Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tòa Thánh và Trung Hoa vẫn đang tiếp tục cuộc đối thoại vói nhau, nhưng các chi tiết không được tiết lộ, chỉ nhấn mạnh rằng “nếu có một thoả hiệp vào phút chót, nó sẽ giúp Giáo Hội phục hồi sự hợp nhất” để nhiều giáo phận, hiện đang thiếu giám mục từ lâu, có “vị chủ chăn được cả Giáo Hội lẫn Nhà Nước chấp nhận và thừa nhận”.
Điều trên đã được Vatican News loan báo ngày 13 tháng Bẩy qua, nhưng cũng cảnh cáo rằng kết quả của “thỏa thuận” cuối cùng này có thể gây ra bất hài lòng, đau đớn, bác bỏ, ghen ghét và thậm chí “các căng thẳng mới”. Tuy nhiên nó cũng loan báo điều tốt: sẽ không có người thắng kẻ thua, nhưng “sự đóng góp của mỗi bên sẽ được coi là qúy giá”.
Như Đức Hồng Y Pietro Parolin nói, đây không phải là chuyện “xóa sạch vốn không lưu ý chi tới hay, gần như dùng ma thuật, gạt bỏ con đường khó khăn của rất nhiều tín hữu và mục tử, nhưng là chuyện đầu tư, với ơn trợ giúp của Thiên Chúa, vốn liếng nhân bản và thiêng liêng gồm rất nhiều cố gắng để xây dựng một tương lai thanh thản và huynh đệ hơn”.
Tờ báo hàng ngày của Tòa Thánh nhấn mạnh rằng Giáo Hội tại Trung Hoa, bất chấp “nhiều trạng huống bất thường gây đau lòng, nhưng chưa bao giờ bị coi là ‘phân ly’ khỏi Rôma, vì một chủ trương tín lý nhằm bác bỏ quyền tài phán tối cao chưa bao giờ được chi tiết hóa tại Giáo Hội Trung Hoa”.
Vatican News quả quyết rằng “ý muốn sống động được hợp nhất với Đức Giáo Hoàng luôn luôn hiện diện nơi các giám mục được tấn phong bất hợp pháp”. Tình huống bất thường của các giám mục này đã phát động sự kình chống trong mấy năm qua giữa hai ý kiến chống đối nhau: các ý kiến coi các giám mục bất hợp pháp là thành thật, tin ở sự hối cải của các ngài, và các ý kiến lên án các ngài.
Chính vì lý do trên, như Đức Hồng Y Parolin đã nói, điều quan trọng là không ai nên đầu hàng mãi mãi “trước tinh thần chống đối nhau để kết án người anh em mình” mà đúng hơn “mỗi người nên nhìn tương lai của Giáo Hội một cách tin tưởng, vượt quá mọi giới hạn của con người”.
Vatican News kết luận “Nếu có được sự tái khởi đầu huynh đệ và hợp nhất hơn của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa, trong khi vẫn tôn trọng các nhậy cảm khác nhau, nó sẽ có tiếng vang tích cực đặc biệt đối với đời sống bí tích và thiêng liêng của các tín hữu, họ được tiếp tục là người Công Giáo chân chính trọn vẹn và, cùng một lúc, là người Trung Hoa chân chính”.
Nhờ thế, “một năng lực mới sẽ được giải thoát cho các sinh hoạt của Giáo Hội và cho một hòa hợp lớn hơn trong xã hội Trung Hoa. Tuy nhiên, phần lớn tùy thuộc sự tham gia của mọi người và thiện chí”.
2. Tiến trình chuẩn bị án phong Thánh cho nhà lãnh đạo Dòng Tên Pedro Arrupe đã bắt đầu.
Vị tổng cáo thỉnh viên Dòng Tên nói ngài đã bắt đầu tập hợp tất cả các tác phẩm của Cha Pedro Arrupe và tìm kiếm các nhân chứng có thể chứng thực cho sự thánh thiện của cha Arrupe, người đã từng là Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên trong giai đoạn 1965 đến 1983.
Một trong những trọng trách lớn là việc tập hợp một danh sách gồm 120 nhân chứng, đặc biệt là những người thân quen với Cha Arrupe. Việc này phải được “hoàn thành trong khoảng một năm”. Cha Pascual Cebollada, tổng cáo thỉnh viên Dòng Tên nói với Catholic News Service:
“Tôi có thể nói với bạn rằng những nhân chứng này sống rải rác ở nhiều nơi khác nhau: từ Tây Ban Nha nơi sinh của Cha Arrupe; đến Nhật Bản, nơi ngài được bề trên sai đến truyền giáo; và từ Rôma, nơi ngài đã sống những năm cuối đời”.
Trong một cuộc họp ở Bilbao, Tây Ban Nha, cùng với các tu sĩ Dòng Tên và các cộng sự viên giáo dân vào ngày 11 tháng 7, Cha Arturo Sosa Abascal, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, đã thông báo rằng “chúng ta đã bắt đầu một cách nghiêm túc tiến trình phong Chân Phước cho Cha Pedro Arrupe.”
“Chúng ta vẫn đang ở phần đầu tiến trình này, nhưng Đức Hồng Y Angelo de Donatis, Giám quản Rôma, đã phê chuẩn cho giáo phận Roma được mở án phong chân phước,” Cha Sosa nói.
Cha Cebollada, người chịu trách nhiệm giám sát các án phong thánh của Dòng Tên, nói với CNS rằng ngài đã gặp vị chưởng lý của giáo phận Rôma để thảo luận giai đoạn ban đầu là thu thập các thông tin liên quan đến cuộc đời và công việc của Cha Arrupe.
Ngài cũng đang thu thập tất cả các tác phẩm của Cha Arrupe, là các tài liệu sẽ được các nhà kiểm duyệt thần học nghiên cứu kỹ lưỡng, để xét xem “có bất cứ điều gì chống lại đức tin hay truyền thống của Giáo Hội” hay không.
“Đây là loại công việc mà chúng tôi đã bắt đầu làm,” Cha Cebollada nói. “Chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị như trong mọi án phong Thánh.”
Sau khi vị cáo thỉnh viên có danh sách các nhân chứng và đã thu thập xong các tác phẩm, việc chính thức mở án phong thánh cho cha Arrupe sẽ được giáo phận Rôma, giáo phận nơi ngài qua đời khai mở.
3. Tiểu sử Cha Pedro Arrupe
Sinh tại Tây Ban Nha, Cha Arrupe vào Dòng Tên năm 1927. Sau khi các tu sĩ Dòng Tên bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha vào năm 1932, ngài tiếp tục học tại Bỉ, Hà Lan và Hoa Kỳ. Sau khi thụ phong, ông được cử sang Nhật năm 1938.
Theo trang web của Dòng Tên Hoa Kỳ, Cha Arrupe đang phục vụ trong một cứ điểm truyền giáo tại Hiroshima, Nhật Bản khi Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống địa điểm này vào năm 1945. Vị linh mục Dòng Tên, là người nghiên cứu y học trước khi vào Dòng Tên, và một số bạn đồng hành đã thoát chết và tích cực cứu giúp cho 150 nạn nhân “.
“Cha Arrupe là tinh hoa tốt nhất của Dòng Tên, mặc dù điều này nghe có vẻ phóng đại và xúc cảm quá,” Cha Cebollada nói. “Nhưng đối với nhiều người trong chúng tôi, từ thế hệ này sang thế hệ khác, Cha Arrupe là một tấm gương về việc bắt nguồn mọi sự từ Chúa Kitô, một người luôn lắng nghe và đáp lại tiếng gọi của Chúa Thánh Thần và, không sợ hãi, đưa ra quyết định cần thiết bởi vì ngài bắt nguồn mọi sự từ Thiên Chúa”
Vào năm 1965, Cha Arrupe được bầu làm Bề trên Tổng quyền Dòng Tên. Ngài từ chức năm 1983.
Cha Cebollada nói với CNS rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và vô số các tu sĩ Dòng Tên khác sống trong và sau cái chết của Cha Arrupe vào năm 1991 tiếp tục được truyền cảm hứng bởi cuộc sống và linh đạo của ngài.
Cha cáo thỉnh viên nhắc lại cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với một nhóm tu sĩ Dòng Tên trong chuyến viếng thăm Peru vào tháng Giêng, trong đó Đức Giáo Hoàng không ngớt ca ngợi “những ân sủng mà Cha Pedro Arrupe mang lại cho nhà Dòng”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô “đã đưa ra một số ví dụ về Cha Arrupe như một người đã giúp Dòng Tên chúng ta tái khám phá linh đạo của chúng ta trong những năm 1970,” Cha Cebollada nói.
4. Những bổ nhiệm quan trọng trong giáo triều Rôma những ngày sắp tới
Mặc dù đang nghỉ hè, Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu tập một công nghị Hồng Y bao gồm tất cả các Hồng Y đang có mặt tại Rôma vào ngày thứ Năm, 19 tháng 7. Lời loan báo này lập tức khơi lên những đồn đoán rằng Đức Thánh Cha có thể sẽ công bố các bổ nhiệm quan trọng.
Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết mục đích của cuộc họp là chọn ngày phong thánh cho Chân Phước Nunzio Sulprizio, một giáo dân người Ý sống vào thế kỷ 19 đã chết khi còn trẻ. Tuy nhiên, việc triệu tập đột ngột các Hồng Y trong kỳ nghỉ hè có lẽ còn nhiều vấn đề quan trọng khác mà Đức Thánh Cha muốn thảo luận với các vị Hồng Y.
Trong số những khả năng khác, Đức Thánh Cha có thể:
1) Chọn một Hồng Y giữ trọng trách Hồng Y Nhiếp Chính, tức là vị chủ trì các công việc hàng ngày của Tòa Thánh sau khi một vị Giáo Hoàng qua đời hoặc từ chức. Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, người được bổ nhiệm làm Hồng Y Nhiếp Chính vào tháng 12 năm 2014, đã qua đời vào đầu tháng này.
2) Chọn một vị thay thế cho Đức Hồng Y Giovanni Beccui trong chức vụ Sostituto, phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, để giám sát các hoạt động hàng ngày của giáo triều Rôma. Đức Hồng Y Giovanni Beccui, đã thôi giữ chức vụ đó vào ngày 29 tháng 6 khi ngài được tấn phong Hồng Y; và sẽ sớm thay thế Đức Hồng Y Angelo Amato trong chức vụ tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh.
3) Chọn một vị niên trưởng và một vị phó niên trưởng Hồng Y Đoàn. Đức Hồng Y Angelo Sodano, người đã là niên trưởng Hồng Y Đoàn kể từ khi Đức Bênêđíctô thứ 16 được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, giờ đây đã hơn 90 tuổi. Đức Hồng Y Roger Etchegaray, phó niên trưởng, đã từ chức vào tháng 6 năm ngoái, ở tuổi 94.
Niên trưởng và phó niên trưởng Hồng Y Đoàn được chọn trong số các vị Hồng Y đẳng Giám Mục. Hôm 26 tháng 6, Đức Thánh Cha đã nâng 4 vị Hồng Y lên Hồng Y đẳng Giám Mục là các vị Hồng Y Pietro Parolin, Leonardo Sandri, Marc Ouellet, và Fernando Filoni. Trước đó, Hồng Y Đoàn có 6 vị Hồng Y đẳng Giám Mục là các Đức Hồng Y Angelo Sodano, Giovanni Battista Re, Roger Etchegaray, Francis Arinze, Tarcisio Bertone và José Saraiva Martins. Trong số các vị này, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone là vị trẻ nhất cũng đã ở tuổi 83.
5. Tình yêu là trung tâm điểm của đạo lý về gia đình
Trong một thông điệp gởi cho giới trẻ miền đảo Antilean, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng tình yêu là cốt lõi đạo lý của Giáo Hội về gia đình, đó là điều mỗi người trẻ đều có trách nhiệm thăng tiến.
Để hiểu ý nghĩa của tình yêu, Đức Giáo Hoàng mời gọi giới trẻ tìm đọc và học hỏi chương bốn Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương 2016 của ngài về gia đình, trong đó bàn về “Tình Yêu trong Hôn Nhân.”
“Cha nói với các con rằng cốt lõi của Tông Huấn Amoris Laetitia là chương bốn. Làm thế nào để sống yêu thương. Làm sao để sống yêu thương trong gia đình”. Ngài khuyên giới trẻ hãy đọc và thảo luận về chương này với nhau, bởi vì “Có rất nhiều sức mạnh ở đó để tiếp tục tiến về phía trước” và để biến đổi cuộc sống gia đình.
Tình yêu “tự nó có sức mạnh, và tình yêu không bao giờ hết”. Ngài giải thích rằng nếu họ học biết tình yêu đích thực như Thiên Chúa dạy, “các con sẽ biến đổi được cái gì đó để tất cả đều quy hướng về sự vĩnh cửu.”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gởi một thông điệp bằng video cho những tham dự viên trong hội nghị giới trẻ của Hội Đồng Giám Mục Antilles, đang diễn ra tại Tổng Giáo Phận Thánh Pierre và Fort-deFrance ở Martinique, từ 10-23 tháng Bẩy.
Trong thông điệp của ngài, Đức Giáo Hoàng kêu gọi giới trẻ hoặc là họ thực sự đang sống như những người trẻ trung hay họ đã trở thành “giới trẻ già trước tuổi”, bởi vì “nếu con là loại người trẻ già trước tuổi thì con sẽ chẳng làm được điều gì. Con phải có cái thanh xuân của người trẻ tuổi, với cả sức mạnh để cái thanh xuân phải biến đổi.
Ngài nói rằng người trẻ không nên “an vị”trong cuộc sống, bởi vì “an vị” nghĩa là tình trạng đứng yên tại chỗ và “ mọi thứ sẽ không tiến lên được.”
“Các con phải làm chuyển động những gì đã bị ngưng trệ và bắt đầu chiến đấu. Các con muốn biến đổi, Các con muốn tiến lên và các con muốn thực hiện những sự hướng dẫn sau hội nghị về gia đình để làm thăng tiến và đổi mới các gia đình ở vùng Caribbean này.”
Đức Giáo Hoàng nói rằng để thăng tiến và phát triển gia đình, người ta phải hiểu cả hiện tại và quá khứ của nó.
“Các con đang chuẩn bị biến đổi những gì đã được các bậc lão thành truyền lại cho các con ư. Các con hãy nhớ về lịch sử, về những truyền thống xa xưa. Nhớ rằng người ta không thể làm gì được trong hiện tại hay trong tương lại nếu các con không có rễ sâu trong quá khứ, trong lịch sử, trong văn hóa hay trong gia đình của các con; nếu con không có rễ sâu nơi đất tốt.”
Trong phần kết luận, Đức Giáo Hoàng nói với người trẻ hãy dành thời gian cho ông bà của mình và những bậc lão thành khác và hãy nhận lấy những gì đã học được và “tiến hành.”
6. Côn đồ nhà nước Nicaragua tấn công một Giám Mục
Hôm 15 tháng 7, côn đồ nhà nước Nicaragua tập trung tại một trạm kiểm soát của cảnh sát đã chặn xe của một Giám Mục, đập bể cửa kính, làm thủng bánh xe, bắn nhiều phát súng vào xe để buộc ngài ra khỏi xe, sau đó xúm lại lăng mạ ngài.
Đức Giám Mục Juan Abelardo Mata Guevara của giáo phận Esteli đã bị tấn công tại một trạm kiểm soát của cảnh sát ở thành phố Nindirí, khoảng 15 dặm về phía đông nam của thủ đô Managua. Ngài đang trên đường trở về Tòa Giám Mục ở Esteli sau khi cử hành thánh lễ tại thành phố Nindirí.
Cùng với tài xế của mình, Đức Cha Mata đã phải lánh nạn trong một ngôi nhà bị bao vây bởi những kẻ ủng hộ Ortega trong suốt 90 phút.
Ngài đã có thể rời khỏi ngôi nhà nhờ sự can thiệp của Tổng Giáo Phận Managua. Bọn cầm quyền Nicaragua đã gửi một thanh tra tên là Ramon Avellan đến nơi để đảm bảo an toàn cho vị Giám Mục.
Đức Giám Mục Mata là một trong số các Giám Mục đứng ra làm trung gian hòa giải và là nhân chứng trong cuộc đối thoại quốc gia giữa chính phủ và phe đối lập.
Các cuộc biểu tình chống tổng thống Daniel Ortega, được bắt đầu từ ngày 18 tháng 4, đã dẫn đến cái chết của hơn 300 người.
7. Tổng thống Petro Poroshenko tái kêu gọi Chính Thống Giáo Ukraine độc lập với Mạc Tư Khoa
Một Giáo Hội Chính Thống tự trị là một trong những xương sống cho nền an ninh quốc gia của Ukraine. Tổng thống Petro Poroshenko của Ukraine đã nói như trên trong bài phát biểu tại cuộc gặp gỡ các Giáo Hội Kitô ở Ternopil hôm 15 tháng 7.
Ông nói: “Sự tự trị của Chính Thống Giáo Ukraine không chỉ là mối quan tâm của các Kitô hữu Chính thống Ukraine, nhưng còn là vấn đề quan yếu liên quan đến nền độc lập của người Ukraine. Đó là một trong những xương sống của nhà nước Ukraine, quốc gia Ukraine, an ninh quốc gia Ukraine. Và cuối cùng, là toàn bộ địa chính trị của thế giới”.
Theo Tổng thống Petro Poroshenko, vì lý do đó mà ý tưởng về sự tự trị này không được Mạc Tư Khoa và những kẻ thân Nga bên trong Ukraine hỗ trợ.
Giải thích thêm về ý tưởng hiệp nhất các Giáo Hội Chính Thống tại Ukraine thành một Giáo Hội duy nhất tách biệt với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, ông nói:
“Đó không phải là việc tạo ra một Giáo Hội quốc doanh, Giáo Hội đã và luôn luôn là độc lập với nhà nước, điều này được xác định bởi Hiến pháp. Tôi nhấn mạnh rằng Giáo Hội ở Ukraine nên độc lập với nhà nước, và cũng nên độc lập với nhà nước ngoại bang.”
Ông Poroshenko cho biết thêm ông đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và gần đây là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tuyên bố rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô hài lòng ghi nhận rằng chính quyền Ukraine bảo đảm việc tuân thủ hoàn toàn tự do tôn giáo cho các tín đồ của tất cả các tôn giáo”.
Trước đó, vào ngày 17 tháng 4, ông Petro Poroshenko đã ký một tuyên bố chung với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô liên quan đến việc nhìn nhận quyền tự trị của Giáo hội Chính thống Ukraine.
8. Hiện tình các Giáo hội Chính thống tại Ukraine
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Nhân tuyên bố của tổng thống Poroshenko, chương trình Giáo Hội Năm Châu xin được điểm qua vài nét chủ yếu về hiện tình các Giáo hội Chính thống tại quốc gia này.
Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.
Kiev coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Kremlin tác động lên nội tình của Ukraine. Cho đến nay, nhóm này là nhóm Chính Thống Giáo duy nhất tại Ukraine được thế giới Chính Thống Giáo nhìn nhận.
Tháng Tư vừa qua, tại Istanbul, tổng thống Poroshenko đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống toàn thế giới, để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc nhìn nhận tính cách hợp pháp của Chính Thống Giáo Ukraine.
Ông Poroshenko đã so sánh việc có một Giáo Hội tự trị với nguyện vọng của Kiev được gia nhập Liên minh châu Âu và NATO, “bởi vì điện Kremlin coi Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những công cụ quan trọng ảnh hưởng đến Ukraine.”
Ông hy vọng Giáo hội Chính thống Ukraine có thể trở nên độc lập hoàn toàn với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa theo các điều khoản của một sáng kiến do ông đề nghị và đã được Quốc Hội phê duyệt hôm thứ Năm 19 tháng Tư. Đây là một động thái mà Tổng thống Petro Poroshenko nói sẽ khiến Nga khó khăn hơn trong việc can thiệp vào các vấn đề của người Ukraine.
Các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine đã từng bước tìm cách di chuyển nước cộng hòa Xô Viết cũ này ra khỏi quỹ đạo của Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 và xúi dục một cuộc nổi loạn ở miền đông Ukraine. .