Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Năm tiêu điểm mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhắm tới trong chuyến viếng thăm đất nước Burma và Bangladesh
Thứ Hai ngày 27/11/2017 Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp máy bay tới Thủ đô Yangon trong chuyến tông du sáu ngày tại Miến Điện và Bangladesh với một hoài bão nối kết chính trị và tôn giáo cho hai nước đang đối kháng nhau đã gây nên một cuộc khủng hoảng tị nạn thật bi thảm!
Đức Thánh Cha Phanxicô đang thăm viếng Miến Điện và Bangladesh trong những ngày 27/11 này cho tới 2/12 trong chuyến Tông du thứ ba của mình tại châu Á kể từ khi Ngài đăng quang Giáo hoàng vào năm 2013. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của Ngài đến Miến Điện, Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với đất nước này hồi đầu năm nay.
Tuy nhiên chuyến thăm viếng Bangladesh là lần thứ hai của Đức Giáo Hoàng viếng thăm, lần đầu tiên Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thăm viếng vào năm 1986; còn Đấng Đáng kính, Á thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã dừng chân tại đất nước này vào năm 1970, lúc đó còn được gọi là Đông Pakistan.
Trong suốt chuyến viếng thăm sáu ngày của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc tổng cộng 11 bài phát biểu: năm bài tại Miến Điện, gồm ba bài phát biểu và hai bài giảng, và sáu bài diễn văn ở Bangladesh gồm 5 bài phát biểu và một bài giảng.
Trên máy bay đi Miến Điện hôm qua Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các ký giả rằng Ngài hy vọng đây là một chuyến đi mang nhiều kỳ vọng. Sau đây là một số tiêu điểm quan trọng trong chuyến tông du này.
2. Các cuộc họp của Đức Thánh Cha với các quan chức dân sự và quân đội Miến Điện
Chuyến đi này là một trong những chuyến tông du quốc tế phức tạp nhất về ngoại giao mà Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện, đến mức người phát ngôn Vatican là Đức ông Greg Burke đã mô tả là chuyến đi đầy mạo hiểm “ngoại giao thú vị” trong cuộc họp báo tuần trước.
Ngoài số dân Công Giáo rất ít tại mỗi quốc gia, tình hình chính trị ở Miến Điện thật bấp bênh trong nhiều năm, vì họ đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp từ chánh phủ quân sự sang dân sự.
Nước này còn được gọi là Myanmar, và Vatican thường sử dụng danh từ này trong các văn thư ngoại giao chính thức của Tòa Thánh, “Myanmar” được chính phủ Hoa Kỳ và nhiều nhà hoạt động dân chủ cho là cái tên đã bị áp đặt bất hợp pháp cho đất nước này do chế độ độc tài quân phiệt!
Miến Điện đã trải qua một chế độ độc tài quân phiệt trong suốt hơn 50 năm qua, cho đến khi các cuộc cải cách dân chủ bắt đầu vào năm 2011. Tháng 11/2015, bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà là Liên đoàn Dân chủ Toàn quốc, thắng cử bởi đa số phiếu, chấm dứt chế độ độc tài quân phiệt sau nhiều năm cầm quyền.
Bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà cũng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 1990, nhưng kết quả không được chính phủ quân phiệt công nhận và bắt bà tù lỏng “quản thúc tại gia”. Dù bà đắc cử thành công vào năm 2015, bà vẫn bị cấm không được chính thức trở thành Tổng thống, và bà chỉ được giữ chức “Cố vấn Quốc Gia” và chức Bộ trưởng Ngoại giao, cộng tác chặt chẽ với Tổng thống.
Như chúng ta đã nói mặc dù có nhiều dấu hiệu nổi bật trong việc cải cách dân chủ ở Miến Điện, nhưng quân đội vẫn nắm giữ quyền lực chính trị chính, bao gồm việc bổ nhiệm các bộ trưởng và một phần tư cơ quan lập pháp của quốc gia.
Một phần quan trọng của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô lần này là thảo luận những thỏa thuận trong các cuộc gặp chính thức giữa Đức Thánh Cha với bà Aung San Suu Kyi và ông Min Aung Hlaing, chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang của Miến Điện vào ngày 28/11 hôm nay.
Buổi gặp gỡ với ông Min Aung Hlaing không có trong lịch trình nguyên thủy của Đức Thánh Cha; vì trong một chuyến viếng thăm gần đây của Đức Hồng Y Charles Maung Bo tại Roma, Ngài đã đề nghị nên có cuộc họp với vị thủ lãnh quân đội.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nghe lời khuyên của Đức Hồng Y và lên kế hoạch cho cuộc họp này vào ngày 30/11 tại Tòa Tổng giám mục ở Yangon, khi Ngài đang ở Miến Điện. Nhưng cuộc gặp gỡ đã được cấp bách nhóm họp, và đã diễn ra vào ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô ngay sau khi máy bay hạ cánh.
Theo Đức ông Burke nhà phát ngôn viên chính thức của Vatican thì cả hai đã bàn về “trọng trách lớn lao của các nhà chức trách trong thời điểm chuyển tiếp này.”
Ông Min Aung Hlaing nói trên Twitter của ông rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “không có sự phân biệt tôn giáo.”
3. Đức Thánh Cha được chào đón và tình thương của Đức Thánh Cha dành cho nhân dân Myanmar
Với bối cảnh chính trị, một điều khác cần lưu ý là liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có sử dụng danh xưng Rohingya để mô tả nhóm sắc dân Hồi giáo chủ yếu sống ở bang Rakhine của Burma hay không?
Chuyến viếng thăm của Ngài diễn ra trong bối cảnh bạo lực chống lại người Rohingya, mà trong những tháng gần đây đã đạt cao điểm khiến Liên Hợp Quốc phải tuyên bố đây là một cuộc “diệt chủng!”
Với sự gia tăng đàn áp ngay trên chính quê hương của họ, nhiều người Rohingya đã phải chạy sang Bangladesh, hàng triệu người cắm trại dọc theo biên giới như những người tị nạn bần cùng! Hơn một trăm ngàn người Rohingya đã bỏ chạy khỏi Miến Điện qua Bangladesh trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, bất chấp việc sử dụng rộng rãi danh xưng Rohingya trong cộng đồng quốc tế, danh xưng này đang gây nhiều tranh cãi tại Miến Điện.
Chính phủ Miến Điện từ chối sử dụng danh xưng này và coi họ là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh. Họ đã bị từ chối quốc tịch kể từ khi Miến Điện giành độc lập vào năm 1948.
Vì tính chất gây bất đồng của danh xưng, Đức Hồng Y Bo cũng đã đề nghị với Đức Thánh Cha Phanxicô không nên sử dụng từ ngữ này vì những lập luận của các phần tử cực đoan trong khu vực đang cố kích động dân chúng bằng cách sử dụng danh xưng để gây chia rẽ và tạo nên những nguy cơ xung đột tôn giáo bạo loạn như bao giờ có, trong đó bao gồm cả các Kitô hữu...
Theo Đức Hồng Y, thuật ngữ chính xác cần xử dụng là “Hồi giáo của Nhà nước Rakhine.” Ngài cũng nhấn mạnh rằng các dân tộc thiểu số khác ở lãnh thổ Miến Điện đang phải đối mặt với khủng bố và xua đuổi bao gồm những thiểu số người Kachin, Kahn và Shahn, nhưng những hoàn cảnh này không được báo cáo.
Đức ông Burke nói tình hình tồi tệ của nhân dân tại Miến Điện ngày càng trở nên trầm trọng là một tiêu điểm trọng yếu cho chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đến “vào thời điểm then chốt” theo ý nghĩa này.
Tuy nhiên, trong khi tình hình những người Rohingya leo thang trong những tháng qua, Đức ông Burke cho rằng đó không phải là lý do chính cho chuyến thăm Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô. Chính Đức ông phát ngôn viên Tòa Thánh đã sử dụng danh xưng “Rohingya” để miêu tả người thiểu số Hồi giáo đang bị bức hại, khi ngài nói “danh xưng này không phải là một từ ngữ cấm” ở Vatican, và chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng nó trước đây. Nhưng Đức Hồng Y Bo đã đưa ra một gợi ý với Đức Thánh Cha Phanxicô là đã “bàn thảo việc các ngài xem xét có nên sử dụng danh xưng này hay không trong chuyến thăm này”.
4. Cuộc gặp gỡ liên tôn
Trong suốt chuyến thăm Đức Thánh Cha Phanxicô Ngài đã tham dự nhiều buổi họp mặt liên tôn, vì thực tế Miến Điện là một quốc gia Phật giáo chiếm đa số, còn Hồi giáo chiếm đa số tại Bangladesh, nên những cuộc hội họp liên tôn đã được đặc biệt quan tâm tới.
Cuộc họp riêng với các nhà lãnh đạo liên tôn đầu tiên được diễn ra vào ngày 28/11 tại Tòa Tổng Giám Mục ở Yangon, cuộc họp này không có trong chương trình nguyên thủy của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng được thêm vào theo đề nghị của Đức Hồng Y Bo.
Mặc dù danh sách những người tham dự cuộc gặp mặt này không được công bố, nhưng Đức Hồng Y Bo cho hay có khoảng 15 nhà lãnh đạo các tôn giáo bao gồm Công Giáo, Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo, và một thành viên của cộng đồng người Rohingya tham dự.
Trong cùng ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các thành viên của “Tăng đoàn”, Hội đồng Tối cao của Giáo hội Phật giáo trong nước. Người Công Giáo ở Miến Điện là một thiểu số nhỏ, chỉ chiếm 1,3% trong tổng dân số 52 triệu.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ những người Hồi giáo Rohingya trong cuộc gặp gỡ liên tôn ở Bangladesh vào ngày 1/12, nơi dự kiến đã có những tuyên cáo của các cộng đồng Người Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo và Kitô hữu trong cuộc họp này.
Tại Bangladesh, 86 phần trăm dân chúng theo đạo Hồi. 375,000 người Công Giáo đại diện cho khoảng 0.2 trên tổng dân số.
5. Lời hiệu triệu dành cho Cộng đồng Công Giáo
Chúng ta được biết Đức Thánh Cha Phanxicô có một mối quan hệ đặc biệt với Giáo hội địa phương của hai quốc gia này. Cả Miến Điện và Băng-la-đét đều là những Giáo hội nghèo về kinh tế. Bangladesh là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, với gần 30% dân số sống dưới mức bần cùng.
Các Đức Thánh Cha đã hỗ trợ các Giáo hội tại các quốc gia này bằng cách nâng một vị lên hàng Hồng Y vào năm 1980 và nâng Đức TGM Patrick D'Rozario của Dhaka lên Hồng Y vào năm 2016.
Các Kitô hữu là một thiểu số nhỏ ở Miến Điện và Bangladesh, nên các cuộc thăm viếng mục vụ của Đức Thánh Cha được coi là một động lực cho Giáo hội địa phương nhỏ bé tại các quốc gia này và Đức Thánh Cha qua các chuyến thăm viếng này muốn nói lên một nghĩa cử gần gũi và đầy yêu thương chăm sóc của Ngài cho họ.
6. Thành quả đầu tiên của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Chính phủ Myanmar công bố triệu tập một Đại hội các Dân tộc Thiểu số”
Chính phủ Miến Điện đã công bố triệu tập một Đại hội trong đó nghị trình thứ ba của Đại hội bàn về việc cuộc sống hài hòa giữa các dân tộc thiểu số, được gọi là “Hội nghị Panglong”, đã được nhóm họp vào tuần cuối cùng của tháng Giêng năm tới: sáng kiến trên nhằm tiếp nối những cuộc hòa đàm mà chính phủ đã có với các nhóm dân tộc vũ trang mà quân đội Miến Điện đã cố gắng tiêu trừ trong suốt hơn 60 năm qua.
Sau khi đến Miến Điện, Đức Thánh Cha Phanxicô Phanxicô đã gặp vị chỉ huy trưởng của quân đội Myanma, Đại tướng Min Aung Hlaing tại Tòa Tổng giám mục ở Yangon. Nhà lãnh đạo quân đội nói với Đức Thánh Cha rằng “đã không có sự phân biệt tôn giáo và sắc tộc trong đất nước này”.
Chính phủ Miến Điện đã ký hiệp định ngưng bắn với tám tổ chức vũ trang, đại diện các nhóm sắc tộc, nhờ sự cam kết của bà Aung San Suu Kyi, người đã khởi xướng Hội nghị Hòa bình với các dân tộc thiểu số.
Các chủ đề đã được thảo luận trong cuộc họp tháng Một năm tới bao gồm: khía cạnh và bước tiến của cuộc đối thoại chính trị trên bình diện quốc gia với các nhóm thiểu số, bao gồm các nhóm Shan, và các nhóm Hồi giáo ở bang Rakhine. Đảng Giải phóng Arakan cũng ngỏ ý muốn đối thoại với chính phủ để có một đại diện của người Rohingya trong cuộc hòa đàm. Trong vài tuần qua, LHQ đã cáo buộc quân đội “muốn tiêu diệt các sắc tộc” qua chiến dịch chống lại người Rohingya. Mục đích của Hội nghị là tìm ra một thỏa hiệp chung cho tất cả các dân tộc có vũ trang hầu có thể tạo lập được một nền hòa bình ổn định cho đất nước.
Tin về Hội nghị được chào đón nồng nhiệt trong dân chúng và trong cộng đoàn Công Giáo thiểu số tại Miến Điện. Tổ chức “Huynh Đệ Kitô Hữu Quốc Tế Thế Giới” (Christian Solidarity Worldwide) tuyên bố trong một thông cáo gửi cho Thông tấn xã Fides: “Chúng tôi xin chính phủ Myanmar cho phép các tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế được cứu trợ dân chúng tại Rakhine và hãy chấm dứt các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở các bang Kachin và Shan; Chúng tôi cực lực phản đối trào lưu chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, không dung nhương nhưng gây hận thù đang được thành hình khắp nơi trong đất nước”
7. Đức Thánh Cha nhắn gửi các Linh mục Tu sĩ: Anh chị em đừng làm ra mặt “lạnh lùng” và bộ điệu ‘chanh chua”!
Theo Thông tấn xã EWTN và CNA ngày 2/12 cho hay trong bài thường huấn dành cho các linh mục tu sĩ ở Dhaka, Bangladesh, Đức Thánh Cha Phanxicô nói “thật là buồn khi thấy những người tận hiến không hạnh phúc! Cha thích nhìn vào mắt các tu sĩ lớn tuổi, những người đã suốt đời phục vụ trong niềm vui, để khám phá ra những cốt lõi của ơn gọi thánh hiến.
Đức Thánh Cha nói “Dù mắt của họ là không thể diễn tả trọn vẹn niềm vui và an bình ắp đầy trong tâm lòng họ,” Thiên Chúa vẫn dõi theo những ánh mắt của những người tu sĩ thiếu trong sáng vì họ không sống lý tưởng tu trì, họ không thể có được niềm vui.”
Đức Thánh Cha cảnh báo rằng tinh thần của niềm vui hạnh phúc thật cần thiết cho đời sống tận hiến, và “chúng con không thể phục vụ Chúa” mà không có nó.
“Cha có thể đảm bảo với chúng con là thật đau buồn khi gặp những linh mục, những tu sĩ, những Giám mục, không có niềm vui, thì gương mặt họ lúc nào cũng ủ dũ buồn phiền”, Đức Thánh Cha còn nói thêm “bất cứ lúc nào Ngài gặp một ai đó như thế, Ngài thường hỏi ngay: “Hôm nay con đã làm gì? Con có uống dấm chua không vậy?”
Những ai có “khuôn mặt chanh chua lạnh như tiền” chắc là họ đang “có tâm trạng lo lắng và trái tim se thắt sầu khổ” nên họ không thể sống chứng tá và loan truyền Tin mừng Chúa được!”.
Trong cả hai cuộc tông du tại Miến Điện và Banglades, Đức Thánh Cha đều nói chuyện với cộng đoàn tu sĩ. Trong cuộc gặp gỡ với các tu sĩ, được tổ chức tại Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, một trong những nhà thờ lâu đời nhất ở Bangladesh, Đức Thánh Cha đã lắng nghe nhiều chứng từ của Linh mục Abel Rozario, một linh mục thuộc Tổng Giáo phận Dhaka; Thầy Lawrence; Linh mục Franco; Sơ Mary Chandra; và Marcellius một chủng sinh. Sau khi lắng nghe những mẫu chuyện cuộc đời họ, Đức Thánh Cha cho biết Ngài đã chuẩn bị một bài chia sẻ dài 8 trang, nhưng trước những chia sẻ của các con, cha vui sướng nhận thấy “chúng con đến đây để lắng nghe Cha, và muốn nghe hoài mà không chán!”
Như một câu ngạn ngữ tiếng Tây Ban Nha qua Đức ông Mark Miles dịch sang tiếng Anh, Đức Thánh Cha nói theo bài đọc thứ ba của sách Tiên tri Isaiah đã viết “từ gốc cây của Jesse nẩy ra một chồi non”. Hình ảnh phát triển của một cây cỏ như thế nào thì trong tinh thần trí tuệ và lòng mộ đạo, cũng như trong một đời sống đức tin và phục vụ của một người tận hiến cũng tương tự như việc tăng triển của một hạt giống.
“Hạt giống không thuộc về các con hay về Cha, vì Thiên Chúa Đấng gieo hạt giống, sẽ làm cho chúng tăng trưởng”, Đức Thánh Cha giải thích dù Thiên Chúa là người chủ động, nhưng chúng ta phải là người vun tưới thì hạt giống mới phát triển được.
Để vun tưới cho hạt giống ơn gọi mà chúng ta đã được ban tặng cho, chúng ta phải “chăm sóc nó” như chúng ta chăm sóc cho em bé hay người đau bệnh hoặc người lớn tuổi… bằng chính sự dịu dàng.
“Ơn gọi phải được vun trồng bằng chính những tình cảm tinh tế của mọi người trong cộng đoàn, từ các linh mục cũng như mọi thành phần giáo dân”, Đức Thánh Cha nói thêm rằng “nếu không có sự dịu dàng chăm sóc, thì chồi non nhỏ bé không thể phát triển được, ngược lại nó sẽ bị khô héo đi!”
“Hãy chăm sóc mầm non ơn gọi bằng sự dịu dàng, bởi vì mỗi người chúng con trong cương vị là linh mục, giám mục, hay một thành viên trong cộng đồng, các con là những hạt giống của Chúa. Và Thiên Chúa săn sóc tất cả bằng tình yêu dịu dàng của một người cha. “
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cảnh tỉnh rằng dù có nhiều nỗ lực cố gắng, ban đêm kẻ thù đã đến và gieo cỏ lùng vào chung với những hạt giống tốt mà Thiên Chúa đã gieo.
Cỏ lùng cùng chung với lúa “có nhiều lúc chúng bóp nghẹt không cho lúa triển nở. Thật “hãi sợ” và “đau buồn” khi thấy những cỏ lùng này đang phát triển nơi các giáo xứ hay trong hàng ngũ các Giám mục.
Để ngăn chặn sự phát triển của cỏ lùng, chúng ta cần phải biết cách nói với nhau về những hạt giống tốt, giải thích cho nhau nghe những quá trình chúng qua những giai đoạn “phân định”.
“Để chăm sóc các phương tiện cho sự phân định”, Đức Thánh Cha cắt nghĩa và kêu gọi mọi người cần chú ý đến những định hướng cho ơn gọi được thăng tiến và cổ súy những hỗ trợ từ - một tình bạn hay cộng đoàn, từ một thành viên trong gia đình hay cộng đoàn để khử trừ đi những đe dọa cho mầm non được tăng trưởng.
Việc cầu nguyện là một yếu tố then chốt của quá trình phân định này, Đức Thánh Cha nói thêm “để chăm sóc cũng có nghĩa là cầu nguyện, và khẩn cầu người trồng hạt giống làm thế nào để có nước cho hạt giống nẩy mầm và tăng trưởng.”
“Nếu một người gặp khủng hoảng và buông xuôi, thì tất cả chúng ta phải cầu nguyện xin Chúa cứu giúp họ. Cầu nguyện để kéo ơn Chúa xuống cho chúng ta, qua chính sự dịu dàng săn sóc mà chúng ta nhận được qua tha nhân”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nêu lên những thách đố xảy ra trong các giáo xứ, trong các chủng viện, các Hội đồng các Giám mục, cũng như các viện tu, những thách đố này lúc nào cũng luôn có vì mỗi người chúng ta có những khiếm khuyết và những hạn chế đang làm rạn nứt sự bình an và hài hòa trong cuộc sống cộng đoàn.
Đức Thánh Cha nêu lên điểm son của đất nước Bangladesh được biết đến như là thành tựu của cuộc sống và thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo, Đức Thánh Cha nói những nỗ lực tương tự như thế phải được thực hiện trong các cộng đồng tín hữu, làm cho đất nước Bangladesh “trở nên một đất nước nổi bật về sự hòa hợp.”
Đức Thánh Cha đề cập tới một điểm mà Ngài thường hay nhắc tới, đặc biệt khi nói về tôn giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô gọi nó là “kẻ thù” của sự hòa hợp trong đời sống tôn giáo, đó là chuyện phiếm, chuyện nói hành nói tỏi!
“Miệng lưỡi có thể phá hủy một cộng đoàn bằng cách nói xấu người khác”, Đức Thánh Cha lưu ý rằng “đây không phải là ý tưởng của cha mà 2.000 năm trước, Thánh Giacôbê đã đề cập đến trong lá thư của Ngài.”
Đức Thánh Cha nói, việc nói hành nói tỏi về khiếm khuyết của người khác thay vì đối diện trực tiếp với người đó, là chúng ta tạo ra một môi trường thiếu tin tưởng, ghen tỵ và chia rẽ! một lần nữa cha có thể nói chuyện đồn thổi là một hình thức “khủng bố”.
Nó là khủng bố, bởi vì “khi các con nói xấu kẻ khác, các con không nói công khai, và kẻ khủng bố cũng không bao giờ hành động công khai!” Ta có thể là một kẻ khủng bố. “ Một kẻ khủng bố âm mưu âm thầm tư riêng, nhưng sau đó hành vi bạo lực đó qua việc đặt bom công cộng!”
Điều này đang xảy ra trong các cộng đồng, vì thường kẻ nói xấu tha nhân không bao giờ nói ra cách công cộng, thì kẻ khủng bố cũng vậy họ âm thầm âm mưu cá nhân nhưng rồi họ cho bom nổ nơi công cộng để giết hại càng nhiều người càng tốt! Nên trong đạo thường khuyên chúng ta hãy “giữ miệng lưỡi của bạn” đừng để bị cám dỗ nói hành nói xấu người khác. Có một câu ngạn ngữ nói: “Có lẽ lưỡi bạn sẽ bị đau nếu bạn cắn phải; thế còn hơn là dùng lưỡi bạn làm tổn thương danh dự người khác.”
Nếu cần phải sửa đổi nhau, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, trước tiên hãy gặp mặt nhau với lòng bác ái, và nếu cần, hãy nhờ tới cộng đoàn. Có biết bao nhiêu cộng đoàn đã bị phân hóa và tan rã chỉ vì những tin đồn! Đức Thánh Cha năn nỉ: “Cha xin các con hãy giữ miệng lưỡi các con, hãy tắc lưỡi, hãy uốn lưỡi các con ba lần trước khi nói.”
Đức Thánh Cha kết luận bằng những câu hỏi:
- Tôi có săn sóc cho cây mần non của tôi và tưới bón cho nó không?
- Tôi có nhờ tới sự nâng đỡ của người khác không?
- Tôi có sợ trở thành kẻ khủng bố không? Nếu vậy đừng bao giờ nói xấu kẻ khác!
- Và cuối cùng tôi có món quà niềm vui không?
Sau đó Đức Thánh Cha bầy tỏ hy vọng “hạt giống” ơn gọi của tất cả các con không ngừng triển nở để “mắt các con luôn chan hòa niềm vui của Thần Linh Chúa”. Xin các con cũng cầu nguyện cho Cha.
8. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích tại sao ngài không dùng từ “Rohingya” ở Miến Điện
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài biết rõ nhiều người thất vọng khi ngài không sử dụng từ “Rohingya” ở Miến Điện, nhưng mối quan tâm chính của ngài là làm sao chuyển đạt được những mối quan tâm đến những người có trách nhiệm tại Miến Điện về tình hình vi phạm nhân quyền tồi tệ này, và ngài đã làm được như vậy.
Đức Thánh Cha nói với các phóng viên trên chuyến bay từ Dhaka, Bangladesh, trở về Rôma rằng: “Nếu tôi dùng từ này, các cánh cửa sẽ đóng lại”.
Ngài đã dành gần một giờ để trả lời các câu hỏi của các phóng viên sau chuyến đi 6 ngày tới Miến Điện và Bangladesh, nhưng yêu cầu rằng các câu hỏi nên tập trung về chuyến đi hơn là các chủ đề khác.
Trong các bài diễn văn ở Miến Điện, Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại nhiều lần nghĩa vụ bảo vệ sự sống và nhân quyền của tất cả mọi người. Nhưng ngài không đề cập cụ thể đến Rohingya, một nhóm Hồi giáo thiểu số tại bang Rakhine mà Liên Hiệp Quốc báo động là đang bị thanh lọc sắc tộc một cách có hệ thống. Quân đội Miến Điện, tuyên bố rằng họ đang tấn công vào các chiến binh thánh chiến, nhưng Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền trên thế giới đều cả quyết họ đã và đang phạm vào tội ác thanh lọc sắc tộc.
Chỉ từ tháng Tám đến nay, hơn 620,000 người Rohingya đã chạy trốn qua biên giới Bangladesh và sống chen chúc cùng hàng trăm ngàn người khác đã sống trong các trại tị nạn ở đó.
Đối với chính phủ Miến Điện, người Rohingya không tồn tại; thay vào đó họ được coi là các di dân không có giấy tờ.
Đức Thánh Cha nói với các phóng viên:
“Tôi biết rằng nếu, trong một bài phát biểu chính thức, tôi sử dụng từ này, thì họ sẽ đóng sầm các cánh cửa lại trước mặt tôi”. Tuy nhiên, “tôi công khai mô tả tình hình và tôi đã có thể đi xa hơn nữa trong các cuộc họp riêng” với các quan chức chính phủ.
“Tôi rất, rất hài lòng với các cuộc họp,” Đức Giáo Hoàng nói. “Tôi đã nói được tất cả những gì tôi muốn nói.”
Đức Thánh Cha nói tiếp: Đúng là, “Tôi không có được hứng thú” khi có thể đưa ra “một lời tố cáo công khai, nhưng tôi hài lòng về các cuộc đối thoại, cho phép người kia nói và, theo cách đó, thông điệp đã được chuyển tải”.
Cuối cùng việc có thể gặp được một số người tị nạn Rohingya ở Bangladesh là một khoảnh khắc cảm xúc đối với Đức Thánh Cha.
Chính quyền Bangladesh đã sắp xếp cho 16 người tị nạn đến Dhaka từ tỉnh Cox's Bazar, nơi có các trại tị nạn lớn, để họ có thể tham gia với các nhà lãnh đạo tôn giáo trong một cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha nhằm củng cố hòa bình.
Những người tị nạn đã phải di chuyển rất xa và đã trải qua quá nhiều những bi kịch trong đời nên Đức Thánh Cha nói ngài không thể chỉ bắt tay họ và thầm thì mấy câu an ủi như một số nhà tổ chức sự kiện này đã hoạch định.
Đức Thánh Cha đã có một vài phút với mỗi người, lắng nghe câu chuyện của họ với sự giúp đỡ của một thông dịch viên, nắm tay họ và nhìn vào mắt họ.
“Tôi đã khóc, nhưng cố giấu nó,” Đức Giáo Hoàng nói với các phóng viên. “Họ cũng khóc.”
Thật là cảm động khi lắng nghe họ và “Tôi không thể để họ bỏ đi mà không nói gì cả” với họ. Vì vậy, ngài yêu cầu người ta trao cho ngài một micrô và ngài nói về phẩm giá của Thiên Chúa ban cho họ và nghĩa vụ của các tín hữu của tất cả các tôn giáo phải đứng lên bênh vực cho họ như những người anh chị em. Ngài cũng xin lỗi vì tất cả những gì họ đã chịu đựng.
Đức Giáo Hoàng đã từ chối cung cấp cho các phóng viên những chi tiết về những cuộc gặp riêng tư của ngài với các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo quân sự ở Miến Điện, nhưng nhấn mạnh rằng các cuộc gặp gỡ đã được đánh dấu bởi những “cuộc đối thoại văn minh” và ngài đã có thể đưa ra những điểm được xem là quan trọng đối với mình.