TIN VIETCATHOLIC - Chúng tôi vui mừng đưa tin tượng Đức Mẹ La Vang sẽ được cung hiến và đặt tại khung viên Nhà thờ Hòm Giao Ước bên Do Thái đã được hoàn thành và sẽ được gửi sang Do thái ngày 1 tháng 8 năm 2018. Tượng được tạc bằng loại đá cẩm thạch trắng tinh, loại quí hiếm, mịn, với độ cứng lâu bền và giá trị nhất ở Việt Nam. Để có được loại đá này chúng tôi đã phải mất mấy tháng trời nhờ các nhà chuyên môn đi truy lùng tại những xưởng sản xuất đá ở Việt Nam, từ Yên Bái, tới Thanh Hóa, qua Ngũ Hoành Sơn và sau cùng vào Nghệ An và Hà Tĩnh. Sau khi tham khảo với nhiều nghệ sĩ và điêu khắc gia có các tác phẩm để so sánh, chúng tôi đã chọn một giáo sư dạy về điêu khắc ở Việt Nam để hoàn thành bức tượng cao 2 mét này.

Tượng này cũng là tượng đầu tiên được hoàn thành theo tiêu chuẩn của Ủy ban Nghệ thuật thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Vì không có mẫu nào làm tiêu chuẩn nên chúng tôi đã phải tham khảo nhiều mẫu khác khau và sau cùng chính chúng tôi đã kết hợp những yếu tố được cho là tiêu biểu mang tính cách nghệ thuật và sắc thái hồn nước và quê hương Việt Nam vẽ ra bản mẫu. Bản mẫu này đã được gửi về cho điêu khắc gia và hội ý với một số vị có thế giá về nghệ thuật cũng như về ý nghĩa lịch sử khi Đức Mẹ hiện ra tại La Vang mang tính cách đạo lý và thần học như thế nào. Trong thời gian thực hiện và điêu khắc bức tượng, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi những tiến trình cụ thể.

Để thực hiện được tác phẩm giá trị nêu trên, chúng tôi đã theo sát một số những tiêu chuẩn được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề ra như sau:

1. 12 ngôi sao trên khăn đống của Đức Mẹ, sao chính giữa giống ngôi sao của mặt Trống Đông Sơn,
ngôi sao này là hình ảnh mặt trời, đạo trời soi rọi vào mọi sinh hoạt của người dân Việt.
Mẹ cũng là ngôi sao sáng của Thiên Chúa ở trần gian.
2. Gương mặt Mẹ có nét đẹp Việt Nam thuần túy. Mẹ cúi xuống nhìn đàn con đang chạy đến khẩn cầu.
Sự tích La Vang mang hình ảnh mẹ nhìn đến đàn con.
3. Cánh tay Mẹ bế Chúa trong thế vững chắc như biểu hiện sự nâng đỡ che chở.
4. Bàn tay Chúa nắm nhẹ vào bàn tay Mẹ như tìm sự bao bọc. Tay hai mẹ con gặp gỡ nói lên có sự giao tiếp mẹ con.
5. Một nút áo của Chúa tuột ra diễn tả thân phận con người (nhân tính) trong Chúa Giêsu.
6. Hai chân Chúa: chân dài chân ngắn nhắc đến chi tiết Chúa bị kéo dãn ra khi chịu đóng đinh.
7. Y phục của Mẹ là y phục hoàng tộc Việt Nam, kể cả hài.
8. Hoa văn hoàng tộc trên áo của Chúa xác định vương quyền.


Tượng Mẹ La Vang này sẽ được Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM Huế và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam thánh hiến ngày 18-10-2018 tại Kyriat Yearim, Jreusalem, Do thái, cùng với sự hiện diện của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, chừng 40 linh mục Việt Nam, bao gồm cả gần 20 phái đoàn hành hương từ khắp nơi đến thánh địa Do thái trong dịp này. Như chúng tôi biết hiện nay đã có 1 phái đoàn linh mục Việt Nam, 3 phái đoàn giáo dân từ Hoa kỳ, 1 phái đoàn từ Úc châu, và 17 phái đoàn từ Việt Nam tham dự thánh lễ cung hiến trọng đại nêu trên.

Sau đây là một số những bức ảnh về tượng Mẹ La Vang Do Thái.

LM Gioan Trần Công Nghị