Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sau một cuộc gặp gỡ giữa vị Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X và Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huynh Đoàn nói rằng vấn đề trong quan hệ với Tòa Thánh về cơ bản là vấn đề tín lý.
Cha Davide Pagliarani, Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn, đã có cuộc gặp gỡ trong vòng hai giờ trong ngày 22 tháng 11 với Đức Hồng Y Luis Francisco Ladaria Ferrer, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, tại Vatican.
Cùng hiện diện trong cuộc gặp gỡ này còn có Đức Tổng Giám Mục Guido Pozzo, thư ký của Ủy ban Giáo Hội Chúa – hay còn gọi là Ecclesia Dei, và Cha Emmanuel du Chalard, một linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau đó, Huynh Đoàn Thánh Piô X nói Cha Pagliarani đã được Đức Hồng Y Ladaria mời đến “gặp lần đầu tiên để thảo luận về quan hệ giữa Tòa Thánh và Huynh Đoàn” sau cuộc bầu cử Tân Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn vào tháng Bảy vừa qua.
Sau cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Ladaria, cha Pagliarani nói:
“Trong cuộc họp vấn đề cơ bản được nhắc đến thực sự là vấn đề tín lý… Vì sự khác biệt tín lý không thể chối cãi này, trong bảy năm qua mọi nỗ lực nhằm soạn thảo một bản tuyên ngôn về tín lý chấp nhận được cho cả hai bên đã không thành công. Đây là lý do tại sao vấn đề tín lý vẫn tuyệt đối là cần thiết.”
Vì thế, theo cha Pagliarani, khả năng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Giáo Hội còn rất xa xôi.
2. Quan điểm khác biệt giữa Đức Cha Bernard Fellay và cha Pagliarani
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong hai năm trở lại đây, có lúc người ta thấy như khả năng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Giáo Hội đã rất gần kề. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi rất sâu sắc.
Thật vậy, trong một diễn biến gây ngạc nhiên cho nhiều người, trong phiên khoáng đại được tổ chức tại Ecône, Thụy Sĩ, hôm 11 tháng 7 vừa qua, Giám Mục Bernard Fellay, 60 tuổi, Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X, đã không được tái cử.
Linh mục Davide Pagliarani, 47 tuổi, người Ý, đã được bầu với một đa số áp đảo hơn 2/3 số phiếu để làm Tân Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X thay thế cho Đức Cha Bernard Fellay trong một nhiệm kỳ 12 năm.
Cha Pagliarani là người được chính Đức Cha Bernard Fellay truyền chức linh mục, nhưng có một lập trường đối kháng với ngài trong việc hòa giải với Tòa Thánh.
Đức Cha Fellay là người chủ trương đạt đến một giải pháp giáo luật về tình trạng của Huynh Đoàn. Ngài ca ngợi thái độ cởi mở của Đức Phanxicô đối với Huynh Đoàn và đề cao tầm quan trọng của việc kết thúc sự chia rẽ với Vatican.
Vào tháng 3 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo cho các giám mục giáo phận hay các vị bản quyền địa phương khác quyết định của ngài ban năng quyền cho các linh mục của Huynh Đoàn được cử hành bí tích Hôn Phối một cách thành sự và hợp pháp cho các tín hữu dưới sự chăm sóc mục vụ của Huynh Đoàn.
Trước đó, vào tháng 9 năm 2015, Đức Thánh Cha đã thông báo rằng các tín hữu có thể nhận được bí tích Hoà Giải một cách thành sự và hợp pháp từ các linh mục của Huynh Đoàn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Năng quyền này sau đó được Đức Thánh Cha Phanxicô mở rộng vô thời hạn trong Tông thư Misericordia et Misera vào năm 2016.
Đức Cha Fellay đã nồng nhiệt ca ngợi những quyết định này của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trong khi đó, cha Pagliarani tiêu biểu cho khuynh hướng chờ đợi cho đến khi tình hình bên trong Giáo Hội là “hoàn toàn thỏa đáng” dưới con mắt của Huynh Đoàn Thánh Piô X.
3. Vài nét về Huynh Đoàn Thánh Piô X
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Huynh Đoàn Thánh Piô X được thành lập bởi Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre vào năm 1970 để đào tạo các linh mục, như là một phản ứng với những gì ngài mô tả là những sai lầm đã len lỏi vào Giáo hội sau Công Đồng Vatican Hai.
Quan hệ giữa Huynh Đoàn Thánh Piô X với Tòa Thánh trở nên đặc biệt căng thẳng vào năm 1988 khi Tổng Giám mục Lefebvre và Giám mục Antonio de Castro Mayer tấn phong bốn giám mục mà không được sự cho phép của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Việc tấn phong giám mục bất hợp pháp đã dẫn đến vạ tuyệt thông của các giám mục liên quan. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông cho các giám mục thuộc Huynh Đoàn vào năm 2009, và kể từ đó các cuộc đàm phán nhằm tái lập sự hiệp thông toàn bộ với Giáo Hội đã được bắt đầu giữa Huynh Đoàn và Vatican.
Những trở ngại lớn nhất cho sự hòa giải giữa Huynh Đoàn và Tòa Thánh là những tuyên bố về tự do tôn giáo trong tuyên bố Dignitatis Humanae, nghĩa là Phẩm Giá Con Người, của Công Đồng Vatican II cũng như tuyên ngôn Nostra aetate, mà Huynh Đoàn cho rằng mâu thuẫn với giáo huấn Công Giáo trước đó. Cách riêng, Huynh Đoàn chống lại chủ trương đại kết và các buổi cầu nguyện liên tôn xuất phát từ tuyên ngôn Nostra aetate. Gần đây, Tông huấn Amoris Laetitia cũng trở thành một vấn đề. Các đề nghị cho người Tin Lành rước lễ của các Giám Mục Đức cũng là một mối quan tâm khác của các vị trong Huynh Đoàn.
Riêng về tuyên bố Dignitatis Humanae, điều 2 của tuyên bố này khẳng định:
“Công Đồng Vatican này tuyên bố rằng con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này có nghĩa là tất cả mọi người đều không thể bị ép buộc bởi các cá nhân, các nhóm xã hội, hay bất kỳ quyền lực trần thế nào, trong những vấn đề liên quan tôn giáo sao cho không ai bị buộc phải hành động trái ngược với niềm tin của mình. Cũng không ai bị cấm hành động theo niềm tin của họ, dù là trong bối cảnh riêng tư hay công cộng, dù là một mình hay kết hợp với những người khác, trong những giới hạn chính đáng”.
Huynh Đoàn Thánh Piô X quyết liệt chống lại điều này. Họ chủ trương Công Giáo phải là quốc giáo trong các nước có truyền thống Kitô. Theo Huynh Đoàn, tuyên bố Dignitatis Humanae này đặt Giáo Hội vào vị thế phải tôn trọng thẩm quyền của nhà nước. Theo ý kiến của họ vấn đề cần phải là ngược lại: Nhà nước phải tùng phục đức tin Công Giáo và phải công nhận Công Giáo là tôn giáo của Quốc Gia.
Trong điều kiện cụ thể của thế giới hiện nay, người tín hữu Công Giáo sống trong một quốc gia không bị nhà nước bách hại đã là may mắn lắm rồi. Người ta không hiểu làm sao Huynh Đoàn lại hoang tưởng đến mức kỳ vọng các nhà nước trên thế giới này công nhận Công Giáo là quốc giáo! Và trở thành quốc giáo để làm gì cơ chứ?
Theo thống kê vào năm 2017, Huynh Đoàn hiện có mặt tại 62 quốc gia với 6 chủng viện, 175 giáo xứ, 3 Giám Mục, 590 linh mục, 187 chủng sinh, 103 nam tu sĩ và 248 nữ tu.
4. Hội nghị về tình cảnh các Kitô hữu Trung Đông tại Baghdad
Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê, một trong các Hồng Y Thừa Ủy tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên hồi tháng 10 vừa qua, đã tổ chức cuộc họp khoáng đại lần thứ 26 của các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô Trung Đông tại Baghdad, từ ngày 26 đến 30 tháng 11. Chủ đề của cuộc họp là những người trẻ như “một dấu chỉ hy vọng của Trung Đông”.
Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, cuộc họp khoáng đại lần này đã được bắt đầu vào chiều thứ Hai ngày 26 tháng 11 với một Thánh Lễ khai mạc do Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan Đệ Tam của Công Giáo nghi lễ Syria chủ sự tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của thủ đô Baghdad. Địa điểm này đã từng là nơi diễn ra vụ thảm sát vào ngày 31 tháng 10 năm 2010 khi bọn khủng bố Hồi Giáo al Qaeda giết chết 50 tín hữu và hai linh mục đang cử hành thánh lễ.
Vào ngày thứ Ba 27 tháng 11, các nhà lãnh đạo các Giáo Hội tại Trung Đông đã có một cuộc gặp gỡ với các Kitô hữu trẻ Iraq, được tổ chức tại nhà thờ Thánh Giuse của Công Giáo nghi lễ Chanđê.
Cuộc họp kết thúc với việc công bố một tuyên ngôn về tình trạng của các cộng đồng Kitô hữu ở Trung Đông.
Tham dự cuộc họp khoáng đại lần này có Đức Thượng Phụ Bechara Boutros Rai của Công Giáo Maronite, Đức Thượng Phụ Công Giáo Coptic Ibrahim Isaac Sidrak, Đức Thượng Phụ Youssef Absi của Công Giáo nghi lễ Melchite, Đức Thượng Phụ Krikor Bedros Ghabroyan thứ 20 của Công Giáo Armênia, Đức Cha Giám mục William Shomali, đại diện cho Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem và Giáo sư Souraya Bechealany, Tổng thư ký Hội đồng các Giáo hội Trung Đông.
5. Lá thư của Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ nỗi buồn và sự gần gũi với người dân Syria
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một lá thư cho các linh mục tu sĩ dòng Phanxicô tại Syria, nói rằng Giáo Hội nhìn thấy sự đau khổ của Chúa Giêsu trong những thử thách và sự nghèo khổ của người dân Syria.
Trong một lá thư gửi cho các tu sĩ dòng Phanxicô ở Syria, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự gần gũi của mình với “vùng đất của các vị tử đạo Syria”.
“Tôi muốn chia sẻ trong những đau khổ của anh em và nói với anh em rằng tôi gần gũi với anh em và với các cộng đồng Kitô hữu đã và đang trải qua biết bao những thử thách đau thương phải chịu vì đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô.”
Lá thư của Đức Giáo Hoàng đã được gửi đến Cha Hanna Jallouf và Cha Louai Bsharat, dòng thánh Phanxicô.
Suy tư về những đau khổ, tình trạng bần cùng và đau thương người dân Syria vẫn phải chịu đựng đến ngày hôm nay, Đức Thánh Cha viết “Đó là cuộc thương khó của Chúa Kitô! Đó là một mầu nhiệm. Đó là mầu nhiệm Kitô giáo của chúng ta. Trong anh em và trong các cư dân của Syria yêu quý của chúng ta, chúng ta thấy Chúa Giêsu đang chịu khổ đau.”
Đức Thánh Cha Phanxicô so sánh sự đau khổ của họ với sự tử đạo. “Không có gì có thể coi là đặc trưng cho cách thức các Kitô hữu tham gia vào lịch sử cứu rỗi nhân loại hơn là việc tử đạo.”
Ngài nói các vị tử đạo thăng tiến Nước Chúa và “gieo những Kitô hữu cho tương lai.”
Gọi họ là “vinh quang thật sự của Giáo Hội và hy vọng của chúng ta”, Đức Thánh Cha nói rằng chứng tá của các vị tử đạo là “một lời cảnh báo không tan biến ngay cả trong cơn bão”.
“Không ít những lần biển cuộc đời có một cơn bão đang chờ đợi chúng ta, nhưng vượt lên trên những con sóng hiện sinh, chúng ta nhận được một dấu chỉ bất ngờ của ơn cứu rỗi: Đó là Đức Maria, Mẹ của Chúa, đang ngắm nhìn trong kinh ngạc và lặng lẽ người Con trai vô tội, bị đóng đinh, là Đấng trao ban ý nghĩa cho cuộc sống và ơn cứu rỗi”
Đức Thánh Cha Phanxicô bảo đảm với các tu sĩ dòng Phanxicô tại Syria rằng ngài hằng nhớ các vị trong các Thánh Lễ và trong lời cầu nguyện để “nỗi đau không nói thành lời” của họ có thể được biến thành hy vọng thiêng liêng.
Trích dẫn Thư của thánh Phaolô gởi cho dân thành Rôma, Đức Thánh Cha an ủi các tu sĩ dòng Phanxicô:
“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.
Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.” (Rm 8:35-37)
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria bảo vệ các tu sĩ Phanxicô ở Syria “dưới áo choàng của Mẹ” và xin Mẹ cầu bầu cho các ngài được ơn “bền đỗ đến cùng”.
6. Tổng thống Petro Poroshenko chào mừng quyết định ban cấp Tomos cho Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine
Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo đã phê chuẩn văn bản ban cấp quyền tự trị, từ chuyên môn gọi là Tomos, cho Giáo hội Ukraine. Ngày chính thức ra mắt Hội đồng Giám mục của Chính Thống Giáo Ukraine Thống nhất sẽ sớm được công bố bởi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã cho biết như trên trong trong một chương trình truyền hình đặc biệt trên đài Truyền Hình quốc gia tối thứ Năm 29 tháng 11.
Ông nói:
“Một quyết định lịch sử đã được thực hiện để hình thành một Giáo Hội Chính Thống Ukraine tự trị. Văn bản của Tomos về việc trao độc lập cho Giáo hội Ukraine đã được phê duyệt. Một quyết định cũng đã được thực hiện để triệu tập Hội đồng Giám Mục Thống nhất. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô sẽ sớm công bố ngày ra mắt Hội Đồng Giám Mục Chính Thống Giáo Ukraine.”
Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.
Hai nhóm sau đã chấp nhận thống nhất trong Giáo Hội Chính Thống tân lập. Nhóm Chính Thống trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa vẫn còn đang lưỡng lự. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy 74% các tín hữu Chính Thống Ukraine sẽ gia nhập vào Giáo Hội Chính Thống tân lập.
Tâm tình bài Nga đã dâng cao đặc biệt trong những ngày này khi Ukraine cử hành 85 năm nạn đói diệt chủng Holodomor diễn ra trong hai năm 1931-1932 khiến ít nhất 7 triệu người chết vì đói. Thông qua chính sách siết chặt định mức tài nguyên nông nghiệp, Stalin chặn đứng việc cung cấp thóc giống, xăng dầu và các phương tiện canh tác cho các nông dân Ukraine. Chính sách nham hiểm này dẫn đến nạn đói kinh hoàng ngay trong thời bình, gọi là Holodomor. Tuyên bố chung của Ủy Ban Điều Tra Liên Hiệp Quốc với sự đồng thuận của 25 quốc gia vào năm 2003 nhìn nhận con số người chết trong biến cố Holodomor là từ 7 đến 10 triệu người trong hai năm 1932-1933. Trong khi đó, các sử gia Ukraine cho rằng ít nhất là 12 triệu người đã chết đói trong thời kỳ đó.
7. Quyết định lịch sử: Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo ban cấp tư cách tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine
Một quyết định lịch sử chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng lớn lao trên số phận của nhiều dân tộc và tương lai của Chính Thống Giáo vừa được đưa ra.
Trong thông cáo báo chí đưa ra vào trưa ngày 29 tháng 11, Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo họp tại Constantinople cho biết như sau:
Trong phiên khoáng đại kéo dài từ 27 đến 29 tháng 11, bao gồm các nhà lãnh đạo của 14 Giáo Hội Chính Thống trên thế giới, Thánh Công Đồng đồng thanh chấp thuận việc ban cấp tư cách tự trị [gọi tắt là Tomos] cho Chính Thống Giáo Ukraine. Văn bản Tomos đã được thông qua. Ngày triệu tập Hội Đồng Giám Mục Chính Thống Giáo Ukraine thống nhất đã được ấn định. Trong phiên họp đầu tiên này, Hội Đồng Giám Mục sẽ bầu ra vị Thượng Phụ. Ngài sẽ được trao cho việc công bố nội dung của Tomos.
Rostyslav Pavlenko, Giám Đốc Học Viện Nghiên Cứu Chiến Lược của Ukraine đang có mặt tại Constantinople nói: “Chúng ta đã đạt được mục đích”.
Theo báo cáo của Pew Reseach, trong tổng số 350 triệu tín hữu Chính Thống Giáo, số các tín hữu Chính Thống thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa (bao gồm Nga và các quốc gia mà Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng thuộc “lãnh thổ giáo luật” của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa) là 150 triệu trong đó tại Nga là 101 triệu, 35 triệu tại Ukraine, 6 triệu tại Belarus, 4 triệu tại Georgia và 4 triệu tại các quốc gia khác từng thuộc về Liên Sô.
Với quyết định này của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo, dân số Chính Thống Giáo thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa giảm một cách đáng kể. Một khi Ukraine được ban cấp Tomos, các quốc gia khác như Belarus chắc chắn cũng muốn được như thế.
8. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa muốn lôi kéo Vatican vào vụ ban cấp Tomos cho Chính Thống Giáo Ukraine
Hôm 27 tháng 11, Đức Giám Mục John của giáo phận Chính Thống Giáo Bogorodsk, tân Giám Quản Tông Tòa các giáo xứ Chính Thống Giáo tại Ý trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Đại Kết Kitô giáo.
Cuộc họp đã diễn ra tại văn phòng Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Đại Kết Kitô giáo ở Rôma. Trong cuộc gặp gỡ này hai bên đã thảo luận một loạt các vấn đề liên quan đến việc hợp tác song phương.
Đức Giám Mục John đã thông báo cho Đức Hồng Y Kurt Koch về tình hình căng thẳng hiện tại trong Giáo Hội Chính Thống mà ngài cho là gây ra bởi các hành động chống giáo luật của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinople.
Đức Giám Mục John tố cáo Đức Thượng Phụ Đại Kết đã công nhận các nhà lãnh đạo ly giáo ở Ukraine và tiếp tục thúc đẩy dự án ban cấp Tomos cho Ukraine.
Tham gia cuộc họp cũng có linh mục Chính Thống Giáo Hieromonk Amvrosy, là thư ký cho vị Giám Quản Tông Tòa ở Ý, và linh mục Công Giáo Hyacinthe Destivelle, một thành viên của Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Đại Kết Kitô giáo.
9. Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Đông phương Ukraine ủng hộ việc ban cấp Tomos cho Chính Thống Giáo Ukraine
Hôm Chúa Nhật 25 tháng 11 năm 2018, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, Giáo Chủ Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Filaret, là Thượng Phụ Giáo hội Chính thống Ukraine Tòa Thượng Phụ Kiev. Mục đích của chuyến viếng thăm của Đức Giám Mục là để tặng cho Đức Thượng Phụ một phiên bản sách Tin Mừng Galicia có từ năm 1144, và đang được triển lãm từ ngày 23 tháng 11 tại Sofia, Kiev/ˈkij-ɛf/.
Gút mắc trong vấn đề ban cấp Tomos cho Giáo Hội Chính Thống Ukraine là phía Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng Ukraine thuộc “lãnh thổ giáo luật” của Chính Thống Giáo Nga. Trong khi đó, theo Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô:
“Chính Thống Giáo Ukraine đã có từ lâu trước khi Tòa Thượng Phụ Kiev được dời đến Mạc Tư Khoa vào đầu thế kỷ 14 mà không có phép về giáo luật của Giáo Hội Mẹ. Từ đó đã có những nỗ lực không mệt mỏi về phía các anh em người Kiev của chúng ta để giành độc lập khỏi sự kiểm soát của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.”
Sách Tin Mừng Galicia là một biểu tượng độc đáo của thời kỳ tiền Mông Cổ, là chứng minh hùng hồn cho thấy sau khi Volodymyr Đại Đết đón nhận phép Rửa Tội vào năm 988 và đưa toàn dân vào đạo thánh Chúa, trung tâm của Giáo Hội là tại Kiev, chứ không phải tại Mạc Tư Khoa.
Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk bày tỏ sự ủng hộ “tất cả các tiến trình dẫn đến sự thống nhất của Chính Thống giáo Ukraine.” Tuy nhiên, ngài nói thêm là Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine không tham gia vào tiến trình này, “bởi vì chúng tôi coi đó là mối quan hệ nội bộ của các anh em Chính thống giáo. Đồng thời, chúng tôi cố gắng tiếp tục duy trì thân thiện quan hệ với tất cả các anh em Chính Thống của chúng ta để tiếp tục đi trên con đường hướng đến sự hiệp nhất giữa chúng ta, như sách Tin Mừng Galicia đã chứng thực”.
10. Phép lạ thứ hai của Chân Phước Newman được công nhận
Chân phước John Henry Newman có thể được tuyên thánh vào năm tới vì một phép lạ thứ hai do lời cầu bầu của ngài đã được chấp thuận, tờ Catholic Herald cho biết như trên hôm 28 tháng 11.
Đức Cha Philip Egan, Giám Mục Portsmouth cho biết trong một bản tin được email tuần trước rằng “có thể Chân Phước Newman sẽ được tuyên thánh vào cuối năm tới vì tất cả mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp.”
Cha Ignatius Harrison, Cáo Thỉnh Viên án tuyên thánh cho Đức Hồng Y Newman, đã xác nhận với tờ Herald Catholic rằng bây giờ chỉ còn “hai vòng nữa” phải trải qua trước khi Chân Phước Newman được tuyên thánh – đó là sự chấp thuận của một ủy ban các giám mục và một lời tuyên bố đồng thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Ngài cho biết thêm:
“Tôi đang cầu nguyện để việc tuyên thánh diễn ra trong năm tới, nhưng ngay lúc này không có cách nào để biết chính xác”.
Một nguồn tin khác có những hiểu biết về án tuyên thánh đã nói với tờ Herald rằng các ủy ban của cả Tổng Giáo Phận Chicago và Bộ Tuyên Thánh đã nhận định rằng sự chữa lành một người phụ nữ là một phép lạ. Biến cố tuyên thánh có thể diễn ra sau lễ Phục sinh năm 2019.
Tổng Giáo Phận Chicago đã điều tra sự chữa lành không thể giải thích của một người phụ nữ đã cầu nguyện xin sự cầu bầu của Chân Phước Newman sau khi trải qua với một “thai kỳ đe dọa tính mạng”. Các bác sĩ điều trị cho cô báo cáo rằng họ không có lời giải thích nào về sự phục hồi đột ngột của cô ấy.
Chân Phước John Henry Newman là một trong những người cải đạo từ Anh Giáo sang Công Giáo rất nổi bật vào thế kỷ 19.
Ngài đã là một nhà thần học Anh giáo nổi tiếng và có thế giá trước khi quyết định thành lập Phong trào Oxford để đưa Anh Giáo về với nguồn gốc Công Giáo của mình. Chính ngài cũng đã cải đạo sang Công Giáo.
Ngài nổi tiếng là một nhà tư tưởng xuất sắc và đã được Đức Thánh Cha Leo XIII tấn phong Hồng Y.
Đức Hồng Y Newman qua đời ở Birmingham vào năm 1890, ở tuổi 89, sau khi thành lập Dòng Anh Em Thuyết Giảng Birmingham.
Các tác phẩm phong phú của ngài đã khiến nhiều người kêu gọi các vị Giáo Hoàng tuyên bố ngài là một Tiến sĩ Hội Thánh.
Năm 2010, sau khi Bộ Tuyên Thánh công nhận phép lạ thứ nhất của ngài chữa lành cho phó tế Jack Sullivan, một người Mỹ, bị liệt cột sống, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tuyên phong Chân Phước cho Đức Hồng Y Newman ở Birmingham.
11. Đức Bênêđíctô thứ 16 khẳng định: Đối thoại với người Do Thái, chứ không phải là truyền giáo
Đức Giáo Hoàng danh dự đã “sửa sai” một bài báo của nhà thần học Michael Böhnke và bác bỏ là “hoàn toàn sai lầm” một ám chỉ sai trái cho rằng ngài đã từng đặt vấn đề về những cơ sở cho cuộc đối thoại giữa Do Thái Giáo và Kitô giáo.
Trong một bài “sửa sai” được gửi đến Nguyệt San Herder Korrespondenz của Đức, vị Giáo Hoàng danh dự khẳng định rằng các Kitô hữu được mời gọi “đối thoại” với người Do Thái, chứ không phải là “truyền giáo” cho họ.
Đó là phản ứng của ngài đối với với một bài báo của nhà thần học Michael Böhnke thuộc Đại Học Wuppertal. Trong số ra tháng 9 của tạp chí này, Böhnke đã đưa ra những lời chỉ trích đối với những phát biểu của Đức Bênêđíctô thứ 16 liên quan đến mối quan hệ giữa các tín hữu Do Thái Giáo và Kitô hữu.
Theo Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, Do Thái Giáo và Kitô Giáo là “hai cách thế diễn dịch Kinh Thánh”. Đối với Kitô hữu, những giao ước được thực hiện với dân Israel cũng là niềm hy vọng của Giáo hội, và “những ai sống trong niềm hy vọng ấy không thể nào lại đi đặt vấn đề về nền tảng của cuộc đối thoại giữa Do Thái Giáo và Kitô giáo.” Cáo buộc được nêu trong bài báo, là “cực kỳ vô nghĩa và không liên quan gì đến những điều tôi đã nói về cuộc đối thoại này. Do đó, tôi bác bỏ bài viết của anh ta như một ẩn ý hoàn toàn sai trái.”
Böhnke đã lập luận rằng Đức Bênêđíctô thứ 16, trong một bài báo trên tạp chí thần học Communio, đã thể hiện một sự hiểu biết có vấn đề về Do Thái Giáo, và đã phớt lờ những đau khổ mà các tín hữu Kitô đã gây ra cho người Do Thái.
Trong bài “sửa sai” của ngài, Đức Bênêđíctô thứ 16 cũng đề cập – bên cạnh các vấn đề thần học khác - câu hỏi tế nhị về việc “truyền giáo” cho người Do Thái; đó là, liệu Giáo Hội có nên rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô cho người Do Thái hay không. Đức Bênêđíctô thứ 16 viết: “Việc truyền giáo cho người Do Thái không được dự trù trước và không cần thiết.” Nhưng đồng thời, đúng là Chúa Kitô đã ủy thác cho các môn đệ Ngài sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và cho tất cả các nền văn hóa. Vì thế, Đức Bênêđíctô thứ 16 khẳng định, “nghĩa vụ truyền giáo là phổ quát – nhưng với một ngoại lệ: truyền giáo cho người Do Thái không được dự trù trước và không cần thiết bởi vì trong số tất cả mọi dân nước, họ là dân tộc duy nhất biết rõ 'Thiên Chúa mà các dân khác chưa từng biết'.”
Do đó, đối với người Israel, chúng ta không truyền giáo, nhưng đối thoại với họ để khẳng định rằng Chúa Giêsu thành Nazareth là “Con của Chúa Cha, là Logos [nghĩa là Ngôi Lời]”, là Đấng Thiên Chúa đã hứa ban cho dân Người, là dân tộc Israel, và toàn thế giới. Chúa Giêsu chính là Đấng đã được Israel trông đợi nhưng khi Người đến thì họ đã không nhận ra Ngài. Canh tân cuộc đối thoại này một lần nữa, theo Đức Bênêđíctô thứ 16, là “sứ vụ được trao phó cho chúng ta vào lúc này.”
Bản “sửa sai” của Đức Bênêđíctô thứ 16 được đăng trong ấn bản tháng 12 của tờ Herder Korrespondenz, dưới chữ ký của “Joseph Ratzinger-Benedict XVI”.
Bài báo gốc trên tờ Communio, mà Böhnke phê bình, được công bố như một nghiên cứu chuyên sâu về một tài liệu được công bố vào năm 2015 bởi Ủy Ban Các Quan Hệ Tôn Giáo với Do Thái Giáo của Tòa Thánh, có tựa đề, “Ân sủng và lời mời gọi của Chúa không thể thu hồi: Một suy tư về các vấn đề thần học liên quan đến quan hệ Công Giáo - Do Thái vào dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên Ngôn Nostra aetate”. Tựa đề này được trích từ thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Rôma: “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý.” (Rm 11:29)
Tiêu đề thứ sáu của tài liệu đó, “Sứ vụ truyền giáo được ủy thác cho Giáo hội trong mối tương quan với Do Thái giáo” đề cập chính xác đến những vấn đề do Böhnke đưa ra:
Thật dễ hiểu khi thấy rằng cái gọi là 'sứ vụ truyền giáo cho người Do Thái' là một vấn đề rất tế nhị và nhạy cảm đối với người Do Thái bởi vì, trong mắt họ, nó liên quan đến chính sự hiện hữu của dân tộc Israel. Vấn đề này cũng gây ra lúng túng cho các Kitô hữu, bởi vì đối với họ, ý nghĩa cứu độ phổ quát của Chúa Giêsu Kitô, và do đó, sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội có tầm quan trọng cơ bản. Thành thử, Giáo Hội bắt buộc phải xem việc phúc âm hóa cho người Do Thái, những người tin vào cùng một Thiên Chúa như chúng ta, theo một đường lối khác biệt so với các tín hữu thuộc các niềm tin hay thế giới quan khác. Cụ thể, điều này có nghĩa là Giáo Hội Công Giáo không tiến hành và cũng không hỗ trợ bất kỳ công cuộc truyền giáo cụ thể nào hướng tới người Do Thái. Trong khi có một sự bác bỏ về nguyên tắc một định chế truyền giáo hướng tới người Do Thái như vậy, các Kitô hữu vẫn được kêu gọi để làm chứng cho đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô cả cho những người Do Thái, và họ phải làm điều đó một cách khiêm nhường và nhạy cảm, trong sự thừa nhận rằng người Do Thái là những người thủ đắc Lời Chúa, và đặc biệt phải nhạy bén đối với đại bi kịch Shoah.
Shoah là từ ngữ theo tiếng Hebrew được dùng từ năm 1940 để chỉ thảm kịch diệt chủng người Do Thái, mà ta thường gọi là Holocaust.
12. Cảnh sát lục soát Tòa Tổng Giám Mục Galveston-Houston, Texas
Các viên chức thực thi pháp luật liên bang đã tiến hành một cuộc lục soát bất ngờ tại văn phòng của Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục Galveston-Houston, và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ vào hôm thứ Tư, 28 tháng 11, nhằm tìm kiếm các bằng chứng trong một trường hợp lạm dụng tình dục.
Khung cảnh bên ngoài văn phòng Tòa Tổng Giám Mục Houston vào sáng thứ Tư rất bất thường, với những chiếc xe cảnh sát xếp hàng trên đường và khoảng 50 viên chức mặc đồng phục đi vào bên trong, một số cảnh sát viên mang theo những hộp giấy để giữ bằng chứng.
Đức Hồng Y DiNardo đã khuyến khích sự hợp tác đầy đủ với các viên chức thực thi pháp luật, và tổng giáo phận của ngài cũng lập lại ý kiến này khi các văn phòng của họ bị lục soát. Tuy nhiên, tổng giáo phận cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư rằng “thông tin đang được tìm kiếm đã được tổng hợp và báo cáo cho cảnh sát”, và cho rằng cuộc tìm kiếm hôm thứ Tư có vẻ như là một “cuộc đột kích”, và không hợp lý.
Các nhà điều tra đã tìm kiếm chủ yếu các hồ sơ về linh mục Manuel LaRosa-Lopez, là người đã bị bắt vào tháng Chín vừa qua vì bốn tội liên quan đến việc có những hành vi không đứng đắn với một đứa trẻ.
Cha LaRosa-Lopez đã làm việc cho tổng giáo phận trong nhiều thập niên. Đức Hồng Y DiNardo đã chỉ định ngài làm việc trong một giáo xứ và bổ nhiệm ngài làm linh mục phụ trách cho người gốc Tây Ban Nha trong tổng giáo phận.
13. Các Giám Mục Úc chống đối mưu toan loại bỏ tự do tôn giáo
Các vị giám mục Úc đã trả lời Bộ Trưởng Tư Pháp của đảng đối lập về việc ông ta tuyên bố sẽ đệ nạp dự luật thu hồi các miễn trừ cho các trường Công Giáo được trình bầy một cách chân chính nền đạo đức học luân lý tính dục Công Giáo.
Hôm thứ Ba vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Peter Comensoli của Melbourne, hiện là phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Úc về tự do tôn giáo, đã đáp lại lời tuyên bố của Bộ Trưởng Tư Pháp Trong Bóng Tối về việc đệ nạp một dự luật của Phe Đối Lập. Dự luật này nhằm rút lại các miễn trừ hiện có trong Đạo Luật Kỳ Thị Tính Dục.
Đức Tổng Giám Mục nói rằng việc miễn trừ trên không được các trường Công Giáo sử dụng để kỳ thị các hoc sinh hay loại trừ họ dựa trên “xu hướng tính dục và bản sắc phái tính”. Đúng hơn, “các miễn trừ này quan trọng đối với chúng tôi vì các trường muốn duy trì khả năng giảng dậy cái hiểu Kitô Giáo về nền đạo đức học tính dục và hôn nhân theo truyền thống đức tin của chúng tôi. Quyền của chúng tôi được tiếp tục giảng dậy các niềm tin Công Giáo bị đe dọa bởi các đề nghị thu hồi các miễn trừ hiện có dựa trên đức tin dành cho các trường và định chế tôn giáo”.
Ngoài ra, việc hiện có miễn trừ bảo vệ Giáo Hội chống lại các chủ trương cho rằng các niềm tin của Giáo Hội là kỳ thị. Đức Tổng Giám Mục Comensoli nói rằng “Chúng tôi cần có bảo đảm để có thể theo đuổi sứ mệnh tôn giáo của chúng tôi mà không có nguy cơ luật định”.
Đức Tổng Giám Mục Comensoli còn đề nghị thêm rằng “luật pháp nên nhìn nhận tự do tôn giáo một cách tích cực”. Ngài cho hay: điều này cho phép các trường Công Giáo tiếp tục giáo dục dựa trên các nguyên tắc tôn giáo trong khi để nguyên các miễn trừ hiện hữu vì “chúng có cái lợi của việc chấp nhận và ý nghĩa đã có trong luật pháp”.
Sau cùng, Đức Tổng Giám Mục nói rằng các mưu toan nhằm thu hồi các bảo vệ này nên bị Quốc Hội bác bỏ, “một cách đặc biệt không cần thiết lập các bảo vệ tích cực khác để cho phép các trường tôn giáo tiếp tục hoạt động theo đức tin của họ”.
14. Hang đá Giáng Sinh bằng cát tại quảng trường Thánh Phêrô
Công trình thực hiện hang đá Giáng Sinh khổng lồ bằng cát tại Quảng trường thánh Phêrô đã bắt đầu từ ngày 17 tháng 11 và sẽ hoàn thành vào ngày 6 tháng 12.
Sand Nativity, hay cảnh Giáng Sinh bằng cát, được thực hiện bằng 1,300 mét khối cát Jesolo, nặng 700 tấn, lấy từ miền Dolomiti bắc Italia, và do 4 nhà điêu khắc người Mỹ, Nga, Hòa Lan và Tiệp đảm trách.
Giai đoạn đầu tiên là chuẩn bị một khối cát hình kim tự tháp đã được bắt đầu vào thứ Bẩy 17 tháng 11 tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Tiếp đến, trong hai ngày 19 và 20 tháng 11 các công nhân đã dựng lều bảo vệ. Giai đoạn khắc đẽo đã được bắt đầu từ ngày 21 tháng 11 và đến nay đã hoàn tất.
Trong hai ngày mùng 5 và 6 tháng 12 các công nhân hoàn tất công trình này bằng việc tô điểm cho các bức tượng. Điều thú vị là những bức tượng này cũng được làm bằng cát.
Sáng sớm ngày thứ Năm 22 tháng 11, cây thông đỏ khổng lồ lấy từ Rừng Cansiglio, tỉnh Pordenone, đông bắc Italia, đã được đưa đến Quảng trường thánh Phêrô. Tiếp theo đó là công trình trang trí do sở kỹ thuật Phủ thống đốc Vatican thực hiện với hệ thống đèn điện tiêu thụ ít năng lượng do công ty Osram hiến tặng.
Theo chương trình, trưa ngày 7 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ tiếp kiến hai phái đoàn chính thức của các cộng đoàn trao tặng thông và hang đá cát: đó là giáo phận Concordia-Pordenone và miền Friuli Venezia Giulia, cùng với những người thực hiện hang đá, từ tòa Thượng Phụ Venice ở thị trấn Jesolo.
Lúc 4 giờ rưỡi chiều cùng ngày 7 tháng 12, sẽ có nghi thức khánh thành hang đá và thắp sáng cây thông giáng sinh. Chiều ngày 31 tháng 12, sau khi hát kinh Tạ Ơn Tadeum tại Đền thờ Thánh Phêrô, kết thúc năm dương lịch, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm hang đá.
Chúa Nhật 13 tháng Giêng, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, hang đá và cây thông Giáng Sinh sẽ được tháo gỡ. Thông sẽ được trao cho một hãng chuyên sử dụng gỗ để dùng vào các hoạt động bác ái.
15. Đức Thánh Cha tiếp kiến 600 vị Quản đốc các Đền Thánh của các quốc gia trên thế giới
Đức Thánh Cha kêu gọi các vị Quản đốc các Đền Thánh tăng cường việc đón tiếp các tín hữu hành hương, giúp đỡ các nhu cầu thiêng liêng của họ, cầu nguyện, cử hành các bí tích, và giúp họ cảm nhận lòng thương xót của Chúa.
Đức Thánh Cha đã đưa ra những lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 29 tháng 11, dành cho 600 vị quản đốc các Đền Thánh quốc gia, các trung tâm hành hương ở các nơi trên thế giới, đang về Rôma tham dự Hội nghị quốc tế đầu tiên do Hội đồng Tòa Thánh Tân Phúc Âm Hóa tổ chức tại Roma từ ngày 27 đến 29 tháng 11 với chủ đề “Đền thánh là cánh cửa mở rộng cho công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng”.
Đức Thánh Cha đề cao tầm quan của việc đón tiếp dành cho các tín hữu hành hương, cả những tín hữu đi trong nhóm nhỏ hoặc với tư cách cá nhân không thuộc đoàn nào.
Ngài nhận xét rằng: “Thật là buồn trước sự kiện là khi các tín hữu hành hương đến các nơi thánh, chẳng có ai chào mừng và đón tiếp họ như những người lữ hành. Chúng ta không thể chỉ quan tâm hơn đến những nhu cầu vật chất và tài chánh, mà quên đi thực tại quan trọng là các tín hữu hành hương. Chúng ta phải quan tâm đến mỗi người, làm sao để họ cảm thấy như ‘ở nhà’, như một người thân thương được chờ đợi từ lâu và nay đã tới”.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng Đền thánh là nơi cầu nguyện và phần lớn các Đền thánh của chúng ta liên hệ tới lòng sùng kính Đức Mẹ.. Đức Trinh Nữ đáp lại tất cả mọi người với cái nhìn trìu mến của Mẹ.
Cách riêng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến vấn đề kinh nguyện tại các Đền Thánh. Ngài nói:
“Về vấn đề kinh nguyện tại các Đền Thánh, tôi muốn nhấn mạnh hai điều cần thiết: trước tiên là chúng ta hãy cổ vũ kinh nguyện của Giáo Hội qua việc cử hành các bí tích làm cho ơn cứu độ hiện diện và hiệu năng.”
“Hơn thế nữa, các Đền thánh được kêu gọi nuôi dưỡng kinh nguyện của mỗi tín hữu trong thinh lặng nội tâm. Mỗi người phải được giúp đỡ để biểu lộ kinh nguyện riêng của họ. Bao nhiêu người đến các Đến thánh vì họ cần được lãnh nhận một ơn, và họ trở lại để cảm tạ sau khi cảm nghiệm được ơn ấy, nhiều khi vì đã nhận được sức mạnh và an bình trong thử thách.”
Đức Thánh Cha cũng nói thêm rằng
“Trong các Đền thánh của chúng ta không ai bị cảm thấy mình là người xa lạ, nhất là khi họ đến với gánh nặng của tội lỗi. Và tôi muốn nêu nhận xét này: Đền thánh phải là nơi ưu tiên để cảm nghiệm lòng thương xót vô biên. Cũng vì lý do đó, tôi đã muốn có ‘Cửa Lòng Thương Xót’ tại các Đền thánh trong Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa”.
Cụ thể hơn, chúng ta “cần có những linh mục thánh thiện, được huấn luyện kỹ lưỡng, có lòng thương xót để ban bí tích hòa giải tại các Đền thánh. Tôi cầu mong rằng sẽ không bao giờ thiếu hình ảnh vị thừa sai lòng thương xót tại các Đền Thánh”.