Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2018, đại diện Nhóm Bông Hồng Xanh đã đến thăm và chia sẻ trên địa bàn giáo phận Thanh Hóa. Chúng tôi xin phép được tường thuật chuyến đi theo thứ tự thời gian.
Cơ duyên của chuyến đi cũng khá vui; ban đầu chúng tôi muốn đãi tiệc người nghèo tại Sài Gòn, nhưng địa điểm được chọn lại bận rộn “tiệc mừng”, “tiệc qua lại” nên loay hoay mãi, chúng tôi mới quyết định khám phá Thanh Hóa, là tỉnh nghèo nhất trong mười tỉnh thành nghèo của Việt Nam tính đến năm 2017 (Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Quảng Nam, Sóc Trăng, Điện Biên, Hà Nam, Quảng Bình, Kon Tum và Bình Thuận) và mua vé máy bay ngay sau lễ Phục Sinh, nghĩa là khi giáo phận Thanh Hóa chưa có một biến cố lớn đầy vui mừng.
Xem Hình
Chiều ngày 18/5/2018, vừa đến sân bay Thọ Xuân được ít phút thì mây đen bao phủ bầu trời như sắp có dông, chúng tôi được cha giám đốc Caritas GP Thanh Hóa là linh mục Phaolo Nguyễn Văn Thường, cũng là chánh xứ Trinh Hà đến đón. Con đường dẫn vào thành phố Thanh Hóa rất rộng, hai bên đường có nét riêng với những cánh đồng xanh mướt, những ngôi nhà xây theo kiểu tùy tiện, cách thưa nhau không đều, tạo nên nét riêng của tỉnh này.
Trước khi về nơi tạm trú, cha cho chúng tôi đi dọc bãi biển Sầm Sơn khi trời đã tối, đi ngang qua dãy nhà hàng đèn điện sáng trưng. Tỉnh Thanh Hóa giáp biển dài đến 100 km và đây là một bãi biển được người dân miền Bắc ưa chuộng, đến tắm khá nhiều; chỉ tiếc rằng bãi biển “bị mua” gần hết (có cả tập đoàn FLC khai thác), người dân chài nhờ biểu tình mà còn lại được một góc để đậu thuyền, sau khi đi đánh cá về....Cha đãi chúng tôi bữa ăn tối ở ven biển nên có ốc Đinh, cá Sủi và con Ngao to khác thường. Trời đã tối hẳn, chúng tôi được về tạm trú tại Trung Tâm Hành Hương Các Thánh Tử Đạo của giáo phận, ngay cạnh giáo xứ của Cha. Chúng tôi vui và lạ lẫm với quang cảnh thanh bình của một làng quê vùng cực bắc trung bộ.
Sáng hôm sau là ngày thứ bảy, chúng tôi mới nhìn rõ nhà thờ và trung tâm hành hương. Giáo xứ Trinh Hà ở xã Hoàng Trung, huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa - cũng là Đền Thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh (vì quê hương thánh Tịnh là ở làng này). Giáo xứ có 400 giáo dân. Nhà thờ đẹp, sạch bóng từ bên trong lẫn bên ngoài. Cha xứ kể cho chúng tôi một truyền thuyết của vùng này: trước đây, các gia đình ở làng Trinh Hà theo đạo toàn tòng, nhưng có một ông quan trong vùng thờ ông tướng Triệu Quang Phục; và ông quan này bắt mọi người trong làng cũng phải thờ ông Triệu Quang Phục như ông ta. Gia đình nào không nghe theo thì đàn ông phải đi quân dịch và gia đình không được cấp đất để canh tác; cho nên các gia đình Công Giáo phải đứng trước một lựa chọn: nếu theo Chúa thì không có đất có gạo, mà theo quan thì không có Chúa. Những giáo dân chân chất của làng ngày xưa nảy ra một sáng kiến đó là chia đôi gia đình để vừa có Chúa, vừa có đất có gạo: Đó là đàn ông thì đi theo quan để được cấp đất, có gạo; còn đàn bà tiếp tục theo đạo để thờ phụng Chúa. Thế rồi cho đến giai đoạn khác, dù không phải đi quân dịch và nhiều gia đình cũng chẳng cần đất để làm ruộng nữa nhưng đàn ông vẫn không chịu đến nhà thờ mà chỉ có đàn bà theo đạo mà thôi. Thế nên vùng này có câu “Đạo chi như đạo Trinh Hà, đàn ông ăn thịt đàn bà ăn xôi”.
Đó là giai thoại trong quá khứ. Ngày nay, giáo xứ Trinh Hà tràn đầy sức sống mới với sự coi sóc của linh mục trẻ, cha Phaolo Thường du học ở Hoa Kỳ sáu năm, rồi làm cha phó phục vụ cộng đoàn người Việt ở Hoa Kỳ năm năm và mới đây, cha xin về phục vụ luôn tại quê nhà là giáo phận Thanh Hóa.
Còn Trung tâm hành hương Các Thánh Tử Đạo, đã được giáo phận chọn, trông như một quảng trường thu nhỏ với hàng rào kiên cố và nền gạch cứng cáp; có nhiều phòng để khách hành hương tạm trú, thuận tiện cho việc thiêng liêng.
Theo chương trình, cha và chúng tôi phải đi 30 cây số để thăm hỏi và chia sẻ cho người nghèo không có đất, sống trên ghe ở ven sông, chèo thuyền đi đây đó đánh cá để sinh sống. Có hai Sơ đang đi công tác do nhà dòng phân công, từ vùng xa đến, ghé vào thăm cha, cũng muốn tham gia công việc với chúng tôi, thế là đoàn có cả thảy năm người. Đường đến xóm thuyền chài quang cảnh thiên nhiên rất đẹp trong mắt chúng tôi. Cha Caritas cho biết toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 300 gia đình không có đất đai sống trên sông Chu, ở sông Mã cũng có khoảng 300 gia đình như thế, còn ở sông Cầu Chầy và những nhánh sông khác thì ít hơn. Caritas của giáo phận Thanh Hóa đang có kế hoạch giúp những gia đình này lên bờ, nhà nước đã cho được 62 phần đất, dự trù xây mỗi căn nhà là 100 triệu đồng (khoảng gần 5.000 Usd). Việc xây dựng đang được tiến hành (đang xây năm căn nhà) theo cách vừa làm vừa quyên góp tiền để xây tiếp. Mới đây, một xã của nhà nước đồng ý cho đất thêm 27 hộ nữa. Chúng tôi nghĩ thầm, để xây được 99 căn nhà tình thương cho dân thuyền chài, cần rất nhiều sự quan tâm của các tổ chức từ thiện trong nước và hải ngoại. Còn thực hiện cho tất cả các gia đình thuyền chài tại tỉnh Thanh Hóa thì....là việc của Chúa mà thôi!
Để ra ven sông, xe phải đi qua một cái chợ nhỏ mà sự nghèo nàn của dân cư đã thấp thoáng hiện lên ở nơi đây. Những cây luồng - một loại cây cùng họ với tre, để làm nhà – chất đầy lối ra sông trông lạ mắt. Nhưng để xuống ghe mà gặp gỡ dân chài thì chân và ống quần lấm bùn. Chỉ có một lần được bước lên ghe thăm gia đình đông con (mà các em từ nhỏ đến 15, 18 tuổi đều không biết chữ), còn các trường hợp khác thì chúng tôi chỉ ngồi trên ghe, với tay vào mà trao tặng phong bì. Mỗi ghe là một hoàn cảnh mà chỉ vì nghèo phải lênh đênh sông nước, con cái chẳng được học hành. Như bà cụ kia, con trai vừa chết được bốn mươi ngày thì cụ ông cũng về với Chúa, bây giờ bà chỉ sống với cô con gái khá xinh nhưng bệnh thần kinh trên chiếc ghe nhỏ. Người con dâu của cụ bà sống ở một chiếc ghe khác, từ khi chồng chết cũng ngơ ngơ, khờ khạo, nằm ở đầu ghe bên mấy cái nồi, ông trùm nói chị cũng biết dùng tiền nhưng tay chỉ hờ hững nhận phong bì. Nhìn chung, tất cả là những người đáng thương khi sống tù túng trong không gian quá hẹp và thiếu thốn của chiếc ghe. Hầu hết dân chài ở đây thuộc giáo xứ Đạt Giáo. Đặc biệt là trẻ con, chúng bị cột dây vào lưng để khỏi bị rơi xuống sông. Chúng tôi chụp lại hình ảnh đó mà không khỏi đau lòng. Được biết, ngày Tết, xóm chài ấy có các ghe về đậu bên sông khá đông, như để nghỉ ngơi, đánh dấu cho một chặng đường mới, mà chưa biết ngày mai ra sao.
Rời xóm chài ấy, cha mời chúng tôi thăm nhà thờ đá Phát Diệm bên tỉnh Ninh Bình, cách nơi chúng tôi tạm trú chỉ 60 km, nhưng chúng tôi từ chối và chỉ muốn đến nhà thờ Điền Thôn để thăm bệnh nhân và hỗ trợ phần tiền học hè cho mười em học sinh cấp 3.
Điền Thôn là một tân giáo xứ trong giáo phận Thanh Hóa, tọa lạc tại thôn Điền Trạch, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Phần đông giáo dân là người dân tộc Mường, còn rất nhiều khó khăn, không chỉ về vật chất mà cả về đời sống đức tin. Giáo xứ có ba giáo họ là Cửa Trát, Điền Trạch và Đình Thôn (tên Điền Thôn có lẽ được ghép từ hai giáo họ) với hơn 1.200 giáo dân (năm 2016) và hiện nay cha Giuse Nguyễn Văn Hiệu là linh mục chánh xứ.
Chúng tôi gặp gỡ bệnh nhân tại nhà và trước sân nhà xứ. Cha xứ nói với chúng tôi: “Chẳng hiểu sao vùng này lại có nhiều người khuyết tật đến thế! Không bị cái này thì lại bị cái kia. Cả một thôn chỉ có 11 em học cấp 3, hôm nay có sáu em đến nhận, còn bốn em đi học, cô thông cảm...! ”. Nhìn cha xứ trắng đẹp như người Hàn Quốc, chúng tôi chỉ cười và gửi lại phần cho các em vắng mặt.Trước sân nhà xứ có gỗ ngổn ngang, hỏi ra mới biết cha mướn thợ đến làm bàn ghế. Một giáo xứ mới thành lập mà có cha xứ trẻ, năng nổ thì thật là “đỡ khổ” cho giáo dân, rất tốt cho việc xây dựng và phát triển giáo xứ.
Trên đường trở về Trinh Hà, chúng tôi được ghé qua Tòa Giám Mục một chút vì cha có việc riêng. Đứng chụp hình ở trong sân, lòng chúng tôi có một chút gì đó vui vui khi biết còn hơn một tháng nữa nơi đây sẽ hoa đèn rực rỡ để đón vị chủ chăn mới. Chúng tôi lại còn được đi ngang qua giáo xứ Sầm Sơn mà có nhà thờ đang xây, vì cha muốn thăm một gia đình bị nhiễm HIV. Gia đình này có người chồng bị HIV thời kỳ cuối, người vợ cũng bị nhiễm nhưng may mắn thay người con lại không bị lây. Từ khi người vợ biết mình bệnh, chị cộng tác công việc với Caritas giáo phận trong việc tuyên truyền để phòng chống nhiễm HIV. Thế mới biết, ai cũng có thể phục vụ trong hoàn cảnh của riêng mình.
Trên đường về, chúng tôi cười nắc nẻ vì câu chuyện của Sơ lớn tuổi kể. Sơ ở nhà dòng bên Mỹ, Sơ thường đi “lượm lon” (lon bia, nước ngọt) để bán lấy tiền cho người nghèo. Thấy Sơ “hay hay” chủ nhà hàng mời ăn, có khi lại còn cho tiền. Nhờ đi đó đi đây, Sơ quen nhiều và cũng kiếm cho người nghèo được khá nhiều gạo. Bây giờ, nhiều người gọi Sơ là “Sơ lượm lon”! Còn Sơ trẻ cũng “ngang dọc” đi từ Nam ra Bắc, từ vùng cao đến đồng bằng để tuyên truyền và chống nạn buôn người. Trộm nghĩ, chiếc xe ô tô chở cha, hai Sơ và chúng tôi, như một con thuyền nhỏ đang mang những người ôm khối tình thương mà “diện tích và khối lượng” chỉ có Chúa biết!
Còn nữa, chúng tôi tò mò hỏi vì sao cha đang ở Mỹ “ngon lành” thì xin về Việt Nam, nơi quê nhà khá tĩnh lặng và coi sóc giáo xứ ít người; cha trả lời rằng, khi ở Hoa kỳ, mỗi khi tan lễ, giáo dân trở về nhà thì cha đóng cửa nhà thờ rồi lặng lẽ lê bước chân vào phòng. Lâu ngày, tâm hồn cha bồn chồn nhớ quê hương và quyết định xin về Việt Nam.
Trước buổi tối áp lễ Chúa Thánh Thần, cha và chúng tôi được một gia đình trong xứ đãi tiệc. Ba mâm trên chiếu với tám món rất chân quê mà ngon, đáng nhớ nhất là món xôi nấu hạt sen và dừa nạo. Cha cho biết, làng này là quê hương thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh nên hằng năm, vào ngày 6 tháng 4, giáo xứ mời cả làng, người “lương lẫn giáo” ăn cỗ chung ở nhà thờ. Có những gia đình không có đạo nhưng rất tự hào vì sống trong ngôi làng có thánh Tịnh “nổi tiếng”! Thật là vui, có dịp chúng tôi xin cha được đến dự tiệc này, để nghe giọng nói người Thanh Hóa, nửa miền bắc nửa miền trung, rất riêng!
Buổi tối thứ bảy, áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cha chúc mừng sinh nhật lần thứ 26 của Nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi. Chúng tôi cúi đầu xúc động. Bao lâu Chúa còn dùng chúng tôi như công cụ thì chúng tôi còn tung bước chân đi dù tuổi thời gian đang dần nặng trên đời người.
Kết thúc chuyến đi, lòng chúng tôi đầy niềm vui, không phải từ cảm giác “ban phát” mà vì được đi đó đây, chia sẻ niềm vui xuất phát từ Tin Mừng, trên quê hương đất nước Việt Nam.
Maria Vũ Loan
Cơ duyên của chuyến đi cũng khá vui; ban đầu chúng tôi muốn đãi tiệc người nghèo tại Sài Gòn, nhưng địa điểm được chọn lại bận rộn “tiệc mừng”, “tiệc qua lại” nên loay hoay mãi, chúng tôi mới quyết định khám phá Thanh Hóa, là tỉnh nghèo nhất trong mười tỉnh thành nghèo của Việt Nam tính đến năm 2017 (Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Quảng Nam, Sóc Trăng, Điện Biên, Hà Nam, Quảng Bình, Kon Tum và Bình Thuận) và mua vé máy bay ngay sau lễ Phục Sinh, nghĩa là khi giáo phận Thanh Hóa chưa có một biến cố lớn đầy vui mừng.
Xem Hình
Chiều ngày 18/5/2018, vừa đến sân bay Thọ Xuân được ít phút thì mây đen bao phủ bầu trời như sắp có dông, chúng tôi được cha giám đốc Caritas GP Thanh Hóa là linh mục Phaolo Nguyễn Văn Thường, cũng là chánh xứ Trinh Hà đến đón. Con đường dẫn vào thành phố Thanh Hóa rất rộng, hai bên đường có nét riêng với những cánh đồng xanh mướt, những ngôi nhà xây theo kiểu tùy tiện, cách thưa nhau không đều, tạo nên nét riêng của tỉnh này.
Trước khi về nơi tạm trú, cha cho chúng tôi đi dọc bãi biển Sầm Sơn khi trời đã tối, đi ngang qua dãy nhà hàng đèn điện sáng trưng. Tỉnh Thanh Hóa giáp biển dài đến 100 km và đây là một bãi biển được người dân miền Bắc ưa chuộng, đến tắm khá nhiều; chỉ tiếc rằng bãi biển “bị mua” gần hết (có cả tập đoàn FLC khai thác), người dân chài nhờ biểu tình mà còn lại được một góc để đậu thuyền, sau khi đi đánh cá về....Cha đãi chúng tôi bữa ăn tối ở ven biển nên có ốc Đinh, cá Sủi và con Ngao to khác thường. Trời đã tối hẳn, chúng tôi được về tạm trú tại Trung Tâm Hành Hương Các Thánh Tử Đạo của giáo phận, ngay cạnh giáo xứ của Cha. Chúng tôi vui và lạ lẫm với quang cảnh thanh bình của một làng quê vùng cực bắc trung bộ.
Sáng hôm sau là ngày thứ bảy, chúng tôi mới nhìn rõ nhà thờ và trung tâm hành hương. Giáo xứ Trinh Hà ở xã Hoàng Trung, huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa - cũng là Đền Thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh (vì quê hương thánh Tịnh là ở làng này). Giáo xứ có 400 giáo dân. Nhà thờ đẹp, sạch bóng từ bên trong lẫn bên ngoài. Cha xứ kể cho chúng tôi một truyền thuyết của vùng này: trước đây, các gia đình ở làng Trinh Hà theo đạo toàn tòng, nhưng có một ông quan trong vùng thờ ông tướng Triệu Quang Phục; và ông quan này bắt mọi người trong làng cũng phải thờ ông Triệu Quang Phục như ông ta. Gia đình nào không nghe theo thì đàn ông phải đi quân dịch và gia đình không được cấp đất để canh tác; cho nên các gia đình Công Giáo phải đứng trước một lựa chọn: nếu theo Chúa thì không có đất có gạo, mà theo quan thì không có Chúa. Những giáo dân chân chất của làng ngày xưa nảy ra một sáng kiến đó là chia đôi gia đình để vừa có Chúa, vừa có đất có gạo: Đó là đàn ông thì đi theo quan để được cấp đất, có gạo; còn đàn bà tiếp tục theo đạo để thờ phụng Chúa. Thế rồi cho đến giai đoạn khác, dù không phải đi quân dịch và nhiều gia đình cũng chẳng cần đất để làm ruộng nữa nhưng đàn ông vẫn không chịu đến nhà thờ mà chỉ có đàn bà theo đạo mà thôi. Thế nên vùng này có câu “Đạo chi như đạo Trinh Hà, đàn ông ăn thịt đàn bà ăn xôi”.
Đó là giai thoại trong quá khứ. Ngày nay, giáo xứ Trinh Hà tràn đầy sức sống mới với sự coi sóc của linh mục trẻ, cha Phaolo Thường du học ở Hoa Kỳ sáu năm, rồi làm cha phó phục vụ cộng đoàn người Việt ở Hoa Kỳ năm năm và mới đây, cha xin về phục vụ luôn tại quê nhà là giáo phận Thanh Hóa.
Còn Trung tâm hành hương Các Thánh Tử Đạo, đã được giáo phận chọn, trông như một quảng trường thu nhỏ với hàng rào kiên cố và nền gạch cứng cáp; có nhiều phòng để khách hành hương tạm trú, thuận tiện cho việc thiêng liêng.
Theo chương trình, cha và chúng tôi phải đi 30 cây số để thăm hỏi và chia sẻ cho người nghèo không có đất, sống trên ghe ở ven sông, chèo thuyền đi đây đó đánh cá để sinh sống. Có hai Sơ đang đi công tác do nhà dòng phân công, từ vùng xa đến, ghé vào thăm cha, cũng muốn tham gia công việc với chúng tôi, thế là đoàn có cả thảy năm người. Đường đến xóm thuyền chài quang cảnh thiên nhiên rất đẹp trong mắt chúng tôi. Cha Caritas cho biết toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 300 gia đình không có đất đai sống trên sông Chu, ở sông Mã cũng có khoảng 300 gia đình như thế, còn ở sông Cầu Chầy và những nhánh sông khác thì ít hơn. Caritas của giáo phận Thanh Hóa đang có kế hoạch giúp những gia đình này lên bờ, nhà nước đã cho được 62 phần đất, dự trù xây mỗi căn nhà là 100 triệu đồng (khoảng gần 5.000 Usd). Việc xây dựng đang được tiến hành (đang xây năm căn nhà) theo cách vừa làm vừa quyên góp tiền để xây tiếp. Mới đây, một xã của nhà nước đồng ý cho đất thêm 27 hộ nữa. Chúng tôi nghĩ thầm, để xây được 99 căn nhà tình thương cho dân thuyền chài, cần rất nhiều sự quan tâm của các tổ chức từ thiện trong nước và hải ngoại. Còn thực hiện cho tất cả các gia đình thuyền chài tại tỉnh Thanh Hóa thì....là việc của Chúa mà thôi!
Để ra ven sông, xe phải đi qua một cái chợ nhỏ mà sự nghèo nàn của dân cư đã thấp thoáng hiện lên ở nơi đây. Những cây luồng - một loại cây cùng họ với tre, để làm nhà – chất đầy lối ra sông trông lạ mắt. Nhưng để xuống ghe mà gặp gỡ dân chài thì chân và ống quần lấm bùn. Chỉ có một lần được bước lên ghe thăm gia đình đông con (mà các em từ nhỏ đến 15, 18 tuổi đều không biết chữ), còn các trường hợp khác thì chúng tôi chỉ ngồi trên ghe, với tay vào mà trao tặng phong bì. Mỗi ghe là một hoàn cảnh mà chỉ vì nghèo phải lênh đênh sông nước, con cái chẳng được học hành. Như bà cụ kia, con trai vừa chết được bốn mươi ngày thì cụ ông cũng về với Chúa, bây giờ bà chỉ sống với cô con gái khá xinh nhưng bệnh thần kinh trên chiếc ghe nhỏ. Người con dâu của cụ bà sống ở một chiếc ghe khác, từ khi chồng chết cũng ngơ ngơ, khờ khạo, nằm ở đầu ghe bên mấy cái nồi, ông trùm nói chị cũng biết dùng tiền nhưng tay chỉ hờ hững nhận phong bì. Nhìn chung, tất cả là những người đáng thương khi sống tù túng trong không gian quá hẹp và thiếu thốn của chiếc ghe. Hầu hết dân chài ở đây thuộc giáo xứ Đạt Giáo. Đặc biệt là trẻ con, chúng bị cột dây vào lưng để khỏi bị rơi xuống sông. Chúng tôi chụp lại hình ảnh đó mà không khỏi đau lòng. Được biết, ngày Tết, xóm chài ấy có các ghe về đậu bên sông khá đông, như để nghỉ ngơi, đánh dấu cho một chặng đường mới, mà chưa biết ngày mai ra sao.
Rời xóm chài ấy, cha mời chúng tôi thăm nhà thờ đá Phát Diệm bên tỉnh Ninh Bình, cách nơi chúng tôi tạm trú chỉ 60 km, nhưng chúng tôi từ chối và chỉ muốn đến nhà thờ Điền Thôn để thăm bệnh nhân và hỗ trợ phần tiền học hè cho mười em học sinh cấp 3.
Điền Thôn là một tân giáo xứ trong giáo phận Thanh Hóa, tọa lạc tại thôn Điền Trạch, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Phần đông giáo dân là người dân tộc Mường, còn rất nhiều khó khăn, không chỉ về vật chất mà cả về đời sống đức tin. Giáo xứ có ba giáo họ là Cửa Trát, Điền Trạch và Đình Thôn (tên Điền Thôn có lẽ được ghép từ hai giáo họ) với hơn 1.200 giáo dân (năm 2016) và hiện nay cha Giuse Nguyễn Văn Hiệu là linh mục chánh xứ.
Chúng tôi gặp gỡ bệnh nhân tại nhà và trước sân nhà xứ. Cha xứ nói với chúng tôi: “Chẳng hiểu sao vùng này lại có nhiều người khuyết tật đến thế! Không bị cái này thì lại bị cái kia. Cả một thôn chỉ có 11 em học cấp 3, hôm nay có sáu em đến nhận, còn bốn em đi học, cô thông cảm...! ”. Nhìn cha xứ trắng đẹp như người Hàn Quốc, chúng tôi chỉ cười và gửi lại phần cho các em vắng mặt.Trước sân nhà xứ có gỗ ngổn ngang, hỏi ra mới biết cha mướn thợ đến làm bàn ghế. Một giáo xứ mới thành lập mà có cha xứ trẻ, năng nổ thì thật là “đỡ khổ” cho giáo dân, rất tốt cho việc xây dựng và phát triển giáo xứ.
Trên đường trở về Trinh Hà, chúng tôi được ghé qua Tòa Giám Mục một chút vì cha có việc riêng. Đứng chụp hình ở trong sân, lòng chúng tôi có một chút gì đó vui vui khi biết còn hơn một tháng nữa nơi đây sẽ hoa đèn rực rỡ để đón vị chủ chăn mới. Chúng tôi lại còn được đi ngang qua giáo xứ Sầm Sơn mà có nhà thờ đang xây, vì cha muốn thăm một gia đình bị nhiễm HIV. Gia đình này có người chồng bị HIV thời kỳ cuối, người vợ cũng bị nhiễm nhưng may mắn thay người con lại không bị lây. Từ khi người vợ biết mình bệnh, chị cộng tác công việc với Caritas giáo phận trong việc tuyên truyền để phòng chống nhiễm HIV. Thế mới biết, ai cũng có thể phục vụ trong hoàn cảnh của riêng mình.
Trên đường về, chúng tôi cười nắc nẻ vì câu chuyện của Sơ lớn tuổi kể. Sơ ở nhà dòng bên Mỹ, Sơ thường đi “lượm lon” (lon bia, nước ngọt) để bán lấy tiền cho người nghèo. Thấy Sơ “hay hay” chủ nhà hàng mời ăn, có khi lại còn cho tiền. Nhờ đi đó đi đây, Sơ quen nhiều và cũng kiếm cho người nghèo được khá nhiều gạo. Bây giờ, nhiều người gọi Sơ là “Sơ lượm lon”! Còn Sơ trẻ cũng “ngang dọc” đi từ Nam ra Bắc, từ vùng cao đến đồng bằng để tuyên truyền và chống nạn buôn người. Trộm nghĩ, chiếc xe ô tô chở cha, hai Sơ và chúng tôi, như một con thuyền nhỏ đang mang những người ôm khối tình thương mà “diện tích và khối lượng” chỉ có Chúa biết!
Còn nữa, chúng tôi tò mò hỏi vì sao cha đang ở Mỹ “ngon lành” thì xin về Việt Nam, nơi quê nhà khá tĩnh lặng và coi sóc giáo xứ ít người; cha trả lời rằng, khi ở Hoa kỳ, mỗi khi tan lễ, giáo dân trở về nhà thì cha đóng cửa nhà thờ rồi lặng lẽ lê bước chân vào phòng. Lâu ngày, tâm hồn cha bồn chồn nhớ quê hương và quyết định xin về Việt Nam.
Trước buổi tối áp lễ Chúa Thánh Thần, cha và chúng tôi được một gia đình trong xứ đãi tiệc. Ba mâm trên chiếu với tám món rất chân quê mà ngon, đáng nhớ nhất là món xôi nấu hạt sen và dừa nạo. Cha cho biết, làng này là quê hương thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh nên hằng năm, vào ngày 6 tháng 4, giáo xứ mời cả làng, người “lương lẫn giáo” ăn cỗ chung ở nhà thờ. Có những gia đình không có đạo nhưng rất tự hào vì sống trong ngôi làng có thánh Tịnh “nổi tiếng”! Thật là vui, có dịp chúng tôi xin cha được đến dự tiệc này, để nghe giọng nói người Thanh Hóa, nửa miền bắc nửa miền trung, rất riêng!
Buổi tối thứ bảy, áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cha chúc mừng sinh nhật lần thứ 26 của Nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi. Chúng tôi cúi đầu xúc động. Bao lâu Chúa còn dùng chúng tôi như công cụ thì chúng tôi còn tung bước chân đi dù tuổi thời gian đang dần nặng trên đời người.
Kết thúc chuyến đi, lòng chúng tôi đầy niềm vui, không phải từ cảm giác “ban phát” mà vì được đi đó đây, chia sẻ niềm vui xuất phát từ Tin Mừng, trên quê hương đất nước Việt Nam.
Maria Vũ Loan