Hơn 40 triệu người Indonesia sẽ bỏ phiếu ngày 15 tháng 2 này, để bầu chọn 7 thống đốc , 76 quận trưởng và 18 thị trưởng.
Đây là đợt bầu cử vòng 2 trong 7 vòng bầu cử luân lưu để bao gồm tất cả 34 tỉnh toàn quốc.
Ngày 15 tháng 2 sẽ là phiên cuả các cuộc bầu cử thống đốc mới ở Tây Papua, Aceh, Banten, Sulawesi Barat, Bangka, Belitung, Gorontalo và một cách đáng kể hơn: Jakarta.
Mỗi tỉnh, quận hoặc đô thị đều có những vấn đề cá biệt. Nhưng mối quan tâm chung vẫn là nghèo đói, tham nhũng lan tràn và mối đe dọa đối với tôn giáo và sắc tộc thiểu số, theo lời cha Antonius Benny Susetyo, một nhà phân tích chính trị.
Tôn giáo cực đoan và bất khoan dung là những mối quan tâm đặc biệt, cha Susetyo nói.
Đức Tổng giám mục Ignatius Suharyo, chủ tịch hội đồng giám mục Indonesia, đã khuyến khích cử tri hãy tránh không bầu cho những ứng cử viên với một quá khứ tham nhũng, với một lịch sứ đã dùng bất kỳ phương tiện nào để đạt được quyền lực.
"Hãy tỉnh thức, đừng để tiền bạc mua chuộc," ngài nói.
Vào tháng Giêng vừa rồi, viện nghiên cứu cho dân chủ và hòa bình Setara đã phổ biến một báo cáo chi tiết về các tỉnh nào là có số lượng cao nhất về bất hoan dung tôn giáo. Trong 7 tỉnh tổ chức bầu cử ngày 15 tháng 2 này, thì Jakarta, Bangka, Belitung và Aceh là những tỉnh trong số 10 tỉnh cao nhất.
Tại thủ đô Jakarta, những nhóm hồi giáo cực đoan (FPI) muốn áp đặt luật Shariah đã kích hoạt một loạt các hành vi bất khoan dung và đưa vấn đề tôn giáo trở thành chính trị gần như ngay khi cuộc đua thống đốc bắt đầu .
Trong tháng 11 và 12 năm ngoái, FPI tổ chức hàng loạt các cuộc biểu tình để đòi phạt tù ông thống đốc Kitô giáo cuả Jakarta là Basuki Tjahaja Purnama — gọi là Ahok — ông bị cáo buộc là đã lăng mạ đạo hồi. Tuy nhiên ông vẫn dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến, ông hiện đang hầu toà vì bị vu cáo tội báng bổ.
Nhiều nhân vật khác cũng bị phiền nhiễu vì bị cáo buộc đã gây tổn thương đến cảm xúc tôn giáo, thí dụ một giáo sĩ Hồi giáo đã phải né tránh một cuộc họp ở West Kalimantan sau khi ông gọi người dân địa phương ở đó là infidels (quân bất trung với Chúa).
"Đây là vấn đề nghiêm trọng mà một người lãnh đạo mới nên biết phải xử lý thế nào," cha Susetyo nói.
Tham nhũng và đảng chính trị
Từ lâu tham nhũng đã là một vấn đề ở Indonesia và là vấn đề mà thống đốc Ahok của Jakarta cũng như Tổng thống Joko Widodo, đã cố gắng giải quyết trong thời gian qua.
Những việc gian lận bầu cử như mua phiếu và đe dọa là một vấn đề lớn, theo nhiều nhà hoạt động và các quan chức của Giáo Hội Công Giáo.
Đối với nhiều nhà quan sát, cuộc bầu cử ngày 15 tháng 2 sẽ là một thử nghiệm để xem người dân có quyết tâm dập tắt những gian lận này không.
"Đảng phái chính trị và ứng cử viên không nên sử dụng bất kỳ phương tiện hèn hạ nào để giành chiến thắng," theo lời bà mục sư Henriette Lebang, chủ tịch hiệp thông của các nhà thờ Tin Lành ở Indonesia.
Chính trị gia phải làm việc cho lợi ích chung, bà nói.
Lucius Karus, một nhà phân tích chính trị trên nghị viện cuả Indonesia, nói rằng phải coi chừng các 'triều đại chính trị' vì chúng thường dùng những hành vi không lành mạnh để gây ảnh hưởng, ngay cả việc hối lộ hoặc đe dọa.
Các ' triều đại chính trị' vẫn tồn tại ở nhiều vùng của đất nước, cứ nhìn vào đó, người ta có thể biết ở đâu có tham nhũng, ông nói.
Ông lấy ví dụ cuộc đua ở Jakarta với con trai của cựu tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono là Agus Harimurti Yudhoyono, ông này đang tìm mọi cách để lật ghế thống đốc cuả Ahok.