PHẦN II

Gia đình trong kế hoạch Thiên Chúa

35. Việc biện phân ơn gọi gia đình trong nhiều tình huống ta gặp ở phần đầu cần một hướng dẫn vững chắc về cả con đường lẫn việc đồng hành. La bàn ấy chính là Lời Thiên Chúa trong lịch sử, một Lời mà đỉnh cao là chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng là “Đường, Sự Thật, và Sự Sống” của mọi người nam nữ lập gia đình. Bởi thế, chúng tôi lắng nghe những điều Giáo Hội giảng dạy về gia đình dưới ánh sáng Thánh Kinh và Thánh Truyền. Chúng tôi tin chắc rằng Lời này đáp ứng mọi khát mong sâu xa nhất của con người liên quan tới tình yêu, sự thật và lòng thương xót, và đánh thức khả thể hiến tặng và chào đón cả nơi các tâm hồn tan nát và bị hạ nhục. Dưới ánh sáng này, chúng tôi tin rằng Tin Mừng gia đình đã khởi đầu từ việc dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa, Đấng vốn là tình yêu, và là Đấng đã mời gọi người đàn ông và người đàn bà yêu nhau theo hình ảnh của Người (xem St 1:26-27). Ơn gọi vợ chồng và gia đình bước vào hiệp thông tình yêu và sự sống sẽ kéo dài suốt mọi giai đoạn trong kế hoạch của Thiên Chúa, bất chấp các giới hạn và tội lỗi của nhân loại. Ơn gọi này, ngay từ đầu, đã được đặt nền trên Chúa Kitô Cứu Chuộc (xem Eph 1:3-7). Chính Người đã phục hồi và hoàn thiện giao ước hôn nhân ngay từ những ngày đầu của nó (xem Mc 10:6), đã chữa lành trái tim con người (xem Ga 4:10), đã ban cho nó khả năng yêu thương như Người yêu thương Giáo Hội, bằng cách hiến mình cho Giáo Hội (Eph 5:32).

36. Ơn gọi này nhận được hình thức Giáo Hội và truyền giáo từ sợi dây bí tích; sợi dây này thánh hiến mối liên hệ hôn nhân bất khả tiêu giữa hai người phối ngẫu. Đối với họ, việc trao đổi lời ưng thuận, điều thiết lập ra hôn nhân, có nghĩa họ cam kết hiến thân cho nhau và chấp nhận nhau, một cách toàn diện và dứt khoát trong “một thân xác” (St 2:24). Ơn Chúa Thánh Thần làm cho cuộc kết hợp của hai người phối ngẫu trở thành dấu chỉ sống động của dây liên kết giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Do đó, cuộc kết hợp suốt đời của họ trở nên mạch suối của vô vàn ơn thánh: ơn sinh hoa trái và làm chứng, ơn chữa lành và tha thứ. Hôn nhân tự thể hiện trong cộng đồng sự sống và tình yêu, và gia đình trở thành người truyền giảng Tin Mừng. Nhờ trở nên môn đệ của Người, vợ chồng được Chúa Giêsu đồng hành trên đường Emmau, họ nhận ra Người lúc bẻ bánh, và trở lại Giêrusalem trong ánh sáng phục sinh (xem Lc 24: 13-43). Giáo Hội công bố cho gia đình sợi dây liên kết của mình với Chúa Kitô, nhờ việc Nhập Thể, qua đó, Người là thành viên của Thánh Gia Nadarét. Trong sợi dây bất khả tiêu nối kết vợ chồng, đức tin nhận ra sự phản ảnh của tình yêu Chúa Ba Ngôi, được mạc khải qua sự hợp nhất của sự thật và lòng thương xót do Chúa Giêsu công bố. Thượng Hội Đồng là người giải thích chứng tá của Giáo Hội, một chứng tá đem đến cho dân Chúa một sứ điệp rõ ràng về sự thật gia đình theo Tin Mừng. Không một khoảng cách nào ngăn cản gia đình không được lòng thương xót này vươn tới và không được sự thật này đụng tới.

Chương 1

Gia đình trong lịch sử cứu rỗi

Sư phạm Thiên Chúa


37. Vì trật tự tạo dựng được xác định bởi xu hướng của nó hướng về Chúa Kitô, nên điều chủ yếu là phải phân biệt mà không tách biệt các giai đoạn khác nhau qua đó, Thiên Chúa thông truyền cho nhân loại ơn phúc giao ước. Về sư phạm Thiên Chúa, theo đó, kế hoạch tạo dựng đã được hoàn tất trong kế hoạch cứu chuộc, qua nhiều giai đoạn nối tiếp nhau, điều cần là phải hiểu tính mới mẻ của bí tích hôn phối trong liên tục tính của nó với hôn nhân tự nhiên nguyên thủy, đặt căn bản trên trật tự tạo dựng. Theo lối nhìn này, ta có thể hiểu cung cách Thiên Chúa hành động cứu rỗi trong cuộc sống Kitô hữu. Vì mọi sự đều đã được dựng nên nhờ Chúa Kitô và vì Chúa Kitô (xem Cl 1:16), Kitô hữu rất “vui mừng khám phá ra và sẵn sàng tôn trọng các hạt giống Lời Chúa ẩn tàng kia; đồng thời, họ nên hiểu rõ các thay đổi sâu xa đang diễn ra nơi các dân tộc” (AG, 11). Việc tháp nhập tín hữu vào Giáo Hội nhờ Phép Rửa được hoàn tất trọn vẹn với các bí tích khai tâm khác. Trong Giáo Hội tại gia là gia đình này, người tín hữu nhận lãnh “diễn trình đầy năng động ấy, một diễn trình diễn ra từ từ qua việc tháp nhập một cách tiệm tiến các ơn phúc của Thiên Chúa” (FC 9), nhờ việc hoán cải không ngừng, biết quay về với tình yêu cứu ta khỏi tội và ban cho ta sự sống viên mãn. Trong các thách đố xã hội và văn hóa hiện nay, đức tin dõi mắt nhìn vào Chúa Giêsu Kitô để chiêm ngưỡng và thờ lạy gương mặt Người. Người từng dõi nhìn những người đàn ông và đàn bà Người gặp một cách đầy yêu thương và dịu dàng, đồng hành với họ trong sự thật, kiên nhẫn và thương xót, trong khi vẫn công bố các đòi hỏi của Nước Thiên Chúa. Mỗi lần, ta quay trở về với mạch suối kinh nghiệm Kitô Giáo, những nẻo đường mới và những cơ hội không ngờ tới đều được mở ra cho ta” (Đức Phanxicô, Diễn văn tại Buổi Canh Thức Cầu Nguyện cho Thượng Hội Đồng về gia đình, 4 tháng 10, 2014).



Hình ảnh Chúa Ba Ngôi trong gia đình

38. Thánh Kinh và Thánh Truyền giúp ta có được sự hiểu biết về Chúa Ba Ngôi, vốn được mạc khải qua các đặc điểm giống như gia đình. Gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa, một hình ảnh cho thấy “trong mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Người, không phải là sự cô đơn, mà đúng hơn là một gia đình, vì trong Người, Người có cả tình Cha, tình Con và yếu tính của một gia đình là tình yêu” (Đức Gioan Phaolô II, Bài giảng trong Thánh Lễ tại Chủng Viện Palafoxiana ở Puebla de Los Angeles, 28 tháng 1, 1979). Thiên Chúa là một hiệp thông các ngôi vị. Trong phép rửa, tiếng Chúa Cha gọi Chúa Giêsu là Con yêu quí, và tước hiệu này được ban cho ta để ta nhận ra Chúa Thánh Thần trong tình yêu này (xem Mc 1:10-11). Chúa Giêsu, Đấng hòa giải mọi sự trong chính Người và đã cứu chuộc con người khỏi tội lỗi, không những phục hồi hôn nhân trở lại hình thù nguyên thuỷ, mà còn nâng nó lên hàng bí tích làm dấu chỉ tình yêu của Người dành cho Giáo Hội (Mt 19:1-12; Mc 10:1-12; Eph 5:21-32). Trong gia đình nhân loại, được Chúa Kitô soi sáng, “hình ảnh và họa ảnh” của Chúa Ba Ngôi được phục hồi (St 1:26), là mầu nhiệm từ đó mọi tình yêu đích thực phát sinh. Từ Chúa Kitô, qua Giáo Hội, hôn nhân và gia đình nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần, làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa cho tới lúc hoàn tất Giao Ước vào ngày cuối cùng của tiệc cưới Chiên Con (xem Kh 19:9; Đức Gioan Phaolô II, Giáo lý về tình yêu nhân bản). Giao ước tình yêu và lòng trung thành, vốn được Thánh Gia Nadarét đem ra sống, soi sáng cho buổi ban đầu, giúp lên khuôn cho mọi gia đình và làm gia đình có khả năng đương đầu với các thăng trầm của đời sống và lịch sử. Trên nền tảng này, mọi gia đình, ngay trong sự yếu đuối của họ, vẫn có thể trở thành ánh sáng soi cho đêm tối thế giới. “Ở đây, ta hiểu sống trong một gia đình có nghĩa gì. Nadarét nhắc nhở ta gia đình nghĩa là gì, hiệp thông tình yêu, vẻ đẹp chân phương và đơn giản của nó, tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của nó có nghĩa gì; nó làm ta nhìn thấy việc dưỡng dục trong gia đình ngọt ngào và bất khả thay thế biết chừng nào, nó dạy ta đó là nơi tự nhiên trong trật tự xã hội” (Đức Phaolô VI, Diễn văn tại Nadarét, 5 tháng 1, 1964).

Gia đình trong Thánh Kinh

39. Bằng tình yêu phong phú và sinh sản của họ, người đàn ông và người đàn bà tiếp tục công trình sáng tạo và cộng tác với Đấng Tạo Hóa trong lịch sử cứu rỗi qua các thế hệ nối tiếp nhau (xem St 1:28; 2:4; 9:17; 10; 17:2, 16; 25:11; 28:3, 35:9, 11; 47:27; 48:3-4). Bản chất đích thực của hôn nhân, trong hình thức mẫu mực của nó, đã được phác họa trong sách Sáng Thế, được chính Chúa Giêsu nhắc đến trong viễn kiến của Người về tình yêu hôn nhân. Người đàn ông cảm thấy mình không đầy đủ vì họ thấy thiếu một trợ thủ “tương xứng” với họ, một trợ thủ “đứng trước họ” (St 2:18, 20) trong một cuộc đối thoại bình đẳng. Do đó, người đàn bà chia sẻ cùng một thực tại như người đàn ông, được biểu thị một cách tượng trưng bằng chiếc xương sườn, tức cùng một xương thịt, như chính người đàn ông đã hát trong bài tình ca của mình: “Đây quả là thịt bởi thịt tôi, xương bởi xương tôi” (St 2:23). Do đó, cả hai nên “một xương thịt” (xem St 2:24). Thực tại nền tảng của kinh nghiệm hôn nhân này đã được hiển dương trong công thức thuộc về nhau, tìm thấy trong bài tự thú tình yêu mà người đàn bà xướng lên trong Diễm Ca. Lời lẽ của nàng lần giở lại những lời trong giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người (xem Lv 26:12): “Người tôi yêu là của tôi và tôi thuộc về chàng... Tôi thuộc người tôi yêu và người tôi yêu thuộc về tôi” (Dc 2:16; 6:3). Trong Ca Khúc tính dục, sự quấn quýt khôn nguôi giữa dục (eros) và yêu (love) giống như cuộc gặp gỡ thân xác trong dịu dàng, xúc cảm, say mê, linh thiêng và hoàn toàn hiến mình. Dù ý thức rằng có thể có những đêm đen xa vắng và đứt đoạn đối thoại giữa chàng và nàng (Dc 3 và 5), sự xác tín vào sức mạnh của tình yêu sẽ vượt thắng mọi trở ngại vẫn còn nguyên đó: “tình yêu mạnh như sự chết” (Dc 8:6). Khi ngợi ca giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Người, các tiên tri trong Thánh Kinh đã sử dụng không những tính biểu tượng của hôn nhân (xem Is 54; Gr 2:2; Ed 16) mà trọn cả kinh nghiệm gia đình nữa, như tiên tri Hôsê đã làm chứng một cách hết sức sâu sắc. Cuộc hôn nhân đầy cảm kích và kinh nghiệm cuộc sống gia đình của tiên tri (xem Hs 1-3) đã trở thành biểu tượng của mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Israel. Sự bất trung của dân không hủy diệt được tình yêu vô địch của Thiên Chúa, Đấng mà tiên tri mô tả như người Cha, người luôn hướng dẫn và cột chặt Người Con của mình vào chính Người “bằng những sợi dây của tình yêu” (xem Hs 11:1-4).

40. Trong các lời nói về sự sống đời đời mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ cùng với giáo huấn của Người về hôn nhân và gia đình, ta có thể nhận ra ba giai đoạn trong kế hoạch của Thiên Chúa. Khởi đầu, có gia đình nguyên thủy, khi Thiên Chúa Hóa Công thiết lập ra cuộc hôn nhân nguyên khởi giữa Ađam và Evà, làm nền tảng vững chắc cho gia đình. Thiên Chúa không những dựng nên con người có nam có nữ (xem St 1:27), mà còn chúc phúc cho họ để họ sinh hoa trái và nẩy nở (xem St 1:28). Do đó, “người đàn ông sẽ rời bỏ cha và mẹ mình để kết hợp với vợ, và cả hai sẽ trở nên một xương một thịt” (St 2:24). Sự kết hợp này, một sự kết hợp sau đó bị tội lỗi làm cho bị thương, đã kinh qua nhiều thăng trầm trong truyền thống Israel: giữa đơn hôn và đa hôn, giữa ổn định và ly dị, giữa tính hỗ tương và việc người đàn bà lệ thuộc người đàn ông. Việc Môsê nhượng bộ để người ta rẫy vợ (xem Đnl 24:1tt), một nhượng bộ kéo dài mãi tới tận thời Chúa Giêsu, phải được hiểu trong bối cảnh này. Cuối cùng, việc hòa giải thế giới sa ngã, bằng việc xuất hiện của Đấng Cứu Thế không những đã phục hồi kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa, mà còn dẫn lịch sử Dân Chúa tới chỗ thành toàn mới. Không nên coi tính bất khả tiêu của hôn nhân (xem Mc 10:2-9) như một gánh nặng đặt lên người ta mà đúng hơn như một hồng phúc được ban cho những người kết hợp trong hôn nhân.

Chúa Giêsu và gia đình

41. Gương sáng của Chúa Giêsu lên chương trình cho Giáo Hội. Con Thiên Chúa đã bước vào thế giới này qua một gia đình. Trong 30 năm Người sống ẩn dật ở Nadarét, tại một khu ngoại vi về xã hội, tôn giáo và văn hóa của Đế Quốc Rôma (xem Ga 1:46), Chúa Giêsu thấy nơi Đức Mẹ và Thánh Giuse một lòng trung thành sống nhờ yêu thương. Người đã khởi đầu cuộc sống công khai của Người bằng một dấu lạ ở Cana, trong một tiệc cưới (xem Ga 2:1-11). Người công bố tin mừng hôn nhân như là sự viên mãn của mạc khải nhằm phục hồi kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa (xem Mt 19:46). Người chia sẻ các dịp tỏ tình bạn bè hàng ngày với gia đình Ladarô và các chị của ông (xem Lc 10:38) và với gia đình Thánh Phêrô (xem Mt 8:14). Người lắng nghe tiếng than khóc của cha mẹ mất con cái, phục sinh chúng (xem Mc 5:41; Lc 7:14-15) và tỏ bầy ý nghĩa chân thực của lòng thương xót, một lòng thương xót bao hàm việc phục hồi Giao Ước (xem Đức Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 4). Điều này khá rõ ràng trong cuộc gặp gỡ của Người với người đàn bà Samaria (xem Ga 4:1-30) và người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình (xem Ga 8:1-11), người mà ý thức tội lỗi đã được đánh thức nhờ sự hiện diện của tình yêu nhân hậu của Chúa Giêsu. Hoán cải là “một cam kết liên tục đối với Giáo Hội, người ‘ôm lấy kẻ tội lỗi vào lòng’ và “vừa thánh thiện vừa cùng một lúc cần được thanh tẩy, luôn không ngừng thống hối và canh tân’ (CCC, 1428)”. Việc cố gắng hoán cải này không phải là việc làm của một mình con người. Nó là năng động tính của một “tâm hồn biết ăn năn” được ơn thánh lôi kéo và đánh động để đáp lạitình yêu hay thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã yêu ta trước (CCC, 1428). Thiên Chúa ban ơn tha thứ nhưng không của Người cho bất cứ ai mở lòng ra đón nhận hành động ơn thánh của Người. Việc này diễn ra qua thống hối, đi đôi với ý định điều hướng đời mình cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, vốn là hiệu quả lòng thương xót của Người nhờ đó, Người giao hòa ta với Người. Thiên Chúa đặt trong trái tim ta khả năng biết bước theo con đường mô phỏng Chúa Kitô. Giáo huấn và thái độ của Chúa Giêsu rõ ràng cho ta thấy Nước Thiên Chúa là chân trời tại đó mọi mối liên hệ đều được xác định (xem Mt 6:33). Các dây nối kết quen thuộc của gia đình, dù căn bản, vẫn “không tuyệt đối” (CCC, 2232). Một cách hết sức gây ngỡ ngàng cho những ai nghe Người, Chúa Giêsu đã tương đối hóa các liên hệ gia đình dưới ánh sáng Nước Thiên Chúa (xem Mc3:33-35; Lc 14:26; Mt 10:34-37; 19:29; 23:9). Cuộc cách mạng tình cảm được Chúa Giêsu đưa vào gia đình nhân bản này đã dẫn tới chủ trương triệt để về tình huynh đệ phổ quát. Không ai ở bên ngoài cộng đồng mới hợp nhất nhân danh Chúa Giêsu, vì mọi người đều được mời gọi trở nên thành phần của gia đình Thiên Chúa. Chúa Giêsu cho ta thấy sự hạ mình của Thiên Chúa đã đồng hành với con người trong cuộc hành trình của họ bằng ơn thánh như thế nào, biến đổi trái tim chai đá của họ bằng lòng thương xót của Người ra sao (xem Ed 36:26), và đã điều hướng trái tim họ tới chỗ thành toàn nhờ mầu nhiệm vượt qua như thế nào.

Còn tiếp