Nhân kỷ niệm 40 năm Đức Hồng Y Karol Wojtyła được bầu làm Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và vào giữa lúc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên đang diễn ra tại Rôma, George Weigel, người viết tiểu sử vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan, có một bài nhận định đăng trên First Things ngày 17 tháng 10, 2018.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây John Paul II, Youth Minister. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.


Mục vụ giới trẻ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

George Weigel

Là một người Ba Lan, Đức Karol Wojtyła có một cảm thức rất nhạy bén về sự trớ trêu của lịch sử. Vì thế, từ vị trí hiện nay giữa Cộng Đoàn Các Thánh, ngài có lẽ cảm thấy ngỡ ngàng trước sự kiện trớ trêu rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục về “Tuổi trẻ, Đức tin, và sự Phân định ơn gọi”, hiện đang được tiến hành tại Rôma, đã diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 40 cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 16 tháng 10 năm 1978. Điều trớ trêu ở đây là gì? Thưa, trớ trêu ở chỗ hầu hết các phương thức mục vụ thanh thiếu niên thành công nhất của một triều Giáo Hoàng trong lịch sử hiện đại, và có lẽ là trong suốt toàn bộ lịch sử, đã bị bỏ qua trong tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục 2018. Và hàng lãnh đạo Thượng Hội Đồng dưới thời Hồng Y Lorenzo Baldisseri dường như miễn cưỡng một cách kỳ lạ khi nhắc đến giáo huấn và các mẫu gương của ngài.

Nhưng hãy vượt ra ngoài cái trớ trêu này. Đâu là những bài học mà Thượng Hội Đồng có thể rút ra từ Đức Gioan Phaolô II vào ngày kỷ niệm ngọc cuộc bầu cử Giáo Hoàng của ngài?

1. Những câu hỏi lớn vẫn như vậy thôi.

Một số giám mục tại Thượng Hội Đồng 2018 đã nhận xét rằng những người trẻ ngày nay đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác so với thế giới khi các giám mục được nêu trên lớn lên. Rõ ràng là có một chút yếu tố nào đó của sự thật ở điểm này, nhưng cũng có một sự nhầm lẫn giữa những thứ phù du và những điều vĩnh cửu.

Năm 1948, khi Hồng Y Adam Sapieha sai linh mục trẻ Wojtyła đến giáo xứ Thánh Florian để bắt đầu một sứ vụ cho sinh viên đại học sống gần đó, mọi thứ ở Krakôvia chắc chắn khác rất xa so với thời Wojtyła còn là sinh viên tại Đại học Jagiellonian vào những năm 1938-1939. Năm 1948, Ba Lan đã bị đóng băng sâu kín trong chủ nghĩa Stalin, và các hoạt động thanh niên Công Giáo có tổ chức đã bị cấm. Cuộc sống xã hội và văn hóa tự do, trong đó Wojtyła đã được hưởng trước khi Đức Quốc Xã đóng cửa Đại Học Jagiellonian không còn nữa, và tuyên truyền vô thần đã ra rả suốt ngày trong nhiều lớp học. Nhưng Wojtyła biết rằng những câu hỏi lớn liên quan đến những người trẻ tuổi — Mục đích của tôi trong cuộc đời này là gì? Làm thế nào để hình thành tình bạn lâu dài? Cao quý là gì và tầm thường là gì? Làm thế nào để định hướng trước những gập ghềnh của cuộc sống mà không phải chấp nhận những nhượng bộ nghiêm trọng? Điều gì mang lại hạnh phúc thực sự? – là những điều luôn luôn giống nhau. Chúng luôn luôn như vậy, và chúng sẽ luôn là như vậy.

Nói với những người trẻ tuổi ngày hôm nay rằng họ hoàn toàn khác biệt là sai trái, và đó là một hình thức thiếu tôn trọng. Ngược lại, giúp những người đang trưởng thành đặt ra những câu hỏi lớn và vật lộn với những điều vĩnh cửu mới chính là thực sự coi trọng họ. Đức Wojtyła biết điều đó, và các giám mục tại Thượng Hội Đồng 2018 cũng nên biết như vậy.

2. Việc tháp tùng với thanh niên cần phải dẫn họ đến đích điểm nào đó.

Một số sinh viên được Đức Wojtyła coi sóc mục vụ tại giáo xứ Thánh Florian đã trở thành bạn của tôi, và khi tôi yêu cầu họ mô tả về ngài trong tư cách một người bạn đồng hành, một vị linh hướng và một cha giải tội, họ luôn nhấn mạnh đến hai điểm: một sự chăm chú lắng nghe dẫn đến các cuộc đối thoại có chiều sâu; và một sự kiên quyết đòi buộc trách nhiệm cá nhân đối với những chọn lựa được đưa ra trong cuộc sống. Một người trong số họ cho tôi biết: “Chúng tôi nói chuyện hàng giờ và ngài làm sáng tỏ câu hỏi, nhưng tôi chưa bao giờ nghe ngài nói: ‘Con phải làm thế này’. Điều ngài luôn luôn bảo chúng tôi là ‘Con phải lựa chọn’”. Đối với Đức Karol Wojtyła, mục vụ thanh niên cần phải nhẹ nhàng nhưng sự kiên quyết đòi hỏi các quyết định luân lý nghiêm túc mới chính là ý nghĩa đích thực của “đồng hành” (một thuật ngữ mơ hồ trong Thượng Hội Đồng 2018).

3. Chủ nghĩa anh hùng không bao giờ là lỗi thời

Khi, trong tư cách Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đề xuất việc hình thành Ngày Giới Trẻ Thế Giới, phần lớn giáo triều Rôma nghĩ rằng ngài đã đánh mất các cảm quan của mình: những người trẻ tuổi vào cuối thế kỷ XX chẳng quan tâm đến một lễ hội quốc tế bao gồm giáo lý, đàng Thánh Giá, xưng tội và Thánh Thể đâu. Ngược lại, Đức Gioan Phaolô đã hiểu rằng cuộc phiêu lưu để sống một cuộc sống với những nhân đức anh hùng vẫn hấp dẫn trong thời hậu hiện đại như nó đã từng hấp dẫn vào thời tuổi trẻ của ngài, và ngài tin tưởng vững chắc rằng các nhà lãnh đạo tương lai của thiên niên kỷ thứ ba trong lịch sử Kitô giáo sẽ đáp lại lời mời gọi cho cuộc phiêu lưu đó.

Điều đó không có nghĩa là họ sẽ thập toàn thập mỹ. Nhưng như ngài đã từng nói với những người trẻ trong rất nhiều dịp, “Đừng bao giờ, đừng bao giờ hài lòng với bất cứ điều gì kém hơn so với sự vĩ đại tinh thần và đạo đức mà ân sủng của Thiên Chúa có thể tạo ra trong cuộc sống của các con. Các con sẽ thất bại; tất cả chúng ta đều thất bại. Nhưng đừng hạ thấp kỳ vọng. Hãy đứng dậy, rũ sạch bụi bậm, tìm kiếm sự hòa giải. Nhưng đừng bao giờ, đừng bao giờ hài lòng với bất cứ điều gì ít hơn so với chủ nghĩa anh hùng mà chúng con được sinh ra để hướng đến.”

Thách thức đó — sự tự tin mà những người trẻ thực sự khao khát sống với một trái tim không chia cách — đã bắt đầu một cuộc phục hưng nơi những thanh niên và trong nền mục vụ đại học trong các phần sống động của Giáo Hội trên thế giới. Thượng Hội Đồng 2018 nên suy ngẫm về kinh nghiệm này và coi trọng nó.


Source: First Things John Paul II, Youth Minister