Tìm hiểu về vai trò và trách nhiệm của vị Tuyên Úy trên tầu du lịch

Năm vừa qua 2 lần tôi tham gia làm Tuyên úy cho tầu du lịch và năm nay hiện đang làm tuyên úy trên chiếc tầu Veendam của hãng Holland America trong chuyến thăm các đảo vùng Bahamas và Caribbean và thăm một số quốc gia Nam Mỹ. Một số độc giả hỏi làm Tuyên úy Biển có gì đặc biệt và trách nhiệm ra sao? Cha đi nhiều như vậy ai trả tiền cho cha và có tốn phí nhiều không? Linh mục muốn tham gia làm Tuyên úy Biển thì phải nộp đơn ở đâu?...

Tuyên úy Biển hay đa số là làm Tuyên Úy trên Tầu Du Lịch (Cruise Ship Priest) là thành phần của tổ chức Apostleship of the Sea of the United States of America (AOS-USA). Cũng có loại Tuyên úy Biển tại một vài cảng lớn trên thế giới, chẳng hạn như tại Long Beach thuộc TGP Los Angeles hay San Francisco, nơi đây vị Tuyên úy không đi theo tầu du lịch nhưng đảm nhận trách nhiệm cung ứng nhu cầu mục vụ cho thủy thủ đoàn và các một số các công tác xã hội cho nhân viên thủy thủ khi họ cập bến nghỉ ngơi.

Trên toàn thế giới hiện nay có chừng trên 500 vị Tuyên úy Biển được chứng nhận (certified) và được giáo quyền địa phương cho phép tham gia tổ chức (AOS-USA). Mỗi năm các Tuyên úy Biển đều phải xin giấy phép mới từ Tòa Giám Mục của mình cho chứng nhận hạnh kiểm tốt và khả năng mục vụ đầy đủ cho việc tham gia AOS-USA và mỗi vị Tuyên úy cũng đóng một lệ phí tối thiểu là $100US làm hội viên AOS-USA.

Quãng từ 15 năm về trước thì linh mục hay mục sư có thể trực tiếp và tự xin làm tuyên úy trên tầu du lịch, hay nếu là khách du lịch và là linh mục trên chuyến tầu thì vị Giám đốc sinh hoạt của tầu sẽ cho phép linh mục hay mục sư đó làm tuyên úy và được phép làm lễ hay các phép bí tích.

Với những thay đổi xã hội hiện đại và những thay đổi về luật pháp liên quan đến mục vụ và nhất là trách nhiệm bị liên đới khi bị kiện tụng thì ngày nay các tầu du lịch chỉ nhận những vị Tuyên úy được chỉ định và có bảo chứng làm tuyên úy trên tầu mà thôi. Cơ quan AOS-USA là tổ chức Tuyên Úy được Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ công nhận và là tổ chức đứng ra thâu nạp các vị tuyên úy mới và là cơ quan mà các tầu du lịch liên lạc để sắp xếp và chỉ định vị Tuyên úy cho tầu du lịch. Cách đây hơn một năm trên chuyến tầu thăm Địa Trung Hải, có một Giám mục và chừng 10 linh mục cùng lớp với ngài cùng đi du lịch kỷ niệm 25 năm linh mục, tuy nhiên ngày đầu các ngài chỉ đến tham dự thánh lễ mà thôi. Sau thánh lễ tôi mới được biết và được giới thiệu như vậy. Hỏi ra mới biết rằng nhân viên trách nhiệm trên tầu cho biết nếu các vị muốn đồng tế hay dâng thánh lễ thì cần phải có ý kiến và phép của tôi là Tuyên uý chính thức trên tầu. Sau khi tìm hiểu và biết về các ngài ở đâu, ngày hôm sau tôi đã xin phép để Đức Giám Mục chủ tế và sau đó cùng đồng tế.

Mỗi năm hiện có chừng trên 3000 chuyến tầu du lịch thuộc nhiều hãng du lịch khác nhau, tuy nhiên chỉ có hãng Holland America là có Tuyên úy thường xuyên trên mỗi chuyến tầu của họ. Còn các hãng tầu du lịch khác thường chỉ ký hợp đồng có Tuyên úy vào Mùa Giáng Sinh và Mùa Phục Sinh mà thôi.

Do vậy đa số người Công Giáo biết rằng muốn tham dự thánh lễ hằng ngày và Lễ Chúa Nhật thì đi tầu Hãng Holland America. Hãng này có trên 500 chuyến du hành khắp thế giới mỗi năm. Mỗi chuyến du lịch kéo dài ngắn thì 1 tuần, dài thì 1 tháng. Tuy nhiên có những chuyến du hành lớn gọi là Grand Voyage kéo dài từ 3 tháng hoặc là 6 tháng và đôi khi có chuyến đi vòng quanh thế giới đi du lịch đến tất cả những nơi danh tiếng nhất trên thế giới.

Đa số các vị Tuyên úy Biển là các linh mục đã hưu dưỡng vì có thì giờ và còn khỏe mạnh để đảm nhận công tác mục vụ trên tầu và thường chuyến tầu kéo dài 2 hay 3 tuần là lý tưởng cho các vị. Tuy nhiên đôi khi vì các ngài có tuổi nên có một số trường hợp đã ghi danh và được chỉ định làm tuyên úy, nhưng vào tuần cuối thì bị ốm đau hay vì lý do nào đó không thể tham gia được, lúc đó tổ chức AOS-USA sẽ tìm người thay thế khẩn cấp. Trường hợp này xẩy ra năm vừa qua tôi thế chân cho vị Tuyên úy bên Úc và chuyến du hành hiện nay tôi cũng đang thế chỗ cho vị linh mục đã được chỉ định nhưng ngài bị bệnh và phải đi mổ.

Là tuyên úy cho tầu du lịch không thực sự hẳn là một kỳ nghỉ hoàn toàn, nhưng là cơ hội truyền giáo và dấn thân cung cấp nhu cầu thiêng liêng cho khách du lịch và cả cho thủy thủ đoàn nữa. Do vậy, đôi khi sự dấn thân cho một chuyến tầu kéo dài cũng là một sự hy sinh vì nhu cầu mục vụ của giáo dân, chẳng hạn chuyến đi này không có trong lịch trình của tôi, nhưng khi được mời gọi trong trường hợp khẩn cấp vì họ biết tôi mới hưu dưỡng nhưng vẫn còn nhỏ tuổi hơn các vị khác, nên tôi sẵn sàng nhận lời.

Là tuyên úy trên tầu cũng ví như một linh mục xứ đạo có trách nhiệm thiêng liêng cho nhu cầu mục vụ, và khách du lịch cũng được coi là giáo dân của mình. Trung bình một chuyến tầu có chừng 2.200 khách du lịch và chừng 800 nhân viên phục vụ (Có một số tầu mới có sức chứa tới 6 tới 8 ngàn người). Như vậy cũng là một con số tiểu biểu cho một giáo xứ trung bình. Vị tuyên úy coi tất cả các hành khách trên chuyến tầu là giáo dân của mình, họ là gia đình là giáo xứ của mình trong thời gian mình phục vụ trên tầu.

Vị tuyên úy dâng thánh lễ mỗi ngày trên tầu, ngày thường ở một phòng nhỏ hơn trung bình có chừng 15-30 người tham dự. Thánh lễ Chiều thứ Bãy hay sáng Chúa Nhật ở phòng lớn hơn thường là rạp hát của tầu, trung bình có vài trăm người tham dự.

Ngoài ra vị Tuyên úy Công Giáo cũng có trách nhiệm cử hành Nghi lễ tôn giáo cho người Tin Lành mỗi Chúa Nhật và ngay cả nghi lễ Cầu nguyện cho người Do thái (vì hãng Holland America chỉ ký hợp đồng với AOS-USA của Công Giáo mà thôi. Do vậy nếu mình biết có vị mục sư hay giáo sĩ riêng trên tầu thì mình sẽ dàn xếp để họ cử hành nghi thức của họ). Tối ngày Chúa Nhật có thánh lễ riêng cho thủy thủ đoàn sau khi họ làm xong các công tác phục vụ trên tầu.

Ngoài việc dâng thánh lễ mỗi ngày, vị linh mục có thể đi thăm và xức dầu bệnh nhân trên tầu, ban bí tích hòa giải, hướng dẫn thiêng liêng nếu có ai cần tới, và khi trường hợp emergency xẩy ra, sẽ đáp ừng kịp thời các công tác mục vụ cần thiết.

Là tuyên úy cũng là người nêu gương mẫu sống đức tin, nên thường vị tuyên úy:

  • - Không tham gia vào bất kỳ sự kiện nào có giải thưởng tiền bạc.
  • - Không đánh bạc trong Casino hoặc tham gia trong Bingo.
  • - Không ngồi tại các quầy bar uống rượu mạnh.
  • - Khi có ai đó cần tham vấn, vị tuyên úy nên tìm một nơi nào thuộc một khu vực công cộng, chứ không tại phòng riêng.


Tuyên Úy Biển có được trả lương không? Và chi phí như thế nào?

Tuyên úy Biển hay Tuyên úy trên tầu không được trả lương, vì đây là công tác tự nguyện và vì nhu cầu mục vụ mà Giáo Hội muốn các linh mục có hoàn cảnh và thì giờ dấn thân.



Là Tuyên úy thì được tham gia chuyến tầu du lịch miễn phí (vé tầu, tiền phòng và các bữa ăn), tuy nhiên vị tuyên úy sẽ phải trả chi phí tiền máy bay từ chỗ mình cư ngụ đến bến tầu khởi hành chuyến đi và sau đó vế máy bay từ bến tầu kết thúc về nơi cư ngụ của mình, thêm vào đó các phụ trội như tiền tip cho người dọn phòng, người dọn đồ lễ, và các chi phí phụ trên tầu như tiền internet, bia rượu, và các chi phí khác. Vị tuyên úy cũng được khuyên nên mua bảo hiểm sức khỏe trong thời gian du lịch và bảo hiểm an toàn vì Hãng tầu không chịu trách nhiệm bảo hiểm sức khỏe cho tuyên úy. Tuy dù vị tuyên úy được coi là staff nhân viên phục vụ trên tầu, nhưng chính thức là một thiện nguyện viên, do vậy hãng tầu cũng gửi ra thư chỉ dẫn là không chịu trách nhiệm bất cứ về thiệt hại nào cho vị Tuyên úy hay liên quan đến trách nhiệm mục vụ của Tuyên Úy.

Khi tham gia vào tổ chức AOS-USA, linh mục được mời gọi dấn thân chăm sóc tinh thần và mục vụ của người du lịch tầu biển và dân biển. Tổ chức AOS gửi các tài liệu hướng dẫn và huấn luyện cách thức và những quy định cho một Tuyên úy Biển. Mỗi năm cũng có Khóa huấn luyện riêng biệt cho những ai muốn tham gia và có các buổi Hội thảo về kiến thức và nhu cầu mục vụ biển. Mỗi tháng có những Thư Mục vụ nhằm cập nhật kiến thức và nhu cầu mới.

Một khi có phép của Đức Giám Mục bản quyền và đóng lệ phí và được tổ chức AOS-USA công nhận thì làm thế nào để chọn các chuyến tầu du lịch mà mình thích?

Mỗi năm vài lần văn phòng AOS-USA sẽ gửi ra ít nhất là 1 năm trước hằng 100 chuyến tầu với các lộ trình khác nhau để các tuyên úy chọn. Đề nghị là chọn 3 ưu tiên, vì có thể nhiều tuyên uý chọn cùng chuyến tầu thì sẽ chỉ định ưu tiên 2 hay 3. Sau đó văn phòng sẽ xác định với vị tuyên úy là chuyến tầu và ngày giờ đó được chỉ định cho vị đó.

Vì tầu du lịch cũng có thể đổi lộ trình hay ngày giờ (ít xẩy ra) cho nên văn phòng khuyên vị tuyên úy không nên mua vé máy bay trước 6 tháng.

Đôi khi gần đến ngày lên tầu mà vị Tuyên úy được chỉ định bị ốm hay kẹt không tham gia được, lúc đó văn phòng sẽ gửi thư emergency mời gọi sự hy sinh đặc biệt của các Tuyên úy khác. Việc này cũng xẩy ra vài tháng 1 lần.

Có người hỏi tại sao tôi tham gia làm Tuyên úy Biển?

Có vài lý do và hoàn cảnh thúc đẩy như sau: Như qúi vị và anh chị em đều đã biết rằng trước đây tôi bị chính quyền Việt Nam cho vào sổ đen không cho về nước vì thời làm Tuyên úy sinh viên du học bên Mỹ (1972-1975) và đã viết những bài báo chống Cộng sản, rồi tham gia trong Ủy ban Phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam và sau này điều hành VietCatholic. Cách đây 15 năm nhân dịp phái đoàn Đức Hồng Y Sepe thăm Việt Nam, tôi đánh liều xin visa từ Tòa đại sứ Việt Nam bên Mexicô và đã nhận được visa về Việt Nam, nhưng khi về đến phi trường Nội Bài, họ đã giữ tôi lại và bắt lên máy bay về lại Hoa Kỳ không cho nhập cảnh, tôi hỏi anh công an trách nhiệm phi trường “Tại sao tôi có visa mà không được vào”. Anh ta trả lời rằng “Ông không được welcome”.

Do vì không còn có cơ hội trở về thăm quê hương thế thì mùa nghỉ Hè nên làm gì đây… Tôi đã quyết định sẽ đi chu du thăm các quốc gia trên thế giới. Và đó là lý do đầu tiên tôi quyết định gia nhập làm Tuyên úy Biển.

Trong thời gian được giáo phận Xuân Lộc gửi đi du học tại Roma, Italia, và bên Paris bên Pháp từ năm 1967 cho tới 1971, trong các mùa Hè tôi đã có dịp đi du lịch nhiều nơi đề khám phá và học hỏi về lịch sử và văn hóa của các quốc gia Âu châu. Tiếp theo sau khi thụ phong Linh mục tôi đã được gửi sang du học tiếp tại Hoa Kỳ từ năm 1971. Từ thời gian đó tôi đã tổ chức nhiều chuyến Hành Hương đi khắp nơi. Dù có những nơi đã thăm viếng dăm ba lần nhưng vẫn không chán. Mỗi lần đi là một lần học hỏi thêm, khám phá và đào sâu kho tàng văn hóa và nghệ thuật thế giới.

Riêng với tôi khi làm Tuyên úy và mỗi ngày khi tầu du lịch cập bến thăm các địa danh thì tôi coi là cơ hội rất tốt để tôi được tham quan và tìm hiểu thêm về nơi chốn đó. Tôi thường tham gia các tour du lịch do tầu điều hành đề học hỏi thêm về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, phong tục và nếp sống của dân địa phương và nơi chốn đó, với mục đích ghi lại để chia sẻ với mọi người trên VietCatholic. Tôi coi đây cũng là một sứ vụ văn hóa quan trọng vì có rất nhiều người không có cơ hội đi đây đó thì qua cái nhìn và sự tìm tòi tra cứu của tôi cộng thêm với các hình ảnh tham quan, anh chị em khắp khắp nơi có thể biết phần nào về các địa danh nêu trên.

Có người nói: “Cha đi mãi mà không chán à?” Tôi không chán... vì có mục tiêu rõ rệt và vì ích chung, coi đây như một công tác thông tin và truyền giáo.

Tôi có thể coi mình là người diễm phúc và may mắn vì từ ngày du học Âu châu tới nay tôi đã đặt chân tới gần 60 quốc gia trên thế giới. Mỗi lần tới thăm một thành phố nào hay một địa danh nào tôi cố gắng tìm hiểu về lịch sử và nếp sống văn hóa xã hội tôn giáo của họ. Tôi luôn bị thu hút bởi những nét đặc thù và sinh động tạo nên môi trường sống và những gì hình thành nếp sống đó. Trước đây khi còn là sinh viên, mỗi lần đi du lịch là mỗi vất vả và tốn phí, ngay cả khi tổ chức phải đoàn hành hương cũng phải bận tâm rất nhiều về đủ “thứ lỉnh kỉnh” cho khách hành hương, nên đâu có giờ thư giãn và thưởng thức như bây giờ.

Nay thì khác, mình muốn đi đâu thì đi, phương tiện đầy đủ và tiện nghi, mình theo tour du lịch nhưng hầu như cũng đã biết rất đầy đủ về nơi chốn đó, vì hoặc mình đã thăm đây trước hay đã tìm hiểu trước qua sách vở và internet, đến địa danh này là cốt ý nhìn lại và tìm những góc cạnh tốt nhất đề chụp những tấm hình tiểu biểu nói lên lịch sử và sắc mầu của địa danh đó mà thôi.

Giáo Hội quan tâm tới nhu cầu thiêng liêng của người đi biển:

Trong hơn 80 năm qua, Giáo Hội đã lưu tầm với việc chăm sóc mục vụ và hỗ trợ cho các thuyền viên Công Giáo, ngư dân, hành khách biển, công nhân dầu mỏ ngoài khơi và gia đình họ.

Công đồng Vatican II khẳng định trách nhiệm của mỗi giám mục giáo phận có trách nhiệm việc chăm sóc mục vụ của người dân biển qua tự sắc "Dominus Christus" như sau: "Cần quan tâm đặc biệt cho những người mà vì hoàn cảnh riêng phải xa gia đình. Trong nhóm này là đa số người di cư, những người lưu vong và người tị nạn, người đi biển, du khách, Gypsies, và những người khác thuộc loại hình này".

Tự sắc về việc tông đồ Hằng hải "Stella Maris - Sao Biển" từ lâu cũng kêu gọi bảo vệ quyền lợi thiêng liêng của họ như sau: "Giáo Hội đồng hành với thuyền viên, chăm sóc cho những nhu cầu tâm linh đặc biệt cho nhu cầu của những người sống và làm việc trong thế giới hàng hải. Để đáp ứng các yêu cầu trợ giúp mục vụ đặc biệt cho những người tham gia vào việc vận chuyển thương mại và đánh cá cũng như gia đình của họ, nhân viên cảng và tất cả những người đi du lịch bằng đường biển".

Về quan tâm Tông Đồ Hàng Hải và Tuyên úy Biển, Tòa thánh lưu ý rằng: Trong mỗi Hội Đồng Giám Mục đối với lãnh thổ hàng hải của mình cần đặt một vị Giám Mục có trách nhiệm thúc đẩy Tông Đồ Hàng hải.

Hội đồng Giáo hoàng về Chăm sóc Mục vụ Di dân và người Di chuyển đã định hướng Mục vụ Tông Đồ Hàng hải các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

  • 1- cung cấp các hướng dẫn cần thiết liên quan đến sứ vụ mục tử cho những người đi biển,
  • 2- đảm bảo rằng mục vụ này được thực hiện theo quy định của giáo luật và trong cách thế trang nghiêm và hiệu quả;
  • 3- thúc đẩy một tinh thần đại kết trong thế giới hàng hải, đồng thời quan tâm rằng điều này được thực hiện trong sự hòa hợp trung thành với giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội;


Muốn tham gia làm Tuyên úy Biển thì điều kiện ra sao?

Tổ chức Tông đồ Biển của Hoa Kỳ (AOS-USA) đánh giá cao mục vụ của Linh mục Tuyên uý tầu du lịch nhằm chăm sóc tinh thần và mục vụ của người đi biển và dân biển. Một khi vị linh mục nhận làm Tuyên uý của AOS-USA Cruise Ship Priest, vị tuyên uý không còn đơn thuần là người du lịch nữa là vai trò là linh mục “Tuyên úy” cho chuyến tầu đó. Linh mục mang một sứ vụ và trách nhiệm. Đây là một sứ vụ tông đồ mà Giáo Hội Công Giáo đặt nặng trên vai các vị tuyên úy để nhờ đó, các người đi biển, thủy thủ đoàn, người du lịch và nhân viện phục vụ được tìm thấy chỗ dựa tinh thần, lãnh nhận các bí tịch và nhất là tham dự các thành lễ, như nguồn ơn sủng đồi dào cho đời sống đức tin của mình.

Các linh mục Việt Nam muốn tham gia làm Tuyên úy Du lịch hay Tuyên úy Biển có thể liên lạc với tôi để được hướng dẫn JohnNghi@yahoo.com

Khi tham gia không nhất thiết là mỗi năm phải đi làm tuyên úy một chuyến tầu nào, chỉ khi nào mình có giờ rảnh và muốn tham gia một chuyến tầu thăm những nơi mình ưng ý và chọn trước.

Điều kiện để làm Tuyên úy:

  • 1/ Giấy phép của Giám mục bản quyền và chứng nhận Good standing Priest.
  • 2/Gia nhập làm hội viên của AOS-USA và đóng lệ phí.
  • 3/ Cam kết thi hành những chỉ dẫn của AOS-USA và những điều lệ Tuyên úy của Holland America.
  • 4/ Sự dấn thân tự nguyện làm mục vụ cho những người người đi biển và người biển.