Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong những ngày này các rạp chiếu phim đang trình chiếu bộ phim “Thầm Lặng”, một kiệt tác của đạo diễn nổi tiếng thế giới là Martin Scorsese. Cuốn phim dài gần 3 tiếng, dựa trên cuốn tiểu thuyết “Thầm Lặng”, một cuốn tiểu thuyết lịch sử được viết bởi tác giả Công Giáo Nhật Bản Endo Shusaku vào năm 1966. Câu chuyện kể về một nhà truyền giáo Dòng Tên được gửi đến Nhật Bản vào thế kỷ 17, ngài đã chịu hành hình tra tấn dã man vào thời Kakure Kirishitan (Phong trào bài Kitô giáo). Đây là cuốn chuyện được cho là tuyệt tác của văn hào Endo và là một trong những tiểu thuyết hay nhất của thế kỷ XX.
Chúng ta tự hỏi Cha Gaetano viết chuyện này có điều gì liên quan giữa bộ phim này và Tỉnh dòng Don Bosco Salêdiêng ở Nhật Bản? Đây thực là một điều lý thú trong lịch sử Công Giáo Nhật Bản trong những ngày đầu truyền giáo của dòng Salesian với cha Clodoveo Tassinari, Ngài là tác giả của nhiều sách và phim ảnh nói về các câu chuyện xảy ra trong thời gian cấm cách. Nhân vật chính trong tiểu thuyết “Thầm Lặng” là Cha Sebastião Rodrigues, nhưng tên thật của Ngài là linh mục Giuseppe Chiara (1603-1685), người Sicily - Palermo truyền giáo thuộc Dòng Tên. Ngài là chứng nhân lịch sử và là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Thầm Lặng” của Shusaku Endo.
Cha Chiara đặt chân lên Nhật Bản vào năm 1643, nhưng ngay sau khi đặt chân lên đất Phù tang này thì Ngài bị bắt gần Nagasaki. Cũng như người thầy của mình – là linh mục Ferriera, bề trên giám tỉnh tại Nhật - Ngài đã không cưỡng lại sự tra tấn khủng khiếp, không chối bỏ đức tin của mình và sau 40 năm Ngài qua đời dưới một pháp danh Phật tử ở Tokyo. Mộ của Ngài được cha Tassinari phát hiện ra vào năm 1943 và nằm trong khuôn viên của Chofu một vùng phụ cận của thủ đô Tokyo, nay là Học viện Salêdiêng. Thành phố Chofu đã công nhận đây là di sản lịch sử của thành phố.
Mặc dù đa số các nhà truyền giáo đầu tiên đến Nhật Bản là người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, nhưng chúng ta cũng khám phá ra 20 người trong số các vị là người Ý, tám vị trong số đó đã được tuyên phong Á thánh Tử Đạo. Chỉ có mình Cha Giovanni Battista Sidotti đến Nhật vào năm 1708 sau khi cha Chiara tử đạo vào năm 1714 và được phong Á thánh năm 1867.
Vì vậy, ngôi mộ thầm lặng của cha Chiara ở Chofu nhắc nhở chúng ta đến ‘chứng nhân thầm lặng’ trong câu chuyện tiểu thuyết và phim, nhưng nó nói lên đời sống chứng nhân của các tín hữu Nhật bản và các vị truyền giáo đã đổ máu đào làm chứng tá cho Tin Mừng và đức tin nơi đất nước Phù Tang này.
2. Khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tàn sát tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ
Hôm thứ Hai 2 tháng Giêng, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào hộp đêm Reina mà chúng cho là “một trong những hộp đêm nổi tiếng nhất, nơi các Kitô hữu cử hành ngày lễ bội giáo của chúng” và mô tả Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia trở mặt với Hồi Giáo và quay ra “bảo vệ thập giá”.
Cuộc tấn công gây bàng hoàng và phẫn nộ tại Thổ Nhĩ Kỳ vì hộp đêm này đối diện với một đồn cảnh sát. Điều này khiến người ta lo ngại bọn khủng bố Hồi Giáo IS có thể tấn công vào bất cứ nơi nào chúng muốn. Hơn thế nữa, hung thủ tẩu thoát dễ dàng và không để lại bất cứ dấu vết nào.
Trong những báo cáo sơ khởi, giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng hung thủ mặc quần áo ông già Noel khi xả súng bắn vào đám đông. Tuy nhiên, thủ tướng Binali Yıldırım bác bỏ chi tiết này.
Theo ông Binali Yıldırım, vào khoảng 1:15 rạng sáng mùng một tết Dương Lịch, hung thủ, mặc toàn đồ đen, bắn chết một cảnh sát viên và một nhân viên an ninh của hộp đêm Reina khi hai người này ngăn cản hắn ta vào hộp đêm. Trong 7 phút đồng hồ, hắn ta bắn 180 viên đạn vào đám đông ước chừng 600 người đang có mặt tại hộp đêm. 39 người bị thiệt mạng và 70 người khác bị thương. Nhiều người nhanh trí nhảy xuống sông Bosporus nên thoát chết. Các camera cho thấy hung thủ cởi bỏ áo khoác bên ngoài, quăng lại khẩu AK-47, và lẫn vào trong đám đông hỗn loạn thoát ra ngoài dễ dàng.
Trong năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu hơn 30 cuộc tấn công khủng bố. Tuy nhiên, lực lượng an ninh chẳng mấy khi bắt được hung thủ thực sự. Các vụ khủng bố tiêu biểu là vụ tấn công vào một đoàn xe quân sự ở Ankara vào ngày 13 tháng Hai, làm 37 người chết; vụ đánh bom ngày 28 tháng 6 vào sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul giết chết 41 người; vụ tấn công một tiệc cưới ở Gaziantep ngày 20 tháng 8 giết chết 30 nạn nhân; vụ tấn công một đoàn xe cảnh sát bên ngoài sân vận động Besiktas, Istanbul, vào ngày 10 tháng 12 khiến 44 người tử vong.
Trong một hành động nhằm xoa dịu dư luận, sáng 2 tháng Giêng, bộ trưởng Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong tuần qua cảnh sát đã câu lưu 147 người trong đó có 25 người chính thức bị bắt vì có dính líu với bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
3. Đức Tổng Giám Mục Tomasi kêu gọi tận dụng ngưng chiến ở Syria
Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, cựu Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, kêu gọi đừng để cho tư lợi của các cường quốc quyết định tình hình Syria.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, truyền đi hôm 31-12-2016, Đức Tổng Giám Mục Tomasi cũng nhận xét rằng hiệp định ngưng chiến tại Syria giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ với các lực lượng phiến quân, tuy mong manh, nhưng là một tiến bộ quan trọng. Hiệp định này thật thích hợp để đặt nền tảng cho một nền hòa bình vững bền ở Trung Đông. Hiệp định đã được Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đồng thanh phê chuẩn hôm 31-12-2016.
Theo Đức Tổng Giám Mục Tomasi, hiệp định ngưng chiến này phải là một tiền đề cho một hành động trách nhiệm từ phía cộng đồng quốc tế, vì chiến tranh tại Syria là một cuộc chiến giữa các đại cường quốc và các nhóm khác ở trong vùng. Vì thế, điều cơ bản là “những quyền lợi của các đại cường và các phong trào tôn giáo lớn không trở thành một sức mạnh gây chết chóc cho dân nghèo và các thường dân ở địa phương”.
Cuộc chiến trong hơn 5 năm qua tại Syria đã làm cho hơn 300 ngàn người chết và 6 triệu người tản cư trong nội địa Syria và 4 triệu người khác tị nạn sang các nước láng giềng như Giordani, Thổ Nhĩ Kỳ và nhất là tại Liban. Đức Tổng Giám Mục Tomasi tố giác rằng “Nơi căn cội của bạo lực tàn phá Syria, vốn là một nước đã hoạt động tốt, chính là ước muốn quyền lực: ai sẽ thống trị Trung Đông? Người Hồi giáo Sunnit hay Shiite? Nga hay Mỹ?
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám Mục Tomasi cũng nhắc lại rằng mặc dù có một vai trò hàng đầu trong các tiến trình hòa bình gần đây như giữa Mỹ và Cuba, hoặc tại Colombia, nhưng Tòa Thánh không phải là một thế lực kinh tế hoặc quân sự, và các vệ binh Thụy Sĩ với 110 người không thể ngăn chặn các bom đạn tân thời, nhất là các bom hạt nhân!
Đức Tổng Giám Mục Tomasi ghi nhận những bước tiến tích cực đã diễn ra trong năm 2016, và ngài cầu mong rằng đề tài của ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1 vừa qua, tức là “bất bạo động như một chiến lược chính trị” được gia đình nhân loại ý thức, và xác tín rằng giải pháp cho các vấn đề không phải là việc sử dụng các võ khí, nhưng hệ tại sự đối thoại, kiến tạo những cuộc gặp gỡ huynh đệ, thiết lập những nhịp cầu thay vì dựng lên những bức tường chia cách nhau.
4. Nhận định của một cha sở tại thành Aleppo
Cũng liên quan đến Syria, linh mục Ibrahim Alsabagh, dòng Phanxicô, cha sở cộng đoàn Công Giáo la tinh ở thành Aleppo, nói rằng “Syria bây giờ là một đống gạch vụn, nhưng chúng tôi bắt đầu hy vọng”.
Cha Alsabagh nói với đài Vatican hôm 31-12-2016 rằng: “Đối với chúng tôi, việc ngưng các cuộc dội bom trên thường dân là một dấu chỉ hy vọng lớn. Các trẻ em có thể bắt đầu cắp sách đến trường trong an bình. Và thật là một dấu chỉ tuyệt vời sự ngưng chiến trên toàn lãnh thổ Syria. Chúng tôi hy vọng cuộc ngưng chiến này sẽ kéo dài”.
Cha Alsabagh cũng gọi các cuộc hòa đàm về Syria sẽ diễn ra tại Astana thủ đô Kazachstan vào cuối tháng Giêng này và sau đó tại Genève, như những dấu chỉ làm dân chúng tại Syria an tâm, đối với chúng tôi và nhất là đối với những người dân đã chịu đau khổ hơn 5 năm qua, và liên tục chịu kinh hoàng vì các cuộc dội bom và sống trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Cha Ibrahim Alsabagh bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt của các giáo sĩ, các trẻ em và các gia đình ở Aleppo đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Cha nói: “Chúng tôi cảm thấy Đức Giáo Hoàng gần gũi, hầu như ngài sống hằng ngày với chúng tôi thảm trạng và đau khổ với những hậu quả của chiến tranh: thiếu lương thực, thuốc men, không được săn sóc y tế, những kinh hoàng vì chết chóc.
5. Đức Thánh Cha viết thư cho các Giám Mục trên thế giới về tình cảnh bi đát của trẻ em
Trong một lá thư gửi cho các giám mục trên thế giới, được viết nhân dịp lễ các thánh Anh Hài hôm 28 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các giám mục trên thế giới nỗ lực hơn nữa để bảo vệ trẻ em.
Trình bày các suy tư của ngài về hành động giết hại trẻ em của vua Hêrôđê, Đức Giáo Hoàng nhận xét cay đắng rằng “chương rất buồn này trong lịch sử vẫn đang tiếp tục được viết ngày hôm nay.”
“Hôm nay cũng vậy, chúng ta vẫn tiếp tục nghe thấy những tiếng khóc xé lòng này, mà chúng ta không thể lờ đi hoặc im lặng”.
Ngài nhận xét thêm rằng nếu như trong quá khứ sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô là một thời gian đau buồn cho gia đình của các trẻ em bị giết, thì ngày nay cũng vậy: “Giáng Sinh cũng đi kèm với nước mắt của nhiều người, cho dù chúng ta không muốn như thế.”
Trong lá thư đề ngày 28 tháng 12, Đức Giáo Hoàng than phiền rằng có quá nhiều trẻ em trên thế giới đang bị bạo hành và lạm dụng. Ngài hô hào các Kitô hữu hãy có can đảm bảo vệ sự vô tội của các trẻ thơ.
Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta phải dũng cảm bảo vệ niềm vui của các trẻ thơ khỏi những tay Hêrôđê mới trong thời đại chúng ta, là những kẻ đã cướp đi sự ngây thơ của con em chúng ta. Các trẻ em vô tội ngày nay vẫn tiếp tục bị cướp bởi sự áp bức của chế độ lao động nô lệ phi pháp, bởi nạn mại dâm và các hình thức khai thác khác. Tuổi thơ của các trẻ em vô tội vẫn tiếp tục bị tàn phá bởi chiến tranh và bởi các cuộc di cư bắt buộc, với những mất mát to lớn đi kèm.
Hàng ngàn trẻ em của chúng ta đã rơi vào tay của các băng nhóm, các tổ chức tội phạm và những kẻ buôn cái chết, là những kẻ chỉ muốn ăn cướp và khai thác các nhu cầu của trẻ em.
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Giáo Hội có bổn phận đặc biệt phải nhớ đến “những đau khổ, những kinh nghiệm bi đát, và nỗi đau của các trẻ vị thành niên đã bị lạm dụng tình dục bởi các linh mục.” Ngài bày tỏ nỗi buồn của mình vì “những tội lỗi đã xảy ra, cả tội không giúp đỡ, tội bao che, và tội lạm dụng quyền lực.” Ngài nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải duy trì tuyệt đối chính sách không khoan nhượng liên quan đến các lạm dụng tính dục.
Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những đau khổ của những trẻ em phải sống qua các cuộc khủng hoảng, những trẻ em đang bị buộc phải chạy trốn khỏi nhà cửa của chúng, những trẻ em bị suy dinh dưỡng, những đứa bé đang phải tham gia vào lao động trẻ em, những trẻ sống trong những quốc gia theo đuổi các chính sách cực đoan, và những trẻ không được tiếp cận với giáo dục.
6. 90,000 Kitô hữu bị giết trong năm 2016
Massimo Introvigne, một nhà xã hội học lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu về các tôn giáo mới, nói với Radio Vatican rằng ông ước tính có khoảng 90,000 Kitô hữu bị giết chết vào năm 2016 vì đức tin của họ.
70% trong số họ đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột bộ tộc ở châu Phi, trong khi 30% khác là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, bị các chính phủ đàn áp, hay thiệt mạng khi các làng mạc, thị trấn của họ bị phá hủy.
Con số 90,000 trong năm 2016 là thấp hơn con số 105,000 trong năm 2014. Tuy nhiên, cần nhớ rằng 90,000 trong một năm có nghĩa là cứ sáu phút lại có một tín hữu Kitô bị giết.
Ông Introvigne nhận xét rằng:
“Chúng ta không quên hay xem nhẹ sự đau khổ của các tín hữu thuộc các tôn giáo khác. Nhưng, cần nói ngay rằng các Kitô hữu là nhóm tôn giáo bị đàn áp tàn tệ nhất trên thế giới”
7. Căng thẳng giữa dòng Hiệp Sĩ Malta và Tòa Thánh
Hiệp Sĩ Tối Cao (Grand Master) của Dòng Hiệp Sĩ Malta đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định lòng trung thành của mình với ngài.
Trong một bức thư đề ngày 01 tháng Giêng gởi cho Đức Thánh Cha, Hiệp Sĩ Tối Cao Fra’ Matthew Festing ca ngợi thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới của Đức Thánh Cha về chủ đề của bất bạo động. Ông khẳng định rằng đường lối bất bạo động của Đức Thánh Cha “là một điều quý hiếm và rất có giá trị” trong tình hình thế giới hiện nay.
Vị Hiệp Sĩ Tối Cao cũng nhân dịp này bày tỏ lòng trung thành với Đức Thánh Cha.
Thư của vị Hiệp Sĩ Tối Cao được đưa ra trong khi dòng Hiệp sĩ Malta đang có những mâu thuẫn với Vatican qua việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm một ủy ban đặc biệt để điều tra việc sa thải vị Chưởng Ấn của dòng đáng kính này.
Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ châu Âu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Jerusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Đất Thánh. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.
Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.
Ngày 22 tháng 12 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những bất hòa trong Dòng Hiệp Sĩ Malta sau khi vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội đáng kính này ra quyết định sa thải vị Chưởng Ấn (Chancellor).
Albrecht von Boeselager, là người bị cách chức, đã dính líu vào một chương trình phân phối bao cao su tránh thai để ngăn chặn việc lây lan bệnh liệt kháng (HIV). Tuy nhiên, ông nói rằng vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội Hiệp Sĩ Malta, là Fra Matthew Festing, đã hành động vi phạm hiến pháp của hội khi ra lệnh buộc ông từ chức vì quan điểm ‘liberal’ của mình. Albrecht von Boeselager cũng nói với các ký giả là Đức Hồng Y Raymon Burke, là nhà lãnh đạo tinh thần của dòng, đã tác động trực tiếp vào quyết định buộc ông ta phải bị cách chức.
Trong khi đó, vị Hiệp Sĩ Tối Cao Fra Matthew Festing nói rằng ông không có lựa chọn nào khác hơn là loại bỏ Boeselager vì một “tình huống vô cùng nghiêm trọng và không thể chấp nhận được.”
Theo điều lệ của Dòng Hiệp Sĩ Malta, vị Chưởng Ấn (Chancellor) có thẩm quyền như một vị bộ trưởng ngoại giao.
Các ủy ban điều tra Vatican sẽ có năm thành viên là Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, nguyên đặc sứ của Vatican tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva; Cha Gianfranco Ghirlanda, một luật sư dòng Tên chuyên về giáo luật; và ba thành viên của các Hiệp sĩ Malta.
Một ngày sau đó, hôm 23 tháng 12, Dòng Hiệp Sĩ Malta ra thông cáo báo chí cho rằng kế hoạch của Đức Thánh Cha là “không thể chấp nhận được”
Thông cáo nói rằng việc lật đổ Albrecht von Boeselager là một “hành động hành chính nội bộ thuộc chủ quyền nhà nước của Dòng Hiệp Sĩ Malta và do đó hoàn toàn thuộc phạm vi thẩm quyền của Dòng.” Thông cáo cho rằng quyết định thành lập ủy ban điều tra của Đức Giáo Hoàng đã dựa trên một “sự hiểu lầm” của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
Vị Hiệp Sĩ Tối Cao dù bày tỏ lòng trung thành với Đức Thánh Cha vẫn bác bỏ khả năng Vatican can thiệp vào “chủ quyền nhà nước” của Dòng này.
8. Quan chức Iraq mời các tín hữu Kitô quay về cố hương
Các quan chức thành phố ở Basra, Iraq, đang chào đón các Kitô hữu trở lại thành phố, với những hứa hẹn sẽ giúp đỡ xây dựng lại nhà thờ.
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc trong bản tin đánh đi hôm 2 tháng Giêng cho biết:
Khalaf al Abdul Samad, chủ tịch hội đồng thành phố, đã đến thăm một nhà thờ thuộc Giáo Hội Armenia Tông Truyền ở Basra để chúc mừng năm mới, và đưa ra một lời kêu gọi các tín hữu Kitô tị nạn hãy trở về nhà mình.
Dân số Kitô tại Basra đã giảm mạnh trong những năm gần đây, từ khoảng 2,500 gia đình trước cuộc chiến tranh Iran-Iraq bây giờ chỉ còn một vài trăm Kitô hữu.
Các quan chức thành phố nói rằng họ sẽ chào đón bất cứ Kitô hữu nào chạy trốn bọn khủng bố Hồi Giáo IS và giúp đỡ họ trong việc tái định cư.