Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chúa Giêsu dậy chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện không mỏi mệt, và Giáo Hội muốn chúng ta sống tinh thần cầu nguyện và biết nâng đỡ nhau trong lời cầu nguyện cho tới khi lòng thương xót Chúa chiến thắng. Đó là điều các thánh đã làm trong cuộc sống của các ngài: kiên trì cầu nguyện với hết sức lực và tâm hồn mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ tôn phong hiển thánh cho 7 chân phước do ngài cử hành lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 16 tháng 10 hôm qua. Đó là sư huynh Salomone Leclerq dòng La San, tử đạo năm 1792 dưới thời cách mạng Pháp; thiếu niến Jose Sanchez del Rio 14 tuổi người Mêhicô, bị xử bắn vì không chối bỏ đức tin Công Giáo; Đức Cha Emanuel Gonzales Garda, người Tây Ban Nha; cha sở José Gabriel Brochero người Argentina; Cha Alfonso Maria Fusco người Italia sáng lập dòng các Nữ tu thánh Gioan Tẩy Giả; cha Lodovico Pavoni, người Italia, sáng lập Hội Thánh Barnaba chuyên giúp giới trẻ nghèo, và nữ tu Elizabeth Chúa Ba Ngôi dòng Cát Minh nhặt phép người Pháp.
Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có 50 Hồng Y, 150 Tổng Giám Mục, Giám Mục và 1.000 Linh Mục. Tham dự thánh lễ có ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, phái đoàn các nước có tân hiển thánh và hơn 120.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu.
2. Wikileaks phơi bày tâm tình bài Công Giáo của Hilary Clinton
Trong tuần qua, trang web Wikileaks đã công bố các emails rò rỉ từ hộp thư Gmail cá nhân của John Podesta, một quan chức cấp cao của Đảng Dân chủ, là người đã giữ một loạt các vị trí cao cấp. Ông Podesta từng là trưởng phòng nhân viên Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Bill Clinton, một cố vấn cao cấp cho Tổng thống Barack Obama và hiện đang là giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.
Wikileaks cho biết họ có trong tay khoảng 50,000 emails của Podesta và của chính bà Hillary Clinton. Cho đến nay, nhóm này đã tung ra khoảng 10,000 emails, mỗi ngày một vài ngàn cái. Bà Hilary Clinton và những người điều hành chiến dịch tranh cử của bà cho đến nay vẫn từ chối xác nhận hay phủ nhận tính xác thực của các tài liệu bị rò rỉ này.
Các thư điện tử bị rò rỉ cho thấy tâm tình chống báng các học thuyết xã hội Công Giáo, khinh miệt các Giám Mục Công Giáo, và nguy hiểm hơn là âm mưu của đảng Dân Chủ Mỹ muốn gieo những “mầm mống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.
Các điện thư, được công bố bởi Wikileaks, chứng minh rằng đảng Dân chủ đã tham gia vào việc thành lập ít nhất là hai tổ chức nhằm vận động cho sự thay đổi giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và bảo vệ các chính trị gia phò phá thai và hôn nhân đồng tính, đồng thời thách thức và gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.
Trong một điện thư trao đổi giữa các thành viên của đảng Dân Chủ, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ được mô tả như đang thực thi “một chế độ độc tài thời trung cổ” tại Mỹ. Để trả lời cho một gợi ý gieo mầm “những hạt giống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, nhằm “kết thúc chế độ độc tài thời trung cổ” này, John Podesta, giám đốc chiến dịch tranh cử của Hilary Clinton, trả lời: “Chúng tôi đã tạo ra Catholics in Alliance for the Common Good [nghĩa là Liên Minh những người Công Giáo vì thiện ích chung] cho một thời điểm như thế”. Ông ta cho biết thêm: “Tương tự như Catholics United”, cả hai nhóm đã có những lập trường công khai phù hợp với các mục tiêu trong chiến dịch tranh cử của Hilary Clinton.
Những emails trao đổi trong nội bộ đảng Dân Chủ được công bố bởi Wikileaks cũng cho thấy một sự khinh miệt các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Jennifer Palmieri, giám đốc truyền thông của chiến dịch, mô tả các giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo là bảo thủ, cố chấp, đi ngược đà tiến của văn minh nhân loại. Trong một email, Palmieri lên tiếng chê bai những chính trị gia Công Giáo nổi bật có khuynh hướng phò sự sống là những kẻ bảo thủ. Bà ta cho rằng các chính trị gia này gắn bó với Công Giáo chỉ vì “Họ nghĩ rằng đó là một tôn giáo bảo thủ về mặt chính trị nhất đối với họ.”
Cả hai Podesta và Palmieri tự nhận mình là người Công Giáo.
Phản ứng trước các emails này, Liên đoàn Công Giáo vì tự do Tôn giáo và Dân Quyền đã ra một tuyên bố nói rằng các emails rò rỉ “khiến người ta tự hỏi các nhà lãnh đạo trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton và những người khác liên quan đến chiến dịch này còn nói những gì nữa về người Công Giáo và đạo Công Giáo.”
Brian Burch, chủ tịch nhóm Công Giáo Vote nói rằng người Công Giáo không có khuynh hướng bạo động. “Nếu Palmier nói như thế về các nhóm tôn giáo khác, bà ta có lẽ đã bị sa thải” vì các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ khắp nước Mỹ và cả trên thế giới. Ông nói thêm:
“Người Công Giáo chúng tôi sẽ nhìn xem liệu Hillary Clinton có nghĩ rằng niềm tin tôn giáo của chúng tôi phải được tôn trọng, hay là bà ta cho rằng bà ấy có quyền chế nhạo chúng tôi.”
3. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ về vụ ‘Hilary Clinton email leaks’
Trước việc Wikileaks công bố hàng chục ngàn các thư điện tử bị rò rỉ cho thấy tâm tình chống báng các học thuyết xã hội Công Giáo, khinh miệt các Giám Mục Công Giáo, và nguy hiểm hơn là âm mưu của đảng Dân Chủ Mỹ muốn gieo những “mầm mống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville, là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ ra tuyên bố như sau:
Tại thời điểm quan trọng này trong lịch sử của dân tộc, tôi khích lệ tất cả chúng ta dành ra một chút thời gian để suy tư về một trong những nguyên tắc sáng lập ra nền cộng hòa của chúng ta – đó là quyền tự do tôn giáo. Nguyên tắc này bảo đảm những quyền của cộng đồng đức tin có thể bảo vệ sự toàn vẹn niềm tin của mình và được tự quản một cách chính đáng. Có những báo cáo gần đây cho thấy một số người có thể đã tìm cách can thiệp vào đời sống nội bộ của Giáo Hội vì những lợi ích chính trị ngắn hạn của họ. Nếu đúng như thế, đây là điều đang gây khó khăn cho cuộc sống của các cộng đồng đức tin và cả lợi ích quốc gia của chúng ta.
Chúa Kitô đã ban cho chúng ta một ân sủng quý giá là đức tin và Giáo Hội của chúng ta. Là người Công Giáo, chúng ta giữ vững niềm tin của mình bởi vì niềm tin ấy đến với chúng ta từ Chúa Giêsu, chứ không phải từ một sự đồng thuận giả tạo dựa trên các chuẩn mực hiện tại. Tin Mừng được ban cho tất cả mọi dân tộc xuyên suốt thời gian. Tin Mừng mời gọi chúng ta yêu thương người lân cận và sống hòa bình với nhau. Vì lý do này, sự thật của Chúa Kitô không bao giờ là lỗi thời hoặc không thể tiếp cận được. Tin Mừng phục vụ lợi ích chung, chứ không phải là các chương trình nghị sự chính trị.
Tôi khích lệ anh chị em Công Giáo chúng ta, và tất cả mọi người thiện chí, hãy trở thành những người gìn giữ các quyền quý giá, mà chúng ta được thừa kế trong tư cách là công dân của đất nước này. Chúng tôi cũng hy vọng các viên chức công quyền biết tôn trọng quyền của người dân được sống đức tin của họ mà không cần sự can thiệp nào của nhà nước. Khi cộng đồng đức tin bị mất đi quyền này, chính ý tưởng là một người Mỹ sẽ bị đánh mất.
Các chính trị gia, các nhân viên và tình nguyện viên của họ nên phản ảnh nguyện vọng tốt nhất của chúng tôi trong tư cách là những công dân. Quá nhiều những diễn văn chính trị trong những ngày này đã khinh miệt phụ nữ và gạt ra ngoài lề xã hội những người có đức tin. Điều này phải được thay đổi. Theo đúng những hy vọng đẹp nhất của những người sáng lập ra quốc gia chúng ta, chúng ta tin chắc rằng chúng ta có thể và sẽ làm tốt hơn với tư cách là một quốc gia.
+ Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ
4. Tòa Thánh kêu gọi nỗ lực mới chống lại nạn buôn bán vũ khí và loại bỏ vũ khí hạt nhân.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi những nỗ lực mới nhằm chống lại nạn buôn bán vũ khí và loại bỏ vũ khí hạt nhân.
Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza đưa ra nhận xét như trên hôm 11 tháng 10 trong một cuộc thảo luận bàn về việc phổ biến các loại vũ khí.
“Trong khi đã có tiến bộ trong việc hạn chế buôn bán vũ khí, các loại mìn, và bom bi, việc tiếp tục buôn bán các vũ khí nhỏ và gây cháy vẫn còn ở mức đáng lo ngại”. Ngài nhấn mạnh rằng “Ngày càng có nhiều các vũ khí thông thường nhưng mạnh mẽ và tinh vi hơn. Điều này là một đe dọa nghiêm trọng cho toàn bộ cộng đồng. Nhiều bệnh viện, trường học và các cơ sở hạ tầng dân sự đã bị phá hủy với các vũ khí thông thường. Do đó, giờ đây chúng phải được lên án cùng với các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Ngài nói thêm:
Tòa Thánh tin rằng răn đe hạt nhân và đe dọa hủy diệt lẫn nhau trong quan hệ quốc tế không thể là cơ sở cho một nền đạo đức của tình huynh đệ và chung sống hòa bình. Chúng ta cần phải hoạt động khẩn trương và không ngừng để tìm ra con đường hợp pháp nhằm loại bỏ tất cả các loại vũ khí hạt nhân.
5. Hội Đồng Giám Mục Nigeria lên án việc bắt giữ hàng loạt các thẩm phán
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Nigeria đã lên án việc chính quyền bắt giữ hàng loạt các thẩm phán sau khi cáo buộc họ tội tham nhũng.
“Chúng tôi đã nói rất rõ với Tổng thống trong nhiều cuộc họp khác nhau rằng các quy tắc pháp luật phải được tôn trọng”, Đức Tổng Giám Mục Ignatius Kaigama của Jos cho biết như trên trong một bài đăng trên tờ Nigeria Daily hôm 13 tháng 10.
Ngài nhấn mạnh rằng:
“Tôi lên án bất cứ hoạt động nào thiếu cơ sở pháp lý. Chúng ta không phải là một nước cộng hòa vô luật pháp; chúng ta là một quốc gia nghiêm chỉnh với dân số lên đến hàng trăm triệu người và chúng ta phải theo các tiêu chuẩn quốc tế. Chúng ta phải nhìn nhận và hoạt động theo đúng các thủ tục.”
6. Vua Bahrain tặng đất xây nhà thờ
Vua Hamad bin Isa al Khalifa của Bahrain đã hiến đất cho việc xây dựng một nhà thờ Chính Thống Coptic. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết như trên hôm 13 tháng 10.
Nhà thờ này sẽ được xây dựng ở thủ đô Manama, nhằm phục vụ khoảng 1,500 gia đình Coptic sống ở Bahrain và Ả rập Xê út. Đây sẽ là nhà thờ Kitô Giáo thứ 2 được xây dựng tại Bahrain. Năm 2013, vua đã hiến đất cho Giáo Hội Công Giáo xây dựng một nhà thờ ở Awali.
Theo thống kê hồi tháng 7 năm nay, Bahrain có 1,378,000 dân trong đó 50% là người sang lao động. 70.3% dân số theo Hồi Giáo, 14.5% là các tín hữu Kitô.
7. Đức Thánh Cha thăm các trẻ em làng SOS
Hôm thứ Sáu 14 tháng 10, Đức Thánh Cha đã thăm các trẻ em trong “làng SOS”, một khu dân cư của Rôma dành cho việc chăm sóc các trẻ em có những khó khăn cá nhân, gia đình hoặc nguồn gốc xã hội. Chuyến thăm bất ngờ của ngài là một phần trong các ngày “Thứ Sáu Lòng Thương Xót”. Đó là sáng kiến của Đức Thánh Cha muốn thực hiện một cử chỉ cụ thể của lòng thương xót mỗi tháng vào một ngày thứ Sáu trong Năm Thánh này.
Trong chuyến thăm của ngài đến trung tâm, Đức Thánh Cha đã đi một vòng quanh các của các cơ sở bao gồm một sân bóng đá nhỏ và một sân chơi. Những đứa trẻ sống ở đó cho Đức Thánh Cha thấy phòng và đồ chơi của các em và ngài lắng nghe các em nói về những câu chuyện cá nhân của chúng. Trước khi trở về Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã có một bữa ăn nhẹ buổi chiều với trẻ em.
Nằm ở phía tây bắc Rôma, làng SOS được tạo thành từ 5 nhà trọ, mỗi nhà tối đa là sáu trẻ em dưới 12 tuổi sống chung với một người giám sát được biết đến như một người mẹ SOS. Những đứa trẻ sống trong trung tâm được chăm sóc và hỗ trợ trong cùng một cách như một gia đình thật sự. Các em được đưa đến trường, đến các giáo xứ địa phương và chơi thể thao. Tất cả các nhân viên làm việc tại trung tâm chăm sóc cho trẻ em này đều sống với các em trong một thời gian dài để tạo ra một mối quan hệ ổn định với các em và giúp họ tự chủ hơn khi chúng lớn lên.
8. Chiến dịch giải phóng Mosul bắt đầu, khủng bố Hồi Giáo IS chống cự quyết liệt
Chiến dịch giải phóng Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, đã chính thức bắt đầu vào sáng sớm ngày thứ Hai 17 tháng 10.
Quân Kurd tiến từ phía Đông vào thành phố Mosul. Trong khi đó 42,000 quân Iraq và các đơn vị quân tình nguyện Hồi Giáo Shiite tiến từ phía Nam.
Một sĩ quan người Kurd, là Đại tá Salar Jabar, cho biết trong 24 giờ đầu tiên của chiến dịch giải phóng Mosul, 5 người lính Kurd bị thiệt mạng và 5 người khác bị thương. 20 quân khủng bố Hồi Giáo IS bị bắt làm tù binh và con số thương vong của IS được ghi nhận là đáng kể. Chiến thuật phòng thủ của IS là đặt trên đường đi những hầm chông, và những mìn tự chế. Đồng thời, ít nhất là 5 xe chứa đầy bom đã được quân khủng bố Hồi Giáo IS lái đâm thẳng vào quân Kurd để cản trở đà tiến của đối phương.
Trong thông báo dành cho giới báo chí, quân Kurd cho biết trong 24 giờ đầu tiên họ đã giải phóng được 9 làng trên một diện tích 220 km2.
Quân Iraq tiến từ phía Nam Mosul được ghi nhận là vấp phải sức đối kháng mạnh hơn của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Theo kế hoạch, quân Kurd và quân tình nguyện Hồi Giáo Shiite sẽ đánh đến ngoại ô thành Mosul nhưng không vào thành. Việc chiến đấu với khoảng 6,000 quân khủng bố Hồi Giáo IS trong thành Mosul sẽ do một lực lượng chống khủng bố của quân Iraq đảm trách. Dàn xếp này thể hiện hai quan ngại của chính quyền Baghdad. Thứ nhất là quan ngại tranh chấp lãnh thổ trong tương lai với người Kurd. Thứ hai, trong trận chiến tại tỉnh Anbar, quân tình nguyện Hồi Giáo Shiite đã tàn sát một số thường dân theo Hồi Giáo Sunni vì hận thù tôn giáo. Chính quyền Baghdad không muốn thấy điều này tái diễn tại Mosul.
9. Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới về lương thực
Đức Thánh Cha kêu gọi chữa trị tận căn các hiện tượng thay đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống của nhân loại trên thế giới.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp nhân ngày thế giới về lương thực sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 16-10, nhưng được công bố sáng 14-10, tại trụ sở tổ chức Lương nông quốc tế, gọi tắt là FAO, ở Roma. Hiện diện tại buổi cử hành này có nhiều nhân vật trong đó có Ông Matteo Renzi, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Italia.
Ngày thế giới về lương thực năm nay có chủ đề là “Khí hậu đang thay đổi. Lương thực và canh nông cũng vậy”.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người suy tư về trách nhiệm của con người, cá nhân và tập thể, đối với hiện tượng thay đổi khi hậu. Ngài viết: “Trước tiên chúng ta phải nhận rằng nhiều hậu quả tiêu cực đối với khí hậu xuất phát từ thái độ thường nhật của con người, cộng đoàn, các dân tộc và quốc gia.. Cần phải hành động về phương diện chính trị, nghĩa là đưa ra những chọn lựa cần thiết, nên tránh hoặc cổ võ những thái độ và lối sống, có lợi cho các thể hệ trẻ và các thế hệ sẽ đến sau. Chỉ như thế chúng ta mới có thể bảo tồn trái đất”.
Đức Thánh Cha phê bình lối sống theo tiêu chuẩn tiêu thụ, sản xuất với bất kỳ giá nào, viện cớ là dân số gia tăng, nhưng thực ra người ta chỉ nhắm gia tăng lợi tức. Trong lãnh vực hoạt động của tổ chức FAO, càng ngày càng có những người nghĩ là mình toàn năng, và có thể không đếm xỉa gì đến các chu kỳ mùa hoặc thay đổi không cách không thích hợp các loại động vật và thực vật, làm biến mất các loại khác nhau trong thiên nhiên. Sản xuất chất lượng mang lại kết quả rất tốt trong phòng thí nghiệm và có thể có lợi cho một số người, nhưng chúng lại cho hậu quả tai hại đối với người khác”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến sự kiện những người di cư vì khí hậu ngày càng gia tăng, và làm cho số người rốt cùng, bị loại trừ, ngày càng đông đảo. Họ bị chối bỏ, không được một vai trò nào trong đại gia đình nhân loại.
Đức Thánh Cha khẳng định rằng “cảm động trước những người phải xin cơm bánh hằng ngày đó là điều không đủ, còn phải có những chọn lựa và hành động nữa. Nhiều lần, trong tư cách là Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi đã nhắc nhớ rằng các mức độ sản xuất trên thế giới có khả năng đảm bảo lương thực cho tất cả mọi người, miễn là có sự phân phối công bằng. Nhưng trong thực tế, người ta tiếp tục dùng thực phẩm vào những mục tiêu không phải nuôi dưỡng con người, hoặc phá hủy thực phẩm chỉ vì chúng thặng dư so với lợi nhuận và không quan tâm đến những người đang cần thực phẩm.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: Tất cả mọi người đều được mời gọi cộng tác: các vị hữu trách chính trị, các nhà sản xuất, các nông dân, ngư dân, và những người làm việc trong ngành lâm sản, nghĩa là tất cả mọi công dân. Mỗi người, theo trách nhiệm của mình, nhưng tất cả đều có một vai trò của người xây dựng một trật tự giữa còng các quốc gia và một trật tự quốc tế, không để cho sự phát triển trở thành lãnh vực riêng của một thiểu số và cũng không để cho các tài nguyên thiên nhiên là gia sản riêng của những kẻ cường quyền”.
10. Sứ thần Tòa Thánh tại Syria phê bình Mỹ và Nga
Đức Hồng Y tân cử, Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Syria, mạnh mẽ phê bình liên minh quốc tế trong cuộc chiến tại Syria.
Tuyên bố với báo “Người đưa tin chiều” (Corriere della sera) số ra ngày 10-10-2016 ở Italia, Đức Hồng Y Zenari nói rằng Nga và Mỹ đều tham gia cuộc chiến “nhờ người đánh thay” qua những nước mạnh ở địa phương như Arập Sauđi liên minh với Mỹ và Iran liên minh với Nga. Mỗi phe đều lo bảo vệ quyền lợi riêng tư và chiến lược địa lý chính trị. “Danh xưng chung” của hai phe là những vụ vi phạm các quyền con người qua các vụ pháo kích và dội bom vào các trường học, nhà thương, và chợ búa. Đức Sứ Thần nói: “Cả chiến tranh cũng có các qui luật của nó, nhưng nay chiến tranh đi quá trớn”.
Đức Hồng Y tân cử Zenari kêu gọi cộng đồng quốc tế tái nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho chiến cuộc tại Syria, đây là con đường duy nhất để chấm dứt chiến tranh và để các viện trợ nhân đạo được đưa tới cho các nạn nhân chiến tranh.
Đức Sứ thần Zenari gọi việc Đức Thánh Cha chọn ngài vào số các Hồng Y mới như một quan tâm của Người đối với dân chúng, các trẻ em, những người vô tội bị giết, dù họ là Kitô hữu hay không Kitô.
11. Đức Thánh Cha giúp 100 ngàn mỹ kim cho nạn nhân ở Haiti
Nhân danh Đức Thánh Cha, Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, trợ giúp 100 ngàn mỹ kim cho các nạn nhân cuồng phong Matthew ở Haiti.
Thiên tai này đã làm cho 1 ngàn người thiệt mạng. Trong thông cáo công bố hôm 14-10, Hội đồng Cor Unum cho biết ngân khoản vừa nói sẽ được phân phát qua Giáo Hội địa phương và với sự cộng tác của tòa Sứ thần Tòa Thánh, cho các giáo phận bị thiệt hại nặng vị thiên tai nhiều hơn. Việc trợ giúp này biểu lộ cụ thể sự gần gũi của Đức Thánh Cha với những người bị nạn và đồng thời khích lệ những người bị thương tổn.
Hội đồng Cor Unum cũng cho biết ngay sau trận cuồng phong, Caritas Haiti với sự cộng tác của Caritas quốc tế, đã đưa ra lời kêu gọi cứu trợ ngay để giúp 2.700 gia đình tức là 13.500 người, các thùng thực phẩm, đồ vệ sinh và các chương trình phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.
12. Tổng giáo phận Florence khẳng định không thay đổi trong chính sách về rước lễ đối với những người đã ly dị và tái hôn
Tổng Giáo Phận Florence, Ý đã chỉ thị cho các linh mục nêu cao giáo huấn truyền thống theo đó người Công Giáo đã ly dị và tái hôn không thể rước lễ, ngoại trừ trường hợp họ đồng ý sống với nhau như anh trai và em gái.
Các hướng dẫn cho việc thực hiện tông huấn Amoris Laetitia ở Florence đã được đưa ra bởi Đức Hồng Y Ennio Antonelli, cựu chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, với sự chấp thuận của Đức Tổng Giám Mục giáo phận, là Đức Hồng Y Giuseppe Betori.
Chính sách ở Florence được xem là khác với Giáo phận Roma, nơi mà Đức Hồng Y Agostino Vallini, đại diện của Đức Thánh Cha, nói rằng trong những trường hợp bất thường một cha giải tội có thể cho người ly dị và tái hôn được rước lễ nếu việc sống chế dục là một điều “khó thực hiện vì sự ổn định của các cặp vợ chồng.”
13. Đức Thánh Cha kêu gọi giải quyết vấn đề trẻ em di cư
Trong sứ điệp nhân ngày Thế Giới di dân và tị nạn lần thứ 103 công bố ngày 13-10, và sẽ được cử hành vào ngày 15-1 năm tới, 2017, với chủ đề “Những trẻ vị thành niên di cư, dễ bị tổn thương và không có tiếng nói”, Đức Thánh Cha kêu gọi tiếp nhận, hội nhập và tìm giải pháp lâu dài cho các trẻ em di dân không có người tháp tùng.
Ngài tố giác nạn bóc lột vô lương tâm đối với bao nhiêu trẻ em nam nữ: nhiều em bị đưa vào vòng mại dâm, hoặc các hoạt động dâm ô, bị cưỡng bách lao động như nô lệ hoặc bị xung vào quân ngũ, bị đưa vào vòng buôn bán ma túy hoặc những các hình thức bất lương khác, các trẻ em buộc lòng phải trốn chạy các cuộc xung đột và bách hại, với nguy cơ bị lẻ loi và bị bỏ rơi.
Đức Thánh Cha cho biết nhân Ngày Thế giới về di dân và tị nạn sắp tới, ngài đặc biệt kêu gọi mọi người lưu tâm đến thực trạng của các trẻ em di dân, nhất là những em đi một mình, đồng thời ngài xin mọi người hãy chăm sóc các em là những người ở trong tình trạng vô phương thế tự vệ, gấp 3 lần cho với người lớn, vì các em là trẻ vị thành niên, là người ngoại quốc và dễ bị tổn thương nhất, khi các em phải rời xa nguyên quán và tách rời khỏi tình thương của gia đình.
Đức Thánh Cha kêu gọi thực hiện các biện pháp để bảo đảm cho các trẻ em di dân được bảo vệ, bênh vực, được hội nhập, đồng thời tìm kiến những giải pháp lâu dài. Ngài viết: “Vì đây là một hiện tượng phức tạp, vấn đề di cư của trẻ vị thành niên cần phải được đối phó tận gốc rễ. Chiến tranh, các vụ vi phạm nhân quyền, nạn tham nhũng, nghèo đói, chênh lệch và thiên tai thuộc vào số những nguyên nhân tạo nên vấn đề. Các trẻ em là những người đầu tiên phải chịu đau khổ, nhiều khi các em bị tra tấn và đánh đập, kèm theo những hành hạ về tâm lý và tinh thần, để lại nơi các em những vết tích hầu như không thể xóa nhòa”.
Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Một điều tuyệt đối cần thiết là giải quyết tận căn các vấn đề ở các nước nguyên quán, những nguyên nhân tạo nên hiện tượng di cư. Điều này trước tiên đòi hỏi sự dấn thân của toàn thể cộng động quốc tế chấm dứt các xung đột và những bạo lực khiến cho người dân phải trốn chạy.
“Ngoài ra cần có một cái nhìn trông xa nhìn rộng, có khả năng dự kiến những chương trình thích hợp cho những vùng bị những bất công nặng nề nhất và sự bất an, để tất cả được bảo đảm một sự phát triển đích thực, thăng tiến thiện ích của các trẻ em nam nữ, vốn là niềm hy vọng của nhân loại.
Sau cùng, Đức Thánh Cha khích lệ những người đồng hành và săn sóc các trẻ em nam nữ di dân. Ngài viết: “Các em đang cần sự giúp đỡ quí giá của anh chị em, và cả Giáo Hội cũng cần anh chị em, đồng thời nâng đỡ anh chị em trong việc phục vụ quảng đại anh chị em đang thực hiện. Đừng mệt mỏi trong việc can đảm sống chứng tá Tin Mừng, mời gọi anh chị em nhìn nhận và đón tiếp Chúa Giêsu hiện diện nơi những người bé nhỏ và dễ bị tổn thương nhất”.
14. Đức Thánh Cha kêu gọi Công Giáo và Luther làm chứng tá chung
Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther làm chứng tá chung và ngài khích lệ giới trẻ trở thành chứng nhân về lòng thương xót của Chúa.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 13-10, dành cho đoàn 1 ngàn người gồm các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther từ miền Đông Đức, quê hương của Luther về Roma hành hương trong 1 tuần lễ nhân dịp kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther.
Cuộc hành hương mang tựa đề “Với Luther đến gặp Đức Giáo Hoàng”. Đây là một dự án đạt kết lớn nhất trong khuôn khổ năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Tin Lành. 50% những người trẻ tham dự đoàn hành hương này dưới 30 tuổi. Đồng hành với họ về phía Công Giáo có Đức Cha Gerhard Feige, Giám Mục giáo phận Magdeburg, và về phía Tin Lành Luther có nữ Giám Mục Ilse Junkermann.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha “dâng lời cảm tạ Chúa vì ngày nay các tín hữu Luther và Công Giáo đang tiến bước trên con đường từ xung đột đến hiệp thông. Chúng ta đã cùng nhau đi qua một đoạn đường quan trọng. Dọc đường chúng ta cảm thấy những tâm tình trái ngược: đau khổ vì còn chia rẽ giữa chúng ta, nhưng vui mừng vì tình huynh đệ đã tìm lại được.”
Đức Thánh Cha nhắc đến Giáo huấn của Thánh Phaolô Tông đồ, theo đó “do bí tích rửa tội, tất cả chúng ta họp thành Thân Mình duy nhất của Chúa Kitô. Các chi thể khác nhau họp thành một thân mình duy nhất, vì thế chúng ta thuôc về nhau và khi một chi thể đau khổ, thì tất cả cùng đau khổ, khi một chi thể vui mừng thì tất cả đều vui mừng (Xc 1 Cr 12,12-26). Chúng ta có thể tiến bước trong tin tưởng trên con đường đại kết, vì chúng ta biết rằng ngoài những vấn đề còn bỏ ngỏ chia rẽ chúng ta, chúng ta đã hiệp nhất với nhau. Điều liên kết chúng ta thì nhiều hơn là những điều chia rẽ chúng ta”.
Đức Thánh Cha cũng đề cập đến khởi đầu cuộc tưởng niệm cải cách của Luther sẽ diễn ra tại Thụy Điển vào cuối tháng 10 này mà ngài sẽ tham dự. Ngài nói: “Phần cốt yếu của lễ tưởng niệm này sẽ là hướng cái nhìn của chúng ta về tương lai, để làm chứng tá Kitô chung cho thế giới ngày nay, một thế giới đang khao khát Thiên Chúa và lòng thương xót của Người. Chứng tá mà thế giới đang chờ đợi nơi chúng ta, chủ yếu là hữu hình hóa lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta qua việc phục vụ những người nghèo khổ nhất, các bệnh nhân, những người đã bỏ quê hương để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và những người thân yêu”.
Sau cùng Đức Thánh Cha khích lệ những người trẻ hãy trở thành chứng nhân về lòng thương xót và nói rằng: “Trong khi các nhà thần học tiếp tục đối thoại trong lãnh vực đạo lý, các bạn hãy kiên trì tìm kiếm những cơ hội để gặp gỡ nhau, hiểu biết nhau nhiều hơn, cùng cầu nguyện và giúp đỡ nhau, cũng như trợ giúp tất cả những người đang cần. Như thế, được giải thoát khỏi mọi thành kiến và các bạn chỉ tín thác nơi Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô là Đấng loan báo an bình và hòa giải, các bạn sẽ nắm giữ vai chính trong giai đoạn mới trên hành trình dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn, với ơn phù trợ của Chúa”.
15. Dân chúng ở Aleppo kiệt quệ
Đức Cha Antoine Audo, thuộc Giáo Hội Công Giáo Canđê tại thành Aleppo, Syria, cho biết dân chúng tại đây đã kiệt quệ và ngài kêu gọi chấm dứt xung đột.
Khu vực phía đông Aleppo với khoảng 275 ngàn dân cư bị phiến quân chiếm đóng và từ lâu bị không quân Nga và quân đội chính phủ oanh tạc và pháo kích, nguyên trong 2 tuần qua đã có 377 người thiệt mạng. Tổ chức Bác sĩ không biên giới tìm cách chuyển các đồ cứu trợ đến khu vực phía đông, trong khi các chính phủ Tây phương cáo buộc Nga về tội gọi là “tội ác chống lại nhân loại”. Theo Liên Hiệp Quốc, các cuộc pháo kích của Nga và quân đội Syria sẽ làm cho hàng ngàn người chết từ đây tới cuối năm.
Chính phủ Nga nói về các mục tiêu chống các lực lượng khủng bố và tăng cường sự hiện diện tại Syria với việc thiết lập một căn cứ hải quân tại cảng Tartus.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Cha Audo cho biết ngài không biết rõ tình hình khu vực phía đông Aleppo và có bao nhiêu nhóm võ trang tại đó. Nhưng cả tại khu vực phía tây Aleppo cũng không có điện nước và chẳng ai nói về tình hình dân chúng tại đây. Tổng cộng có 2 triệu người còn lại trong toàn bộ thành Aleppo.
Đức Cha Audo cũng là Giám đốc Caritas Syria. Ngài nhìn nhận Caritas không thể hoạt động tại khu vực đông Aleppo vì tình hình rất nguy hiểm do các nhóm võ trang, và nhất là Caritas thuộc Kitô giáo và độc lập.
Đức Cha nói: “Chúng tôi ở trong tình trạng nguy hiểm liên tục. Sự kiện này tạo nên một bầu không khí lo sợ, và đa số các tín hữu Kitô đã rời bỏ khu vực này. Những người có phương tiện đều ra đi và đây là một đau khổ lớn của chúng tôi”.
16. Cha Artuno Sosa được bầu làm Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên
Tổng Hội Dòng Tên thứ 36 đã bầu cha Artuno Sosa, một tu sĩ Dòng Tên thuộc tỉnh Dòng Venezuela làm tân Bề Trên Tổng Quyền.
Với việc bầu Cha Sosa làm Bề trên Cả, Tổng Hội 36 đã hoàn tất một trong những nhiệm vụ chính của mình trong khi những vấn đề khác vẫn còn tiếp tục. Các đại biểu sẽ thảo luận về những vấn đề liên quan đến sứ mạng, quản trị và tình trạng của Dòng. Các chủ đề sẽ trải dài từ những thay đổi về việc phân bố nhân sự của Dòng cho đến những thách đố trong các sứ vụ quốc tế, cũng như đáp ứng của Dòng Tên đối với một thế giới thay đổi nhanh chóng, những bận tâm về môi trường, đói nghèo và bạo lực.
Cha Sosa chào đời ngày 12 tháng 11 năm 1948 tại Caracas, Venezuela. Cho đến khi được bầu làm Bề trên Tổng quyền, Cha Sosa đã phục vụ trong tư cách là Thụ uỷ đặc trách các nhà quốc tế của Dòng Tên tại Rôma và Tổng Cố vấn của Dòng. Cha tốt nghiệp cao học về triết học tại Đại học Công Giáo Andrés Bello năm 1972. Sau đó, Cha tốt nghiệp tiến sĩ về Khoa học Chính trị tại Đại học Trung ương Venezuela năm 1990. Cha Sosa nói được tiếng Tây Ban Nha, Ý, Anh và hiểu được tiếng Pháp.
Năm 2008, tại Tổng Hội 35, Cha Bề trên Cả Adolfo Nicolás đã bổ nhiệm Cha Arturo Sosa làm Tổng Cố vấn. Năm 2014, Cha Sosa chuyển về cộng đoàn Trung ương Dòng và đảm nhận trách vụ Thụ uỷ các Nhà Quốc tế của Dòng tại Rôma gồm: Đại học Giáo hoàng Gregorian, Học viện Giáo hoàng Thánh Kinh, Học viện Giáo hoàng Đông Phương, Đài Quan sát Vatican, tạp chí Civiltà Cattolica cũng như học viện quốc tế Dòng Tên tại Rôma.
Giữa năm 1996 đến năm 2004, ngài làm giám tỉnh Dòng Tên tại Venezuela. Trước đó, ngài là người điều phối sứ vụ tông đồ xã hội của tỉnh Dòng, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Xã hội Gumilla, một trung tâm nghiên cứu và hoạt động xã hội của Dòng Tên tại Venezuela.
Cha Arturo Sosa đã cống hiến phần lớn cuộc sống của ngài cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Ngài đã đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong giới học thuật. Ngài là giáo sư và thành viên hội đồng Quỹ Công Giáo Andrés Bello và Viện trưởng Đại học Công Giáo Tachira. Ngài đã theo đuổi việc nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực khoa học chính trị tại nhiều trung tâm và viện giáo dục khác nhau trong tư cách là giáo sư về Học thuyết Chính trị đương đại thuộc phân khoa Khoa học Xã hội.
Năm 2004, ngài được Trung tâm Nghiên cứu về Châu Mỹ Latinh mời làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Georgetown Hoa Kỳ lúc làm giáo sư tại Khoa Tư tưởng Chính trị tại Đại học Công Giáo Tachira, Veneduela.