TÔNG THƯ

ROSARIUM VIRGINIS MARIAE

CỦA ĐỨC THÁNH CHA

GIO-AN PHAO-LÔ II

GỞI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC

VÀ CÁC TÍN HỮU

VỀ RẤT THÁNH MÂN CÔI




DẪN NHẬP

1. Kinh mân côi kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, dần dần được hình thành trong Ngàn năm thứ hai dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa, là một lời kinh được vô vàn các vị thánh yêu thích và được Huấn quyền khuyến khích. Đơn sơ nhưng sâu sắc, lời kinh này vẫn là một lời kinh có ý nghĩa lớn lao vào buổi hừng đông của Ngàn năm thứ ba này, vì mang lại hoa quả thánh thiện. Nó dễ dàng hoà vào cuộc hành trình thiêng liêng của đời sống ki-tô hữu, đời sống này sau hai ngàn năm vẫn không đánh mất sự tươi trẻ của buổi ban đầu và cảm thấy được Thánh Thần Thiên Chúa lôi kéo chèo ra chỗ sâu (duc in altum!) để một lần nữa loan báo, và cả đến hô to lên, trước thế gian rằng Đức Giê-su Ki-tô là Chúa và Đấng Cứu độ, là đường, sự thật và sự sống (Ga 14,6), mục tiêu của lịch sử nhân loại và đích điểm mà các khát vọng của lịch sử và văn minh hướng về.1

Kinh mân côi, dầu rõ ràng gắn liền với Đức Ma-ri-a, chủ yếu là một lời kinh lấy Đức Ki-tô làm trung tâm. Qua vẻ giản dị của các yếu tố, lời kinh có được chiều sâu của toàn bộ sứ điệp Tin mừng, mà ta có thể gọi là một bản tóm lược. Qua lời kinh ấy vang vọng lại lời kinh của Đức Ma-ri-a, kinh Magnificat ca ngợi việc Nhập thể cứu chuộc đã khởi sự trong cung lòng trinh khiết của ngài. Với Kinh mân côi, Dân ki-tô giáo theo học tại ngôi trường của đức Ma-ri-a và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên khuôn mặt của Đức Ki-tô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua Kinh mân côi các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế.

Các Giáo hoàng và Kinh mân côi

2. Đông đảo các vị tiền nhiệm của tôi đã gán một tầm quan trọng lớn lao cho lời kinh này. Đáng đặc biệt ghi nhớ là Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII ngày 1.9.1883 đã ban hành Thông điệp Supremi Apostolatus Officio,3 một văn kiện rất có giá trị, khởi đầu của nhiều lời phát biểu của ngài về lời kinh này, trong Thông điệp này, ngài xem Kinh mân côi như một vũ khí thiêng liêng hữu hiệu chống lại sự dữ đang phương hại đến xã hội. Trong số các Giáo hoàng mới đây, từ Công đồng Va-ti-ca-nô II, nổi danh trong việc cổ võ Kinh mân côi, tôi muốn nhắc đến Á thánh Gio-an XXIII4 và nhất là Đức Giáo hoàn Phao-lô VI, trong Tông huấn Marialis Cultus, đã nhấn mạnh, theo tinh thần của Công đồng Va-ti-ca-nô II, tính chất tin mừng của Kinh mân côi và chiều hướng quy ki-tô. Chính tôi cũng đã thường xuyên khuyến khích năng đọc Kinh mân côi. Từ thuở niên thiếu, lời kinh này đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi. Tôi đã được gợi nhớ cách mãnh liệt về điều đó qua chuyến công du mới đây về Ba Lan, và nhất là tại Đền thánh Kalwaria. Kinh mân côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu; nơi lời kinh ấy tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ. Cách đây 24 năm, vào ngày 29.10.1978, vừa mới hai tuần sau khi được chọn lên ngôi toà Phê-rô, tôi đã thẳng thắn thừa nhận: Kinh mân côi là lời kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó. [...]. Có thể nói rằng Kinh mân côi, theo một nghĩa nào đó là lời kinh - chú giải chương cuối cùng của Hiến chế Lumen Gentium của Công đồng Va-ti-ca-nô II, một chương đề cập đến sự hiện diện đáng thán phục của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Đức Ki-tô và mầu nhiệm Giáo hội. Trên bối cảnh lời kinh Ave Maria những biến cố chính trong đời sống Đức Giê-su Ki-tô diễn ra trước con mắt của linh hồn. Được quy lại thành những mầu nhiệm vui, thương và mừng, chúng dẫn chúng ta đến thông hiệp cách sống động với Đức Giê-su qua con tim của Mẹ Người, ta có thể nói thế. Đồng thời con tim của chúng ta có thể bao gồm trong chục kinh Kính Mừng mọi biến cố của đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo hội và toàn thể nhân loại. Mối quan tâm của riêng ta và của những người thân cận, đặc biệt những người gần gũi nhất của ta, những người thân thiết nhất của ta. Vì thế lời kinh mân côi đơn sơ ghi dấu ấn lên nhịp độ của đời sống con người.5

Anh chị em thân mến, với những lời này, tôi đã đặt những năm đầu của triều giáo hoàng trong nhịp độ hằng ngày của Kinh mân côi. Hôm nay, khi tôi khởi sự năm thứ 25 phục vụ trong tư cách người kế vị thánh Phê-rô, tôi muốn làm lại cũng một điều đó. Biết bao nhiêu ơn lành tôi đã lãnh nhận được trong những năm tháng này từ Đức Thánh Trinh nữ qua Kinh mân côi: Magnificat anima mea Dominum! Tôi muốn dâng lời cảm tạ lên Chúa bằng những lời kinh của Mẹ rất thánh của Người, dưới sự che chở của ngài, tôi đã đặt công việc phục vụ giáo hoàng của tôi: Totus Tuus!

+Gioan Phaolô II