Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm thứ hai 5/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp một phái đoàn đại diện của Công nghị Thế giới Những người Do Thái Miền núi. Đây là lần đầu tiên một phái đoàn từ cộng đồng này, có niên đại từ thế kỷ thứ 5, đến Rôma để gặp một vị Giáo Hoàng.
Người Do Thái Miền núi là hậu duệ của người Do Thái Ba Tư, là những người đã từng sống trên lãnh thổ ngày nay gọi là Iran. Họ nổi tiếng là những chiến binh can trường trên lưng ngựa trong quá khứ. Họ sống thành các cộng đồng miền núi gần Biển Caspi trong nhiều thế kỷ, nhưng sau khi Liên bang Sô viết sụp đổ, họ đang lan rộng khắp nhiều vùng, với các cộng đồng lớn nhất sống ở Nga và Azerbaijan.
Trong diễn từ tại cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ cuộc họp gần đây nhất của ngài với một cộng đồng Do Thái trong chuyến tông du Lithuania hồi tháng Chín vừa qua. Chuyến tông du đó đã trùng vào dịp kỷ niệm bảy mươi năm vụ tàn sát người Do Thái ở thủ đô Vilnius của Lithuania.
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ rằng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có một số lễ kỷ niệm quan trọng liên quan đến biến cố diệt chủng người Do Thái thời Quốc Xã. Đặc biệt, ngài đề cập đến ngày kỷ niệm cuộc đột kích vào khu Do Thái ở Rôma của quân Quốc Xã, và kỷ niệm ngày Quốc Xã Đức khởi động chiến dịch đàn áp người Do Thái, mà nhiều người vẫn gọi là “đêm đập kính”, vì trong một đêm hàng loạt các cửa hàng của người Do Thái và các hội đường Do Thái tại Đức đã bị đập bể kính. Đó là khởi đầu chiến dịch bách hại người Do Thái tại Đức trong thời Hitler. Gần đây các nhà sử học đã đưa ra nhiều thuật ngữ khác, thay cho thuật ngữ “đêm đập kính”, để đề cập đến sự hủy diệt mạng sống người Do Thái hay nhận chìm cuộc sống của họ vào những điêu linh kinh hoàng.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng:
“Nỗ lực để thay thế Thiên Chúa của lòng từ nhân với ngẫu tượng quyền lực và ý thức hệ hận thù đã kết thúc trong sự điên rồ hủy diệt con người. Do đó, tự do tôn giáo là một lợi ích tối cao cần được bảo vệ, một quyền cơ bản của con người và một bức tường chống lại các luận điệu của chủ nghĩa độc tài”.
Khoảng 1,500 người Do Thái Miền núi đã bị giết trong biến cố diệt chủng người Do Thái thời Quốc Xã, phần lớn là tại Crimea. Hầu hết cộng đồng người Do Thái Miền núi không bị ảnh hưởng trong chiến dịch tận diệt người Do Thái của Quốc Xã, một phần vì quân Đức không đến được lãnh thổ của họ, và một phần vì Quốc Xã Đức coi họ là các tín hữu Do Thái Giáo, hơn là những người Do Thái về mặt chủng tộc, là mục tiêu ưu tiên cao hơn của chế độ Quốc Xã Đức.
Đức Thánh Cha cảnh giác rằng vẫn còn thái độ bài Do Thái trong xã hội ngày nay: “Như tôi thường xuyên lặp lại, một tín hữu Kitô không thể là một người bài Do Thái; chúng ta cùng chung một nguồn gốc. Tâm tình bài Do Thái mâu thuẫn với đức tin và cuộc sống. Thay vào đó, các tín hữu Kitô được mời gọi dấn thân trong nỗ lực bảo đảm thái độ bài Do Thái phải bị loại khỏi cộng đồng nhân loại”.
Trích dẫn sách tiên tri Isaia, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả các tôn giáo hãy giúp thế giới “Biến giáo mác thành lưỡi liềm” để các cộng đồng có thể hưởng được một thời gian kiên nhẫn hòa giải với nhau. Đức Thánh Cha đã kết thúc diễn từ của mình với một lời chào bình an truyền thống của người Do Thái: “Shalom Aleichem!”
2. Tổng thống Ukraine và Đức Thượng Phụ Đại Kết ký hiệp định về quyền tự trị của Chính Thống Giáo Ukraine
Hôm thứ Bẩy 3 tháng 11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã có cuộc gặp gỡ tại Istanbul và đã ký một thỏa thuận mở đường cho việc công nhận quyền tự trị của Chính Thống Giáo Ukraine. Việc ký kết thỏa thuận này đã gây ra một làn sóng giận dữ mới tại Mạc Tư Khoa.
Thỏa thuận vừa được ký kết quy định các điều kiện cần thiết mà Chính Thống Giáo tại Ukraine phải đạt được trước khi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô ban cấp Tomos, tức là quy chế của một Giáo Hội Chính Thống tự trị trong thế giới Chính Thống Giáo.
“Thay mặt người dân Ukraine, tôi rất biết ơn Đức Thượng Phụ Đại Kết và tất cả các giám mục của Tòa Thượng Phụ Constantinope về quyết định hết sức quan trọng và khôn ngoan này, mở ra con đường đến với Thiên Chúa cho đất nước và Giáo Hội Ukraine”, ông Poroshenko nói.
“Thỏa thuận mà chúng tôi ký hôm nay đặt ra các điều kiện để việc chuẩn bị cho việc ban cấp Tomos sẽ được thực hiện hoàn toàn đúng theo với các quy tắc giáo luật của Giáo hội Chính Thống.”
Poroshenko cũng đã tweet: “Hôm nay là một ngày lịch sử. Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận về sự hợp tác giữa Ukraine và Tòa Thượng Phụ Đại Kết, mà chúng tôi vừa ký kết với Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô.”
Vấn đề được ban cấp Tomos sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm 2019 tại Ukraine. Ông Poroshenko xem việc ban cấp Tomos là một vấn đề then chốt trong kế hoạch tái tranh cử một nhiệm kỳ nữa.
Tòa Thượng Phụ Đại Kết của Chính Thống Giáo được đặt tại Istanbul, trước đây gọi là Constantinople và từng là thủ đô của Đế quốc Byzantine trước khi bị Đế quốc Hồi giáo Ottoman chinh phục vào năm 1453.
Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch ủy ban quan hệ đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, cho biết thỏa thuận mới là một trong những quyết định gần đây của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô “nằm ngoài thẩm quyền tài phán và vi phạm chủ quyền của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.”
Theo hãng tin TASS của Nga, Đức Tổng Giám Mục cáo buộc Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đang “đưa ra các chỉ thị từ nước ngoài nhằm làm suy yếu và chia rẽ sự hiệp nhất của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga”.
3. Trước thềm Thượng Hội Đồng Giám mục về Amazon: Kinh nghiệm trăm năm của các Salesians
Một Đại hội Truyền giáo Salesian trong vùng Amazon đã được linh mục bản xứ tên là Justino Sarmento Rezendo nhóm họp và trình bày chia sẻ những viễn kiến... Cuộc họp mặt này đã quy tụ cả trăm tu sĩ Salesian Don Bosco (SDB) và các nữ tu của Dòng Con cái Mẹ Phù hộ của nữ thánh Maria Mazarello (FMA) và nhiều cộng tác viên khác qui tụ về Manaus từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 11, để chia sẻ những công cuộc được con cái của cha thánh Gioan Bosco từ nhiều quốc gia khác nhau thực hiện tại vùng Amazon trong suốt một trăm năm qua, để giúp cho Thượng Hội Đồng và Giáo Hội có cái nhìn cụ thể cho Giáo Hội vùng Amazon.
Cha Juan Bottasso, một người truyền gíao cho Thông tấn xã Fides hay ngài là một người truyền giáo đã sinh sống ở Ecuador 59 năm qua với một mơ ước giúp thăng tiến cho xã hội, đặc biệt xã hội hiện nay, mà theo cha José Juncosa, Viện phó của Đại học Bách khoa Salesian ở Ecuador thì có quá nhiều bạo lực do hậu quả của các cuộc xung đột bắt nguồn từ việc khai thác bừa bãi tài nguyên trong vùng do các công ty của các quốc gia giầu mạnh.
Theo linh mục Diego Clavijo, người đã làm việc tại Achuar ở Peru 18 năm qua cho Fides hay: Trong mọi tường thuật về vùng Amazon, chi tiết quan trọng nhất không thể bỏ qua là những kinh nghiệm mà Giáo hội đã làm tại Amazon, hầu có thể tìm ra những cách thế mới cho Giáo Hội địa phương tại đây, có một khuôn mặt bản địa mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn.
Cuộc họp mặt tại Manaus đã bàn về những công tác phục vụ để triển khai các đề xuất có thể giúp thực thi sứ mệnh Salesian ở Amazon trong tương lai, cũng như đề xuất những đường lối mới cho Thượng Hội Đồng sắp tới. Liên quan đến Tu hội Salesian, điều cần thiết là lượng định và giám định lại các công cuộc chăm sóc mục vụ cho dân bản địa trong bối cảnh đô thị hóa hầu thúc đẩy sự hình thành một nền văn hóa bản địa bằng ngôn ngữ địa phương đã được Giáo hội Mẹ nhấn mạnh nhiều là làm thế nào để hình thành được một Giáo Hội biết lắng nghe và chăm sóc việc mục vụ cho giới trẻ.
Các vấn đề liên quan khác mà Đại hội này nhắm tới là gia đình Salesian cần học hỏi để thực thi vai trò cộng tác rất quan yếu của người giáo dân, đặc biệt là nữ giới, những người mà Giáo hội trong vùng Amazon này phải được coi trọng hơn và đáp ứng bổ nhiệm vào những chức vụ chính yếu trong Giáo hội.
Do đó viễn ảnh của các dự án truyền giáo nhằm chăm sóc mục vụ; huấn luyện các Giảng viên Giáo lý; phát triển những nghi lễ phụng vụ có sắc thái Thổ dân da đỏ; việc đào tạo các ứng viên giáo sĩ lẫn tu sĩ có tầm nhìn thực tế và văn hóa vùng Amazon hầu kiến tạo một nền kinh tế văn hóa phát triển hỗ trợ cho các công cuộc truyền giáo mục vụ cho vùng Amazon.
4. Hãy bảo vệ những người di dân đáng thương
Các nhà lãnh đạo Công Giáo thúc giục chính phủ Hoa Kỳ hãy bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong đoàn di dân tiến về biên giới Hoa Kỳ.
Đoàn di dân hàng ngàn người từ Trung Mỹ vẫn tiếp tục di chuyển về biên giới Hoa Kỳ, hội đồng Giám mục và các vị lãnh đạo các cơ quan hỗ trợ Công Giáo Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ hãy đối xử nhân đạo với những người di dân.
Ký vào bản tuyên cáo chung gồm có Đức Giám Mục Joe Vásquez của Giáo phận Austin, Chủ tịch Ủy ban Di trú của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Linh mục Sean Callahan, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Quỹ Bác ái, và Sơ Donna Markham OP, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Quỹ Từ thiện Công Giáo Hoa Kỳ.
Trong tuyên cáo, ủy ban xác quyết: “Việc di dân tị nạn không phải là một tội”.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ hãy tuân thủ pháp luật quốc tế và pháp luật hiện hành trong nước để bảo vệ những người đang kiếm tìm nơi trú ẩn an toàn và đảm bảo rằng họ được bảo vệ khi hồi hương một cách an toàn”.
Đầu tháng này, bắt đầu có một nhóm khoảng 160 người di cư ở Honduras khởi đầu thành một đoàn di dân, họ đi bộ về phía bắc để xin tị nạn tại Hoa Kỳ. Đoàn tị nạn hiện đã đến nước Mexico, và đoàn lên tới 7.000 người, mặc dù hàng trăm người đã bỏ cuộc từ nhiều tụ điểm khác nhau.
Các đoàn di dân nhỏ hơn cũng khởi tiến về phía biên giới Hoa Kỳ, bao gồm một đoàn gồm khoảng 200 người từ El Salvador.
Tổng thống Mexico, Enrique Peña Nieto, đã cung cấp các năng quyền như cấp giấy lao động tạm thời và chăm sóc y tế cho những người di cư muốn ở lại Mexico, nhưng có ít nhất 4.000 người vẫn tiếp tục di chuyển về biên giới Hoa Kỳ.
Theo tờ Washington Post thì các giáo xứ Công Giáo dọc theo tuyến đường của đoàn di dân ở Mexico đang cung cấp chốn nghỉ ngơi và thức ăn đồ uống cho họ.
Hôm thứ Hai, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gọi đoàn di dân này là “một cuộc xâm lược” và thông báo rằng 5.200 quân lính sẽ được sai tới biên giới Hoa Kỳ - Mexico vào cuối tuần này, để cộng tác với Hải quan Hoa Kỳ bảo vệ Biên giới và đảm bảo thực thi luật pháp của việc nhập cư. Theo tweet của TT Trump thì “Nhiều thành viên băng đảng và một số tội phạm đã trà trộn vào đoàn di dân và đang tiến về biên giới phía Nam Hoa kỳ. TT Trump kêu gọi họ “hãy quay về lại quê hương của họ, họ sẽ không được nhận vào Hoa Kỳ, trừ khi họ hội đủ điều kiện tị nạn và kinh qua một quy trình pháp lý”.
Trong tuyên cáo của Ủy ban gồm các nhân vật như Vásquez, Callahan và Markham cho biết họ giúp đỡ những người nghèo khổ và dễ bị tổn thương ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới và họ “rất buồn vì bạo lực, bất công và kinh tế tồi tệ đã khiến nhiều người phải bỏ của cải gia tài của họ tại Trung Mỹ mà di tản. Trong khi các quốc gia có quyền bảo vệ biên giới của họ nhưng quyền này phải đi kèm với trách nhiệm: các chính phủ phải thực thi luật một cách tương xứng, đối xử với mọi người một cách nhân đạo, và cung cấp qui trình đúng đắn cho người tị nạn”. Họ cũng kêu gọi chính phủ không những chỉ giải quyết cho những người di dân đến Mỹ mà còn phải giải quyết các vấn đề trong các nước và các khu vực khiến nhiều người buộc lòng phải di cư, bỏ lại nhà cửa và nơi chôn nhau cắt rốn mà ra đi vì bạo lực và kinh tế bấp bênh tại quê hương đất nước của họ.
Thông cáo nói tiếp: “Là những Kitô hữu, chúng ta phải đáp lại những tiếng kêu mời thống thiết của những người di dân với lòng từ bi và cùng nhau tìm ra các giải pháp nhân đạo tôn trọng quy tắc của pháp luật và tôn trọng phẩm giá của con người.”
Các đoàn di dân vẫn còn đang trên con đường dài 900 dặm mới tới được biên giới Hoa Kỳ, dự kiến họ sẽ tới biên giới Hoa kỳ trong một vài tuần sắp tới.
5. Vài nét về luật phạm thượng của Pakistan
Trong một báo cáo dày 68 trang, Amnesty International đã phơi bày sự thật về luật báng bổ của Pakistan mà nạn nhân của nó từ năm 1987 đến nay là 633 người Hồi giáo, 494 người Ahmadis (1), 187 Kitô hữu và 21 người theo Ấn Giáo.
Báo cáo của Amnesty International có tựa đề “As Good as Dead”, nghĩa là “Cũng như là Chết”, trong đó ghi lại tình trạng của những người bị tố cáo là báng bổ tiên tri Muhammad. Họ sống cũng như là chết trước cơ man những hình thái bạo lực về tinh thần và thể xác chống lại họ.
Trong lời nói đầu, Amnesty International nói thẳng thừng rằng:
“Luật báng bổ của Pakistan đã được cẩn thận viết theo lối mở rộng cửa cho những lạm dụng.
Người ta cố tình không đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ cho những điều khoản trong luật này được diễn đạt đúng đắn như thường thấy trong hệ thống luật pháp của một quốc gia. Điều này có nghĩa là các bị cáo có rất ít phương tiện để tự bảo vệ mình.
Luật báng bổ của Pakistan thể hiện một sự xuyên tạc hệ thống tư pháp, trong đó các bị cáo thường bị xem là có tội, dù có rất ít hoặc chẳng có bằng chứng nào cả.
Báo cáo này ghi lại cẩn thận các trường hợp nhằm minh họa cho những vi phạm nhân quyền và lạm dụng trên một phạm vi rất rộng, để làm nổi bật sự cần thiết phải bãi bỏ một cách cấp bách luật này – và trong khi chờ đợi luật này bị bãi bỏ - chúng tôi muốn nêu bật sự cần thiết là chính quyền Pakistan phải đưa ra các thủ tục bảo vệ hiệu quả cho những người vô tội”.
Viện dẫn các phán quyết của tòa án, Amnesty International tố cáo trước công luận quốc tế rằng:
“Đa số các trường hợp bị tố cáo là phạm thượng dựa trên những cáo buộc sai lầm xuất phát từ những tranh chấp quyền sở hữu hoặc những bất hòa giữa các cá nhân hoặc giữa các gia đình, chứ không phải là thật sự báng bổ [tiên tri Muhammad], và chắc chắn những cáo buộc như thế sẽ dẫn đến hàng loạt những vụ bạo động trên quy mô toàn bộ cộng đồng”.
6. Trường hợp của Asia Bibi
Năm 2009, Bibi bị buộc tội đưa ra những nhận xét phỉ báng tiên tri Hồi giáo Muhammad sau một cuộc tranh luận bắt nguồn từ một ly nước. Bibi đang thu hoạch quả dâu với các công nhân nông trại khác khi được yêu cầu đi lấy nước từ giếng.
Một người nhìn thấy cô uống nước từ một cái ly mà trước đó đã được những người Hồi giáo sử dụng. Người ấy nói với Bibi rằng một Kitô hữu không thể sử dụng chung một ly nước với người Hồi Giáo, vì Kitô hữu là người ô uế. Một cuộc cãi vã xảy ra sau đó, và năm ngày sau đó người ta báo cáo với một giáo sĩ Hồi giáo rằng Bibi đã phỉ báng Muhammad. Bibi và gia đình cô là những Kitô hữu duy nhất trong khu vực, và đã phải đối mặt với những áp lực buộc cải đạo sang Hồi giáo.
Cô bị kết tội phạm tội phạm thượng vào năm 2010, và bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Cô kháng cáo ngay lập tức. Tòa án Tối cao Lahore đã y án vào năm 2014, sau đó cô đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao của Pakistan. Tòa án tối cao đã đồng ý nghe kháng cáo của cô vào năm 2015 nhưng khất lần hẹn nữa cho đến nay mới xử.
Kể từ khi bị bắt giữ, Bibi đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho cô, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vào năm 2015, Đức Phanxicô đã tiếp chồng và con gái cô và cầu nguyện cho cô.
Ở Pakistan, những người Hồi giáo cứng rắn đã kêu gọi tử hình cô ngay từ khi cô bị kết tội lần đầu. Luật phỉ báng của Pakistan áp đặt hình phạt nghiêm khắc đối với những người xúc phạm Kinh Qur'an hoặc phỉ báng Mohammed. Hồi giáo là quốc giáo của Pakistan, và khoảng 97% dân số là người Hồi giáo.
7. Hồi Giáo cực đoan biểu tình kinh hoàng tại Pakistan, Liên Hiệp Quốc giúp luật sư của Asia Bibi trốn thoát sang Hà Lan
Luật sư Pakistan, là người đã bào chữa cho một phụ nữ Công Giáo bị kết án tử hình ở Pakistan vì tội phỉ báng tiên tri Mohammed đã trốn được sang Hà Lan, một tổ chức nhân quyền của các Kitô hữu Hà Lan đã cho biết như trên.
Luật sư Saiful Mulook, là người bào chữa cho Asia Bibi, đã tiếp xúc với các nhân viên Liên Hiệp Quốc tại Islamabad để xin bảo vệ mạng sống trước các cuộc biểu tình rầm rộ làm tê liệt mạng lưới giao thông đường bộ tại nhiều thành phố lớn của Pakistan.
Phát biểu tại La Hague, luật sư Saiful Mulook nói: “Tôi không vui khi không có cô ấy ở đây. Tôi sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu tôi ở cùng một nơi với cô ấy. Nhưng mọi người đều nói tôi là mục tiêu chính.”
Ông cho biết đã bị giữ lại tại văn phòng đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Islamabad vào hôm thứ Sáu 2 tháng 11, và các nhân viên Liên Hiệp Quốc “đã tống tôi lên một chiếc máy bay rời khỏi Pakistan” một ngày sau đó.
Trong quá khứ, hai chính trị gia Pakistan đã bị ám sát vì cố giúp cô Bibi. Ngày 4 tháng Giêng năm 2011, tại khu chợ Kohsar ngay tại thủ đô Islamabad, thống đốc bang Punjab Salmaan Taseer đã bị giết bởi Malik Mumtaz Hussein Qadri, một cận vệ 26 tuổi của chính ông vì ông lên tiếng bênh vực cho Asia Bibi và chống lại luật phạm thượng.
Gần hai tháng sau đó, hôm 2 tháng Ba năm 2011, Bộ trưởng Bộ các dân tộc và tôn giáo thiểu số Pakistan, là người Công Giáo đầu tiên trong chính phủ Pakistan đã bị bắn chết ngay trước cửa nhà mình.
Một số đảng trong quốc hội Hà Lan nói họ hỗ trợ việc cung cấp nơi trú ẩn tạm thời cho Bibi nếu cô bỏ trốn khỏi Pakistan.
8. Chính quyền Pakistan chịu khuất phục trước những đòi hỏi của lực lượng Hồi Giáo cực đoan Tehreek-e-Labbaik
Một chiếc máy bay của không quân Anh đã quay trở lại căn cứ tại Luân Đôn mà không đón được Asia Bibi và gia đình sau khi chính quyền Pakistan chịu khuất phục trước những đòi hỏi của lực lượng Hồi Giáo cực đoan Tehreek-e-Labbaik do Khadim Rizvi, một thày giảng Kinh Qu’ran cực đoan lãnh đạo.
Khadim Rizvi đã tổ chức các cuộc biểu tình dữ dội được ghi nhận là lớn chưa từng thấy trong lịch sử của Pakistan cận đại sau khi Tối Cao Pháp Viện nước này tuyên bố Asia Bibi vô tội.
Trong một Fatwa, Khadim Rizvi còn táo bạo đến mức yêu cầu những người nấu ăn, những người tôi tớ và các cận vệ của ba vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Pakistan hãy tìm cách giết chết những vị này.
Trước các cuộc biểu tình này, chính phủ Pakistan đã chịu khuất phục Hồi Giáo cực đoan. Hôm thứ Sáu, 2 tháng 11 năm 2018, Noor-ul-Haq Qadri, Bộ trưởng Bộ tôn giáo Liên bang, và Muhammad Basharat Raja, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp bang Punjab, đã ký một thỏa thuận với bọn Tehreek-e-Labbaik thay mặt cho chính phủ. Thỏa thuận gồm hai điểm chính là đưa Asia Bibi vào danh sách những người cấm xuất cảnh, và buộc Tối Cao Pháp Viện Pakistan tái xét lại quyết định tha bổng cho Asia Bibi.
Bà Jemima Goldsmith, vợ cũ của thủ tướng Imran Khan, đã mạnh mẽ chỉ trích thỏa thuận này là “hèn nhát”. Bà nói “Chính phủ Pakistan đã phải khuất phục trước các yêu cầu cực đoan để ngăn Asia Bibi rời khỏi đất nước. Đó không phải là một Pakistan mới mà chúng tôi hy vọng. Sau 3 ngày với những bài phát biểu dũng cảm bảo vệ ngành tư pháp, chính quyền Pakistan đã phải cúi đầu trước các yêu cầu cực đoan để ngăn cô không được rời khỏi Pakistan, sau khi cô đã được tha bổng. Hành động hèn nhát này có khác gì là ký tên vào án tử hình của cô ta?”