối hoặc duy cực đoan mà từ việc làm tín hữu, những người ngày đêm khiêm nhường và kiên tâm cầu xin cho Nước Cha trị đến”.
Trở lại với dụ ngôn của ngày lễ, Đức Phanxicô nói rằng “trong nhà Cha có nhiều chỗ: những người duy nhất đứng ngoài nhà ấy là những người nhất quyết không chịu chia sẻ niềm vui của người cha”.
Ngài khuyến khích tín hữu “tiếp tục để nền văn hóa xót thương lớn lên, nền văn hóa trong đó không ai dửng dưng nhìn người khác hoặc không chịu nhìn vào nỗi đau khổ của họ”. Và “kiên nhẫn trên con đường đối thoại với anh chị em Hồi Giáo và hợp tác trong việc làm cho tình huynh đệ phổ quát trở thành hiển hiện, một tình huynh đệ vốn bắt nguồn từ Thiên Chúa”.