Từ ngày Tổng Thống Trump chính thức mở cuộc chiến giao thương với Trung Quốc, không bản tin quốc tế nào lại không nhắc đến hai quốc gia này, nhất là trong những ngày tiếp theo hội nghị thượng đỉnh APEC tại Papua New Guinea, trong đó, vì Hoa Kỳ và Trung Quốc, các nước dự hội không đưa ra được một thông cáo chung nào để kết thúc hội nghị.

Hiện tượng ấy được nhà báo Sandro Magister đưa vào cả nội tình Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ khi cùng trong một bài báo gần đây (Synodality Up in Smoke. Exercises of Pontifical Monarchy in the United States and China) ông liên kết hai giáo hội Trung Hoa và Hoa Kỳ, bề ngoài có nhiều nét khác biệt căn bản nhưng hiện cùng nói lên nỗi trớ trêu của tính thượng hội đồng (synodality) trên thực tế.



Theo ký giả trên, là gì thì là, Giáo Hội Công Giáo không hề có tính thượng hội đồng. Vì sau khi ca tụng “tính thượng hội đồng” như hoa trái nổi bật của thượng hội đồng giám mục hồi tháng Mười, và, từ năm 2013, sau khi hứa hẹn sẽ dành nhiều quyền tự trị và quyền hành cho các hội đồng giám mục, kể cả “thẩm quyền chân chính về tín lý”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã “chặt chân chặt tay” nghị trình phiên họp toàn thể của một trong các hội đồng giám mục lớn nhất thế giới, tức Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, họp tại Baltimore từ ngày 12 tới ngày 14 tháng 11 vừa qua.

Đồng thời tại Trung Quốc, ngài đã để mặc các giám mục không thuộc thành phần của thoả thuận ngầm ký hồi tháng 9 giữa Tòa Thánh và các nhà cầm quyền tại Bắc Kinh. Đây là khoảng 30 vị giám mục vốn được gọi là “hầm trú” hay bí mật luôn ngoan cường chống lại việc chế độ kiểm soát Giáo Hội.

Tuy ở Vatican, người ta quả quyết đấy không phải là ý hướng của Đức Giáo Hoàng, nhưng việc các giám mục hầm trú cảm thấy bị Tòa Thánh bỏ rơi quả là một việc có thật, khiến Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đích thân qua Vatican trao tận tay Đức Phanxicô một lá thư khẩn khoản xin ngài can thiệp.

Quả là hai chuyện trớ trêu của tính thượng hội đồng trên thực tế. Thực vậy, theo Magister, với các giám mục Hoa Kỳ, Đức Phanxicô hành xử như một quân vương tuyệt đối... Trái lại, ở Trung Quốc, ngài hoàn toàn im lặng trước “via crucis” (đàng thánh giá) của giáo hội gọi là hầm trú tại đất nước này, những người luôn “vác thánh giá” vì lòng trung thành với chính ngài. Magister coi sự im lặng này không những công khai mà còn thiếu hẳn bất cứ hành vi thân hữu và nâng đỡ nào bằng các phương thế tư riêng. Hơn nữa, quanh nó, còn được bao bọc bởi một sự im lặng đồng lõa của giới truyền thông Công Giáo, nhất là giới truyền thông thân cận nhất của Đức Giáo Hoàng.



Khía cạnh cuối cùng được Cha Bernardo Cervellera, thuộc Viện Giáo Hoàng Truyền Giáo Ngoại Quốc, giám đốc hãng thông tấn “Aisa News”, ghi nhận trong bài “Shame over Msgr. Shao Zhumin, the bishop kidnapped by police”.

Cha cho rằng “Tin tức về cuộc bắt giam không biết lần thứ mấy Đức Cha Thiệu Trúc Mẫn (Shao Zhuyin), giám mục Ôn Châu (Wenzhou), đã diễn ra trong im lặng. Trừ một số phương tiện truyền thông nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, và một số trang mạng hiếm hoi nói tiếng Ý ra, dường như việc lôi cổ một giám mục, nổi tiếng ở Trung Hoa là người can đảm và đáng kính, bắt phải chịu hàng chục ngày nhồi sọ giống như thời Cách Mạng Văn Hóa, là điều không đáng đưa tin, hay đúng hơn là một điều gây khó chịu, đáng bị giữ im lặng”.

Theo Cha Cervellera, nếu Đức Cha Matteo Zuppi của Bologna mà bị quân Hồi Giáo cực đoan bắt cóc mà coi, chắc chắn báo chí sẽ cho chạy hàng tít lớn. Đàng này, Đức Cha Thiệu không phải là nạn nhân của cực đoan Hồi Giáo mà là nạn nhân của cực đoan “độc lập”: những người cực đoan này muốn thuyết phục Đức Cha rằng làm thành viên của Hội Công Giáo Yêu Nước, một Hội muốn xây dựng một giáo hội “độc lập” khỏi Tòa Thánh, là điều tốt đối với ngài, đối với Giáo Hội và đối với thế giới.

Theo quan điểm tín lý, điều Đức Bênêđíctô XVI nói trong Lá Thư gửi Người Công Giáo Trung Hoa vẫn còn đúng: tư thế của Hội Công Giáo Yêu Nước “bất tương hợp với tín lý Công Giáo”. Và trong quá khứ, rất nhiều lần, Đức Phanxicô quả quyết Lá Thư của vị tiền nhiệm “vẫn còn giá trị”.

Như thế, việc làm thành viên của Hội Công Giáo Yêu Nước hạn chế sinh hoạt của vị giám mục: bị theo dõi 24 giờ mỗi ngày; muốn đi thăm viếng mục vụ hay tiếp khách, phải xin phép; buộc phải tham dự trong nhiều tuần hay nhiều tháng các hội nghị nhồi sọ về sự tốt lành của chính sách tôn giáo của Nhà Nước.

Mặc cảm xấu hổ

Cha Cervellera tin rằng sự im lặng của truyền thông là do vì xấu hổ. Trước đây, họ quá “hồ hởi” về thoả thuận tạm đến cho rằng từ nay giáo hội Trung Hoa không còn gặp trở ngại gì nữa. Các trở ngại to lớn hiện nay “khó có thể được xưng thú”, một điều “dễ hiểu”.

Cha Cervellera cho rằng nếu ta thêm các đàn áp gần đây: đóng cửa các nhà thờ, triệt hạ các thánh giá, các tháp chuông bị san bằng, các đền thánh bị tan tành, cảnh sát cấm thiếu niên dưới 18 học giáo lý, thì ta hiểu thỏa thuận gần đây về việc bổ nhiệm giám mục tốt ở chỗ tránh được việc gia tăng các giám mục ly giáo, nhưng để nguyên vẹn tình huống trong đó Hội Công Giáo Yêu Nước và Mặt Trận Thống Nhất tin rằng họ mới là những nhà lãnh đạo thực sự của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc, chứ không phải Đức Giáo Hoàng! Điều này được xác nhận bởi các bài học đang được hai bộ phận này giảng dạy tại nhiều vùng trong nước, trong đó, các linh mục và giám mục lặp lại rằng “bất chấp thoả thuận Trung Quốc – Vatican”, Giáo Hội vẫn tiếp tục “độc lập” (khỏi Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh).



Điều không may, theo Cha Cervellera, là vì thoả thuận “tạm thời” không được công bố, nên Trung Quốc được tự do muốn giải thích nó thế nào cũng được. Hội Công Giáo Yêu Nước buộc các linh mục và giám mục tham gia Giáo Hội “độc lập” bằng cách nói rằng “Đức Giáo Hoàng đồng ý với chúng tôi”, đến nỗi, một số người Công Giáo hầm trú cay đắng cho rằng Vatican đã bỏ rơi họ trong bão táp.

Mặc cảm tôn thờ giáo hoàng và mặc cảm tôn thờ thị trường

Ngoài xấu hổ không dám nhìn nhận thực tế ra, Cha Cervellera còn nêu thêm hai lý do khiến báo chí im lặng.

Thứ nhất là “mặc cảm tôn thờ giáo hoàng” ("papolatry complex"): vì Đức Phanxicô là người ủng hộ thoả thuận với Trung Quốc, và là người can đảm cổ vũ đối thoại với nền văn hóa Trung Hoa, nên nếu nói nhiều đến việc Trung Quốc bách hại Giáo Hội sợ xúc phạm đến ngài chăng. Nhưng há ngài không luôn nhấn mạnh tới việc ngài thích thành thực chứ không nịnh hót và đối thoại là đối thoại giữa hai bản sắc, chứ không phải dẹp bản sắc mình, và nếu bản sắc mình khiến mình tử vì đạo, thì vẫn không nên dấu diếm nó đó sao?

Thứ hai là mặc cảm “tôn thờ thị trường” ("marketolatry" complex) tức việc thần hóa thị trường Trung Quốc. Nghĩa là phải im lặng trước việc bách hại và bắt bớ vì chúng được coi là “vô nghĩa” so với chiến tranh giao thương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và tương lai siêu cường của Trung Đế Quốc... Trong viễn tượng này, tự do tôn giáo của một nước không được hiểu là dấu chỉ sự tốt lành của họ. Thế nhưng, ngày 5 tháng 11 vừa rồi, nhân khi gặp tổ chức World Congress of Mountain Jews, Đức Phanxicô nói rằng “tự do tôn giáo là sự thiện tối cao phải bảo vệ, một nhân quyền nền tảng, một thành lũy chống lại các đòi hỏi của chủ nghĩa tòan trị”. Thành thử, những ai thực sự muốn giao thương với Trung Quốc nên trước nhất bảo vệ tự do tôn giáo.