Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tòa án Lyon đã phán quyết Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng giám mục Lyon, sáu tháng tù treo vì không báo cáo các trường hợp lạm dụng tính dục trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2014 đến tháng 6 năm 2015.
Đức Hồng Y 68 tuổi đã không phải hiện diện tại phiên tòa ở Lyon hôm thứ Năm để nghe lời kết tội ngài. Jean-Felix Luciani, luật sư của ngài, cho biết ông sẽ kháng cáo: “Những lý do của tòa án không thuyết phục được tôi. Chúng tôi muốn tranh luận về quyết định này”. Theo luật sư Luciani tòa án đã chịu áp lực do các bộ phim tài liệu và một bộ phim đầy tính hư cấu về vụ án.
Chương trình Giáo Hội Năm Châu kỳ này xin được trình bày với quý vị và anh chị em những chi tiết về phán quyết này của Tòa Tiểu Hình Lyon qua một bài tường trình của thông tín viên Jeanne Smits từ Paris.
Tuy nhiên, trước hết, xin được giới thiệu vài nét về Đức Hồng Y Barbarin.
1. Vài nét về Đức Hồng Y Philippe Barbarin
Đức Hồng Y Philippe Barbarin sinh ngày 17 tháng 10 năm 1950 tại Rabat, Marốc, lúc đó còn là một thuộc địa của Pháp. Đức Hồng Y là con thứ năm trong một gia đình 11 người con.
Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1977 tại giáo phận Créteil.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục Moulins, miền trung nước Pháp năm 1998. 4 năm sau đó, vị Giáo Hoàng Ba Lan lại bổ nhiệm ngài làm tổng giám mục Lyon vào tháng 7 năm 2002 ở tuổi 51. Ngài được vinh thăng Hồng Y một năm sau đó, vào năm 2003.
Đức Hồng Y Philippe Barbarin được mô tả là một người hết mình vì sứ vụ. Ngài bị một cơn đau tim khi đang trên chuyến bay từ Lyon đến Ngày Giới trẻ Thế giới 2013 ở Brazil và cần phải nhập viện ở Cayenne; và ngay sau đó lại bị thêm lần nữa tại Martinique, nơi ngài đã trải qua một cuộc phẫu thuật ba vòng. Nhưng điều này chỉ có thể làm ngài chậm lại trong một một thời gian ngắn.
Đức Hồng Y Barbarin là một người hâm mộ cuồng nhiệt anh hùng truyện tranh người Bỉ, Tintin, và là một vận động viên chạy đường dài.
Ngài nổi bật với những sáng kiến mục vụ, và sự quan tâm sâu sắc đến sự hiện diện của các tín hữu Kitô Trung Đông xuất phát từ kinh nghiệm bốn năm làm linh mục Fidei Donum ở Madagascar (1994-1998) [linh mục Fidei Donum là linh mục truyền giáo hải ngoại vẫn thuộc về giáo phận gốc của mình. Fidei Donum – Hồng ân đức tin – là thông điệp của Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố ngày 21/4/1957 khích lệ các Giám Mục gởi các linh mục đi truyền giáo ở hải ngoại]. Vào năm 2014, khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được Mosul, Iraq, ngài đã không ngần ngại đi thăm và sống với các Kitô hữu tị nạn tại Erbil.
Vào ngày 9 tháng 7 năm 2017, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã đến Mosul để tuyên bố chiến thắng bọn khủng bố Hồi Giáo IS và tuyên bố Mosul hoàn toàn giải phóng. Chỉ hai tuần sau đó, Đức Hồng Y Barbarin đã là giáo sĩ cao cấp nhất từ hải ngoại đến thăm các ngôi thánh đường bị tàn phá tại Mosul để đánh giá mức độ thiệt hại và nhu cầu tái thiết.
2. Bài tường trình của Jeanne Smits từ Paris
Đức Hồng Y Philippe Barbarin, tổng giám mục Lyon và Giáo chủ Công Giáo xứ Gauls, đã phải nhận bản án sáu tháng tù treo vì không báo cáo trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2015 các hành vi “đối xử tệ bạc, tước đoạt hoặc lạm dụng tình dục” đối với trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi, mặc dù các tội ác bị cáo buộc này diễn ra vào năm 1991, nghĩa là từ 21 năm trước khi ngài trở thành tổng giám mục Lyon. Tòa án hình sự của Lyon đồng loạt tha bổng cho tất cả 5 cộng tác viên hoặc cựu cộng tác viên của ngài, về bất kỳ hành vi sai trái nào trong vụ án. Chỉ có một mình Đức Hồng Y là gặp rắc rối. Các luật sư bào chữa tuyên bố rằng họ sẽ kháng cáo, và chính Đức Hồng Y tiếp tục tuyên bố mình vô tội.
Tribunal correctionnel de Lyon – Tòa tiểu hình thành phố Lyon - (ở Pháp, tội phạm nghiêm trọng được xét xử bởi Cour d'assises, Tòa lưu động) đã ra phán quyết rằng: “Mặc dù các chức năng của bị cáo cho phép bị cáo truy cập vào mọi thông tin và bị cáo có khả năng phân tích chúng và trình báo một cách hữu ích, Philippe Barbarin quyết định trong lương tâm là giữ thể diện cho thể chế mà mình thuộc về, chứ không thông báo với cơ quan tư pháp.”
3. Phản ứng của Đức Hồng Y Barbarin
Khi nhận được phán quyết của tòa án, Đức Hồng Y Barbarin tuyên bố quyết định sẽ nộp đơn từ chức của ngài lên Đức Thánh Cha Phanxicô.
“Tôi ghi nhận quyết định của tòa án. Bất kể số phận cá nhân của tôi, tôi nhắc lại lòng thương cảm của tôi đối với các nạn nhân và gia đình của họ. Tôi đã quyết định triều yết Đức Thánh Cha để xin từ chức. Ngài sẽ gặp tôi trong một vài ngày tới. Cám ơn,” Đức Hồng Y nói.
Tin tức này được đưa ra hai tuần sau khi Hồng Y George Pell của Úc bị kết án lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Các nhà phê bình đã tố cáo tiến trình truy tố và kết án Đức Hồng Y Pell như là một cuộc săn phù thủy chống Công Giáo do giới truyền thông và cảnh sát xúi giục. Cả Đức Hồng Y Pell và Đức Hồng Y Barbarin đều khẳng định sự vô tội của mình và sẽ kháng cáo bản án.
Đức Hồng Y Barbarin đã nộp đơn từ chức lên Đức Thánh Cha vào năm 2016, vài tháng sau khi trường hợp của cha Bernard Preynat, một linh mục của giáo phận Lyon bị buộc tội lạm dụng tình dục 9 cậu bé hơn 25 năm trước được đưa ra công luận. Vào thời điểm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối đơn từ chức của ngài, và nói rằng “đó là điều vô nghĩa” và cấu thành một sự “thiếu thận trọng” trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo La Croix, là tờ báo không chính thức của Hội Đồng Giám Mục Pháp. “Chúng ta sẽ xem lại việc này sau khi phiên tòa kết thúc. Nhưng bây giờ, làm như thế có nghĩa là thừa nhận mình có tội,” ngài giải thích.
“Theo những thông tin mà tôi đã được cung cấp, tôi tin rằng Đức Hồng Y Barbarin ở Lyon đã thực hiện các biện pháp cần thiết và ngài có thể kiểm soát được tình hình. Ngài là một người can đảm, sáng tạo và hăng say với sứ vụ. Bây giờ chúng ta phải chờ kết quả của vụ kiện tại tòa án dân sự”, Đức Thánh Cha nói thêm.
4. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Pháp
Hội Đồng Giám Mục Pháp ghi nhận phán quyết của tòa án vào ngày hôm nay đối với Đức Hồng Y Barbarin vì tội không tố cáo. Hội Đồng Giám Mục Pháp không bình luận về phán quyết này. Hội Đồng Giám Mục Pháp nhắc lại rằng, như mọi công dân Pháp, Đức Hồng Y Barbarin có quyền sử dụng những phương thức kháng cáo khả thi đối với ngài. Đó là điều ngài đã thực hiện và chúng tôi chờ đợi kết quả của tiến trình mới này.
Về quyết định của ngài nộp đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô, điều này tùy thuộc hoàn toàn lương tâm cá nhân của ngài. Điều đó cũng không gợi lên một lời bình luận nào từ phía Hội Đồng Giám Mục Pháp. Điều này tùy thuộc Đức Thánh Cha quyết định cho Đức Hồng Y theo cách mà Đức Thánh Cha cảm thấy thích hợp.
Hội Đồng Giám Mục Pháp tái khẳng định quyết tâm chống mọi sự tấn công tình dục các trẻ vị thành niên bởi các giáo sĩ.
Đức Cha Georges Pontier, tổng giám mục Marseille và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, đã có dịp cam kết với Đức Hồng Y Barbarin về lời cầu nguyện của ngài dành cho Đức Hồng Y và cho giáo phận Lyon.
5. Tiến trình tố tụng
Dù Đức Hồng Y Barbarin đã bị kết án tù treo, các thủ tục tư pháp chắc chắn chưa kết thúc. Điều đáng chú ý trong trường hợp này là công tố viện đã bác bỏ vụ án chống lại ngài sau cuộc điều tra đầu tiên vào năm 2016. Họ nói rằng không có lý do gì để có thể tin rằng Đức Hồng Y Barbarin đã cản trở tư pháp và vào năm 2014, khi Đức Hồng Y được thông báo về các tội ác do linh mục Preynat gây ra vào năm 1991, thời hạn hồi tố đã trôi qua từ rất lâu.
Thời hạn hồi tố ba năm đã được sửa đổi vào năm 2016; nhưng về nguyên tắc, một khoản luật hình sự nghiêm trọng hơn không thể được sử dụng một cách hồi tố theo hệ thống tư pháp của Pháp.
Thất bại trong việc yêu cầu công tố viện kết án Đức Hồng Y Barbarin, chín người “tự xưng là các nạn nhân của cha Preynat” đã tìm cách truy tố Đức Hồng Y theo trình tự khởi tố tư (citation directe). Cụm từ “tự xưng là các nạn nhân của cha Preynat” không có ý bỉ báng vì về mặt luật học khi tòa chưa tuyên án chung thẩm không thể mặc nhiên coi linh mục Preynat là người có tội và chín nguyên cáo là những người thực sự đã bị lạm dụng tính dục, linh mục Preynat đến nay vẫn chưa bị xét xử vì những tội ác bị cáo buộc đã gây ra trước năm 1991. Luật của Pháp cho phép các cá nhân và tổ chức có thể khởi tố theo trình tự khởi tố tư trong các trường hợp vi phạm không nghiêm trọng. Khi một vụ khởi tố tư diễn ra, công tố viên không tham gia vào bất kỳ cuộc điều tra nào, bên nguyên cáo phải đưa ra các bằng chứng hay các yếu tố nào đó khả dĩ biện minh được cho hành động của họ.
Trong phiên điều trần hồi tháng Giêng, tình huống này đã được xác nhận bởi thực tế là công tố viên không yêu cầu một án phạt tiền hay phạt tù đối với Đức Hồng Y. Họ khẳng định rằng họ muốn giữ sự khác quan. “Công tố viện không phản đối nguyên đơn dân sự, cũng không mặc nhiên ủng hộ bị cáo”, công tố viên Charlotte Trabut nói.
Theo quy định, công tố viện ở Pháp được giao trách nhiệm bảo vệ trật tự công cộng và lợi ích của xã hội. Sự thận trọng của cơ quan này trong vụ kiện Đức Hồng Y Barbarin đã được nhiều người diễn giải rằng không thể buộc ngài phải chịu trách nhiệm về các hành vi đã diễn ra từ lâu trước khi ngài lãnh trách nhiệm coi sóc giáo phận Lyon vào năm 2002, hơn nữa cho đến năm 2015 chưa có ai từng nộp đơn khiếu nại chống lại linh mục Preynat.
Những người “tự xưng là các nạn nhân của cha Preynat” giải thích dài dòng rằng họ gặp khó khăn khi muốn nói về những kinh nghiệm họ đã phải chịu, ngay cả trong gia đình họ. Tất cả diễn ra khi họ còn là những thiếu niên hướng đạo sinh trong một giáo xứ của tổng giáo phận Lyon. Cha Preynat là tuyên úy hướng đạo sinh vào thời điểm đó. Lúc đó, có những nghi ngờ về vị linh mục này vào thời điểm đó và vào năm 1991, Đức Hồng Y Albert Decourtray của tổng giáo phận Lyon đã đình chỉ cha Preynat trong sáu tháng, trước khi quyết định đưa linh mục này đến một khu vực khác. Cha Preynat sau đó đã được tiếp tục chuyển đến các giáo xứ khác, bởi vì không có khiếu nại nào đã được đệ trình chống lại đương sự kể từ năm 1991.
6. Một bản án bất công
Năm 2016, Đức Hồng Y Barbarin nói với tờ La Croix rằng ngài đã nghe phong phanh về tội lạm dụng của linh mục Preynat vào khoảng năm 2007-2008. Ngài nói: “Tôi đã có cuộc gặp gỡ với ông và hỏi liệu có xảy ra vấn đề gì hay không kể từ năm 1991 đến nay,” cha Preynat đã thề hoàn toàn không có gì, trong khi sẵn sàng thừa nhận ngay sự lạm dụng mà ông đã phạm phải trước đó. Đức Hồng Y Barbarin cho biết lúc đó ngài đã kiểm tra kỹ lưỡng có ai khiếu nại không và thực tế là không có ai khiếu nại cả.
Đến năm 2014, những lời tố cáo mới nổi lên và cảnh sát mới tung ra các cuộc điều tra nhưng đến nay vẫn không có ai đưa ra được bằng chứng cụ thể nào.
Năm 2016, Đức Hồng Y Barbarin đã nói với La Croix rằng nếu các thủ tục tố tụng dân sự hiện tại chống lại linh mục Preynat không dẫn đến một sự lên án nào, ngài sẽ tự mình mở một cuộc điều tra giáo luật bằng cách xin Rôma cho gia hạn thời gian hồi tố.
Với tất cả những hành động và ý chí của Đức Hồng Y nhằm làm sáng tỏ vụ việc này, có thể nào nói ngài muốn che đậy cho linh mục Preynat hay không? Dù đúng hay sai, cả hai vị tiền nhiệm của Đức Hồng Y Barbarin đều quyết định để cho cha Preynat tiếp tục làm mục vụ, các ngài nghĩ rằng vị linh mục này sẽ không tái phạm, và thực tế là không có khiếu nại nào, dù là dân sự hay trước Giáo hội. Để cho cha Preynat tiếp tục làm mục vụ có phải là một quyết định thận trọng hay không là một việc có thể bàn cãi nhưng ở một mức độ nào đó, khi bắt một mình Đức Hồng Y Barbarin phải chịu trách nhiệm, thì theo một nghĩa nào đó, Đức Hồng Y là một vật tế thần.
Lời buộc tội chính thức đầu tiên xảy ra vào tháng 7 năm 2014 khi Alexandrealeighot-Hezez báo cho tổng giáo phận Lyon biết về trường hợp bị lạm dụng tính dục của mình, khi biết rằng cha Preynat vẫn còn sống, và đang hoạt động mục vụ tại một giáo xứ địa phương, với trách nhiệm dạy giáo lý cho các học sinh.
Ngay lập tức Đức Hồng Y Barbarin viết thư cho Tòa Thánh để báo cáo về lời cáo buộc này. Sau khi nhận được câu trả lời của Tòa Thánh, Đức Hồng Y đã đình chỉ thừa tác vụ linh mục của cha Preynat vào tháng 9 năm 2015, mặc dù vụ việc đã diễn ra 24 năm trước. Câu trả lời bao gồm một khuyến nghị của Bộ Giáo Lý Đức Tin nên “tránh tai tiếng công khai” chẳng hạn như một vụ án dân sự chống linh mục Preynat.
Sau đó, chín người khác cũng ra mặt chỉ chứng cha Preynat và thành lập một hiệp hội lấy tên là “La Parole libérée” nhằm truy tố Đức Hồng Y Barbarin, bất chấp thực tế do chính họ công nhận trong một tuyên bố trực tuyến vào sáng thứ Năm 7 tháng Ba, ngay sau phán quyết của tòa án về 6 tháng tù treo dành cho Đức Hồng Y Barbarin, rằng chín người khiếu nại này nhất trí thừa nhận rằng những lời buộc tội của họ đã được tổng giáo phận Lyon và chính Đức Hồng Y đón nhận một cách nghiêm chỉnh với lòng thương cảm, và đã được chấp nhận mà không có lời chất vấn nào đối với những gì họ cáo buộc. Bên cạnh đó, Alexandrealeighot-Hezez, là người khiếu nại ban đầu, cảm thấy mục tiêu của nhóm “La Parole libérée” không phù hợp với anh, nên rút lại khiếu nại của mình. Tất cả điều anh muốn là tổng giáo phận thận trọng với cha Preynat, chứ không phải là việc truy tố Đức Hồng Y Barbarin.
Francois Devaux, một trong số chín người “tự xưng là nạn nhân của cha Preynat” và là Chủ tịch Hiệp hội, đã gọi phán quyết của tòa án tiểu hình Lyon là bước đầu tiên hướng tới việc “phá vỡ một hệ thống.” Ông kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ buộc hồi tục những kẻ phạm tội mà còn phải buộc hồi tục tất cả những người bị buộc tội về việc che đậy cho các tội ác này. Ông ta nói: “Đó là mới thật sự là không khoan nhượng.”
7. Những tấn kích vào Giáo Hội
Kể từ khi tin tức về phán quyết của Đức Hồng Y được công khai vào sáng thứ Năm, báo chí thế tục Pháp đã tấn công tới tấp Giáo hội. Trong bối cảnh chống Công Giáo và tam điểm sâu sắc của Cộng hòa Pháp, các cáo buộc lạm dụng tình dục đối với một số ít linh mục phạm tội, và sự phẫn nộ chính đáng các vụ che đậy thực sự đã xảy ra, đã được dùng như một khí cụ để bôi nhọ các giáo sĩ và Giáo Hội Công Giáo.
Điều này dẫn đến sự lên án một chiều chống lại Giáo Hội vì lạm dụng tính dục xảy ra tương tự tại các trường công lập không được dư luận chú ý, và các giáo viên vi phạm thường chỉ đơn giản là bị điều đi một cơ sở giáo dục khác khi nội vụ bị đổ bể. Chuyện này chắc chắn không biện minh được tội lỗi lạm dụng tính dục trong Giáo Hội nhưng cách thức truyền thông hành xử đối với các lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên là hoàn toàn một chiều tại Pháp.
Một vấn đề khác là sự can thiệp của công lý thế tục bên trong Giáo hội trong trường hợp Đức Hồng Y Barbarin, đó là việc đả phá nhắm vào ấn tín của bí tích hòa giải. Hơn thế nữa, về mặt kỹ thuật cha Preynat phải được coi là vô tội cho đến khi được xét xử, nhưng thực tế nhà nước, cùng với áp lực truyền thông nặng nề, đang ra lệnh hoặc cố gắng áp đặt các biện pháp giáo luật vượt quá phạm vi công lý của con người.
Jean-Félix Luciani, một trong những luật sư của Đức Hồng Y Barbarin, nói sau khi phán quyết của tòa án được đưa ra là bản án này không thuyết phục. Ông nói thêm: “Thật khó để tòa án chống lại áp lực của các phim tài liệu, và một bộ phim hư cấu. Tất cả những điều này đặt ra những câu hỏi thực sự về sự tôn trọng xứng đáng công lý.”
Vài tuần qua ở Pháp đã có rất nhiều áp lực bài hàng giáo sĩ. Đầu tiên, là cuốn sách của Frédéric Martel có tựa đề “In the Closet of Vatican”, được phát hành vào ngày 20 tháng 2, trong đó mô tả hàng giáo phẩm của Giáo Hội như những kẻ đạo đức giả, những kẻ lạm dụng hoặc che đậy lạm dụng. Hai tuần trước phiên tòa, một bộ phim hư cấu về cha Preynat được chiếu trên tất cả các rạp hát tại Pháp để gây công phẫn dư luận. Cuốn phim có tựa đề “Grâce à Dieu” (“Cám ơn Chúa”) [Trong cuộc họp báo tại Lộ Đức vào tháng Tư 2016, khi được hỏi về cáo buộc liên quan đến cha Preynat, Đức Hồng Y Barbarin nói: “Hầu hết các cáo buộc đều đã hết thời hạn hồi tố.” Rồi theo thói quen, ngài buộc miệng nói: “Grâce à Dieu” (“Cám ơn Chúa”), trước khi giật nẩy mình biết mình nói hớ rồi.] Cuốn phim rõ ràng chà đạp một nguyên tắc quan trọng của luật pháp là nguyên tắc giả định bị cáo là vô tội cho đến khi bị kết án. Chiều thứ Ba 5 tháng Ba, buổi chiều trước Thứ Tư Lễ Tro, một bộ phim tài liệu khác được chiếu trên đài truyền hình nhà nước dựa vào các tin đồn để đưa ra các cáo buộc Giáo Hội bao che cho các linh mục lạm dụng tính dục các nữ tu.
Đức Hồng Y Barbarin luôn phủ nhận chưa bao giờ có ý muốn che giấu tội lỗi lạm dụng “khủng khiếp”. Ngài cũng chưa bao giờ phủ nhận là những tội lỗi ấy không hề xảy ra. Trách nhiệm cá nhân của Đức Hồng Y, ngay cả như phán quyết của tòa án cũng chỉ là án treo. Tất cả điều này cho thấy các cuộc tấn công kết hợp chống lại Giáo hội là một cuộc tấn công có chủ ý và phối hợp. Đức Hồng Y Barbarin đã can đảm chiến đấu với “hôn nhân” đồng giới và hiện diện cả trong những buổi cầu nguyện công khai chống phá thai cùng với một nhóm nhỏ SOS Tout-petits do bác sĩ phò sinh anh hùng Xavier Dor lãnh đạo.
Vụ án này thật là một nghịch lý. Truyền thông chính thống và các chương trình giảng dạy chính thức không ngừng phân phối những tuyên truyền về văn hóa sự chết, ý thức hệ giới tính và tự do tình dục - và một tòa án hình sự của Pháp thậm chí còn tha bổng cho một kẻ hiếp dâm là người di dân vài tháng trước với lý do là nền văn hóa Bangladesh của anh ta đã cản trở anh ta nhận ra rằng nạn nhân mới 15 tuổi của hắn ta có đồng ý hay không. Chính sách không khoan dung không dành cho tất cả.