Chẳng Hề Có Tội
Bút Ký của Nguyễn Thị Hồng Diệp
Bây giờ đã bắt đầu tuần Thánh rồi. Thời giờ đi tựa tên bay. Tôi mà lạng quạng thêm vài tuần nữa là có chầu mất linh hồn như chơi. Vì thế tôi đã phải năn nỉ cô em gái tôi, đưa tôi đi xưng tội rồi. Còn đi tĩnh tâm thì chưa. Vì tôi bận rộn việc đời quá thể, không làm sao có lấy một cuối tuần rảnh rang để đi tĩnh tâm. Đi tĩnh tâm thì cần phải có thì giờ rảnh rang, chẳng có việc gì khác – thú vị hơn - để làm; còn việc đời thì hễ nó tới là bù đầu, bù óc, chạy theo ngay. Vì làm việc đời vui hơn làm việc đạo. Đi cấm phòng, khi gặp cha giảng hay thì còn đỡ, gặp ông giảng dở - xin lỗi các cha nhé - chỉ những ngáp cùng gật, thì cũng chẳng khá khẩm hơn được bao nhiêu.
Tôi không biết mấy ông mấy bà công giáo khác thì sao, chứ tôi đây, thì, trong mấy chục năm theo Chúa, tôi cũng chịu khó giữ đạo lắm, chẳng hạn như đi lễ và rước lễ, đọc kinh, tôi cũng giữ đầy đủ lệ bộ như tất cả mọi người. Ngoài cái màn đi cấm phòng ra, cái chuyện xưng tội tôi cũng không hảo mấy. Khốn nỗi, nều muốn là một người giữ đạo ngoan lành, thì không thể thiếu cái màn xưng tội. Nhất là tôi đây, hở ra là phạm tội liền, không xưng tội thì làm sao mà rước lễ? Vì thế lâu lâu tôi cũng phải nhắm mắt, liều mạng đi xưng tội một lần.
Chẳng phải là vì tôi nhiều tội nên sợ xưng tội đâu, mà trái lại kìa. Mỗi khi đi, trước khi vào toà giải tội, tôi xét mình kỹ lắm, nhưng tìm đi tìm lại, xét tới xét lui lại chẳng thấy mình có tội chi quan trọng cần phải xưng cả. Chẳng lẽ lại bịa ra cho có tội mà xưng hay sao đây? Như vậy thì lại thêm tội nói dối. Xẩm vào Cuội ra, chẳng tốt lành lên được một li một tí nào. Thật là một vấn đề nan giải.
Nói nào ngay, tội thì ai mà chẳng phạm, nhưng những tội lặt vặt như nói dối ba lăng nhăng, cãi nhau với chồng, chửi con mắng cháu, nói hành nói tỏi, quên kinh sáng kinh tối, trước khi ăn quên làm dấu, hoặc giả lấy cớ vì đi khỏi thành phố để bỏ lễ Chủ nhật, thì cần gì phải xưng cho rác tai Chúa ra. Tôi nghĩ rằng Chúa nhân từ chẳng đời nào bắt tội những chuyện vớ vẩn ấy, mí lị, nếu mà Chúa khe khắt như vậy thì tất cả bàn dân thiên hạ đều có tội hết, chứ chẳng riêng gì mình tôi. Hơn nữa, lần này đi xưng ngần ấy tội, lần sau cũng lại y nguyên bổ cũ soạn lại ngần ấy tội. Bộ tính giỡn mặt Chúa hay sao chớ? Vì vậy, tôi chỉ theo đúng thủ tục đòi hỏi tối thiểu là một năm xưng tội một lần, rồi sau đó, chứng nào lại tật ấy. Một năm xưng một lần với hy vọng là ông cha quên hết những tội tôi làm năm ngoái, năm nay Cha tưởng là tội mới nên không hạch hỏi chi thêm. Lâu lâu để chắc ăn, để khỏi phải gặp cha quen, tôi không xưng tội trong giáo xứ của mình mà đi xưng ké tại những giáo xứ khác, tìm cha lạ mà xưng. Còn đối với Chúa thì, từ bao lâu nay, tôi chỉ có bấy nhiêu tội, Chúa đã biết quá rồi, cần gì phải dối gạt Chúa. Tôi nghĩ như vậy, cho nên lúc nào chuồn được là tôi chuồn.
Hôm vừa rồi, tôi đi tĩnh tâm, cha giảng về chuyện xưng tội. Lạ lắm quí cụ ạ. Lâu lâu tôi đi tĩnh tâm một lần là y như rằng dính đúng vào cái đề tài nhức nhối nhất của tôi. Cha cứ làm như nói cạnh nói móc tôi không bằng. Cha giảng về chuyện xưng tội. Cha kể chuyện có một đứa bé con vào xưng tội với cha, nó thật thà nói, nó đi xưng tội là vì các ma sơ bắt nó đi chứ thật ra nó xét mình hoài, chẳng thấy có một tội gì cả. Cha bèn kiên nhẫn hỏi nó từng tội một theo 10 điều răn. Hỏi tới tội nào, nó cũng gật đầu là có phạm. Nghe tới đây, các bà đi tĩnh tâm cười ồ cả lên, cảm thấy thằng bé thật ngây thơ vô số tội. Còn tôi, tôi chẳng thể nào cười được, vì trường hợp thằng bé này sao giống tôi thế. Chắc cha bịa ra để dằn mặt tôi, chứ làm gì có thằng bé con nào! Tôi xấu hổ trong bụng quá, bèn tự động làm một cuộc xét mình tại chỗ, cũng theo thứ tự của 10 điều răn, xem tình trạng tội lỗi của tôi nguy kịch tới mức nào rồi. Hay là tôi vô tội cũng chưa biết chừng. Cứ xét mình cái đã, cho chắc ăn.
Xem nào:
Xét theo điều một: Lẽ dĩ nhiên là tôi thờ phượng Đức Chúa Trời rồi, cần gì phải hỏi.Người công giáo không thờ phượng Đức Chúa Trời thì bộ thờ ông thần gốc đa hả? Điều răn này chắc 100% là tôi không phạm.
Điều hai:
Cái này thì lâu lâu tôi có phạm. Tôi kêu Trời tối này sáng đêm, nhưng không phải là vô cớ mà kêu. Có cớ tôi mới kêu, chẳng hạn như những lúc lo buồn, sợ hãi, kinh ngạc, sướng, khổ, tôi đều kêu Trời cả. Tôi là con Thiên Chúa, khi hữu sự chẳng kêu Chúa thì kêu ai? Chẳng nhẽ bắt tôi kêu ma quỉ? Cái này không thể gọi là tội được.
Điều ba:
Tôi vẫn giữ ngày Chúa Nhật, rất đều đặn, chỉ trừ những trường hợp bất khả kháng. Chỉ tại cái số tôi nó cà chớn, cho nên những trường hợp bất khả kháng xảy ra cho tôi hơi nhiều. Vì thế tháng nào tôi cũng có rất nhiều lý do rất ư là bất khả kháng để bỏ lễ ít nhất là một ngày Chúa Nhật. Nhưng mà ngày thường tôi đi lễ bù rồi. Tính ra thì Chúa còn lời là đằng khác nữa ấy chứ lị. Như vậy đâu có thể gọi là tội, phải không?
Điều bốn:
Điều này không áp dụng với tôi vì cha mẹ tôi về chầu Chúa cả rồi, lấy ai ra cho tôi thảo kính. Để bù lại, tôi rất thảo kính các con. Con rể thì kính như khách, con dâu thì quí như con ruột. Thế cũng coi như huề đi.
Điều năm:
Cái điều này thì có thuê tiền tôi cũng chả dám làm. Lâu lâu mới có một đưa gan cóc tía dám giết người. Người ta đâu có phải là con dun con dế mà hễ nổi hung lên là giết. Cái này là hãn hữu lắm, trong đó chẳng thể có tôi.
Điều sáu:
Ối giời ôi, ở tuổi tôi làm sao còn ham cái vụ này cho được. Già cỡ tôi mà còn làm điều dâm dục thì chắc phải là một thị chẳng yêu tinh thì cũng ngựa bà rồi. Không có tôi đâu. Loại này khan hiếm lắm chứ chẳng phải ai muốn cũng làm được đâu mà lo.
Điều bảy:
Lâu lâu thấy người ta nhiều tiền thì cũng ham đấy, nhưng mà từ ham đến lấy thì cũng phải qua nhiều gia đoạn trần ai. Của người ta đổ mồ hôi, sôi máu mắt kiếm ra, người ta giữ kỹ lắm, có hở ra đâu mà đòi lấy. Nhưng đã xưng tội thì phải nói cho hết nước hết cái. Nếu lấy được dễ dàng, chắc tôi cũng chẳng tha. Phải cái tôi lại hay sĩ diện hão, lấy mà không ai biết thì cũng coi như được đi, nhưng mà, ngộ nhỡ bị bắt quả tang thì xấu hổ thấy bà, dấu mặt đi đâu cho thoát. Cho nên tuy tôi có ham của người thật đấy, nhưng lấy thì tôi chả dám đâu.
Điều tám:
Làm chứng thật tôi còn chẳng muốn làm, Mỗi khi bị gọi đi làm bồi thẩm là tôi lại mắc tội nói dối để khỏi phải đi. Vì thế hơi đâu tôi làm chứng dối làm gì. Chuyện này chả có tôi đâu.
Điều chín:
Cơ khổ không cơ chứ, chồng tôi mà tôi còn chẳng muốn, muốn chồng người để tế mồ tế tổ ai đây? Yên chí lớn đi. Ai muốn chồng tôi, chỉ cần nói lên một tiếng, tôi biếu không ngay. Nhưng coi chừng, lúc tôi lên cơn, đổi ý, tôi dám móc mắt, mổ mề, moi gan lắm đấy. Ai liều thì nhào dô.
Điều mười:
Điều này cũng giống điều bảy rồi. Xin xem trả lời điều thứ bảy, ở trên.
Thấy chưa! Tôi xét mình đàng hoàng theo 10 điều răn rồi nhé. Mà điều răn nào tôi cũng không phạm. Chẳng phải tôi là một người thánh thiện hay sao? Tôi tốt lành quá mà. Hàng năm tôi đi xưng tội chỉ duy nhất là để làm vui lòng Chúa, chứ tôi có tội lỗi gì đâu. Xưng tội đối với tôi đâu phải là một điều cần thiết.
Nhưng thật quả, bí tích này là một ân điển đặc biệt Chúa ban cho con người. Chẳng hạn như những người có vấn đề đè nặng trên lương tâm, không biết than thở vời ai, không dám chia sẻ cùng ai, nhờ bí tích hoà giải này sẽ trút được gánh nặng trong tâm hồn. Có người nâng đỡ, khuyên bảo rồi lại nhân danh Thiên Chúa mà tha tội cho. Xem như vậy thì lòng thương người của Thiên Chúa thật vô bến vô bờ. Vì thế mặc dù tôi nói láo nói lếu ba lăng nhăng, nhưng năm nào tôi cũng đi xưng tội trước những ngày lễ lớn, và tuyệt đối tôi không dám phạm những tội trọng.
Dưới con mắt nửa mù nửa chột của tôi, tôi thấy mình cũng tử tế ra gì. Nhưng dưới mắt những người ngoan đạo, thì biết đâu chừng, tôi lại chẳng là một đứa cùng hung, cực ác? Mỗi người có một tiêu chuẩn đạo đức, một mức thang giá trị khác nhau mà.
Thôi thì tôi đành nhờ vào lượng cả bao dung của Chúa thôi!
Nguyễn Thị Hồng Diệp
Bút Ký của Nguyễn Thị Hồng Diệp
Bây giờ đã bắt đầu tuần Thánh rồi. Thời giờ đi tựa tên bay. Tôi mà lạng quạng thêm vài tuần nữa là có chầu mất linh hồn như chơi. Vì thế tôi đã phải năn nỉ cô em gái tôi, đưa tôi đi xưng tội rồi. Còn đi tĩnh tâm thì chưa. Vì tôi bận rộn việc đời quá thể, không làm sao có lấy một cuối tuần rảnh rang để đi tĩnh tâm. Đi tĩnh tâm thì cần phải có thì giờ rảnh rang, chẳng có việc gì khác – thú vị hơn - để làm; còn việc đời thì hễ nó tới là bù đầu, bù óc, chạy theo ngay. Vì làm việc đời vui hơn làm việc đạo. Đi cấm phòng, khi gặp cha giảng hay thì còn đỡ, gặp ông giảng dở - xin lỗi các cha nhé - chỉ những ngáp cùng gật, thì cũng chẳng khá khẩm hơn được bao nhiêu.
Tôi không biết mấy ông mấy bà công giáo khác thì sao, chứ tôi đây, thì, trong mấy chục năm theo Chúa, tôi cũng chịu khó giữ đạo lắm, chẳng hạn như đi lễ và rước lễ, đọc kinh, tôi cũng giữ đầy đủ lệ bộ như tất cả mọi người. Ngoài cái màn đi cấm phòng ra, cái chuyện xưng tội tôi cũng không hảo mấy. Khốn nỗi, nều muốn là một người giữ đạo ngoan lành, thì không thể thiếu cái màn xưng tội. Nhất là tôi đây, hở ra là phạm tội liền, không xưng tội thì làm sao mà rước lễ? Vì thế lâu lâu tôi cũng phải nhắm mắt, liều mạng đi xưng tội một lần.
Chẳng phải là vì tôi nhiều tội nên sợ xưng tội đâu, mà trái lại kìa. Mỗi khi đi, trước khi vào toà giải tội, tôi xét mình kỹ lắm, nhưng tìm đi tìm lại, xét tới xét lui lại chẳng thấy mình có tội chi quan trọng cần phải xưng cả. Chẳng lẽ lại bịa ra cho có tội mà xưng hay sao đây? Như vậy thì lại thêm tội nói dối. Xẩm vào Cuội ra, chẳng tốt lành lên được một li một tí nào. Thật là một vấn đề nan giải.
Nói nào ngay, tội thì ai mà chẳng phạm, nhưng những tội lặt vặt như nói dối ba lăng nhăng, cãi nhau với chồng, chửi con mắng cháu, nói hành nói tỏi, quên kinh sáng kinh tối, trước khi ăn quên làm dấu, hoặc giả lấy cớ vì đi khỏi thành phố để bỏ lễ Chủ nhật, thì cần gì phải xưng cho rác tai Chúa ra. Tôi nghĩ rằng Chúa nhân từ chẳng đời nào bắt tội những chuyện vớ vẩn ấy, mí lị, nếu mà Chúa khe khắt như vậy thì tất cả bàn dân thiên hạ đều có tội hết, chứ chẳng riêng gì mình tôi. Hơn nữa, lần này đi xưng ngần ấy tội, lần sau cũng lại y nguyên bổ cũ soạn lại ngần ấy tội. Bộ tính giỡn mặt Chúa hay sao chớ? Vì vậy, tôi chỉ theo đúng thủ tục đòi hỏi tối thiểu là một năm xưng tội một lần, rồi sau đó, chứng nào lại tật ấy. Một năm xưng một lần với hy vọng là ông cha quên hết những tội tôi làm năm ngoái, năm nay Cha tưởng là tội mới nên không hạch hỏi chi thêm. Lâu lâu để chắc ăn, để khỏi phải gặp cha quen, tôi không xưng tội trong giáo xứ của mình mà đi xưng ké tại những giáo xứ khác, tìm cha lạ mà xưng. Còn đối với Chúa thì, từ bao lâu nay, tôi chỉ có bấy nhiêu tội, Chúa đã biết quá rồi, cần gì phải dối gạt Chúa. Tôi nghĩ như vậy, cho nên lúc nào chuồn được là tôi chuồn.
Hôm vừa rồi, tôi đi tĩnh tâm, cha giảng về chuyện xưng tội. Lạ lắm quí cụ ạ. Lâu lâu tôi đi tĩnh tâm một lần là y như rằng dính đúng vào cái đề tài nhức nhối nhất của tôi. Cha cứ làm như nói cạnh nói móc tôi không bằng. Cha giảng về chuyện xưng tội. Cha kể chuyện có một đứa bé con vào xưng tội với cha, nó thật thà nói, nó đi xưng tội là vì các ma sơ bắt nó đi chứ thật ra nó xét mình hoài, chẳng thấy có một tội gì cả. Cha bèn kiên nhẫn hỏi nó từng tội một theo 10 điều răn. Hỏi tới tội nào, nó cũng gật đầu là có phạm. Nghe tới đây, các bà đi tĩnh tâm cười ồ cả lên, cảm thấy thằng bé thật ngây thơ vô số tội. Còn tôi, tôi chẳng thể nào cười được, vì trường hợp thằng bé này sao giống tôi thế. Chắc cha bịa ra để dằn mặt tôi, chứ làm gì có thằng bé con nào! Tôi xấu hổ trong bụng quá, bèn tự động làm một cuộc xét mình tại chỗ, cũng theo thứ tự của 10 điều răn, xem tình trạng tội lỗi của tôi nguy kịch tới mức nào rồi. Hay là tôi vô tội cũng chưa biết chừng. Cứ xét mình cái đã, cho chắc ăn.
Xem nào:
Xét theo điều một: Lẽ dĩ nhiên là tôi thờ phượng Đức Chúa Trời rồi, cần gì phải hỏi.Người công giáo không thờ phượng Đức Chúa Trời thì bộ thờ ông thần gốc đa hả? Điều răn này chắc 100% là tôi không phạm.
Điều hai:
Cái này thì lâu lâu tôi có phạm. Tôi kêu Trời tối này sáng đêm, nhưng không phải là vô cớ mà kêu. Có cớ tôi mới kêu, chẳng hạn như những lúc lo buồn, sợ hãi, kinh ngạc, sướng, khổ, tôi đều kêu Trời cả. Tôi là con Thiên Chúa, khi hữu sự chẳng kêu Chúa thì kêu ai? Chẳng nhẽ bắt tôi kêu ma quỉ? Cái này không thể gọi là tội được.
Điều ba:
Tôi vẫn giữ ngày Chúa Nhật, rất đều đặn, chỉ trừ những trường hợp bất khả kháng. Chỉ tại cái số tôi nó cà chớn, cho nên những trường hợp bất khả kháng xảy ra cho tôi hơi nhiều. Vì thế tháng nào tôi cũng có rất nhiều lý do rất ư là bất khả kháng để bỏ lễ ít nhất là một ngày Chúa Nhật. Nhưng mà ngày thường tôi đi lễ bù rồi. Tính ra thì Chúa còn lời là đằng khác nữa ấy chứ lị. Như vậy đâu có thể gọi là tội, phải không?
Điều bốn:
Điều này không áp dụng với tôi vì cha mẹ tôi về chầu Chúa cả rồi, lấy ai ra cho tôi thảo kính. Để bù lại, tôi rất thảo kính các con. Con rể thì kính như khách, con dâu thì quí như con ruột. Thế cũng coi như huề đi.
Điều năm:
Cái điều này thì có thuê tiền tôi cũng chả dám làm. Lâu lâu mới có một đưa gan cóc tía dám giết người. Người ta đâu có phải là con dun con dế mà hễ nổi hung lên là giết. Cái này là hãn hữu lắm, trong đó chẳng thể có tôi.
Điều sáu:
Ối giời ôi, ở tuổi tôi làm sao còn ham cái vụ này cho được. Già cỡ tôi mà còn làm điều dâm dục thì chắc phải là một thị chẳng yêu tinh thì cũng ngựa bà rồi. Không có tôi đâu. Loại này khan hiếm lắm chứ chẳng phải ai muốn cũng làm được đâu mà lo.
Điều bảy:
Lâu lâu thấy người ta nhiều tiền thì cũng ham đấy, nhưng mà từ ham đến lấy thì cũng phải qua nhiều gia đoạn trần ai. Của người ta đổ mồ hôi, sôi máu mắt kiếm ra, người ta giữ kỹ lắm, có hở ra đâu mà đòi lấy. Nhưng đã xưng tội thì phải nói cho hết nước hết cái. Nếu lấy được dễ dàng, chắc tôi cũng chẳng tha. Phải cái tôi lại hay sĩ diện hão, lấy mà không ai biết thì cũng coi như được đi, nhưng mà, ngộ nhỡ bị bắt quả tang thì xấu hổ thấy bà, dấu mặt đi đâu cho thoát. Cho nên tuy tôi có ham của người thật đấy, nhưng lấy thì tôi chả dám đâu.
Điều tám:
Làm chứng thật tôi còn chẳng muốn làm, Mỗi khi bị gọi đi làm bồi thẩm là tôi lại mắc tội nói dối để khỏi phải đi. Vì thế hơi đâu tôi làm chứng dối làm gì. Chuyện này chả có tôi đâu.
Điều chín:
Cơ khổ không cơ chứ, chồng tôi mà tôi còn chẳng muốn, muốn chồng người để tế mồ tế tổ ai đây? Yên chí lớn đi. Ai muốn chồng tôi, chỉ cần nói lên một tiếng, tôi biếu không ngay. Nhưng coi chừng, lúc tôi lên cơn, đổi ý, tôi dám móc mắt, mổ mề, moi gan lắm đấy. Ai liều thì nhào dô.
Điều mười:
Điều này cũng giống điều bảy rồi. Xin xem trả lời điều thứ bảy, ở trên.
Thấy chưa! Tôi xét mình đàng hoàng theo 10 điều răn rồi nhé. Mà điều răn nào tôi cũng không phạm. Chẳng phải tôi là một người thánh thiện hay sao? Tôi tốt lành quá mà. Hàng năm tôi đi xưng tội chỉ duy nhất là để làm vui lòng Chúa, chứ tôi có tội lỗi gì đâu. Xưng tội đối với tôi đâu phải là một điều cần thiết.
Nhưng thật quả, bí tích này là một ân điển đặc biệt Chúa ban cho con người. Chẳng hạn như những người có vấn đề đè nặng trên lương tâm, không biết than thở vời ai, không dám chia sẻ cùng ai, nhờ bí tích hoà giải này sẽ trút được gánh nặng trong tâm hồn. Có người nâng đỡ, khuyên bảo rồi lại nhân danh Thiên Chúa mà tha tội cho. Xem như vậy thì lòng thương người của Thiên Chúa thật vô bến vô bờ. Vì thế mặc dù tôi nói láo nói lếu ba lăng nhăng, nhưng năm nào tôi cũng đi xưng tội trước những ngày lễ lớn, và tuyệt đối tôi không dám phạm những tội trọng.
Dưới con mắt nửa mù nửa chột của tôi, tôi thấy mình cũng tử tế ra gì. Nhưng dưới mắt những người ngoan đạo, thì biết đâu chừng, tôi lại chẳng là một đứa cùng hung, cực ác? Mỗi người có một tiêu chuẩn đạo đức, một mức thang giá trị khác nhau mà.
Thôi thì tôi đành nhờ vào lượng cả bao dung của Chúa thôi!
Nguyễn Thị Hồng Diệp