Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội tại Thanh Hóa (22-11-2017)
Các bạn trẻ của giáo tỉnh Hà Nội họp nhau nơi đây với niềm vui dâng trào. Với thánh lễ này, Đại hội Giới trẻ đạt tới đỉnh cao và sẽ dần khép lại. Các con sẽ ra về, lòng ấp ủ lệnh truyền của Chúa Giêsu : “Hãy ra chỗ nước sâu” để chia sẻ “niềm vui của Tin Mừng” cho mọi người.
Chủ đề của Đại hội lần này trùng hợp với chủ đề Năm Thánh của giáo phận Thanh Hóa mừng kỷ niệm 85 năm thành lập. Một năm qua, các bạn trẻ Thanh Hóa đã lên đường cung nghinh Thánh giá Chúa Giêsu đến các giáo xứ, đến với cả các thôn làng xa xăm nhất. Các bạn đã ra chỗ nước sâu và đã thu về nhiều mẻ lưới. Xin chia vui và chúc mừng các bạn trẻ Thanh Hóa.
1. “Hãy ra chỗ nước sâu”. “Ra chỗ nước sâu để thả lưới”. Trước hết đó là lệnh truyền loan báo Tin Mừng. Lời đó từ nay sẽ là lệnh lên đường Chúa khắc ghi vào tâm tư để các con đến với bạn bè trong giáo xứ, nơi trường học, trong thôn xóm, ngoài xã hội.
Các bạn trẻ, các con đừng ngại ngùng, đừng tự ti mặc cảm, đừng sợ hãi. Sau một đêm vất vả mà không bắt được gì, các tông đồ chắc chỉ nghĩ đến chuyện thu lưới và đem thuyền vào bờ. Nhưng Chúa lại bảo : “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”. Các tông đồ hoàn toàn tin tưởng vào lời Chúa nên đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.
Vậy thì các con hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới, hãy dám làm một cuộc mạo hiểm vào biển đời, có vẻ đầy khó khăn, nhưng dựa vào Chúa Giêsu, các con sẽ thành công. Hãy lên đường, dù khả năng giới hạn, dù mang thân phận tội lỗi. Các con hãy “đi ra”, ra khỏi mình, đừng co cụm trong cuộc sống ích kỷ. Biết bao nhiêu người chưa được biết Chúa, chưa được gặp Chúa là tình yêu, là ý nghĩa và hạnh phúc đích thực của cuộc đời, chưa được qui tụ trong gia đình Hội Thánh. Biết bao nhiêu anh chị em đang đau khổ, đói nghèo, bị áp bức và bị bỏ rơi. Họ đang mong chờ ơn cứu độ, đang khao khát lắng nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Nếu được chữa khỏi một cơn bệnh hiểm nghèo, các con có thể giữ kín niềm vui cho riêng mình không ? Nếu tìm ra một kho báu chôn trong ruộng, các con có che giấu niềm vui được không ? Chắc chắn các con sẽ kể cho người khác, gặp ai cũng kể, kể đi kể lại mà không chán, người ta không muốn nghe mà vẫn cứ kể. Nếu quả thực lòng các con cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc vì đã gặp Chúa và có Chúa trong đời, niềm vui ấy đầy ắp nên đương nhiên sẽ tràn ra ngoài, và các con sẽ nhiệt tình thông truyền niềm vui ấy cho mọi người.
2. “Hãy ra chỗ nước sâu” : đó cũng là lời mời gọi loan báo Tin Mừng bằng cách dấn thân vào môi trường xã hội. Thế giới hôm nay đầy những bất công và bóc lột, ích kỷ và hận thù ; Chúa mời gọi các con ra chỗ nước sâu để biến đổi thế giới này thành một đại gia đình sống trong tình yêu và công lý, liên đới và chia sẻ.
Trong lời dẫn nhập cho quyển giáo lý Docat trình bày giáo huấn của Hội Thánh về các vấn đề xã hội, ĐTC Phanxicô nói : nền kinh tế hiện nay đang giết hại con người, vì nó mang tính loại trừ và bất bình đẳng. Rất nhiều người trẻ không kiếm được việc làm ; nhiều người lớn tuổi bị gạt ra ngoài lề ; nhiều người nghèo bỏ chạy đến các khu ổ chuột trong những thành phố lớn với hy vọng tìm thấy vài thứ còn sót lại ở đó để sống cho qua ngày. Hiện nay 10% dân số toàn cầu sở hữu đến 85% tài sản thế giới, chỉ có 1% tài sản thế giới được chia cho nửa dân số thế giới. Khoảng 1,4 tỷ người sống nghèo khổ cùng cực dưới 25.000 VNĐ mỗi ngày.
ĐTC mời gọi “Các con hãy làm”. “Cha ước mơ có được một triệu người trẻ Kitô hữu, thậm chí còn nhiều hơn nữa, ước mơ có cả một thế hệ vừa đi vừa bàn chuyện học thuyết xã hội cho những người đồng thời với mình. Không có cái gì khác sẽ làm thay đổi thế giới, mà chỉ có những con người cùng với Chúa Giêsu dấn thân cho thế giới, cùng với Ngài đến những ‘vùng ven’ và đi vào giữa những lấm lem của cuộc đời mới thay đổi được. Các con hãy đi vào chính trị nữa, hãy đấu tranh cho công lý và phẩm giá con người, đặc biệt cho những người nghèo nhất trong những người nghèo. Tất cả các con là Giáo hội. Vậy thì, hãy đoan chắc rằng Giáo hội được biến đổi, rằng Giáo hội vẫn đang sống, bởi vì Giáo hội cảm thấy chính mình bị thách thức bởi tiếng kêu than của những người bị tước đoạt, bởi tiếng kêu xin của những người khốn cùng, và bởi những người chẳng có ai đoái hoài quan tâm.” (Lời dẫn nhập Docat, nxb Tôn giáo 2017, trang 12-13)
Dấn thân vào xã hội như thế chính là “ra chỗ nước sâu”, là đi vào những vùng tăm tối của cuộc đời, vào những lãnh vực khó khăn vất vả, có khi nguy hiểm đến sự an toàn bản thân nữa. Thực tế của cuộc sống xã hội là một lời thách đố nghiêm trọng để các con can đảm và nhiệt tình làm cho men Tin Mừng thấm vào mọi sinh hoạt và cơ cấu của xã hội. Khi các con có Chúa và hành động nhờ ánh sáng và sức mạnh của Chúa, các con sẽ thay đổi được thế giới.
3. Công cuộc loan báo Tin Mừng và dấn thân vào xã hội phải khởi đi từ đời sống gia đình. Chủ đề “hãy ra chỗ nước sâu” của Đại hội Giới trẻ mời gọi các con loan báo Tin Mừng bằng cách thể hiện “niềm vui tình yêu” trong đời sống hôn nhân.
Hầu hết các con sẽ sống ơn gọi hôn nhân và ước mơ có một gia đình hạnh phúc thánh thiện. Làm sao để ước mơ ấy trở thành hiện thực ? Để có được hạnh phúc trong gia đình, các con không thể thụ động ngồi chờ sung rụng. Không ai cho không hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc ấy phải được kiến tạo từng ngày, từng giờ, qua từng lời nói việc làm, qua từng ứng xử và chọn lựa cụ thể. Để có hạnh phúc trong đời sống hôn nhân, cũng phải ra chỗ nước sâu.
Trong tiếng latinh, “altus” có nghĩa là sâu và cũng có nghĩa là cao. Đi biển thì ra chỗ nước sâu, còn leo núi thì vươn lên tầm cao.
“Ra chỗ nước sâu” là một lời mời gọi dám trực diện với thực tế để can đảm và khôn ngoan vượt qua những thử thách. Nhiều cuộc hôn nhân bị đổ vỡ vì quá lãng mạn ảo tưởng, không biết vượt qua những thu hút ban đầu để đối diện với những bổn phận, những khó khăn và giới hạn của mỗi người.
Vươn tới tầm cao là vun đắp một tình yêu hôn nhân đích thực.
Một tình yêu chỉ biết sống cho mình là một tình yêu ích kỷ. Dám quên bản thân, dám cho đi chính mình và hy sinh cho người mình yêu, đó mới là tình yêu ở tầm cao.
Yêu nhau mà chỉ nhắm tới tiền bạc, địa vị, sắc đẹp, hưởng thụ khoái lạc, đó là yêu mình ; thật ra đó không phải là tình yêu, mà chỉ là những tính toán vị kỷ, những cảm xúc hời hợt, có nguy cơ sớm phai nhạt và đổ vỡ, thậm chí còn làm hạ thấp phẩm giá con người.
Tình yêu ở tầm cao nhắm đến chính con người mà mình yêu, yêu thương người ấy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc bệnh tật, khi còn còn trẻ trung hấp dẫn cũng như khi đã rạm nắng nhăn nheo vì vất vả lao động.
Một tình yêu ở tầm cao có nghĩa là yêu nhau đến độ dám tha thứ cho nhau, quên đi những lỗi lầm của nhau, chấp nhận những khuyết điểm và giới hạn của nhau.
Các con có khả năng nở một nụ cười khi gặp buồn phiền không, nói một lời yêu thương khi đang bực tức, làm một nghĩa cử phục vụ khi đang mệt mỏi không ? Các con có khả năng vươn lên tới tầm cao của tình yêu như thế không ?
Hơn nữa, các con có dám vươn lên tầm cao của đời sống thánh thiện trong hôn nhân không ? Có dám ước mơ là những vị thánh trong ơn gọi hôn nhân không ? Tại sao không ? Trong lịch sử đã có rất nhiều vị thánh là những ông chồng, là những bà vợ, là cả chồng và vợ. Chúng ta có những tấm gương sáng chói như thánh Giuse và Đức Mẹ, thánh Gioakim và Anna, hai ông bà thánh Isidore là những người nông dân hiền lành và bác ái, hai ông bà thánh Martin là cha mẹ của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Hãy kiến tạo đời sống hôn nhân hạnh phúc và thánh thiện. Một đời sống hôn nhân ở tầm cao như thế tỏa chiếu hương thơm của Tin Mừng và có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Một thành phố xây trên núi không thể che giấu được ; cũng vậy, một đời sống gia đình hạnh phúc và thánh thiện tuy đơn sơ lặng lẽ cũng không thể che giấu được. Mọi người sẽ nhìn vào đời sống gia đình của các con và ngợi khen Cha trên trời.
4. Cuối cùng, để có thể loan báo Tin Mừng, xây dựng một thế giới mới và kiến tạo gia đình hạnh phúc thánh thiện, các bạn trẻ hãy đưa chính cuộc đời mình ra chỗ nước sâu và vươn lên tới tầm cao.
“Hãy ra chỗ nước sâu”, đó là lời kêu gọi các con tiến tới những mục tiêu xa hơn, khó hơn, đòi hy sinh nhiều hơn. Lệnh truyền của Chúa làm liên tưởng đến châm ngôn của Thế vận hội Olympic : “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” (Citius, altius, fortius). Ngày 19-12-2014, khi tiếp kiến ban lãnh đạo và các vận động viên thuộc Ủy ban quốc gia Italia về Olympic, ĐTC Phanxicô đã nhắc lại châm ngôn này, và ngài nói : “Châm ngôn này là một thách đố đảm nhận sự vất vả, hy sinh, để đạt tới những mục tiêu quan trọng trong cuộc sống, chấp nhận những giới hạn của mình, và không để cho chúng ngăn chặn, trái lại tìm cách khắc phục chúng”.
Chuyện ngụ ngôn kể rằng trong khu rừng nọ, có ông lão một ngày kia vào rừng đốn củi nhặt được một quả trứng chim. Buổi chiều về nhà, ông lão đặt quả trứng ấy vào ổ trứng gà đang ấp.
Một ngày nọ, gà mẹ vui mừng khi ổ trứng nở ra một bầy gà con và có cả chú chim non bé nhỏ nữa. Hằng ngày, chú chim đi ăn cùng đàn gà. Một hôm, đàn gà con đang tung tăng kiếm ăn thì nhìn thấy một con chim lớn vỗ cánh tung bay trên trời xanh. Chú chim non ngước mắt lên nhìn theo và nói : “Kia là loài gì mà lại bay được trên trời xanh”. Đàn gà con vui vẻ nói với chú : “Đó là loài chim đại bàng, chúa tể của các loài chim. Nó có đôi cánh lớn đầy sức mạnh để bay lượn trên trời xanh. Còn chúng ta là loài gà, chúng ta chỉ kiếm ăn và vui chơi dưới mặt đất này”.
Thỉnh thoảng chú chim lại nhìn thấy chim đại bàng vỗ cánh tung bay trên trời. Chú ước một ngày nào đó mình cũng được bay lượn tự do trên trời như loài chim đại bàng kia.
Thời gian trôi đi, đàn gà con lớn lên và vẫn trêu đùa chú chim đang mơ ước viễn vông. Chú chim thì ngày nào cũng ngước lên trời nhìn chim đại bàng vỗ cánh tung bay trên bầu trời xanh tự do, và nó ước ao một ngày nào đó sẽ được bay lượn tự do như thế.
Một ngày nọ, đang khi cả đàn gà đi ăn và vui đùa, chú chim ngước mắt lên trời nhìn chim đại bàng bay lượn. Bỗng dưng, chú chim bắt chước giang đôi cánh và vỗ vỗ như chim đại bàng đang bay lượn. Tự nhiên, chú thấy cơ thể mình nhẹ nhõm và như được nâng lên. Chú vỗ cánh mạnh hơn nữa và bất thần cơ thể chú được nâng lên rời khỏi mặt đất. Chú vỗ cánh bay lên bầu trời xanh cao và ngỡ ngàng nhìn xuống đất. Đàn gà con ngơ ngác nhìn chú đang bay lượn trên bầu trời xanh. Còn chú chim thì cứ vỗ cánh bay cao và lượn nhào trên bầu trời xanh. Bấy giờ, nó nhận ra rằng mình chính là loài chim đại bàng, chúa tể của các loài chim.
Các bạn trẻ thân mến, các con được Thiên Chúa tạo dựng cho một lý tưởng cao cả. Chúa Giêsu đến để mời gọi các con bay cao. Đừng bằng lòng với cuộc sống tầm thường, đừng an phận với lối sống tối thiểu, đừng chấp nhận sống thấp lè tè trong thế giới vật chất, đừng vùi đầu vào games, đừng biến cuộc đời nên thấp hèn bằng phim ảnh đen, đừng đánh mất cuộc đời trong rượu chè hay ma túy.
Hãy nhìn lên cao, nhìn lên Chúa Giêsu và bước theo Ngài. Chúa Giêsu không lấy mất của các con điều gì. Ngài chỉ muốn đi vào cuộc đời các con để đưa các con lên cao. Chúa Giêsu, Lời hằng sống của Ngài, Mình và Máu thánh của Ngài, Hội Thánh của Ngài, ơn gọi Kitô hữu, phẩm giá làm người, tất cả những điều ấy không hề tầm thường nhưng hết sức cao cả và linh thánh. Các con hãy trân trọng và yêu quí, hãy bảo tồn và làm cho lớn lên trong cuộc đời. Đôi chân các con đạp đất, nhưng đôi mắt luôn hướng nhìn lên cao. “Hãy ra chỗ nước sâu” cũng chính là lời mời gọi hãy vươn cao, hãy mạnh mẽ hăng say đi vào cuộc phiêu lưu giữa biển đời với tình yêu và ân sủng của Chúa. Các con sẽ thu lượm được những thuyền đầy cá.
Cầu chúc các con đầy tràn niềm vui và phúc lành của Chúa Giêsu.
Các bạn trẻ của giáo tỉnh Hà Nội họp nhau nơi đây với niềm vui dâng trào. Với thánh lễ này, Đại hội Giới trẻ đạt tới đỉnh cao và sẽ dần khép lại. Các con sẽ ra về, lòng ấp ủ lệnh truyền của Chúa Giêsu : “Hãy ra chỗ nước sâu” để chia sẻ “niềm vui của Tin Mừng” cho mọi người.
Chủ đề của Đại hội lần này trùng hợp với chủ đề Năm Thánh của giáo phận Thanh Hóa mừng kỷ niệm 85 năm thành lập. Một năm qua, các bạn trẻ Thanh Hóa đã lên đường cung nghinh Thánh giá Chúa Giêsu đến các giáo xứ, đến với cả các thôn làng xa xăm nhất. Các bạn đã ra chỗ nước sâu và đã thu về nhiều mẻ lưới. Xin chia vui và chúc mừng các bạn trẻ Thanh Hóa.
1. “Hãy ra chỗ nước sâu”. “Ra chỗ nước sâu để thả lưới”. Trước hết đó là lệnh truyền loan báo Tin Mừng. Lời đó từ nay sẽ là lệnh lên đường Chúa khắc ghi vào tâm tư để các con đến với bạn bè trong giáo xứ, nơi trường học, trong thôn xóm, ngoài xã hội.
Các bạn trẻ, các con đừng ngại ngùng, đừng tự ti mặc cảm, đừng sợ hãi. Sau một đêm vất vả mà không bắt được gì, các tông đồ chắc chỉ nghĩ đến chuyện thu lưới và đem thuyền vào bờ. Nhưng Chúa lại bảo : “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”. Các tông đồ hoàn toàn tin tưởng vào lời Chúa nên đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.
Vậy thì các con hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới, hãy dám làm một cuộc mạo hiểm vào biển đời, có vẻ đầy khó khăn, nhưng dựa vào Chúa Giêsu, các con sẽ thành công. Hãy lên đường, dù khả năng giới hạn, dù mang thân phận tội lỗi. Các con hãy “đi ra”, ra khỏi mình, đừng co cụm trong cuộc sống ích kỷ. Biết bao nhiêu người chưa được biết Chúa, chưa được gặp Chúa là tình yêu, là ý nghĩa và hạnh phúc đích thực của cuộc đời, chưa được qui tụ trong gia đình Hội Thánh. Biết bao nhiêu anh chị em đang đau khổ, đói nghèo, bị áp bức và bị bỏ rơi. Họ đang mong chờ ơn cứu độ, đang khao khát lắng nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Nếu được chữa khỏi một cơn bệnh hiểm nghèo, các con có thể giữ kín niềm vui cho riêng mình không ? Nếu tìm ra một kho báu chôn trong ruộng, các con có che giấu niềm vui được không ? Chắc chắn các con sẽ kể cho người khác, gặp ai cũng kể, kể đi kể lại mà không chán, người ta không muốn nghe mà vẫn cứ kể. Nếu quả thực lòng các con cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc vì đã gặp Chúa và có Chúa trong đời, niềm vui ấy đầy ắp nên đương nhiên sẽ tràn ra ngoài, và các con sẽ nhiệt tình thông truyền niềm vui ấy cho mọi người.
2. “Hãy ra chỗ nước sâu” : đó cũng là lời mời gọi loan báo Tin Mừng bằng cách dấn thân vào môi trường xã hội. Thế giới hôm nay đầy những bất công và bóc lột, ích kỷ và hận thù ; Chúa mời gọi các con ra chỗ nước sâu để biến đổi thế giới này thành một đại gia đình sống trong tình yêu và công lý, liên đới và chia sẻ.
Trong lời dẫn nhập cho quyển giáo lý Docat trình bày giáo huấn của Hội Thánh về các vấn đề xã hội, ĐTC Phanxicô nói : nền kinh tế hiện nay đang giết hại con người, vì nó mang tính loại trừ và bất bình đẳng. Rất nhiều người trẻ không kiếm được việc làm ; nhiều người lớn tuổi bị gạt ra ngoài lề ; nhiều người nghèo bỏ chạy đến các khu ổ chuột trong những thành phố lớn với hy vọng tìm thấy vài thứ còn sót lại ở đó để sống cho qua ngày. Hiện nay 10% dân số toàn cầu sở hữu đến 85% tài sản thế giới, chỉ có 1% tài sản thế giới được chia cho nửa dân số thế giới. Khoảng 1,4 tỷ người sống nghèo khổ cùng cực dưới 25.000 VNĐ mỗi ngày.
ĐTC mời gọi “Các con hãy làm”. “Cha ước mơ có được một triệu người trẻ Kitô hữu, thậm chí còn nhiều hơn nữa, ước mơ có cả một thế hệ vừa đi vừa bàn chuyện học thuyết xã hội cho những người đồng thời với mình. Không có cái gì khác sẽ làm thay đổi thế giới, mà chỉ có những con người cùng với Chúa Giêsu dấn thân cho thế giới, cùng với Ngài đến những ‘vùng ven’ và đi vào giữa những lấm lem của cuộc đời mới thay đổi được. Các con hãy đi vào chính trị nữa, hãy đấu tranh cho công lý và phẩm giá con người, đặc biệt cho những người nghèo nhất trong những người nghèo. Tất cả các con là Giáo hội. Vậy thì, hãy đoan chắc rằng Giáo hội được biến đổi, rằng Giáo hội vẫn đang sống, bởi vì Giáo hội cảm thấy chính mình bị thách thức bởi tiếng kêu than của những người bị tước đoạt, bởi tiếng kêu xin của những người khốn cùng, và bởi những người chẳng có ai đoái hoài quan tâm.” (Lời dẫn nhập Docat, nxb Tôn giáo 2017, trang 12-13)
Dấn thân vào xã hội như thế chính là “ra chỗ nước sâu”, là đi vào những vùng tăm tối của cuộc đời, vào những lãnh vực khó khăn vất vả, có khi nguy hiểm đến sự an toàn bản thân nữa. Thực tế của cuộc sống xã hội là một lời thách đố nghiêm trọng để các con can đảm và nhiệt tình làm cho men Tin Mừng thấm vào mọi sinh hoạt và cơ cấu của xã hội. Khi các con có Chúa và hành động nhờ ánh sáng và sức mạnh của Chúa, các con sẽ thay đổi được thế giới.
3. Công cuộc loan báo Tin Mừng và dấn thân vào xã hội phải khởi đi từ đời sống gia đình. Chủ đề “hãy ra chỗ nước sâu” của Đại hội Giới trẻ mời gọi các con loan báo Tin Mừng bằng cách thể hiện “niềm vui tình yêu” trong đời sống hôn nhân.
Hầu hết các con sẽ sống ơn gọi hôn nhân và ước mơ có một gia đình hạnh phúc thánh thiện. Làm sao để ước mơ ấy trở thành hiện thực ? Để có được hạnh phúc trong gia đình, các con không thể thụ động ngồi chờ sung rụng. Không ai cho không hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc ấy phải được kiến tạo từng ngày, từng giờ, qua từng lời nói việc làm, qua từng ứng xử và chọn lựa cụ thể. Để có hạnh phúc trong đời sống hôn nhân, cũng phải ra chỗ nước sâu.
Trong tiếng latinh, “altus” có nghĩa là sâu và cũng có nghĩa là cao. Đi biển thì ra chỗ nước sâu, còn leo núi thì vươn lên tầm cao.
“Ra chỗ nước sâu” là một lời mời gọi dám trực diện với thực tế để can đảm và khôn ngoan vượt qua những thử thách. Nhiều cuộc hôn nhân bị đổ vỡ vì quá lãng mạn ảo tưởng, không biết vượt qua những thu hút ban đầu để đối diện với những bổn phận, những khó khăn và giới hạn của mỗi người.
Vươn tới tầm cao là vun đắp một tình yêu hôn nhân đích thực.
Một tình yêu chỉ biết sống cho mình là một tình yêu ích kỷ. Dám quên bản thân, dám cho đi chính mình và hy sinh cho người mình yêu, đó mới là tình yêu ở tầm cao.
Yêu nhau mà chỉ nhắm tới tiền bạc, địa vị, sắc đẹp, hưởng thụ khoái lạc, đó là yêu mình ; thật ra đó không phải là tình yêu, mà chỉ là những tính toán vị kỷ, những cảm xúc hời hợt, có nguy cơ sớm phai nhạt và đổ vỡ, thậm chí còn làm hạ thấp phẩm giá con người.
Tình yêu ở tầm cao nhắm đến chính con người mà mình yêu, yêu thương người ấy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc bệnh tật, khi còn còn trẻ trung hấp dẫn cũng như khi đã rạm nắng nhăn nheo vì vất vả lao động.
Một tình yêu ở tầm cao có nghĩa là yêu nhau đến độ dám tha thứ cho nhau, quên đi những lỗi lầm của nhau, chấp nhận những khuyết điểm và giới hạn của nhau.
Các con có khả năng nở một nụ cười khi gặp buồn phiền không, nói một lời yêu thương khi đang bực tức, làm một nghĩa cử phục vụ khi đang mệt mỏi không ? Các con có khả năng vươn lên tới tầm cao của tình yêu như thế không ?
Hơn nữa, các con có dám vươn lên tầm cao của đời sống thánh thiện trong hôn nhân không ? Có dám ước mơ là những vị thánh trong ơn gọi hôn nhân không ? Tại sao không ? Trong lịch sử đã có rất nhiều vị thánh là những ông chồng, là những bà vợ, là cả chồng và vợ. Chúng ta có những tấm gương sáng chói như thánh Giuse và Đức Mẹ, thánh Gioakim và Anna, hai ông bà thánh Isidore là những người nông dân hiền lành và bác ái, hai ông bà thánh Martin là cha mẹ của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Hãy kiến tạo đời sống hôn nhân hạnh phúc và thánh thiện. Một đời sống hôn nhân ở tầm cao như thế tỏa chiếu hương thơm của Tin Mừng và có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Một thành phố xây trên núi không thể che giấu được ; cũng vậy, một đời sống gia đình hạnh phúc và thánh thiện tuy đơn sơ lặng lẽ cũng không thể che giấu được. Mọi người sẽ nhìn vào đời sống gia đình của các con và ngợi khen Cha trên trời.
4. Cuối cùng, để có thể loan báo Tin Mừng, xây dựng một thế giới mới và kiến tạo gia đình hạnh phúc thánh thiện, các bạn trẻ hãy đưa chính cuộc đời mình ra chỗ nước sâu và vươn lên tới tầm cao.
“Hãy ra chỗ nước sâu”, đó là lời kêu gọi các con tiến tới những mục tiêu xa hơn, khó hơn, đòi hy sinh nhiều hơn. Lệnh truyền của Chúa làm liên tưởng đến châm ngôn của Thế vận hội Olympic : “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” (Citius, altius, fortius). Ngày 19-12-2014, khi tiếp kiến ban lãnh đạo và các vận động viên thuộc Ủy ban quốc gia Italia về Olympic, ĐTC Phanxicô đã nhắc lại châm ngôn này, và ngài nói : “Châm ngôn này là một thách đố đảm nhận sự vất vả, hy sinh, để đạt tới những mục tiêu quan trọng trong cuộc sống, chấp nhận những giới hạn của mình, và không để cho chúng ngăn chặn, trái lại tìm cách khắc phục chúng”.
Chuyện ngụ ngôn kể rằng trong khu rừng nọ, có ông lão một ngày kia vào rừng đốn củi nhặt được một quả trứng chim. Buổi chiều về nhà, ông lão đặt quả trứng ấy vào ổ trứng gà đang ấp.
Một ngày nọ, gà mẹ vui mừng khi ổ trứng nở ra một bầy gà con và có cả chú chim non bé nhỏ nữa. Hằng ngày, chú chim đi ăn cùng đàn gà. Một hôm, đàn gà con đang tung tăng kiếm ăn thì nhìn thấy một con chim lớn vỗ cánh tung bay trên trời xanh. Chú chim non ngước mắt lên nhìn theo và nói : “Kia là loài gì mà lại bay được trên trời xanh”. Đàn gà con vui vẻ nói với chú : “Đó là loài chim đại bàng, chúa tể của các loài chim. Nó có đôi cánh lớn đầy sức mạnh để bay lượn trên trời xanh. Còn chúng ta là loài gà, chúng ta chỉ kiếm ăn và vui chơi dưới mặt đất này”.
Thỉnh thoảng chú chim lại nhìn thấy chim đại bàng vỗ cánh tung bay trên trời. Chú ước một ngày nào đó mình cũng được bay lượn tự do trên trời như loài chim đại bàng kia.
Thời gian trôi đi, đàn gà con lớn lên và vẫn trêu đùa chú chim đang mơ ước viễn vông. Chú chim thì ngày nào cũng ngước lên trời nhìn chim đại bàng vỗ cánh tung bay trên bầu trời xanh tự do, và nó ước ao một ngày nào đó sẽ được bay lượn tự do như thế.
Một ngày nọ, đang khi cả đàn gà đi ăn và vui đùa, chú chim ngước mắt lên trời nhìn chim đại bàng bay lượn. Bỗng dưng, chú chim bắt chước giang đôi cánh và vỗ vỗ như chim đại bàng đang bay lượn. Tự nhiên, chú thấy cơ thể mình nhẹ nhõm và như được nâng lên. Chú vỗ cánh mạnh hơn nữa và bất thần cơ thể chú được nâng lên rời khỏi mặt đất. Chú vỗ cánh bay lên bầu trời xanh cao và ngỡ ngàng nhìn xuống đất. Đàn gà con ngơ ngác nhìn chú đang bay lượn trên bầu trời xanh. Còn chú chim thì cứ vỗ cánh bay cao và lượn nhào trên bầu trời xanh. Bấy giờ, nó nhận ra rằng mình chính là loài chim đại bàng, chúa tể của các loài chim.
Các bạn trẻ thân mến, các con được Thiên Chúa tạo dựng cho một lý tưởng cao cả. Chúa Giêsu đến để mời gọi các con bay cao. Đừng bằng lòng với cuộc sống tầm thường, đừng an phận với lối sống tối thiểu, đừng chấp nhận sống thấp lè tè trong thế giới vật chất, đừng vùi đầu vào games, đừng biến cuộc đời nên thấp hèn bằng phim ảnh đen, đừng đánh mất cuộc đời trong rượu chè hay ma túy.
Hãy nhìn lên cao, nhìn lên Chúa Giêsu và bước theo Ngài. Chúa Giêsu không lấy mất của các con điều gì. Ngài chỉ muốn đi vào cuộc đời các con để đưa các con lên cao. Chúa Giêsu, Lời hằng sống của Ngài, Mình và Máu thánh của Ngài, Hội Thánh của Ngài, ơn gọi Kitô hữu, phẩm giá làm người, tất cả những điều ấy không hề tầm thường nhưng hết sức cao cả và linh thánh. Các con hãy trân trọng và yêu quí, hãy bảo tồn và làm cho lớn lên trong cuộc đời. Đôi chân các con đạp đất, nhưng đôi mắt luôn hướng nhìn lên cao. “Hãy ra chỗ nước sâu” cũng chính là lời mời gọi hãy vươn cao, hãy mạnh mẽ hăng say đi vào cuộc phiêu lưu giữa biển đời với tình yêu và ân sủng của Chúa. Các con sẽ thu lượm được những thuyền đầy cá.
Cầu chúc các con đầy tràn niềm vui và phúc lành của Chúa Giêsu.