Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Vào đêm thứ Ba, Mikki Deters và em gái cô, là Marcail, lên một chiếc xe đò ở Wichita, Kansas. Hai mươi bốn giờ sau đó, hai chị em đã có mặt tại thủ đô Hoa Kỳ, là nơi vào sáng thứ Sáu họ sẽ tham gia cùng với hàng trăm ngàn những người biểu tình phò sự sống trong một cuộc diễu hành dọc theo National Mall đến trước các bước bậc thềm của tòa án tối cao Hoa Kỳ nơi 44 năm trước đây đã hợp pháp hóa việc phá thai.
Hai chị em đã chờ đợi trong dòng người chờ qua cổng kiểm tra an ninh. Bất chấp cái lạnh giá rét, nhiều người giương cao những banners với những dòng chữ: “Tôi là thế hệ phò sự sống” và “Không cần Planned Parenthood”. Nhiều người giương cao các hình ảnh đồ họa về cấu trúc của bào thai trong khi những người khác đã chọn một thông điệp tinh tế hơn như “Một người là một người bất kể nhỏ bé đến đâu đi nữa”. Khắp nơi đều là những khuôn mặt còn rất trẻ. Hầu hết những người tham dự biến cố phò sinh lớn nhất hoàn cầu này là những người chưa quá 30 tuổi.
Kể từ năm 1974, để phản đối phán quyết Roe chống Wade của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nhằm hợp pháp hóa phá thai, năm nào tại Thủ Đô Washington D.C, cũng đều có cuộc tuần hành phò sự sống, vào khoảng trước hoặc sau ngày 22 tháng Giêng, là ngày kỷ niệm phán quyết này.
Năm nay, cuộc tuần hành phò sự sống diễn ra ngày 27 tháng Giêng, tức là một tuần sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Tân Tổng Thống Donald Trump hôm 20 tháng Giêng.
Ngay năm 1974, con số người tham dự đã lên tới 20,000 người. Con số này đến năm 2011, tăng lên 400,000 người, và năm 2013, đạt tới 650,000 người. Người trẻ tham gia rất đông. Theo ký giả Robert McCartney của tờ The Washington Post, khoảng nửa số người tham dự dưới 30 tuổi.
Năm 1987, Tổng Thống Ronald Reagan đã nói chuyện với những người diễn hành qua điện thoại và thề sẽ “kết thúc tấn bi kịch quốc gia này”. Năm 2003, Tổng Thống George W. Bush cũng nói chuyện với những người tham dự qua điện thoại và cám ơn họ đã “tận tụy vì chính nghĩa cao đẹp này”.
March For Life cũng đã là một truyền thống trong gia đình hai chị em Deters. Năm nay 22 tuổi, Mikki, đã đến Washington DC, trong một đoàn xe của Mary University. Cô nói:
“Tôi đi dự biến cố này nhiều năm rồi. Nhưng đây là năm đầu tiên khi đến nơi tôi đã cảm thấy như chúng tôi có thể không cần phải trở lại đây vào năm tới nữa”. Mikki giải thích thêm “Ý tôi muốn nói là có lẽ là chúng ta sẽ không có bất cứ điều gì để phản đối trong năm tới nữa và như thế tôi sẽ không phải bôn ba đón xe đò một lần nữa.”
Hai chị em nhà Deters có hơi lưỡng lự trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống vừa qua. Nhưng bây giờ hai chị em trông đợi nhiều nơi vị tân Tổng thống sẽ thực hiện lời hứa của mình là bổ nhiệm một thẩm phán tòa án tối cao có lập trường phò sinh nhằm lật nhào phán quyết về quyền phá thai ở Mỹ.
Phó tổng thống Mike Pence, chia sẻ cảm giác lạc quan của chị em nhà Deters khi ông nói chuyện với đám đông từ một khán đài tại National Mall.
“Vì tất cả các bạn và vì hàng trăm ngàn người cùng đứng với chúng ta trong các cuộc tuần hành như thế này trên khắp đất nước, chính nghĩa sự sống lại chiến thắng một lần nữa ở Mỹ”
Đám đông vỗ tay hoan hô ông. Đây là lần đầu tiên một phó tổng thống đương nhiệm đã tham dự cuộc tuần hành phò sinh trong 44 năm qua.
Trong khi đông đảo người biểu tình đang tập hợp tại National Mall, trên Twitter, tổng thống Donald Trump viết: “Cuộc tuần hành phò sinh là rất quan trọng. Với tất cả các bạn tham gia tuần hành, tôi nói: các bạn có sự ủng hộ hoàn toàn của tôi.”
Trong bài phát biểu của mình, phó tổng thống Pence chào mừng chiến thắng của tổng thống Trump và sự kiểm soát Quốc hội của đảng Cộng hòa như là bằng chứng cho thấy phong trào chống phá thai cuối cùng cũng có cơ hội của mình để hạn chế - và xa hơn là có khả năng cấm - phá thai.
Ông nói tổng thống Trump sẽ công bố việc lựa chọn vị thẩm phán tòa án tối cao vào tuần tới và hứa hẹn sẽ là một người trong số “những người biết tôn trọng những quyền tự do mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta và được quy định trong hiến pháp của chúng ta, một người phò sinh theo truyền thống của cố thẩm phán tuyệt vời Antonin Scalia”.
“Để chữa lành đất nước chúng ta và khôi phục lại nền văn hóa của sự sống chúng ta phải tiếp tục là một phong trào chào đón và quan tâm tất cả mọi người, tôn trọng phẩm giá và giá trị của mỗi người”.
Trong tiếng vỗ tay hoan hô của đông đảo những người biểu tình, ông nói thêm:
“Chúng ta sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi chúng ta khôi phục một nền văn hóa của cuộc sống ở Mỹ”
Trong bối cảnh đang bị nhiều người phản đối mà cụ thể là một cuộc biểu tình đông đảo của phụ nữ chỉ vài ngày trước. Tổng thống Donald Trump càng ngày càng thấy nhu cầu gắn bó hơn với những người phò sinh là những người sẵn sàng ủng hộ ông. Sự hiện diện của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence và cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump, là bà Kellyanne Conway, trong cuộc tuần hành chống phá thai “March for Life” tại Washington, DC đã nói lên điều đó.
Tương lai của chính nghĩa phò sinh xem ra là rất lạc quan tại Hoa Kỳ. Với nhận xét này, Trúc Ly xin kết thúc chương trình Thời Sự tuần qua nơi đây.