Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


1. Thiên Chúa chúng ta nhân hậu như người cha và dịu dàng như người mẹ

Thiên Chúa chúng ta nhân hậu như người cha và dịu dàng như người mẹ. Ngài an ủi chúng ta là các con của Ngài rằng: Ðừng sợ, vì Ta đến giúp con! Ðức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Can đảm thưa lên: Cha ơi!

Dường như Thiên Chúa của chúng ta muốn hát cho chúng ta bài hát ru. Thiên Chúa của chúng ta có khả năng làm điều ấy. Ngài là như thế, Ngài đầy nhân hậu như người cha, đầy dịu hiền như người mẹ. Ðã nhiều lần, Thiên Chúa nói: Cho dù có người mẹ nào nỡ bỏ quên con mình chăng nữa, nhưng Ta, Ta không bao giờ bỏ rơi con. Ngài ôm chúng ta vào lòng. Chúa của chúng ta là như thế. Trong cuộc đối thoại thân tình, với tâm tình người con bé nhỏ, Ngài giúp chúng ta hiểu được tình thương mến, Ngài giúp chúng ta dám can đảm như thánh Phao-lô để thưa lên: Lạy Cha, Cha ơi! Cha ơi, Bố ơi# Ðó là sự nhân hiền và dịu dàng của Thiên Chúa.

Vĩ đại là trở nên bé nhỏ

Thiên Chúa của chúng ta thật vĩ đại, nhưng đã trở nên bé nhỏ. Và trong cái bé nhỏ của Ngài, Ngài không ngừng làm nên bao điều vĩ đại. Ðó là nghịch lý của Thiên Chúa. Nghịch lý ở đây là: vĩ đại có nghĩa là bé nhỏ. Lễ Giáng Sinh giúp chúng ta hiểu được điều ấy. Trong Hang Ðá Giáng Sinh, có một Thiên Chúa bé nhỏ. Chúng ta thử nghĩ suy một chút về điều mà Thánh Tô-ma viết trong phần đầu tiên của Tổng luận thần học. Thánh nhân muốn giải thích điều này. Thánh nhân đặt câu hỏi: Ðiều gì là thánh thiêng? Ðiều gì là thánh thiêng nhất? Thánh nhân nói: đừng sợ những điều vĩ đại, và hãy gìn giữ những điều bé nhỏ, vì những gì thánh thiêng thì vừa vĩ đại vừa bé nhỏ.

Vết thương của con được chữa lành trong vết thương của Ngài

Con có thể nói chuyện với Chúa cách thân tình như thế hay không, hay là con phải sợ hãi? Bất cứ ai cũng có thể nói chuyện với Thiên Chúa. Thế nhưng, có người có thể nói, có thể hỏi lại rằng: Sự hiền hậu, sự dịu hiền của Thiên Chúa có nghĩa là gì? Ðâu là lúc là nơi tỏ cho thấy rõ ràng về sự hiền hậu và dịu dàng của Thiên Chúa? Xin thưa, đó là những vết thương, những vết thương chưa lành. Mỗi khi chúng ta nhìn vào vết thương của tôi, nhìn vào vết thương của bạn, và rồi từ những vết thương của chúng ta nhìn vào vết thương của Chúa. Trong vết thương của Chúa, những vết thương của chúng ta được chữa lành.

2. Người mục tử nói lên sự thật

Các mục tử cần nói lên sự thật, đó là bước đầu, phần còn lại Chúa sẽ lo. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta trong đó Đức Thánh Cha tập trung vào Thánh Gioan Tẩy Giả.

Thánh Gioan rao giảng rất mạnh mẽ. Ngài đề cập đến những tật xấu của người Pharisêu, của các luật sĩ, các kinh sư. Ngài không nói: “Anh em thân mến, hãy cư xử tử tế!” Nhưng ngài chỉ thẳng vào mặt họ mà nói: “Nòi rắn độc kia!” Thánh Gioan nói cách rất đơn giản và thẳng thắn, không có chút gì là úp mở. Ngài phải nói thế, bởi vì họ đến để kiểm tra, để thách đố, để đứng nhìn, chứ không bao giờ mở lòng ra sám hối. Họ mang dáng dấp lươn lẹo của loài rắn. Khi nói như thế, Gioan mạo hiểm với cuộc sống, nhưng ngài vẫn trung thành sống lối sống ấy. Sau đó, khi gặp vua Hêrôđê, Thánh Gioan cũng nói thẳng vào mặt vị quân vương đầy quyền thế: “Vua là kẻ ngoại tình, vua không được phép sống ngoại tình như thế!”

Phải đối mặt! Để cụ thể hơn, ví dụ trong bài giảng lễ Chúa Nhật, vị linh mục nói: “Giữa anh chị em có một số người là nòi rắn độc, có nhiều người sống ngoại tình”. Chắc chắn sau đó, Đức Giám Mục giáo phận sẽ nhận được những lá đơn nói rằng: “Cha ấy đã xúc phạm chúng con.” Đó là thật là chuyện xúc phạm nhưng người mục tử phải trung thành với sứ mạng nói lên sự thật.

Mặc dù Thánh Gioan rất mạnh mẽ và kiên vững trong ơn gọi mà Thiên Chúa ủy thác, nhưng ngài cũng có những giây phút đêm tối, có những lúc nghi ngờ. Ngay cả sau khi làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt toàn dân, rằng Ngài là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian. Vậy mà, khi ở trong tù, ngài nghi ngờ, ngài sai các môn đệ đi hỏi Chúa Giêsu xem có đúng Người là Đấng Kitô không, là Đấng phải đến không.

Những con người vĩ đại như ông vẫn có những lúc nghi ngờ, và điều ấy thật đẹp. Họ chắc chắn về ơn gọi, nhưng mỗi khi Chúa tỏ cho họ thấy con đường mới, thì họ bước vào con đường ấy với những nghi ngờ. Nghi ngờ ví như “điều ấy hình như không mang tính chính thống, hình như có gì đó sai lạc, hình như đây không phải là Đấng Mesia mà tôi mong đợi.” Có khả năng nghi ngờ như thế, chúng ta càng thấy rõ sự vĩ đại của Gioan.

Chúng ta hãy xin thánh Gioan Tiền Hô chuyển cầu cùng Chúa, để ban cho chúng ta ơn can đảm khi thực thi sứ mạng mục tử, để chúng ta luôn luôn nói sự thật với tình thương của người mục tử, để chúng ta đón nhận mọi người và những gì nhỏ bé mà mọi người trao tặng. Đó là bước khởi đầu. Phần còn lại, chính Chúa sẽ làm. Thậm chí, chúng ta cũng xin ơn nghi ngờ như Gioan đã nghi ngờ. Điều gì làm cho Gioan vĩ đại! Gioan là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời, và vì thế mà ông vĩ đại, ông trợ giúp chúng ta trên con đường theo bước chân của Chúa.

3. Người Kitô hữu mở đường cho Chúa Giêsu bằng đời sống chứng tá

Người Kitô hữu nhận thấy thánh Gioan Tẩy Giả là chứng tá khiêm nhường cho Chúa Giêsu. Thánh nhân đã trở nên nhỏ đi, để cho Chúa lớn lên, để giới thiệu Con Thiên Chúa cho mọi người. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 16 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta

Trong những ngày này, Tin Mừng giúp chúng ta tập trung vào chân dung của Gioan Tẩy Giả. Ông là chứng nhân cho Chúa Giêsu. Ơn gọi của ông là làm chứng cho Chúa, là giới thiệu Chúa cho mọi người, là ngọn đèn cháy sáng.

Ngọn đèn chiếu tỏa ánh sáng, làm chứng cho ánh sáng. Ông là tiếng kêu. Chính ông nói: Tôi là tiếng kêu trong hoang địa. Ông là tiếng kêu, là tiếng nói làm chứng cho Lời của Thiên Chúa, cho Ngôi Lời Thiên Chúa. Ông chỉ là tiếng kêu. Ông rao giảng về ơn sám hối và làm phép rửa để giúp mọi người sám hối. Ông nói cách rõ ràng: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng mạnh hơn tôi, và tôi không đáng để cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa.”

Gioan thật vĩ đại, vĩ đại vì ông rất khiêm tốn. Ông cho thấy Người quan trọng là Chúa Giêsu chứ không phải ông. Khi dân chúng và các luật sĩ hỏi: Ông có phải là Đấng Cứu Thế không? Ông trả lời rõ ràng: Tôi không phải.

Lời chứng của ông rất mạnh mẽ và xác quyết, không có chút gì là hư danh. Tiếng nói của ông dập tắt sức mạnh của kiêu hãnh. Tiếng nói ấy mở cánh cửa cho lời chứng khác. Đó là lời chứng từ chính Chúa Cha. Hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ta có lời chứng còn mạnh hơn cả lời chứng của Gioan, đó là lời chứng từ Chúa Cha.” Và Gioan đã mở cánh cửa cho lời chứng này. Ông Gioan đã nghe thấy tiếng nói từ Chúa Cha về Chúa Giêsu rằng: “Này là Con của Ta”. Thật tuyệt vời là sau khi mở cánh cửa, Gioan đã luôn lùi sang một bên. Đó là con đường khiêm tốn của ông. Cuối đời, ông chết trong tù, bị Hêrôđê chặt đầu chỉ vì vua chiều theo ý thích của bà mẹ dâm đãng xúi giục đứa con gái.

Hôm nay thật là một ngày đẹp để chúng ta tự hỏi về đời sống Kitô của chính mình. Đời sống chúng ta có mở đường cho Chúa Giêsu không. Nếu đời sống có đầy những cử chỉ tốt đẹp ấy, chúng ta hãy dâng lên Chúa. Chúng ta hãy tiếp bước để làm chứng cho Chúa Giêsu, giống như thánh Gioan đã làm. Thánh nhân đã làm chứng tuyệt vời và ngài trợ giúp chúng ta trên bước đường chứng tá.

4. Câu chuyện Cái Dũng Của Thánh Nhân

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thánh Clêmentê Hofbauer, nổi tiếng là một người nóng tính.

Ngài được cử làm bề trên một cô nhi viện. Một hôm trong nhà không còn lương thực, Clêmentê đã phải đích thân đi xin ăn. Ngài vào nhà một người giàu có đang tổ chức một sòng bạc. Người chủ nhà vừa gặp cơn đen lại vừa bị người hành khất quấy rầy. Ông không kiềm nổi cơn bực bội nên đã nhổ tung nước bọt vào mặt thánh nhân. Bình thường có lẽ Clêmentê đã có phản ứng mạnh. Nhưng vốn luyện tập nhẫn nại, nên ngài đã đứng lên lau mặt rồi vui vẻ nói với người đã phỉ nhổ mình: “Ðó là qùa ông dành cho tôi, xin cảm ơn ông. Thế còn qùa của các trẻ mồ côi đâu?”. Bị đánh động bởi cử chỉ điềm nhiên vui vẻ của thánh nhân, người chủ nhà đành phải lấy tiền trao cho ngài để giúp đỡ các em mồ côi.

Cái dũng của thánh nhân chính là biết dùng sự thinh lặng, nhẫn nhục để biến cải tâm hồn con người. Cổ nhân thường nói: “Một câu nhịn bằng chín câu lành”. Không có sức mạnh nào có thể thắng nổi sự bất bạo động. Bởi vì, khí giới dù có tối tân và có sức đe dọa đến đâu cũng không thể thuyết phục được tâm hồn con người. Chỉ có lòng tha thứ mới có thể bẻ gãy được thứ vũ khí ác hại nhất là hận thù.