(EWTN News/CNA) Mọi người tùy theo khả năng của mình nên tham gia tranh đấu cho những quyền căn bản của con người, ĐGH Phanxicô đã nói như vậy trong một thông điệp gởi cho một hội nghị quốc tế về nhân quyền.
“Do vậy mỗi người được kêu gọi để đóng góp với lòng can đảm và xác quyết, trong vai trò của mình, để tôn trọng những quyền cơ bản của con người.
“Đặc biệt những quyền của bao người không được nhìn nhận: của những người đang trong cơn đói khát, những người không có quần áo để mặc, ốm đau, khách lạ và bị tù đày, của những người đang sống bên lề xã hội và những người bị lãng quên.
ĐGH chỉ ra rằng “Nhu cầu về công bằng và đoàn kết có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta, những người tín hữu, bởi vì chính Kinh Thánh mời gọi chúng ta để mắt đến những người anh chị em bé mọn nhất của chúng ta, để thông cảm xót thương và cam kết cụ thể với chính mình nhằm xoa dịu những đau khổ của họ.
Thông điệp của ĐGH đã được gởi tới hội nghị quốc tế về “Nhân Quyền trong Thế Giới Đương đại: những thành tựu, những thiếu xót, những tiêu cực”, đang diễn ra ở Roma từ ngày 10-11 tháng Mười Hai tại Đại Học Giáo Hoàng Gregorian.
Hội nghị này được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền có bài phát biểu của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Hồng Y Pietro Parolin vào ngày 10 tháng 12 và của các chuyên gia quốc tế về lãnh vực nhân quyền.
Hiện diện tại hội nghị cũng có các thành viên ngoại giao của Tòa Thánh và các đại diện của Liên Hiệp Quốc, Hội đồng châu Âu, Ủy Ban Công lý và Hòa bình của các giám mục, thế giới học thuật và xã hội dân sự.
ĐGH viết rằng “Nhân dịp này, tôi muốn đưa ra lời kêu gọi chân thành đến những người có trách nhiệm, yêu cầu họ đặt để quyền con người vào trung tâm của tất cả các chính sách, bao gồm những hợp tác phát triển, ngay cả khi điều này đi ngược lại khuynh hướng hiện nay.”
Kỷ niệm Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền là cơ hội để đưa ra một sự phản ánh sâu sắc về nền tảng và tôn trọng quyền con người trong thế giới đương đại. ĐGH hy vọng rằng sẽ có một cam kết đổi mới để bảo vệ phẩm giá con người, nhất là việc quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng.
Ngài lưu ý rằng xã hội đương đại tiếp tục thiếu việc khuyến khích và bảo vệ phẩm giá bình đẳng của tất cả mọi người và vì thế nhiều bất công vẫn tiếp diễn trên thế giới ngày nay, có sự chênh lệch lớn giữa người giàu và kẻ nghèo, kẻ thì sống xa hoa, quyền lực, thừa mứa trong khi những người khác thì bị từ chối, coi thường hoặc chà đạp.
Ngài cũng nhắn đến những đứa trẻ chưa được sinh ra bị từ chối quyền chào đời, những người không có được những phương tiện tối thiểu để sống xứng đáng với nhân phẩm, những người không được đi học hay bị bắt làm việc, những người bị ép buộc lâm vào cảnh nô lệ hay những điều kiện sống phi nhân bản, những người bị tra tấn hay bị khước từ để tự cứu chính mình và những người trở thành nạn nhân của bao vụ giết hại.
ĐGH Phanxicô nói rằng, “Tôi nhớ đến tất cả những người đang sống trong hoàn cảnh luôn bị đè nặng do lòng nghi kỵ và khinh miệt mà nguyên nhân là những hành vi không chấp nhận, phân biệt đối xử và bạo lực chỉ vì chủng tộc, dân tộc, quốc gia và tôn giáo của họ.”
Ngài cũng nhớ đến những người đau khổ vì những quyền cơ bản của họ bị xâm phạm do nhưng xung đột vũ trang trong khi những con buôn vô đạo đức giàu thêm bằng giá máu của anh chị em mình.
ĐGH nói rằng trước những hiện trạng nghiêm trọng này, tất cả chúng ta được kêu gọi để góp một bàn tay.