Nguyễn Thị Hồng Diệp

Đầu năm Khai Bút

(Giới thiệu: Đầu năm ai cũng chúc nhau hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc nhiều khi lại vuột ra khỏi tay bởi mình coi đó chỉ là những viên sỏi hòn đá vô nghĩa và rời rạc văng vãi bên đường. Nhà văn Nguyễn Thị Hồng Diệp thì lại "khai bút đầu năm" bằng cách mở tâm ra đi nhặt lấy những "Sỏi Đá Bên Đường" như những ân huệ làm nên hạnh phúc cho cả năm mới.)

Lm. Trần Cao Tường


Tôi nhớ rằng, theo tục lệ, ngày xưa, các cụ nhà nho hay chữ, cuối năm thường rửa bút nghiên sạch sẽ, để chờ đến ngày mồng một Tết, xem giờ, coi hướng, đốt hương trầm, rồi trịnh trọng, mài mực mới trong chiếc nghiên sạch, lấy bút ra, làm một bài thơ khai bút.

Bài khai bút có thể là một đôi câu đối, hoặc một bài thơ, trong đó, dĩ nhiên, nhân vật chính là Nàng Xuân, với tất cả mọi đồ phụ tùng lỉnh kỉnh như hoa đào, hoa mai, hoa cúc, thịt mỡ dưa hành, vân vân và vân vân. Nội dung chính của bài khai bút là tự chúc cho mình, gia đình mình, mọi điều may mắn, tốt đẹp, khấm khá hơn, trong năm mới. Ông Tú Vị Xuyên, năm nào làm thơ khai bút, cũng đưa ra những hình ảnh ấm no cho vợ con, nhưng hình như, ông khai bút mà không xem giờ, cho nên những lời chúc tụng của ông, chẳng năm nào thành tựu. Năm nào cũng chỉ có “một mâm mứt rận mới bày ra”. Cái nghèo mạt rệp vẫn theo đuổi ông từ đầu năm chí cuối, để cuối cùng ông phải đưa ra kế hoạch “vợ lăm le ở vú, con tấp tểnh đi bồi”. Cho nên thơ khai bút đầu xuân, rút cục, chỉ là một hình thức tự dối mình.

Khai bút đầu Xuân nổi tiếng nhất phải kể đến đôi câu đối của cụ Nguyễn Công Trứ, chẳng những hay mà lại còn đúng nữa:

Tối ba mươi, công nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa,

Sáng mồng một, rượu chè tràn quí tị, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

Từ khi tôi học đòi viết lách, trong những năm đầu, tôi cũng hay bị những ông bà chủ báo “óc đơ” bài cho giai phẩm Xuân. Được cái tôi là một thứ thợ viết nửa mùa, nên tôi có quyền từ chối. Tôi thẳng thắn trả lời, tôi chỉ viết tùy hứng mà không viết theo đơn đặt hàng, thế là các ông bà chủ đành bấm bụng cười trừ vì sợ tôi làm eo không viết nữa thì sẽ mất đi một loại bài dùng để điền vào chỗ trống. Hơn nữa, viết bài cho báo Xuân là phải viết từ cả tháng trước, khi chưa thấy bóng dáng, tăm hơi, nàng Xuân ở nơi mô, đòi hỏi người viết phải có một sức tưởng tượng phi thường, trong khi tôi lại ù lì, chậm chạp. Mỗi năm, khi người ta ăn lễ Tình Yêu tôi mới tà tà cảm thấy Xuân về. Người ta thường bảo, người già hay trở về quá khứ, cho nên, năm nay, ở đúng tuổi cổ lai hy, tôi mới bắt đầu cảm thấy muốn theo truyền thống, mở computer viết bài khai máy. Khi bài này đến tay quí cụ, chắc tiết trời đã sang hạ, quí cụ vừa quẹt mồ hôi, vừa ăn cà lem, vừa đọc bài đón Xuân của tôi. Thôi thì chẳng kịp “du phương thảo địa” thì “tẩm lục hà trì” cũng thú vị chán.

Sáng sớm ngày mồng một đầu năm này, tôi trịnh trọng bấm điện thoại viễn liên chúc tuổi bà cô, năm nay đã ngoại bát tuần. Bà cô vớ được tôi như Ngô bắt được vàng - vì mỗi năm chỉ được con cháu gọi điện thoại vào những dịp lễ lớn. Bà mở máy nói lung tung mọi chuyện, chẳng ăn nhằm gì đến Tết cả. Để cụ nói một hơi cho đã miệng, tôi mới tằng hắng lên tiếng hãm phanh: “Cô ơi, cháu gọi điện thoại để chúc tuổi cô. Để cho cháu chúc đã rồi sau đó sẽ nói chuyện tiếp, chẳng có lại quên mất chuyện chúc tết đầu năm.” Cụ ngưng câu chuyện, nói: “Ừ thì chúc gì thì chúc đi, nhưng không được chúc sống lâu. Cô không nhận đâu.” Đúng là thời thế đã đổi thay. Ngày nay, người ta chê tuổi thọ.

Trưa mồng một tết, một bà Trưng Vương điện thoại chúc tết tôi: sức khỏe dồi dào, tiền vào như nước. Tôi lại xua tay - trong điện thoại - Em ơi, sức khỏe thì cô nhận, còn tiền vào như nước thì không lấy đâu. Ở tuổi cô bây giờ làm ra tiền lẻ còn khó, nói chi đến chuyện tiền vào như nước. Hóa ra thời nay, lời chúc tiền bạc cũng không được ái mộ nữa.

Ngày xưa, mộng ước của người đời là sống lâu, giầu bền. Sau cuộc đổi đời, sang đến xứ này, chẳng ai ham thích hai cái dzụ này cho lắm. Chẳng phải chúng ta chê sống lâu, ghét tiền bạc, nhưng có lẽ, vì sống lâu, chúng ta ngộ ra rằng tuổi thọ và tiền bạc chưa chắc đã là nền tảng của hạnh phúc. Cho nên chúng ta từ chối.

Vậy thì, trong bài khai bút này, tôi tự chúc cho mình điều gì đây? và tôi chúc bạn cái gì? Lời chúc tụng, dù văn hoa, tốt đẹp mấy chăng nữa cũng ít khi thành tựu, chi bằng năm nay, tôi không chúc bạn điều gì xa vời, khó với, tôi đề nghị, chúng ta cùng ngồi xuống, đếm lại những ơn điển, những điều may mắn, chúng ta đã nhận được trong suốt cuộc đời, để dâng lên Trời Phật lời cảm tạ chân thành, để cảm thấy số mình cũng không đến nỗi con rệp cho lắm, có nên chăng? Sở dĩ tôi có ý tưởng này, vì thông thường, chúng ta ít nghĩ tới những điều may mắn của mình mà chỉ nghiền ngẫm những cái bất hạnh, để rồi than Trời trách Đất. Chúng ta chẳng chịu kể đến những cái tốt của tha nhân mà chỉ tính các lỗi lầm để ghét bỏ. Bạn đồng ý không? Tôi bắt đầu nhé!

Đêm hôm qua, tôi đi lễ Giao Thừa tại ngôi thánh đường nguy nga, đồ sộ của giáo xứ Đức Mẹ La Vang. Trong bài giảng, cha Chánh Xứ đặt một câu hỏi cho giáo dân, làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Cha nói: “Thông thường, chúng ta chỉ cám ơn khi chúng ta xin và được chấp nhận. Có bao giờ chúng ta nghĩ đến chuyện cám ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta được làm người công giáo không?”

Tôi thấy rằng, chẳng cần phải được là người công giáo mới cần cám ơn. Cứ được làm người, đủ cả tay chân, mắt mũi, không đui què, mẻ sứt là đáng phải tạ ơn rồi, tất cả mọi điều khác đều không quan hệ. Tới tuổi này, tôi vẫn còn đi đứng được một mình, nhìn gà ra gà, nhìn cuốc ra cuốc, cũng là một sự cần cám ơn. Nhìn đàn con cháu, tuy chẳng bằng ai, nhưng cũng đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi, cũng thấy cần cảm tạ. Trong bài giảng, cha nói đến một người đàn bà 65 tuổi bị ma ám, đến xin cha chữa lành. Tôi buồn cha năm phút. Trong câu chuyện, một điều cha gọi người đàn bà ấy là bà cụ già, hai điều cha gọi là bà cụ già. Trời hỡi, mới 65 tuổi đã là cụ già, thì ở tuổi tròn 70 của tôi thì phải gọi là bà cụ gì? Điều này làm tôi suy nghĩ, và cảm thấy lại phải cám ơn thêm một lần nữa. Tôi không những chưa cảm thấy là bà cụ mà cũng chẳng cảm thấy già. Tạ ơn Thiên Chúa, tôi còn tỉnh táo, khỏe mạnh, yêu đời, hăng say, thích làm việc. Những điều đó cũng là những ân điển rất lớn, không thể không cảm tạ, mặc dù, đôi khi tôi cũng lẩm cẩm, dở hơi, dở hám, quên quên, nhớ nhớ, một tí thôi. Nhưng so với những người đau ốm dầm dề, đặt đâu nằm đấy, lú lẫn u mê, thì tôi cũng vẫn còn ngon lành chán.

Trước thềm năm mới, xin thành thật chúc tất cả chúng ta, nhìn ra được những ân điển, những may mắn, những hạnh phúc của mình, để dâng lời cảm tạ. Mong rằng tôi khai bút đúng giờ hoàng đạo, để những lời chúc tụng của tôi cũng như những ước mong của bạn, sẽ trở thành sự thật trong năm mới này.

Nguyễn Thị Hồng Diệp

(Sỏi Đá Bên Đường)