Xuân về, người dân Việt Nam dù ở đâu làm gì cũng hướng về dân tộc. Ngày xuân, cũng là dịp để tri ân tiền nhân. Đối với người Công Giáo Việt Nam, Giáo Hội dành riêng ngày mùng hai tết để tưởng nhớ ông bà tổ tiên.

Ngậm ngùi hướng về đất mẹ, dường như mấy câu thơ của Nguyễn Bính phần nào nói lên nỗi lòng xa hương của người Việt Nam.

“Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Chao ơi, Tết đến em không được
Trông thấy quê hương thật não lòng.”
Trông thấy quê hương thật não lòng


Trong khoảng hai năm ở Hoa Kỳ, một trong những điều mà tôi cảm nhận được, đó là sự “tự do”. Có những đêm đang ngủ, tôi nghĩ mình đang bị giam trong tù hay đang bị công an Cộng Sản bám đuôi sách nhiễu, đến lúc giật mình thức giấc mới biết mình đang ở trên miền đất tự do. Cứ mỗi lần như vậy, tôi thầm tạ ơn Chúa đã cho tôi cảm nhận sâu sắc được giá trị hai chữ tự do là gì, nhưng cũng xót xa cho dân tộc đang quằn quại rên xiết dưới ách thống trị của Cộng Sản.

Dưới chế độ Cộng Sản, tình hình kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của đất nước Việt Nam ngày càng xuống dốc. Liên quan đến sự tồn vong của dân tộc, nhà cầm quyền Cộng Sản đang tiếp tục bán đất, bán biển cho Tàu Cộng và rước giặc Tàu vào nước, mà hình thức cho các công ty Tàu Cộng thuê rừng, thuê biển dài hạn và cho hàng chục ngàn công nhân Tàu đến làm việc trên các dự án trọng điểm của Việt Nam, điển hình là Cảng Vũng Áng tại Hà Tĩnh, thuộc giáo phận Vinh, là một bằng chứng điển hình. Nhiều tờ báo lề trái và cả lề phải đã đưa thông tin về những hệ lụy nguy hiểm cho dân tộc xuất phát từ dự án Vũng Áng. Bản tin trên tờ báo RFA đăng ngày 27 tháng 8 năm 2014 cho biết số “lao động Trung Quốc ở Vũng Áng đủ lập hai “ sư đoàn.”

Liên quan đến Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam, những năm qua nhiều cộng đồng Công Giáo đã phải chịu bách hại, từ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, Tam Tòa, Đồng Chiêm, đến Cồn Dầu, Con Cuông, Mỹ Yên v.v. Và mới đây nhất, những ngày đầu năm 2015, nhà cầm quyền đuổi linh mục, tìm cách phá nhà thờ Giáo xứ Đắc Jak thuộc Giáo phận Kontum, trước đó đã có lệnh trục xuất linh mục. Giáo Hội Công Giáo đông đảo, có tổ chức, có hậu thuẫn quốc tế mà còn bị bách hại như vậy, thì tất nhiên các tôn giáo khác như Hòa Hảo, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Tin Lành Menonite ở Sài Gòn và các Hội Thánh Tin Lành ở Tây Nguyên và Tây Bắc còn bị bách hại nặng nề hơn nữa. Xem ra thời gian qua đi tình hình tôn giáo tại Việt Nam vẫn không sáng sủa hơn, mà trái lại các tôn giáo còn bị nhà cầm quyền cộng sản kìm kẹp tinh vi và bách hại trắng trợn hơn trước. Đây đó xuất hiện những nhận định lạc quan về tình hình đất nước Việt Nam nói chung và tình hình tôn giáo nói riêng, nhưng theo chúng tôi có lẽ chỉ có giới cầm quyền cộng sản và những người ăn chia quyền lợi trong hệ thống cộng sản mới có thể có những nhận như vậy; và chắc chắn nếu không bị danh lợi và quyền lực làm cho người nhận định trở nên mù quáng, thì cũng là lạc quan tếu của người ở cõi khác. Còn những người dấn thân và gần dân như Đức TGM Ngô Quang Kiệt hoặc Đức Giám Mục Hoàng Đức Oanh, GM Kontum, chắc chắc không thể có những nhận định như vậy, như chúng ta đã thấy.

Xuân hy vọng

Dù đau lòng trước cảnh quê hương điêu tàn và Giáo Hội bị bách hại kéo dài, nhưng tôi không mất niềm hy vọng.

Tôi vẫn tin rằng Chúa đã chọn chúng ta làm người Việt Nam, “Đức Chúa đã gọi tôi, từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi”( Isaia, 49). Bởi thế như ĐHY Nguyễn Văn Thuận, tôi vẫn hãnh diện vì mình là người Việt Nam:

“Con có một tổ quốc Việt Nam
Quê Hương yêu quí ngàn đời
Con hãnh diện, con vui sướng
Con yêu non sông gấm vóc
Con yêu lịch sử vẻ vang
Con yêu đồng bào cần mẫn
Con yêu chiến sỹ hào hùng”

( Trich Đường Hy Vọng, ĐHY Nguyễn Văn Thuận)

Một trong những lý do để tôi hy vọng là tại Việt Nam, nhiều người không sợ tù đầy để dấn thân tranh đấu cho quyền làm người và quyền tự do tôn giáo. Càng bị đàn áp, đức tin và tình yêu dành cho Giáo Hội và dân tộc càng lớn mạnh. Sinh viên Trần Hữu Đức, một trong những thanh niên Công Giáo vừa ra tù ngày 2 tháng 11 năm 2014, chia sẻ với tôi: “Em tạ ơn Chúa trong những năm tháng tù đày càng giúp em thêm đức tin và can đảm dấn thân cho Giáo Hội và quê hương đất nước.” Về mặt xã hội, có khoảng 20 tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam công khai hoạt động trong những năm gần đây, như nhóm Phụ nữ Nhân quyền, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Hội Bầu bí Tương thân, v.v. Các thành viên của những nhóm này dù bị đàn áp nhưng vẫn hiên ngang dấn thân cho đất nước sớm có được dân chủ và nhân quyền.

Về phía Giáo Hội Việt Nam chúng ta cũng thấy có những dấu chỉ hy vọng. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thời gian qua cũng đã ra văn thư kiến nghị xóa bỏ điều 4 hiến pháp, lên tiếng về các vấn nạn xã hội. Điều này góp phần từng bước thay đổi nhận thức và hành động của tín hữu trong tư cách là công dân trước vận mạng đất nước lâm nguy. Và năm 2014, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, tổng thư Ký Hội Đồng Giám mục Việt Nam, đã ra văn thư “Minh định các thủ tục hành chính xã hội về việc chủng sinh nhâp đại chủng viện và truyền chức linh mục” bác bỏ cơ chế “ xin cho” của nhà cầm quyền. Một trong những “ dây thòng lòng” đã áp chế lên Giáo Hội tại Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Một trong những điểm thu hút nhiều người tham dự cầu nguyện và dấn thân cho đất nước và Giáo Hội nhất là nhà thờ DCCT Thái Hà, Hà Nội và nhà thờ DCCT Sài Gòn. Thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình hàng tháng thu hút hàng ngàn người tham dự, trong đó có nhiều người ngoài Công Giáo.

Tại Hải Ngoại, chúng ta thấy một trong những tấm gương về lòng yêu nước là Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Melbourne, Úc Đại Lợi. Ngài đã từng nói: “Giải thế chế độ cộng sản, không thể tách rời với sứ vụ Giám mục của tôi.”Trong thư mục vụ đầu năm 2015, Ngài viết: “Năm Ất Mùi hứa hẹn một năm đầy tin yêu hy vọng đối với người Việt Công Giáo ly hương. Như dân tộc Chúa chọn vào đất hứa sau 40 năm trong sa mạc, chúng ta cũng vững tin vào tương lai tươi sáng sau 40 năm mất nước vào tay chế độ cộng sản phi nhân, vô thần và vong nô. Tôi luôn thâm tín rằng, người Việt Công Giáo xa quê hương có một vai trò quan trọng trong cuộc xóa bỏ chế độ cộng sản và xây dựng đất nước. Bởi thế tôi nghĩ chúng ta không ngã lòng hay vô cảm với những đồng bào ruột thịt đang “đói khát sự công chính” trong một xã hội bị băng hoại toàn diện. Trong niềm tin vào sự chiến thắng của công lý và sự thật, chúng ta cũng liên kết với đồng bào quốc nội và đóng góp sức mình vào đại cuộc đó. Đây mới là công việc “ bác ái” ý nghĩa nhất.”

Trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Philippine từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 1 năm 2015, một em bé đặt câu hỏi cho Đức Thánh Cha: Thưa Đức Thánh Cha, tại sao Chúa để các bé gái phải chịu đau khổ? Đức Thánh Cha đã ngậm ngùi nhưng không có câu trả lời. Tôi chợt nghĩ, nếu có ai đó cũng hỏi Đức Thánh Cha: thưa Đức Thánh Cha, tại sao Chúa để dân tộc chúng con phải trải qua quá nhiều đau khổ và làm sao chúng con thoát khỏi ách cộng sản? Có lẽ ngài cũng không có câu trả lời. Phần tôi, tôi luôn tự hỏi mình có thể làm được gì lúc này để thể hiện tình yêu đất nước và góp phần xóa bỏ ách độc tài Cộng Sản, mang lại tự do cho dân tộc và tương lai cho đất nước?

Trong cuốn sách “How can you change the world- làm sao bạn có thể thay đổi thế giới”, do Catholic Answers xuất bản, đã viết: “Bạn là ai hoặc bạn sống ở đâu, chẳng thành vấn đề. Bạn giàu hay nghèo, trẻ hay già, trình độ hay không có trình độ, nữ giới hay nam giới. Tất cả những điều đó chẳng thành vấn đề. Bạn là con Chúa và bạn được mời gọi làm phần của bạn để làm cho thế giới này tốt đẹp hơn” Trong tin mừng, chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu nói về việc người đầy tớ khôn ngoan biết dùng những nén bạc ông chủ trao để làm lợi (Matthew 25: 14-30). Bởi thế tôi tin rằng chúng ta cũng được mời gọi dùng những“nén bạc” Chúa ban để làm điều tốt nhất trong khả năng của mình cho dân tộc và Giáo Hội Việt Nam.

Lời dạy của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận vẫn còn âm vang trong ta:

“ Là người Công Giáo Việt Nam
Con phải yêu tổ quốc gấp bội
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con
Cha mong giòng máu ái quốc
Sôi trào trong huyết quản con”

California, nhân dịp Xuân 2015.