Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức thư cho Nicolas Maduro để đáp lại lời mời gần đây của y muốn ngài làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela. Trong thư, Đức Thánh Cha gọi Nicolas Maduro là “señor” (ông) thay vì “presidente” (tổng thống).
Hôm thứ Tư, 13 tháng Hai, nhật báo Corriere Della Sera (Tin Chiều) có trụ sở tại Milan, Italia đã đăng những trích đoạn của lá thư Đức Thánh Cha gởi cho tên độc tài Maduro, trong đó ngài nhắc lại mong muốn cảnh bạo lực ở nước này phải chấm dứt ngay tức khắc.
Trong lá thư đề ngày 7 tháng Hai, Đức Thánh Cha phàn nàn rằng các nỗ lực hòa bình trước đây ở Venezuela đã “bị gián đoạn vì những gì đã được thỏa thuận trong các cuộc họp không được tuân thủ với những cử chỉ cụ thể nhằm thực hiện những gì đã được cam kết”.
Ngài nhấn mạnh rằng “Tòa Thánh đã chỉ rõ các điều kiện để một cuộc đối thoại là khả thi” vào tháng 12 năm 2016 qua “một loạt các yêu cầu” đối với Maduro.
Tờ Corriere della Sera đã trích dẫn những đoạn của bức thư trong đó Đức Phanxicô mong muốn “tránh mọi hình thức đổ máu” và mối quan tâm của ngài đối với những “đau khổ vô biên dường như không có hồi kết thúc của dân tộc cao quý Venezuela”.
Tuy nhiên, tờ báo đặc biệt lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi Maduro là “ông”, chứ không phải là “tổng thống”. Điều này phản ánh lập trường trung lập của Tòa Thánh đã được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nêu ra vào đầu tuần này.
Nicolas Maduro và lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido đều tự xưng mình là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Do đó, để giữ trung lập Đức Thánh Cha đã gọi Nicolas Maduro là “ông” thay vì “tổng thống” như trước đây.
Các quan sát viên theo dõi tình hình tại Venezuela nhận định rằng với những cuộc biểu tình thu hút hàng triệu người như cuộc biểu tình hôm thứ Ba 12 tháng Hai, ngày tàn của tên độc tài Nicolas Maduro đã gần kề.
Giám mục San Cristóbal đã hô hào Nicolas Maduro xem xét sự đau khổ của người dân Venezuela trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo đang diễn ra ở nước này.
2. Phó Chủ tịch HĐGM Venezuela kêu gọi Maduro mở mắt nhìn những đau khổ của dân chúng và thoái vị
“Hãy mở mắt ra để thấy sự đau khổ của mọi người. Hãy nghe tiếng khóc của mọi người”, Đức Cha Moronta đã lên tiếng kêu gọi tên độc tài Nicolas Maduro như trên trong một cuộc phỏng vấn trong tuần này với ACI Press, chi nhánh tiếng Tây Ban Nha của Catholic News Agency.
Đức Cha Moronta, là phó chủ tịch hội đồng giám mục Venezuela, nói rằng trong nhiều năm qua người dân Venezuela đã yêu cầu thay đổi định hướng chính trị xã hội và kinh tế của đất nước.
“Giáo hội đã nhấn mạnh rằng tiếng nói của người dân phải được lắng nghe. Hàng lãnh đạo chính trị, xã hội và kinh tế phải đứng về phía người dân”
Nhận xét về ông Juan Guaidó, chủ tịch Quốc hội là người được Hoa Kỳ, các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu và hơn 50 quốc gia khác công nhận là tổng thống lâm thời hợp pháp của Venezuela, Đức Cha Moronta ca tụng ông Juan Guaidó rất tích cực, coi ông là người xứng đáng trong “vai trò lãnh đạo” thay mặt các công dân của Venezuela.
Đức Cha Moronta nói rằng chính người dân Venezuela phải là “những người có thể và nên tạo ra những thay đổi” ở nước này.
Ngài nói rằng vai trò của Giáo hội là “xây các nhịp cầu” và nói thêm rằng Giáo hội sẵn sàng “làm mọi việc cần thiết để có một sự chuyển tiếp chính quyền trong trật tự và hòa bình.”
Đức Cha phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục cũng đã lưu ý rằng Giáo hội cổ vũ “không chỉ các hành động mà cả những nhận thức về sự cần thiết phải cải thiện tình hình, và ủng hộ các nhà lãnh đạo xã hội muốn phát triển đất nước một cách toàn diện.”
Đức Cha Moronta cho biết Giáo hội đã thực hiện “những hành động cụ thể trong mỗi giáo phận vì lợi ích của người dân, giúp họ có thể đạt được cuộc sống tốt hơn” và nhấn mạnh “sự hiệp thông giữa các Giáo hội ở Mỹ Latinh, đặc biệt là Cúcuta ở Colombia với Giáo hội ở Venezuela.”
Cuối cùng, Đức Cha nói rằng với sự giúp đỡ của Giáo hội tại Colombia và các quốc gia khác, các trung tâm tiếp nhận viện trợ đã được thành lập trên khắp Giáo phận San Cristóbal, nơi giáp ranh với Giáo phận Cúcuta ở Colombia.
Bất kể tình trạng khốn cùng của dân chúng Venezuela, tên độc tài Nicolas Maduro đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát đóng cửa biên giới với Colombia để hàng viện trợ không đến được với người dân Venezuela.
3. Đức Thánh Cha bổ nhiệm Hồng Y Nhiếp Chính để điều hành công việc của Tòa Thánh khi trống ngôi Giáo Hoàng
Theo thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ngày 14 tháng Hai, 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Kevin Joseph Farrell, tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình, và Đời sống làm Hồng Y Nhiếp Chính.
Khi một vị Giáo Hoàng qua đời hay tuyên bố thoái vị, Giáo Hội rơi vào tình trạng trống ngôi Giáo Hoàng. Tất cả các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh đều bị ngưng chức, ngoại trừ vị Hồng Y Nhiếp Chính.
Theo Tông hiến “Universi Dominici Gregis” (Mục tử của toàn thể đoàn chiên Chúa) do Đức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1992 về những gì phải tuân giữ trong thời kỳ Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng, trong vai trò là vị chủ tịch của Tông Phòng, vị Hồng Y Nhiếp Chính chăm sóc, quản lý tài sản cũng như các quyền lợi của Tòa Thánh trong khi trống ngôi Giáo Hoàng. Ngài điều hành các công việc bình thường và đệ trình lên Hồng Y đoàn những gì quan trọng cần được phê chuẩn.
Trong trường hợp vị Giáo Hoàng qua đời, vị Hồng Y Nhiếp Chính là người thông báo chính thức tin này cho Đức Hồng Y giám quản Rôma, và Đức Hồng Y Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô. Sau khi nghe ý kiến của 3 Hồng Y trưởng của 3 đẳng Giám Mục, Linh mục và Phó tế, ngài sẽ ấn định tất cả những gì liên hệ tới việc an táng Đức Giáo Hoàng quá cố; cũng như việc quay phim, chụp ảnh làm tài liệu.
Hồng Y Nhiếp Chính có nhiệm vụ niêm phong phòng làm việc và phòng nghỉ ngơi của Đức Giáo Hoàng, và phá hủy chiếc nhẫn Ngư Phủ thường đeo trên tay vị Giáo Hoàng, để tránh khả năng có người dùng nhẫn này để ngụy tạo văn kiện.
Ngài ấn định ngày bắt đầu các phiên họp của Hồng Y đoàn để chuẩn bị bầu giáo hoàng mới. Đức Hồng Y cũng lo liệu những gì cần thiết để chuẩn bị việc bầu Giáo Hoàng.
Hồng Y Nhiếp Chính cũng là người nhận lời tuyên thệ của các Hồng Y về việc giữ bí mật liên quan tới mật nghị bầu Giáo Hoàng.
Vị tiền nhiệm của Đức Hồng Y Kevin Joseph Farrell là Đức Hồng Y Jean Louis Tauran. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm là Hồng Y Nhiếp Chính vào ngày 20 tháng 12, 2014 và tuyên thệ nhậm chức vào ngày 9 tháng 3, 2015.
Tuy nhiên, Đức Hồng Y Jean Louis Tauran đã qua đời ngày 5 tháng 7, 2018.
4. Báo La Croix cho rằng vấn đề không phải liệu Đức Phanxicô có từ chức không mà là bao giờ thì ngài làm thế
Ngày 8 tháng Hai vừa qua, trên tờ La Croix của Pháp, ký giả Robert Mickens cho rằng vấn đề không phải liệu Đức Phanxicô có từ chức hay không mà là bao giờ thì ngài từ chức.
Theo ký giả trên, việc suy đoán liệu Đức Phanxicô có ý định là vị giáo hoàng thứ hai liên tiếp sẽ từ chức, theo gương vị tiền nhiệm, Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô thứ 16, xuất hiện trong tâm trí nhiều người vào tuần qua khi ngài tổ chức cuộc họp báo trên chuyến bay từ Abu Dhabi trở về Vatican.
Trả lời câu hỏi của một ký giả, Đức Phanxicô nói rằng ngài đã nhận được nhiều lời mời tới thăm các quốc gia Ả Rập khác, “nhưng năm nay thì không có thì giờ. Để xem liệu năm tới tôi hay một Phêrô khác có đi được hay không!”
Giống các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô thường thận trọng trong việc đưa ra các hứa hẹn nhất định sẽ tham dự các biến cố cách xa cả hàng tháng hay hàng năm, vì ý thức được khả năng tử vong của mình cũng như khó đoán được tương lai.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu ngay từ đầu triều đại của ngài cho thấy vấn đề không phải là liệu Đức Phanxicô có từ chức hay không, mà là bao giờ thì ngài làm như vậy.
Và lý do thì đơn giản. Ngài không muốn sự từ chức của Đức Bênêđíctô thứ 16 đi vào lịch sử như một biến cố bất thường, bẩy trăm năm mới có một lần. Thay vào đó, ngài muốn nó trở thành một tiền lệ và một điều bình thường.
Tháng 8 năm 2014, trên chuyến máy bay từ Hán Thành trở về Vatican, ngài nói với các nhà báo tháp tùng “tôi luôn nghĩ tới ý tưởng rất có thể không làm hài lòng các nhà thần học. Tôi nghĩ rằng một vị giáo hoàng hưu trí không phải là một ngoại lệ”.
5. Đức Thánh Cha công nhận phép lạ nhờ lời cầu bầu của Chân Phước Hồng Y John Henry Newman
Hôm thứ Tư 13 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn sắc lệnh công nhận phép lạ do lời cầu bầu của Đức Hồng Y John Henry Newman. Biến cố này dọn đường cho việc nâng vị Chân Phước Hồng Y lên hàng Hiển thánh.
Nói cách khác, Đức Hồng Y John Henry Newman sẽ là một vị thánh mới cho nước Anh kể từ khi Thánh John Ogilvie được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tuyên thánh vào năm 1976.
Đức Hồng Y Newman, sinh vào năm 1801, đã được Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI tuyên Chân Phước vào năm 2010. Ngài vốn là một linh mục Anh giáo, đã thành lập Hiệp hội sống tinh thần Chúa Kitô tại Đại học Oxford, và sau này Ngài đã tuyên xưng Đức tin Công Giáo và hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo vào năm 1845.
Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13 đã tấn phong Hồng Y cho linh mục Newman vào ngày 12/5/1879, mặc dù ngài không phải là một giám mục và không bao giờ trở thành giám mục. Theo như thông lệ, một vị không phải là giám mục sẽ được tấn phong giám mục trước khi được phong Hồng Y. Nhưng theo thỉnh cầu của ngài, ngài không muốn được tấn phong giám mục.
Ngài qua đời ở tuổi 89. Trong lễ an táng của ngài, hơn 15,000 người đã xếp hàng dài trên đường phố để tiễn đưa ngài đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Hồ sơ phong thánh cho ngài được bắt đầu vào năm 1958 và ngài được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô tuyên dương là vị Tôi tớ Chúa vào năm 1991 sau khi nhìn nhận các nhân đức anh hùng của ngài.
6. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng không thể tùy tiện chế biến Phụng Vụ theo phong thái, ý thích và xu hướng cá nhân
Trong cuộc gặp gỡ với các thành viên của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích hôm thứ Năm 14 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Phụng Vụ không thể bị hạ giảm thành vấn đề thị hiếu, và cuối cùng trở thành chủ đề của sự phân cực ý thức hệ, bởi vì Phụng Vụ là cách chính yếu mà người Công Giáo gặp gỡ Chúa.
Bên cạnh đó, có nguy cơ là Phụng Vụ rơi vào một “quá khứ không còn tồn tại hoặc trượt vào một tương lai giả định”
“Thay vào đó, điểm khởi đầu phải là nhận ra thực tế của Phụng Vụ thánh như một kho tàng sống động không thể bị giản lược thành những phong cách, công thức và xu hướng, nhưng nên được chào đón với sự ngoan ngoãn và nên được cổ vũ với tình yêu, như dưỡng chất không thể thay thế được cho sự tăng trưởng hữu cơ của dân Chúa”
Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng Phụng Vụ không phải là một lãnh vực “tự làm” và ngài thúc giục các viên chức tại Vatican cũng như “trong các lĩnh vực khác của đời sống Giáo Hội”, phải tránh “sự phân cực về ý thức hệ” và thái độ “địa phương bất di bất dịch” chống lại những ai có những ý tưởng khác về Phụng Vụ.
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ tuyên bố của ngài trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm “rằng thực tại quan trọng hơn ý tưởng”.
“Khi chúng ta nhìn lại quá khứ với những khuynh hướng hoài cổ hoặc khi muốn áp đặt chúng một lần nữa, chúng ta có nguy cơ đặt một phần lên trên toàn bộ, đặt cái ‘tôi’ của mình trước cả dân Chúa, đặt trừu tượng trước cụ thể, và ý thức hệ trước hiệp thông và, về cơ bản, đặt sự trần tục lên trên sự thánh thiêng,” Đức Phanxicô quả quyết.
Trong cuộc gặp gỡ với các thành viên của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích trong hội nghị toàn thể kéo dài từ 12 đến 15 tháng Hai, Đức Phanxicô đã đề cập đến tầm quan trọng của Phụng Vụ trong Giáo hội, về sự cộng tác tốt đẹp giữa các giáo đoàn của Vatican và các hội đồng giám mục, cũng như việc phát triển ý thức Phụng Vụ đúng đắn của người Công Giáo.
“Phụng Vụ trên thực tế là con đường chính mà qua đó đời sống Kitô hữu trải qua mọi giai đoạn tăng trưởng của nó,” Đức Phanxicô nói. “Anh em có trước mắt một nhiệm vụ tuyệt vời và đẹp đẽ: hãy làm hết sức để dân Chúa tái khám phá vẻ đẹp của việc gặp gỡ Chúa khi cử hành những mầu nhiệm của Người.”
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ rằng hội nghị toàn thể của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích rơi vào dịp kỷ niệm 50 năm Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI tổ chức lại bộ này “để hình thành sự đổi mới mà Công đồng Vatican II mong muốn. Đó là vấn đề xuất bản các sách Phụng Vụ theo những tiêu chí và quyết định của các Nghị Phụ Công đồng, với mục đích thúc đẩy trong dân Chúa việc 'tham gia tích cực, có ý thức và sùng mộ' các mầu nhiệm của Chúa Kitô.”
Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng “truyền thống cầu nguyện của Giáo hội cần những cách diễn đạt mới, nhưng không đánh mất đi bất cứ những gì là di sản quý giá hàng ngàn năm, nhưng thậm chí là tái khám phá các kho báu ở dạng thức nguyên thủy”. Đức Thánh Cha cũng nêu bật rằng vào năm 1969 Lịch Rôma chung đã được thay đổi và sách lễ Rôma mới đã được ban hành. Ngài gọi đó là “những bước đầu tiên của một hành trình, sẽ được tiếp tục với sự kiên định khôn ngoan”.
Đức Phanxicô nói thêm rằng “thay đổi các sách Phụng Vụ mà thôi thì chưa đủ để cải thiện phẩm chất của Phụng Vụ”.
Ngài lập luận rằng sự hình thành ý thức Phụng Vụ đúng đắn nơi hàng giáo sĩ và giáo dân là điều nòng cốt, như đã được minh định trong Sacrosanctum Concilium, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, của Công đồng Vatican II được công bố vào năm 1963
Mặc dù cần thiết, chỉ cung cấp thông tin về sách Phụng Vụ mà thôi thì chưa thể gọi là một nền giáo dục Phụng Vụ đầy đủ, ngay cả khi điều ấy được thực hiện với mục đích duy trì sự hoàn thành nghiêm chỉnh các kỷ luật về nghi lễ.
“Để Phụng Vụ hoàn thành chức năng hình thành và biến đổi của mình, các mục tử và giáo dân cần phải nắm bắt ý nghĩa và ngôn ngữ tượng trưng của nó, bao gồm nghệ thuật, bài hát và âm nhạc, thậm chí cả sự im lặng, được dùng khi cử hành các mầu nhiệm.”
Đức Thánh Cha chỉ ra rằng Phụng Vụ phải được hiểu như là phương thế thúc đẩy “cuộc gặp gỡ sống động với Chúa bị đóng đinh và phục sinh”; và nhắc nhở rằng sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo trình bày Phụng Vụ theo cách này.
Nhắc đến chủ đề của hội nghị toàn thể lần này là “sự hình thành Phụng Vụ của dân Chúa”, Đức Thánh Cha nói rằng nhiệm vụ chờ đợi các vị “về cơ bản là truyền bá sự huy hoàng trong các mầu nhiệm sống động của Chúa, được thể hiện trong Phụng Vụ, trong dân Chúa.”
“Nói về sự hình thành Phụng Vụ của dân Chúa có nghĩa là trước hết phải nhận thức được vai trò không thể thay thế của Phụng Vụ trong Giáo hội và cho Giáo hội,” ngài nói.
“Và sau đó là giúp một cách cụ thể cho dân Chúa biết cách nội tâm hóa tốt hơn lời cầu nguyện của Giáo hội, yêu mến Phụng Vụ như một kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa và với anh chị em mình và, dưới ánh sáng này, tái khám phá lại nội dung và tuân giữ các nghi thức Phụng Vụ.”
7. Ái Nhĩ Lan thắp những nến đền tội để cầu nguyện cho cuộc họp thượng đỉnh về nạn lạm dụng tính dục
Mười ngày trước cuộc họp đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Rôma, từ ngày 21 đến ngày 24 tháng Hai, với các chủ tịch, hay đại diện, của tất cả các Hội đồng Giám mục để thảo luận về việc bảo vệ trẻ em trong toàn Giáo hội, Ái Nhĩ Lan sẽ tổ chức Ngày cầu nguyện hàng năm cho những nạn nhân bị lạm dụng tình dục vào ngày Thứ Sáu, 15 tháng Hai.
Trong ngày này, một lời cầu nguyện đặc biệt được soạn ra cho dịp này sẽ được đọc trước “những ngọn nến Đền Tội” được thắp sáng tại các nhà thờ và giáo xứ trên khắp Ái Nhĩ Lan để “cầu xin sự tha thứ cho một Giáo hội quá đau khổ vì tội lỗi lạm dụng”, Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin của tổng giáo phận Armagh và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan cho biết như trên.
“Khi thắp lên những ngọn nến này chúng ta hãy nhớ đến những anh chị em của chúng ta, và gia đình của họ, những người đã phải chịu một nỗi đau suốt đời vì bị lạm dụng, niềm tin đã bị phản bội sâu sắc và đã bị thử thách tàn nhẫn Trong những tuần gần đây, tôi đã vinh dự gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng và các thành viên trong gia đình họ ở bốn tỉnh của Ái Nhĩ Lan. Nhiều người đã nói với tôi về tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho những nạn nhân và nhu cầu của Giáo hội phải cởi mở với công lý, đền tội và không bao giờ quên họ. Tôi đã bị rúng động bởi lòng can đảm của họ và bị choáng ngợp bởi sự hào phóng của họ. Ý định của tôi là truyền đạt kinh nghiệm sống và hiểu biết của những nạn nhân ở Ái Nhĩ Lan, và của cả cá nhân tôi cho Đức Thánh Cha Phanxicô, và rộng rãi hơn cho các thành viên trong cuộc họp ở Rôma vào cuối tháng này.”
Đức Tổng Giám Mục Martin khuyến khích các giáo phận và giáo xứ trên khắp Ái Nhĩ Lan thực hiện sáng kiến cầu nguyện mới này và thắp “ngọn nến đền tội” trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp của các Chủ tịch Hội đồng Giám mục với Đức Thánh Cha tại Rôma.
Ngài nhấn mạnh rằng “Những ngọn nến là một dấu chỉ của sự ăn năn, là ánh sáng trong bóng tối, và là hy vọng”.
Lời cầu nguyện được dâng lên khi thắp sáng các ngọn nến này là: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con là những kẻ đã phạm quá nhiều tội lỗi. Chúng con đau buồn và ăn năn với tất cả trái tim của chúng con vì đã xúc phạm Chúa, vì những thất bại trầm trọng và sự bỏ bê những người trẻ tuổi và dễ bị tổn thương. Lạy Chúa, xin mang lại sự bình an cho cuộc sống tan vỡ của họ và chỉ cho chúng con thấy mọi phương cách để thoát khỏi bóng tối và đi vào ánh sáng của Lời Chúa.”
8. 12 giáo phận tại Mỹ cho trẻ em chịu phép Thêm Sức trước khi rước lễ lần đầu
Đức Cha James Wall đã tuyên bố trong một lá thư mục vụ về quyết định của ngài phục hồi lại trật tự các bí tích khai tâm Kitô Giáo trong giáo phận Gallup của ngài.
Khi chính sách mới được thực hiện, trẻ em sẽ được thêm sức và rước lễ lần đầu trong cùng một Thánh lễ, khi các em lên 7 hoặc 8 tuổi.
“Nhận Bí tích Thêm sức sau khi rước lễ lần đầu, có xu hướng làm suy yếu sự hiểu biết về mối ràng buộc và mối quan hệ giữa các Bí tích khai tâm Kitô Giáo với nhau”, Đức Cha Wall viết trong bức thư mục vụ ngày 11 tháng Hai của mình.
Ngài nhận xét rằng: “Các Bí tích Rửa tội và Thêm sức dẫn tín hữu đến đỉnh điểm của việc bắt đầu vào Đời sống Kitô hữu nơi việc Rước lễ lần đầu, nên việc trì hoãn việc đón nhận bí tích Thâm Sức cho đến tuổi thiếu niên không phải lúc nào cũng có lợi”.
Đức Cha nói thêm rằng “Có một tỷ lệ đáng báo động những đứa trẻ Công Giáo của chúng ta đã được rửa tội và được rước lễ lần đầu, nhưng không tiếp tục việc học hỏi để đón nhận Bí tích Thêm sức, và trong nhiều trường hợp, các em không bao giờ nhận được Bí tích này. Là mục tử của anh chị em, tôi tin rằng điều quan trọng đối với con cái chúng ta, trước khi chúng đến tuổi thiếu niên, là chúng phải nhận được sức mạnh từ Bí tích quan trọng này.”
Giáo phận Gallup không phải là giáo phận đầu tiên cho trẻ em nhận Bí tích Thêm sức trước khi rước lễ lần đầu. 11 giáo phận tại Mỹ đã làm như thế. Năm 2017, giáo phận Manchester là giáo phận thứ 11 tại Hoa Kỳ làm như vậy.
Trong thư mục vụ của ngài, Đức Cha James Wall giải thích về Bí tích Thêm sức như sau:
Bí tích Rửa tội “nhúng chìm chúng ta trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi”, trong khi ân sủng từ Bí tích Thêm sức “xác nhận và củng cố đời sống siêu nhiên mà chúng ta đã nhận được từ Bí tích Rửa tội và mở ra cho chúng ta những ân sủng để sống một cách trưởng thành hơn đời sống Kitô của chúng ta như các Kitô hữu chứng nhân cho Chúa Kitô trong tất cả mọi việc chúng ta làm.”
“Đồng thời, Bí tích Thêm sức mang lại cho chúng ta sự hiệp thông sâu sắc hơn với Chúa và với Giáo hội của Ngài và sự hiệp thông ấy nhận được sự thể hiện và ân sủng lớn nhất trong cuộc đời này nơi bí tích Mình Máu Thánh Chúa”
Đức Cha cũng lưu ý rằng ngài đã quyết định khôi phục lại trật tự ban đầu của các bí tích khai tâm Kitô Giáo “sau khi tham khảo ý kiến của linh mục đoàn và đã cầu nguyện về điều này”.
9. 10 ngày đầu tháng Hai, 10 vụ phạm thánh nghiêm trọng tại Pháp
Nếu như Mễ Tây Cơ ngày nay khét tiếng là một quốc gia nơi an toàn của các linh mục là đáng lo ngại nhất thì nước Pháp đã trở thành nơi các ngôi thánh đường bị phạm thánh trầm trọng nhất.
Thật thế, chỉ trong 10 ngày đầu tiên của tháng Hai, 2019, 10 vụ phạm thánh nghiêm trọng đã diễn ra.
Vụ mới nhất là vụ lật nhào nhà Tạm tại nhà thờ Maisons-Laffitte.
Ngày 10 tháng Hai năm 2019, vào lúc xế trưa, cha sở giáo xứ Thánh Nicolas tại quận Maisons-Laffitte trong thành phố Yvelines phát hiện ra rằng nhà Tạm của nhà thờ đã bị lật nhào xuống đất. Cảnh sát đã được gọi đến điều tra. Dựa trên băng ghi hình từ các camera của nhà thờ, các lực lượng an ninh bắt giữ một người đàn ông 35 tuổi. Y đã thú nhận với cảnh sát hành động của mình.
Vụ việc này xảy ra ngay sau khi nhà thờ Thánh Nicolas tại Houilles cách đó 47km, ở phiá Bắc thủ đô Paris, bị phá hoại lần thứ ba trong vòng bảy ngày của tháng Hai.
Vào ngày 29 tháng Giêng, tượng Chúa Kitô vác thánh giá đã bị ném xuống đất tại khu vực dành cho ca đoàn nhà thờ Thánh Nicolas ở Houilles. Vài ngày sau, vào ngày 1 tháng Hai, kẻ gian trở lại đập nát những cánh tay của bức tượng. Vào ngày 4 tháng Hai, kẻ gian lại trở lại lần thứ ba đập nát một bức tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài nhi.
Linh mục giáo xứ cho biết thiệt hại của bức tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài nhi có từ thế kỷ 19 là “không thể sửa chữa” vì “hoàn toàn bị đập nát”.
10. Vụ phạm thánh tại nhà thờ Đức Bà của thành phố Côte-d'Or thuộc tổng giáo phận Dijon
Một vụ phạm thánh còn đáng kinh hoàng hơn nữa đã diễn ra chỉ một ngày trước đó tại nhà thờ Đức Bà của thành phố Côte-d'Or thuộc tổng giáo phận Dijon cách Paris 282 km về phiá Đông Nam.
Vào ngày 9 tháng Hai năm 2019 một bọn phá hoại, đến nay vẫn chưa bị bắt, đã lẻn vào nhà thờ. Chúng mở nhà Tạm ra quăng Mình Thánh Chúa xuống đất, khăn bàn thờ bị chúng vấy bẩn và một cuốn sách lễ Rôma bị xé nát. Chúng làm cho khung cảnh trên bàn thờ rất dơ bẩn đến mức ngày 12 tháng Hai, Đức Tổng Giám Mục Roland Minnerath đã phải cử hành một thánh lễ đền tạ và tái thánh hiến ngôi thánh đường này trước khi có thể cử hành các thánh lễ như thường lệ.
Cha Emmanuel Pic, linh mục của giáo xứ, bày tỏ sự kinh hoàng của ngài và lưu ý rằng các thủ phạm đã tập trung tấn công vào “chính trái tim của đức tin Công Giáo” khi tấn công bàn thờ và nhà Tạm. Ngài nhấn mạnh rằng đối với người Công Giáo, bánh lễ sau khi được thánh hiến trong thánh lễ trước đó không còn là “Bánh, nhưng là thân thể của Chúa Kitô.”
Trong tổng số 541,800 dân, tổng giáo phận Dijon có 355,700 tín hữu Công Giáo chiếm 65.6% dân số.
11. Vụ phạm thánh tại nhà thờ Notre-Dame des Enfants ở Nîmes
Ngày 5 tháng Hai năm 2019, văn phòng công tố viên ở Nîmes đã chính thức mở một cuộc điều tra sau một vụ phạm thánh còn nghiêm trọng hơn nữa tại nhà thờ Notre-Dame des Enfants của thành phố này.
Bọn phá hoại dùng phân người vẽ lên một hình thánh giá trên một bức tường bên trong nhà thờ. Nghiêm trọng hơn thế nữa, chúng đập bể nhà Tạm lấy các bánh thánh gắn dọc theo hình thánh giá đó. Những bánh thánh khác bị chúng vất vương vãi trên mặt đất.
Trong bản tuyên bố hôm 8 tháng Hai, Đức Cha Robert Wattebled, Giám mục giáo phận Nimes nhận định rằng:
“Việc phạm thánh tại nhà thờ Notre-Dame-des-Enfants ở Nîmes ảnh hưởng lớn đến cộng đồng giáo phận chúng ta. Dấu thánh giá và Bí tích Thánh Thể đã là mục tiêu chính của những hành động gây đau thương nghiêm trọng. Hành động thô bỉ này làm tổn thương niềm tin sâu sắc nhất của tất cả chúng ta”.
Ngài cho biết rằng trong những điều kiện như thế, việc thờ phượng không thể được tổ chức trong ngôi thánh đường này cho đến khi những hành vi tục tĩu này được sửa chữa bởi một nghi thức sám hối mà đến nay vẫn chưa được ấn định vì còn phải mất một thời gian để khử các mùi hôi do bọn phá hoại gây ra.
Thông cáo của giáo phận Nîmes cho biết: “Cộng đồng các nữ tu dòng Carmêlô, dòng Xitô nhặt phép và dòng Clara khó nghèo của Giáo phận đã tổ chức một ngày ăn chay và đền tạ chung, như một cử chỉ đền bù cho các hành động phá hoại thô bỉ này.”
Thông cáo cho biết thêm: “Tất cả các giáo xứ và cộng đồng Công Giáo cũng đã liên kết với các nữ tu trong lời cầu nguyện này, theo những cách thức khác nhau phù hợp với họ”.
Trong tổng số 623,125 dân, giáo phận Nîmes, thuộc về tổng giáo phận Montpellier có 364,500 người Công Giáo chiếm tỷ lệ 58.5% dân số.
12. Vụ đốt cháy nhà thờ chánh tòa Lavaur
Tối ngày 5 tháng Hai, người thư ký của giáo xứ chánh tòa thành phố Lavaur của tỉnh Tarn cách thủ đô Paris 549 km về phía Nam đã làm thêm giờ để hoàn thành các báo cáo định kỳ. Cô phát hiện một mùi khói nồng nặc phát ra từ một đám cháy trong nhà thờ. Cô gọi điện thoại báo ngay cho lính cứu hỏa nên may mắn nhà thờ được cứu. Chỉ có khăn bàn thờ và vài thứ lặt vặt bị đốt cháy. Tuy nhiên, cây thánh giá lớn bị gỡ xuống và cánh tay Chúa bị bẻ cong.
Thị trưởng thành phố Lavaur đã phản ứng rất nhanh trên Twitter: “Chúa sẽ tha thứ cho nó; nhưng tôi thì không.” Ông thề sẽ tìm ra thủ phạm bằng mọi giá.
13. Bình đựng Mình Thánh Chúa bị lấy cắp tại nhà thờ Đức Bà và Thánh Junien
Trước Thánh lễ sáng Chúa Nhật 3 tháng Hai, anh chị em giáo dân đã phát hiện ra kẻ gian đã đột nhập vào nhà thờ, bẻ khóa nhà Tạm trong nhà nguyện Thánh Anna của Nhà thờ Đức Bà và Thánh Junien ở thành phố Lusignan cách thủ đô Paris 364km về phía Nam Tây Nam, quăng các bánh thánh khắp nơi và đánh cắp bình đựng Mình Thánh Chúa. Cảnh sát đã được gọi đến và đã bắt đầu một cuộc điều tra.
Cũng trong ngày 3 tháng Hai, nhà Tạm cũng bị bẻ khoá và bình đựng Mình Thánh Chúa đã bị đánh cắp tại nhà thờ Thánh Phêrô ở thành phố Talmont cách Lusignan 149km về phía Tây Nam.
14. Vụ phá hoại cây thánh giá tại cao nguyên Pyrénées
Ngày 5 tháng Hai những người đi lễ buổi sáng đã phát hiện cây thánh giá bằng gỗ bên ngoài một nhà thờ nằm giữa Hèches và Avezac-Prat-Lahitte trong vùng cao nguyên Pyrénées, ở thành phố Labastide, đã bị phá hoại. Thủ phạm đã cắt cây thánh giá ở chỗ cách mặt đất khoảng một mét, và để lại mọi thứ ở hiện trường. Khi cây thánh giá đổ xuống, cánh tay của Chúa Kitô bị gãy. Thị trưởng thành phố Labastide đã ra lệnh mở cuộc điều tra.
Ngoài các vụ phạm thánh nghiêm trọng như trên, Giáo Hội tại Pháp còn phải chịu đựng những hình thức tấn công khác như ném đá vào nhà thờ làm bể cửa kính mầu, xô đổ các bức tượng như tại Saint -Gilles, Sainte-Croix, và Saint-Hilaire-de-Riez.