Những giây phút thần tiên
Hồi này tôi nghiên cứu về hạnh phúc hơi kỹ. Phải chăng cái gì người ta không có, người ta hay nói đến cho đã thèm, cũng như đồng bào hải ngoại chúng ta, luôn luôn nói tới chuyện đoàn kết cộng đồng. Nhưng mà tôi đâu có khổ, thế mà tôi cũng cứ thích nói tới hạnh phúc, phải chăng để khoe là ta đây thông thái, đọc rộng, biết nhiều, chữ nghĩa, kinh nghiệm cùng mình? Dám lắm, tôi biết con người tài lanh, thích làm thầy đời của tôi quá mà. Dù vì lý do gì đi nữa thì cũng đã chót lỡ rồi, hôm nay tôi nhất quyết bàn về hạnh phúc.
Đời sống con người là một cuộc tìm kiếm hạnh phúc dài dài. Ngay cả trong Hiến Pháp xứ Cờ Hoa cũng dành quyền theo đuổi hạnh phúc cho toàn dân, không phân biệt chủng tộc, mầu da. Tuy nhiên, từ cổ chí kim, ngay cả thời đại cái gì cũng siêu này, chưa một tôn giáo, một triết thuyết nào định nghĩa rõ ràng được hạnh phúc; vì thế tất cả mọi người đành phải chấp nhận một quan niệm mơ hồ là: hạnh phúc là một trạng thái tư tưởng - tiếng Mỹ là a state of mind - Như vậy có nghĩa là khi mình nghĩ là mình sướng thì mình sẽ sướng, khi mình cho là mình khổ thì mình sẽ khổ! Giống y hệt cái thuyết tự kỷ ám thị của tôi. Thấy không? Tôi cũng giỏi ra phết đấy chứ chơi à? Nói vuốt đuôi, học lỏm, cóp pi, bắt chước, vốn dĩ là nghề của tôi. Chả thế mà, có một hồi, tôi được bạn bè thân quen gán cho cái biệt hiệu là nữ sĩ Nguyễn Thị Tài Cắt, tức học giả Lê Tài Thị Cóp, điều này cũng không có gì là quá đáng cả. Cho nên bây giờ, được gọi là văn sĩ tôi cũng chẳng lấy gì làm thú vị, mà trái lại, còn cảm thấy bị xúc phạm nặng nề vì tự nhiên khi không phú quí dật lùi, bị hạ tầng công tác quá thể.
Cũng chỉ vì hạnh phúc là một thứ vô hình, vô bóng, mung lung, biến ảo, khi xa, khi gần, khi có, khi không, nên một số nhà tâm lý học, phân tâm học, tâm lý trị liệu học, đưa ra một giải pháp hết sức hữu lý, dễ hiểu và dễ hành, để cụ thể hóa hạnh phúc. Những vị này phán: Thực ra thì hạnh phúc không phải là một đơn vị cụ thể, có thể nhìn thấy, nắm lấy hay bắt giữ, trong một thời gian lâu dài được. Nếu ta cứ đi tìm một hạnh phúc toàn bộ, trọn vẹn, nguyên con, thì không bao giờ thấy, vì, HẠNH PHÚC - viết hoa nhé - chỉ là những mẩu vụn của cuộc đời, những giây phút thần tiên ngắn ngủi, thoáng đến, thoáng đi. Nếu ta biết trân trọng, gìn giữ, thâu thập chúng lại, càng nhiều càng tốt, chúng ta sẽ HẠNH PHÚC - lại viết hoa đấy nhá - Vì thế, theo cái vị này, trong suốt cuộc đời khổ ải về cả vật chất lẫn tinh thần này, chúng ta phải cố gắng dành giựt lấy vài khoảng khắc thư thái tâm hồn, nhìn trời ngắm đất cho khuây khỏa một phần nào những ưu tư sầu muộn. Phải tự tạo ra cho mình những giây phút thần tiên.
Trong ngày làm việc, nên để ra năm mười phút, nhắm mắt dưỡng thần, hoặc nhìn qua cửa sổ xem mây bay, gió thổi, nghe chim hót véo von, hoặc gác chân lên bàn - cái vụ này tôi không bảo đảm khả thi, trừ khi bạn có văn phòng riêng - thả hồn theo tiếng nhạc nhẹ nhàng, trầm bổng. Theo một số nhà tâm lý trị liệu, ngắm cá vàng bơi lội trong hồ cũng là một phương pháp dưỡng thần hữu hiệu.
Định nghĩa này xét ra cũng có lý. Thử hỏi, bạn và tôi, trong chúng ta - những người giầu có, cũng như kẻ thiếu thốn; người có gia đình cũng như kẻ độc thân; người đi tu cũng như kẻ sống ngoài đời; kẻ có con cũng như người vô hậu, người trí thức cũng như kẻ lao động chân tay; đàn ông, đàn bà, nam phụ lão ấu; có ai dám vỗ ngực nói rằng mình hoàn toàn hạnh phúc không? Nhưng trong tất cả chúng ta, ai cũng đã từng có những giây phút sung sướng, có phải không? Nếu không có những khoảng thời gian ngắn ngủi, cảm thấy an vui, thì làm sao có sức chịu đựng để có thể đi hết cuộc đời? Ngắm một bức tranh đẹp, thưởng thức một bản nhạc hay, thả hồn theo khói lam chiều, mơ màng dưới ánh trăng thu, nhìn cảnh trời đất bao la bên triền núi, nghe tiếng sóng vỗ rì rầm ngoài biển khơi, nghe tiếng bập bẹ tập nói của con, theo dõi những bước đi chập chững của cháu, tất cả những cảnh vật, những sự việc, những giây phút thần tiên ngắn ngủi, những mảnh vụn hoa gấm ấy, đem góp lại sẽ thành một niềm hạnh phúc lớn lao, những ràng buộc thân thương, giúp cho cuộc hành trình trần thế của chúng ta trở nên nhẹ nhàng, thoải mái.
Tôi còn nhớ, ngày con gái tôi sinh con đầu lòng. Nó sinh khó, đau trong suốt tám tiếng đồng hồ mà chưa sinh được. Cuối cùng bác sĩ quyết định mổ để lấy đứa bé ra. Trong những giờ phút hồi hộp, chờ đợi ấy, giữa tôi và con rể tôi, nẩy sinh một tình cảm thắm thiết, sâu xa như chưa từng có. Với quan niệm dâu con, rể khách, liên hệ giữa tôi và con rể không được thân huân cho lắm. Nhưng giờ phút này, chúng tôi cùng lo một mối lo chung, cùng chia sẻ một niềm chờ đợi, cùng tha thiết yêu thương một người, chúng tôi nắm chặt tay nhau, không nói, nhưng trong tâm hồn, cùng dâng lên những lời cầu nguyện giống nhau. Khi cô đỡ bế đứa bé ra, đưa cho bố nó, con rể tôi từ chối, quay lại bảo tôi: “Mẹ bế nó đi”. Tôi cảm động đưa tay đỡ lấy đứa cháu mới sinh, nước mắt rưng rưng. Tôi biết con rể tôi đã nhường cho tôi cái vinh dự là người đầu tiên đón cháu vào đời. Khi hai mẹ con tôi cùng cúi xuống nhìn đứa nhỏ trên tay, tuy không nói ra, nhưng cả hai chúng tôi đều hiểu rằng từ nay chúng tôi thuộc về một gia đình, cùng có chung một hiện tại và tương lai, vì đứa hài nhi này là mối liên hệ huyết mạch nối liền chúng tôi. Cái giây phút thần tiên ngắn ngủi ấy là phương thuốc thần diệu giúp cho chúng tôi hàn gắn những khác biệt, những va chạm đã qua, và sẽ đưa chúng tôi vượt qua tất cả những khó khăn sắp tới, để luôn luôn là một gia đình.
Nếu có ai nói với bạn là yêu cháu hơn yêu con, bạn có tin không? Sự thật là như vậy đó. Khi yêu con, tình yêu của chúng ta mang theo quá nhiều lo toan và trách nhiệm, còn tình yêu cháu thì hoàn toàn trong sáng vô tư. Những giây phút thần tiên mà cháu tôi mang lại cho tôi là những lúc tôi ngồi coi cho chúng học. Từ mẫu giáo đến tiểu học, rồi trung học, thằng Cu Lớn luôn luôn ngạc nhiên khi thấy cái gì bà cũng biết. Nhưng nó tỏ ra kẻ cả và rất hãnh diện khi khám phá ra rằng có nhiều cái nó biết hơn bà. Nó kiên nhẫn giảng giải cho bà, khi làm tính chia thì phải đặt con toán như thế nào. Nó sửa giọng đọc cho bà mỗi khi bà đọc sai tiếng Mỹ. Từ khi nó lên trung học, tôi không thể kèm toán cho nó nữa. Nó khoe với bố nó rằng, bà ngoại chỉ biết làm tính cộng tính trừ, nó dạy hoài mà bà vẫn không biết làm tính chia theo kiễu Mỹ.
Đúng thế, tôi chỉ biết làm tính cộng, tính trừ. Tôi mong rằng, từ nay, tôi sẽ cố gắng cộng những giây phút thần tiên, thương con, yêu cháu, chung vui, sẻ buồn với mọi người bất kể thân sơ, để làm một gánh hành trang tình cảm đi nốt quãng đời còn lại. Tôi cũng không quên trừ đi những ganh ghét, tị hiền, những giận hờn, những chua cay, thất bại, rải rác trên đường đi, để sau cùng, khi tính sổ, tôi chỉ tìm thấy toàn những giây phút thần tiên, những mảnh vụn hạnh phúc, để cảm thấy cuộc đời đáng sống.
Nếu giờ đây, bạn hỏi tôi hạnh phúc là gì, tôi có thể định nghĩa cho bạn rõ ràng minh bạch. Và nếu bạn hỏi tôi có sung sướng không? Tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời ngay rằng tôi không còn đòi hỏi gì ở cuộc đời. Tôi có thể kiêu hãnh trả lời với bạn tôi không có nhiều tiền, cuộc sống của tôi không sa hoa, nhưng tôi rất giầu về tinh thần. Tôi yêu nhiều người và nhiều người cũng yêu tôi. Tôi tôn trọng mọi người, tôi không so bì, không ganh tị, không thèm muốn địa vị của ai. Tôi không cần tiền bạc, tôi không coi trọng vật chất. Tới tuổi này, tôi sẵn sàng ra đi không luyến tiếc, với một nụ cười biết ơn nở trên môi. Cám ơn cuộc sống, cám ơn mọi người, cám ơn Thượng Đế đã cho tôi biết an phận, biết chịu đựng, biết tha thứ, biết chấp nhận mùi cay đắng cũng như biết thưởng thức vị ngọt bùi.
Suốt cuộc đời tôi, tôi đã may mắn hiểu ra rằng không bao giờ nên chờ đợi một niềm hạnh phúc nguyên con, tôi đã sớm biết lượm lặt, nhặt nhạnh, những mảnh vụn hạnh phúc, để gom góp lại thành một chuỗi những giây phút thần tiên làm hành trang cho cuộc lữ hành trần thế bớt vất vả, nặng nề. Tôi không đòi hỏi nhiều ở cuộc đời, tôi không chờ đợi hạnh phúc như một món quà được cho không, nhưng coi nó như một công trình do chính mình tạo ra cho mình. Phải biết quên và biết tha thứ nếu muốn được sống yên vui.
Tôi luôn luôn tâm niệm, hạnh phúc thật còn đòi hỏi chúng ta có một niềm tin, một tôn giáo, một điểm tựa tinh thần, một nguồn an ủi khi đau khổ và một ánh sáng hy vọng ở cuối đường hầm. Không có tình yêu nào đem lại bình an như tình yêu Thiên Chúa. Bình an là niềm hạnh phúc vững bền và toàn hảo nhất.
Nguyễn Thị Hồng Diệp
(Sỏi Đá Bên Đường)
Hồi này tôi nghiên cứu về hạnh phúc hơi kỹ. Phải chăng cái gì người ta không có, người ta hay nói đến cho đã thèm, cũng như đồng bào hải ngoại chúng ta, luôn luôn nói tới chuyện đoàn kết cộng đồng. Nhưng mà tôi đâu có khổ, thế mà tôi cũng cứ thích nói tới hạnh phúc, phải chăng để khoe là ta đây thông thái, đọc rộng, biết nhiều, chữ nghĩa, kinh nghiệm cùng mình? Dám lắm, tôi biết con người tài lanh, thích làm thầy đời của tôi quá mà. Dù vì lý do gì đi nữa thì cũng đã chót lỡ rồi, hôm nay tôi nhất quyết bàn về hạnh phúc.
Đời sống con người là một cuộc tìm kiếm hạnh phúc dài dài. Ngay cả trong Hiến Pháp xứ Cờ Hoa cũng dành quyền theo đuổi hạnh phúc cho toàn dân, không phân biệt chủng tộc, mầu da. Tuy nhiên, từ cổ chí kim, ngay cả thời đại cái gì cũng siêu này, chưa một tôn giáo, một triết thuyết nào định nghĩa rõ ràng được hạnh phúc; vì thế tất cả mọi người đành phải chấp nhận một quan niệm mơ hồ là: hạnh phúc là một trạng thái tư tưởng - tiếng Mỹ là a state of mind - Như vậy có nghĩa là khi mình nghĩ là mình sướng thì mình sẽ sướng, khi mình cho là mình khổ thì mình sẽ khổ! Giống y hệt cái thuyết tự kỷ ám thị của tôi. Thấy không? Tôi cũng giỏi ra phết đấy chứ chơi à? Nói vuốt đuôi, học lỏm, cóp pi, bắt chước, vốn dĩ là nghề của tôi. Chả thế mà, có một hồi, tôi được bạn bè thân quen gán cho cái biệt hiệu là nữ sĩ Nguyễn Thị Tài Cắt, tức học giả Lê Tài Thị Cóp, điều này cũng không có gì là quá đáng cả. Cho nên bây giờ, được gọi là văn sĩ tôi cũng chẳng lấy gì làm thú vị, mà trái lại, còn cảm thấy bị xúc phạm nặng nề vì tự nhiên khi không phú quí dật lùi, bị hạ tầng công tác quá thể.
Cũng chỉ vì hạnh phúc là một thứ vô hình, vô bóng, mung lung, biến ảo, khi xa, khi gần, khi có, khi không, nên một số nhà tâm lý học, phân tâm học, tâm lý trị liệu học, đưa ra một giải pháp hết sức hữu lý, dễ hiểu và dễ hành, để cụ thể hóa hạnh phúc. Những vị này phán: Thực ra thì hạnh phúc không phải là một đơn vị cụ thể, có thể nhìn thấy, nắm lấy hay bắt giữ, trong một thời gian lâu dài được. Nếu ta cứ đi tìm một hạnh phúc toàn bộ, trọn vẹn, nguyên con, thì không bao giờ thấy, vì, HẠNH PHÚC - viết hoa nhé - chỉ là những mẩu vụn của cuộc đời, những giây phút thần tiên ngắn ngủi, thoáng đến, thoáng đi. Nếu ta biết trân trọng, gìn giữ, thâu thập chúng lại, càng nhiều càng tốt, chúng ta sẽ HẠNH PHÚC - lại viết hoa đấy nhá - Vì thế, theo cái vị này, trong suốt cuộc đời khổ ải về cả vật chất lẫn tinh thần này, chúng ta phải cố gắng dành giựt lấy vài khoảng khắc thư thái tâm hồn, nhìn trời ngắm đất cho khuây khỏa một phần nào những ưu tư sầu muộn. Phải tự tạo ra cho mình những giây phút thần tiên.
Trong ngày làm việc, nên để ra năm mười phút, nhắm mắt dưỡng thần, hoặc nhìn qua cửa sổ xem mây bay, gió thổi, nghe chim hót véo von, hoặc gác chân lên bàn - cái vụ này tôi không bảo đảm khả thi, trừ khi bạn có văn phòng riêng - thả hồn theo tiếng nhạc nhẹ nhàng, trầm bổng. Theo một số nhà tâm lý trị liệu, ngắm cá vàng bơi lội trong hồ cũng là một phương pháp dưỡng thần hữu hiệu.
Định nghĩa này xét ra cũng có lý. Thử hỏi, bạn và tôi, trong chúng ta - những người giầu có, cũng như kẻ thiếu thốn; người có gia đình cũng như kẻ độc thân; người đi tu cũng như kẻ sống ngoài đời; kẻ có con cũng như người vô hậu, người trí thức cũng như kẻ lao động chân tay; đàn ông, đàn bà, nam phụ lão ấu; có ai dám vỗ ngực nói rằng mình hoàn toàn hạnh phúc không? Nhưng trong tất cả chúng ta, ai cũng đã từng có những giây phút sung sướng, có phải không? Nếu không có những khoảng thời gian ngắn ngủi, cảm thấy an vui, thì làm sao có sức chịu đựng để có thể đi hết cuộc đời? Ngắm một bức tranh đẹp, thưởng thức một bản nhạc hay, thả hồn theo khói lam chiều, mơ màng dưới ánh trăng thu, nhìn cảnh trời đất bao la bên triền núi, nghe tiếng sóng vỗ rì rầm ngoài biển khơi, nghe tiếng bập bẹ tập nói của con, theo dõi những bước đi chập chững của cháu, tất cả những cảnh vật, những sự việc, những giây phút thần tiên ngắn ngủi, những mảnh vụn hoa gấm ấy, đem góp lại sẽ thành một niềm hạnh phúc lớn lao, những ràng buộc thân thương, giúp cho cuộc hành trình trần thế của chúng ta trở nên nhẹ nhàng, thoải mái.
Tôi còn nhớ, ngày con gái tôi sinh con đầu lòng. Nó sinh khó, đau trong suốt tám tiếng đồng hồ mà chưa sinh được. Cuối cùng bác sĩ quyết định mổ để lấy đứa bé ra. Trong những giờ phút hồi hộp, chờ đợi ấy, giữa tôi và con rể tôi, nẩy sinh một tình cảm thắm thiết, sâu xa như chưa từng có. Với quan niệm dâu con, rể khách, liên hệ giữa tôi và con rể không được thân huân cho lắm. Nhưng giờ phút này, chúng tôi cùng lo một mối lo chung, cùng chia sẻ một niềm chờ đợi, cùng tha thiết yêu thương một người, chúng tôi nắm chặt tay nhau, không nói, nhưng trong tâm hồn, cùng dâng lên những lời cầu nguyện giống nhau. Khi cô đỡ bế đứa bé ra, đưa cho bố nó, con rể tôi từ chối, quay lại bảo tôi: “Mẹ bế nó đi”. Tôi cảm động đưa tay đỡ lấy đứa cháu mới sinh, nước mắt rưng rưng. Tôi biết con rể tôi đã nhường cho tôi cái vinh dự là người đầu tiên đón cháu vào đời. Khi hai mẹ con tôi cùng cúi xuống nhìn đứa nhỏ trên tay, tuy không nói ra, nhưng cả hai chúng tôi đều hiểu rằng từ nay chúng tôi thuộc về một gia đình, cùng có chung một hiện tại và tương lai, vì đứa hài nhi này là mối liên hệ huyết mạch nối liền chúng tôi. Cái giây phút thần tiên ngắn ngủi ấy là phương thuốc thần diệu giúp cho chúng tôi hàn gắn những khác biệt, những va chạm đã qua, và sẽ đưa chúng tôi vượt qua tất cả những khó khăn sắp tới, để luôn luôn là một gia đình.
Nếu có ai nói với bạn là yêu cháu hơn yêu con, bạn có tin không? Sự thật là như vậy đó. Khi yêu con, tình yêu của chúng ta mang theo quá nhiều lo toan và trách nhiệm, còn tình yêu cháu thì hoàn toàn trong sáng vô tư. Những giây phút thần tiên mà cháu tôi mang lại cho tôi là những lúc tôi ngồi coi cho chúng học. Từ mẫu giáo đến tiểu học, rồi trung học, thằng Cu Lớn luôn luôn ngạc nhiên khi thấy cái gì bà cũng biết. Nhưng nó tỏ ra kẻ cả và rất hãnh diện khi khám phá ra rằng có nhiều cái nó biết hơn bà. Nó kiên nhẫn giảng giải cho bà, khi làm tính chia thì phải đặt con toán như thế nào. Nó sửa giọng đọc cho bà mỗi khi bà đọc sai tiếng Mỹ. Từ khi nó lên trung học, tôi không thể kèm toán cho nó nữa. Nó khoe với bố nó rằng, bà ngoại chỉ biết làm tính cộng tính trừ, nó dạy hoài mà bà vẫn không biết làm tính chia theo kiễu Mỹ.
Đúng thế, tôi chỉ biết làm tính cộng, tính trừ. Tôi mong rằng, từ nay, tôi sẽ cố gắng cộng những giây phút thần tiên, thương con, yêu cháu, chung vui, sẻ buồn với mọi người bất kể thân sơ, để làm một gánh hành trang tình cảm đi nốt quãng đời còn lại. Tôi cũng không quên trừ đi những ganh ghét, tị hiền, những giận hờn, những chua cay, thất bại, rải rác trên đường đi, để sau cùng, khi tính sổ, tôi chỉ tìm thấy toàn những giây phút thần tiên, những mảnh vụn hạnh phúc, để cảm thấy cuộc đời đáng sống.
Nếu giờ đây, bạn hỏi tôi hạnh phúc là gì, tôi có thể định nghĩa cho bạn rõ ràng minh bạch. Và nếu bạn hỏi tôi có sung sướng không? Tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời ngay rằng tôi không còn đòi hỏi gì ở cuộc đời. Tôi có thể kiêu hãnh trả lời với bạn tôi không có nhiều tiền, cuộc sống của tôi không sa hoa, nhưng tôi rất giầu về tinh thần. Tôi yêu nhiều người và nhiều người cũng yêu tôi. Tôi tôn trọng mọi người, tôi không so bì, không ganh tị, không thèm muốn địa vị của ai. Tôi không cần tiền bạc, tôi không coi trọng vật chất. Tới tuổi này, tôi sẵn sàng ra đi không luyến tiếc, với một nụ cười biết ơn nở trên môi. Cám ơn cuộc sống, cám ơn mọi người, cám ơn Thượng Đế đã cho tôi biết an phận, biết chịu đựng, biết tha thứ, biết chấp nhận mùi cay đắng cũng như biết thưởng thức vị ngọt bùi.
Suốt cuộc đời tôi, tôi đã may mắn hiểu ra rằng không bao giờ nên chờ đợi một niềm hạnh phúc nguyên con, tôi đã sớm biết lượm lặt, nhặt nhạnh, những mảnh vụn hạnh phúc, để gom góp lại thành một chuỗi những giây phút thần tiên làm hành trang cho cuộc lữ hành trần thế bớt vất vả, nặng nề. Tôi không đòi hỏi nhiều ở cuộc đời, tôi không chờ đợi hạnh phúc như một món quà được cho không, nhưng coi nó như một công trình do chính mình tạo ra cho mình. Phải biết quên và biết tha thứ nếu muốn được sống yên vui.
Tôi luôn luôn tâm niệm, hạnh phúc thật còn đòi hỏi chúng ta có một niềm tin, một tôn giáo, một điểm tựa tinh thần, một nguồn an ủi khi đau khổ và một ánh sáng hy vọng ở cuối đường hầm. Không có tình yêu nào đem lại bình an như tình yêu Thiên Chúa. Bình an là niềm hạnh phúc vững bền và toàn hảo nhất.
Nguyễn Thị Hồng Diệp
(Sỏi Đá Bên Đường)