Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong thánh lễ hôm thứ Sáu 6 tháng 2 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi mọi người hãy nhớ đến các vị tử đạo của năm 2015, những người nam nữ, và trẻ em bị tàn sát ngay bây giờ vì hận thù đức tin. Ngài nói rằng các cuộc tử đạo của các tín hữu Kitô không phải chỉ là chuyện của quá khứ, nhưng là chuyện của cả hôm nay, với rất nhiều nạn nhân của "những người thù ghét Chúa Giêsu Kitô".
Đức Giáo Hoàng đã trình bày những suy tư của ngài về cuộc đời và cái chết của Thánh Gioan Tiền Hô, theo Tin Mừng Thánh Marcô. Nhắc đến vị "Đại Gioan" này, Đức Giáo Hoàng nói rằng cuộc sống của ngài là một thí dụ cho nhiều người, nhiều Kitô hữu mà máu của họ đang đổ ra ngày hôm nay vì họ tuyên xưng một Thiên Chúa mà nhiều người thù ghét.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý rằng Thánh Gioan Tiền Hô "không bao giờ phản bội ơn gọi của mình", thánh nhân "ý thức rằng nhiệm vụ của mình chỉ là để công bố" rằng Đấng Cứu Thế "đã gần đến". Thánh Gioan Tiền Hô đã nhận thức được rằng ngài "chỉ là một tiếng nói," bởi vì "Ngôi Lời là người khác" và ông "kết thúc cuộc sống của mình như Chúa, nghĩa là chết vì đạo".
Thánh Gioan là nạn nhân của một vị vua tham nhũng
Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng khi bị giam giữ trong nhà tù của Herôđê Antipas, thánh Gioan, là "người đàn ông vĩ đại nhất do người phụ nữ sinh ra" đã trở nên "nhỏ bé, rất bé nhỏ". Trước hết, ngài bị chới với bởi một khoảng tối trong tâm hồn khi ngài nghi ngờ không biết Chúa Giêsu có phải chính là Đấng mà ngài đã dọn đường hay không. Thánh nhân lại bị chới với một lần nữa khi ngài đứng trước cái chết của mình theo lệnh của một vị vua vừa ngưỡng mộ, vừa bối rối trước Gioan. Đó là một kết cục đã làm cho Đức Giáo Hoàng phải dừng lại để suy tư:
"Cuối cùng, sau sự thanh tẩy này, sau khi liên tục chìm vào hư không, vào con đường hướng đến cái chung kết của Chúa Giêsu, cuộc sống của ngài đã kết thúc. Vị vua bối rối đã có khả năng đưa ra một quyết định, nhưng không phải vì con tim nhà vua đã thay đổi, nhưng vì rượu cho ông cái can đảm đó. Vì thế, Thánh Gioan đã kết thúc cuộc đời mình dưới thẩm quyền của một vị vua tầm thường, say rượu, băng hoại, chiều theo sở thích của một vũ nữ và sự thù hận thù của một phụ nữ ngoại tình. Đó là cách người đàn ông vĩ đại nhất được sinh ra bởi người phụ nữ kết thúc đời mình".
Kitô hữu bị thù ghét ngày nay
Đức Giáo Hoàng nói: "Khi tôi đọc đoạn này tôi thú nhận tôi rất xúc động" và tôi luôn nghĩ về "hai điều": "Đầu tiên, tôi nghĩ đến các vị tử đạo của chúng ta, các vị tử đạo của thời đại chúng ta, những người nam nữ, và trẻ em đang bị bách hại, thù ghét, bị đuổi ra khỏi nhà của họ, bị tra tấn, tàn sát Và đây không phải là một điều của quá khứ: Chuyện này đang xảy ra ngay bây giờ. Các vị tử đạo của chúng ta, những người đang đối diện với kết cục của họ dưới thẩm quyền của những kẻ băng hoại, những kẻ căm ghét Chúa Giêsu Kitô. Thật tốt cho chúng ta khi nghĩ đến các vị tử đạo. Hôm nay chúng ta nhớ đến thánh Phaolô Miki tử đạo nhưng điều này đã xảy ra vào năm 1600. Hãy suy nghĩ về những vị tử đạo ngày nay của chúng ta! vào năm 2015 này".
Không ai có thể "mua" cuộc sống của mình
Đức Giáo Hoàng nói "sự hạ mình này của Thánh Gioan, sự liên tục chìm vào hư không làm tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đang trên con đường này và chúng tôi đang đi về miền đất, nơi chúng ta tất cả sẽ kết thúc đời mình. Điều này làm cho tôi nghĩ về bản thân mình: Tôi cũng sẽ gặp cái kết thúc của đời mình. Tất cả chúng ta rồi cũng sẽ đến hồi kết thúc. Không ai có thể "mua" cuộc sống của mình. Tất cả chúng ta, dù muốn hay không, đang đi trên con đường hướng đến cái chung kết hiện sinh đời mình, và điều này khiến cho tôi cầu nguyện để xin cái chung kết này tương tự đến mức có thể với chung kết của Chúa Giêsu Kitô".
2. Những đầy tớ của Nước Trời
Giáo Hội phải loan báo Tin Mừng "trong khó nghèo" và những người công bố Tin Mừng phải có mục đích duy nhất là làm giảm những khốn khổ của người nghèo, và không bao giờ được quên rằng sứ vụ này là công trình của Chúa Thánh Thần, không phải của bàn tay con người.
Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Năm 5 tháng 2 tại nhà nguyện Santa Marta khi ngài trở lại một trong những hình ảnh yêu thích của mình về Giáo Hội - một bệnh viện trên chiến trường - lấy cảm hứng từ Tin Mừng trong ngày, trong đó Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi, từng hai người một, đến các làng để rao giảng, chữa lành bệnh và xua đuổi "tà ma".
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng có rất nhiều “người bị thương” đang chờ đợi trong các hành lang của Giáo Hội để được một thừa tác viên của Chúa Kitô chữa bệnh, nâng dậy và giải phóng họ khỏi ma quỷ đang hoành hành họ như một bệnh dịch. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói thêm rằng các thừa tác viên của Chúa Kitô phải luôn luôn ghi nhớ họ đơn giản chỉ là "những đầy tớ của Nước Trời".
Chữa lành những con tim đầy thương tích
Đức Giáo Hoàng đã suy tư về thái độ mà Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài phải có khi Ngài sai họ đến với dân chúng. Họ phải là những người không vướng bận với những ràng buộc như “lương thực, túi xách, tiền lận lưng quần” vì Tin Mừng “phải được công bố trong sự khó nghèo”, vì “ơn cứu độ không phải là thứ thần học về sự giầu có”. Tin mừng cốt yếu là “tin vui” về sự giải phóng được mang đến cho mọi người bị áp bức:
“Đây là sứ mạng của Giáo Hội: Giáo Hội chữa lành, chăm sóc cho con người. Đôi khi tôi mô tả Giáo Hội như một bệnh viện trên chiến trường. Đúng vậy, nơi đó có bao nhiêu người bị thương! Có bao nhiêu người cần được chữa lành những thương tích của họ! Đây là sứ mệnh của Giáo Hội: chữa lành những tâm hồn bị thương tích, mở tung cửa để giải phóng con người, để nói rằng Thiên Chúa là Đấng nhân lành, Thiên Chúa tha thứ cho tất cả chúng ta, Thiên Chúa là Cha chúng ta, Người luôn dịu dàng và luôn chờ đợi chúng ta …”
Lòng nhiệt thành tông đồ, chứ không phải chủ nghĩa hoạt động Phi Chính Phủ
Đức Thánh Cha cảnh báo rằng khi không đặt trọng tâm vào bản chất thiết yếu của việc công bố Tin Mừng, người ta có nguy cơ tạo ra sự diễn dịch sai lạc về sứ mạng của Giáo Hội và không còn nhìn thấy điều duy nhất đáng kể là: đem Chúa Kitô đến với người nghèo, người mù, và những tù nhân:
“Đúng là chúng ta phải trợ giúp và tạo nên những tổ chức để nâng đỡ sứ vụ này. Vâng, vì Thiên Chúa ban cho chúng ta những ân sủng cho sứ vụ đó. Nhưng khi chúng ta quên mất sứ vụ, quên đi tinh thần khó nghèo, quên đi lòng nhiệt thành tông đồ và thay vào đó đặt niềm hy vọng của chúng ta nơi những phương tiện của nhân loại, thì Giáo Hội trượt dài thành một cơ cấu Phi Chính Phủ, Giáo Hội trở thành một tổ chức rất đẹp: đầy quyền thế, nhưng không phải là một Giáo Hội truyền giáo, bởi vì Giáo Hội đã đánh mất đi tinh thần này, mất đi tinh thần khó nghèo và không còn quyền năng chữa lành”.
Các môn đệ là những “đầy tớ Nước Trời”
Đức Thánh Cha kết luận bài giảng rằng sau đó các môn đệ kết thúc sứ vụ mình và trở về rất “hạnh phúc” và Chúa Giêsu đưa họ đi “nghỉ ngơi” với Ngài một thời gian. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh …
“… Chúa Giêsu không nói với các môn đệ: “Các con thật tuyệt vời, bây giờ nhiệm vụ tiếp theo của các con phải là làm sao tổ chức sao cho tốt hơn nữa… Nhưng Chúa Giêsu chỉ nói, khi các con đã làm xong tất cả những điều đó hãy nói với chính mình: “Chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng”. Đây chính là người môn đệ. Và lời khen tặng đẹp nhất dành cho một môn đệ là gì? Thưa: Anh là đầy tớ của Nước Trời. Đó là lời khen tặng tuyệt vời nhất, vì nó có nghĩa là người đó đã chọn con đường của Chúa Giêsu là công bố Tin Mừng. Người đó chữa lành, bảo vệ, công bố tin mừng và năm hồng ân của Chúa. Nhờ đó mọi người tái khám phá về Chúa Cha, và dưỡng nuôi hoà bình an trong tâm hồn mình”.
3. Câu chuyện dụ ngôn người gieo giống
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tuyệt đại đa số các thính giả, những người tuốn đến với Chúa đều là những người bình dân, ít học, nên Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn cho người ta dễ hiểu những Chân Lý cao siêu của Nước Trời.
Dụ Ngôn là kiểu giảng dạy rất thông-dụng tại các nước Cận-Đông thời Chúa Giêsu. Ngài thường lấy những ví dụ, những hình ảnh cụ thể, thường thấy trước mắt, những điều thuộc phương diện trần thế, để diễn-tả các Mầu Nhiệm siêu-nhiên.
Hôm ấy, Ðức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Có đám đông lớn tụ họp bên Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn toàn thể đám đông thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.
Người nói: "Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe".
Các môn đệ đến gần hỏi Ðức Giêsu rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Hạt rơi bên vệ đường: Là Lời Chúa không được các linh hồn yêu mến, trân-quý mà chỉ nghe xuông, không suy niệm để đem ra thực hành, thì dễ dàng bị chim trời là ma quỷ lấy mất đi... Đó là những người không đáp ứng chút nào trước lời mời gọi của Chúa, họ cũng nghe, nhưng chỉ như nước đổ lá môn, không quan tâm và đem ra thực hành, nên chẳng ích lợi chi cho tâm hồn.
Hạt rơi vào đất sỏi đá: Tuy có mọc lên, nhưng rễ không bâm sâu được vì quá ít đất! Là những linh hồn khô khan, nông cạn, nguội lạnh, những người thiên về thỏa mãn tính xác thịt, không đoạn tuyệt với quá khứ đam mê, tội lỗi, nên không còn chỗ cho Lời Chúa phát- huy được Sức Sống Mới trong linh hồn... Trong trường hợp này, Lời Chúa không thể bâm rễ sâu, nên khi nghịch cảnh, những khó khăn đến,đó là sức nóng thiêu đốt của mặt trời... làm cho họ chán nản và bị thiêu rụi, chẳng đem lại hoa trái!
Còn hạt rơi vào bụi gai: Nơi đất không được cầy sâu, cuốc bẫm, bụi gai lấn át, che phủ um-tùm... là Lời Chúa được gieo vào các linh hồn quá bận rộn lo lắng việc đời, nên không còn chỗ cho Lời Chúa phát triển. Những tâm hồn quá quyến-luyến những sự trần thế, chóan hết thời giờ, khả năng, thì không còn chỗ cho Lời Chúa triển nở và sinh hoa kết trái Thánh Thiện. Nếu thản hoặc hạt giống Lời Chúa có nẩy mầm, thì cũng èo-uột và úa tàn!... Cây nhân đức có mọc lên thì cũng thiếu sức sống và sớm muộn cũng bị chết đi!
Hạt rơi vào chỗ đất tốt: Đất tốt là thửa đất đã được nhổ sạch cỏ, được cầy sâu, cuốc bẫm, bón phân thích hợp, chỉ còn chờ hạt lúa được gieo xuống, thì mau chóng đâm chồi, mọc rễ, trổ sinh bông hạt... Đó là những linh hồn yêu mến, quý trọng Lời Chúa, đã chuẩn bị, nghiền gẫm Lời Chúa đêm ngày, thì Lời Chúa đâm chồi nẩy lộc, lớn mạnh và trổ sinh bông hạt man vàn.
Trong phần tiếp sau đây Thảo Ly và Kim Thúy sẽ giới thiệu với quý vị và anh chị em cách thức suy gẫm Lời Chúa do Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị trong tuần qua.
4. Cách thức Suy gẫm Tin Mừng hàng ngày
Suy gẫm Tin Mừng hàng ngày giúp chúng ta có niềm hy vọng thực sự. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng Thứ Ba ngày 03 tháng 02 tại nhà nguyện Santa Marta.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã tái kêu gọi các tín hữu hãy dành 10 phút mỗi ngày để suy gẫm Tin Mừng và thân thưa với Chúa, chứ đừng quá lãng phí thời giờ vào những phim truyện truyền hình hay ngồi lê đôi mách.
Đặt trọng tâm vào đoạn trích Thư gửi tín hữu Do Thái nói về niềm hy vọng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “hãy dán mắt vào Chúa Giêsu” là cốt lõi của niềm hy vọng. Ngài nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta không biết lắng nghe Lời Chúa, chúng ta có thể là những người “lạc quan yêu đời” nhưng không có được niềm hy vọng mà chúng ta chỉ có được từ việc “chiêm ngắm Đức Kitô”.
Điều này đưa Đức Thánh Cha đến đề tài “chiêm ngắm cầu nguyện”. Đức Thánh Cha nói rằng “thật tốt nếu chúng ta biết cầu nguyện hàng ngày bằng kinh Mân Côi để thân thưa với Chúa, với Đức Trinh Nữ Maria hay với các Thánh, khi chúng ta gặp vấn đề nào đó”. Nhưng “chiêm ngắm cầu nguyện” là quan trọng và điều này chỉ có thể thực hiện được “với sách Phúc Âm trong tay”.
Ngài nói:
“Tôi suy gẫm như thế nào về đoạn Tin Mừng hôm nay? Tôi thấy Chúa Giêsu đang ở giữa mọi người, Ngài bị đám đông vây quanh. Năm lần đoạn Tin Mừng này sử dụng từ ‘đám đông’. Chúa Giêsu có nghỉ ngơi không? Điều này đưa tôi đến suy nghĩ về chuyện “luôn luôn ở giữa đám đông …” Hầu hết cuộc đời của Chúa Giêsu là trên các đường phố, với những đám đông. Vậy Chúa Giêsu có nghỉ ngơi không? Có chứ, Tin Mừng có lần nói là Ngài ngủ trên thuyền nhưng cơn bão đến và các môn đệ đánh thức Ngài dậy. Chúa Giêsu thường xuyên ở giữa mọi người. Và đây là cách chúng ta hướng nhìn Chúa Giêsu, suy gẫm về Chúa Giêsu, tưởng tượng về Chúa Giêsu. Nhờ đó, tôi thưa với Chúa Giêsu về những gì ập đến với tâm trí tôi”.
Tiếp tục suy tư về Tin Mừng trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về cách thức Chúa Giêsu nhận ra có một người phụ nữ bị bệnh trong đám đông chạm vào Ngài. Đức Thánh Cha nhận xét là Chúa Giêsu, “không chỉ hiểu về đám đông, Ngài còn cảm nhận được đám đông”, “Ngài cảm nhận được nhịp tim của mỗi người trong chúng ta, từng người một. Ngài chăm sóc cho mỗi một người trong chúng ta, luôn luôn là thế!”
Trường hợp của ông trưởng hội đường, là người đã đến gặp Chúa Giêsu “để thưa với Ngài về trường hợp con gái ông đang mang trọng bệnh” cũng tương tự như thế: Chúa bỏ lại mọi thứ để lo chuyện này. Đức Thánh Cha đã mô tả lại quang cảnh đó như sau: Đức Giêsu vào nhà ông, những người phụ nữ đang than khóc vì cô bé đã chết, nhưng Chúa nói với họ hãy bình tĩnh và họ dè bĩu Ngài. Đức Thánh Cha nói: ở đây chúng ta thấy “sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu.”
Và khi đã làm con gái của ông trưởng hội đường sống lại, thay vì nói “Ngợi khen Chúa!”, Chúa Giêsu nói với họ: “Hãy cho cô ấy chút gì để ăn”. Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận “Chúa Giêsu luôn nghĩ đến cả những điều nhỏ nhặt.”
Đức Thánh Cha chỉ ra rằng “Điều tôi mới vừa thực hiện với đoạn Tin Mừng này là một lời cầu nguyện trong chiêm ngắm: cầm lấy sách Phúc Âm, đọc và hình dung ra bối cảnh, tưởng tượng những gì xảy ra và thân thưa với Chúa Giêsu từ đáy lòng mình”:
“Bằng cách này chúng ta làm cho niềm hy vọng lớn dần lên, vì chúng ta dán mắt vào Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta nên thực hành lối cầu nguyện chiêm ngắm này. Nhưng có người lại nói “Thưa cha, con còn bao nhiêu việc phải làm!” Lúc ở nhà, hãy dành 15 phút cầm lấy sách Phúc Âm, đọc và hình dung ra bối cảnh, tưởng tượng những gì xảy ra và thân thưa với Chúa Giêsu về đoạn sách ấy. Như thế, ánh mắt của anh chị em sẽ dán chặt vào Chúa Giêsu chứ không phải vào những phim truyện truyền hình. Đôi tai của anh chị em sẽ hướng về những lời của Chúa Giêsu chứ không còn lắng nghe quá nhiều tin nhảm nhí của chòm xóm nữa”.
“Đây là cách thế mà việc chiêm ngắm Lời Chúa sẽ giúp chúng ta lớn lên trong niềm hy vọng khi chúng ta sống bằng chất Tin Mừng! Hãy luôn luôn cầu nguyện”.
Đức Thánh Cha Phanxicô mời mọi người hãy “cầu nguyện, cầu nguyện với kinh Mân Côi, nói chuyện với Chúa, nhưng cũng thực hành việc suy gẫm Lời Chúa để dán ánh mắt chúng ta vào Chúa Giêsu”. Hy vọng sẽ đến từ cách cầu nguyện này, “đời sống Kitô hữu của chúng ta nở rộ trong bối cảnh đó, giữa ký ức và niềm hy vọng”.
“Ký ức về hành trình trong quá khứ, ký ức về những ân sủng nhận được từ Thiên Chúa. Và hy vọng, trong khi hướng về Chúa, là Đấng duy nhất có thể mang lại cho tôi niềm hy vọng. Và để có thể dán mắt vào Chúa, để biết Chúa, chúng ta hãy cầm lấy sách Phúc Âm hàng ngày và suy gẫm cầu nguyện. Ngày hôm nay, chẳng hạn, tôi dành ra 10-15 phút, không hơn, để đọc Tin Mừng, hình dung ra và thưa với Chúa đôi điều. Và không cần gì hơn. Như thế những hiểu biết của anh chị em về Chúa sẽ lớn lên và niềm hy vọng của anh chị em sẽ tăng trưởng. Đừng quên, dán ánh mắt của chúng ta vào Chúa Giêsu. Và để làm được điều này hãy suy gẫm cầu nguyện”.
5. Người cha phải luôn luôn hiện diện trong gia đình, trợ giúp vợ, và gần gũi với con cái
Điều cần thiết đầu tiên là người cha phải luôn luôn hiện diện trong gia đình. Ước chi ông gần gũi vợ để chia sẻ mọi sự vui buồn, mệt nhọc và hy vọng. Ước chi ông gần con cái trong sự lớn lên của chúng: khi chúng chơi đùa và khi chúng dấn thân, khi chúng vô tư và khi chúng lo lắng, khi chúng tự diễn tả và khi chúng nín lặng, khi chúng dám liều lĩnh và khi chúng sợ hãi, khi chúng đi sai một bước và khi chúng tìm lại đường đi
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu và du khách hành hương sáng thứ Tư 4 tháng 2 trong đại thánh đường Phaolô Đệ Lục.
Ngài đã tiếp tục trình bầy phần hai gương mặt của người cha trong gia đình. Lần trước ngài đã nói tới các người cha vắng mặt, lần này Đức Thánh Cha nhìn khía cạnh tích cực. Cả thánh Giuse cũng đã bị cám dỗ bỏ rơi Đức Maria, khi khám phá ra là Mẹ đã mang thai, Nhưng thiên thần Chúa can thiệp và vén mở cho thánh nhân biết chương trình của Thiên Chúa và sứ mệnh là cha nuôi. Và thánh Giuse, người công chính, “đã đón vợ về nhà mình” (Mt 1,24) và trở thành cha của gia đình Nagiarét.
Đức Thánh Cha nói:
Mỗi gia đình cần có người cha. Hôm nay chúng ta dừng lại trên giá trị vai trò của người cha, và tôi muốn khởi hành từ vài kiểu diễn tả trong sách Châm Ngôn, các lời mà một người cha nói với con mình: “Hỡi con, tâm trí con khôn ngoan, thì lòng dạ cha cũng vui sướng. Môi miệng con nói những lời chân thật, thì tâm hồn cha sẽ mừng rỡ hân hoan” (Cn 23,15-16). Không thể diễn tả tốt hơn sự hãnh diện và cảm động của một người cha thừa nhận đã thông truyền cho con trai điều thực sự quan trọng trong cuộc sống, hay một trái tim can đảm. Người cha này không nói: “Cha hãnh diện vì con, bởi con hoàn toàn giống cha, bởi vì con lập lại những điều cha nói và cha làm”. Không, ông không chỉ nói với con một điều gì thôi. Ông còn nói với con một cái gì quan trọng hơn nhiều, mà chúng ta có thể giải thích như sau: “Cha sẽ hạnh phúc, mỗi lần thấy con hành động khôn ngoan, và cha sẽ cảm động, mỗi khi nghe con nói với sự thẳng thắn. Đó là điều cha đã muốn để lại cho con , để nó trở thành của con: đó là thái độ cảm nhận và hành động, ăn nói và phán xử khôn ngoan và ngay thẳng. Và để cho con được như vậy cha đã dậy con những điều con không biết, cha dã sửa chữa các lầm lỗi mà con không thấy. Cha đã làm cho con cảm nhận được lòng trìu mến sâu thẳm và kín đáo, mà có lẽ con đã không hoàn toàn thừa nhận khi con còn trẻ và không chắc chắn. Cha đã cho con một chứng tá của sự nghiêm ngặt và cứng rắn mà có lẽ con đã không hiểu, khi con đã chỉ muốn sự đồng loã và che chở. Chính cha đã là người đầu tiên phải thử thách sự khôn ngoan của mình và canh chừng trên các thái qủa của tình cảm và oán hờn, để mang gánh nặng của các hiểu lầm không thể tránh được và tìm ra các lời nói đúng đắn để làm cho mình được hiểu. Giờ đây cha cảm động, khi cha thấy con tìm sống như vậy với các con của con và với tất cả mọi người. Cha hạnh phúc và thỏa mãn”. Đó là điều mà một người cha khôn ngoan và trưởng thành nói với con mình.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Một người cha biết rõ việc thông truyền gia tài này cho con mắc mỏ chừng nào: biết bao nhiêu sự gần gũi, biết bao nhiêu dịu hiền và biết bao nhiêu cứng rắn! Tuy nhiên ông nhận được biết bao an ủi và phần thưởng, khi các con vinh danh gia tài đó. Thật là một niềm vui chuộc lại mọi mệt nhọc, cao vượt hơn mọi hiểu lầm và chữa lành mọi vết thương. Tiếp đến Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự hiện diện của người cha trong gia đình như sau:
Như thế, sự cần thiết đầu tiên là điều này: đó là người cha hãy luôn luôn hiện diện trong gia đình. Ước chi ông gần gũi vợ để chia sẻ mọi sự vui buồn, mệt nhọc và hy vọng. Ước chi ông gần con cái trong sự lớn lên của chúng: khi chúng chơi đùa và khi chúng dấn thân, khi chúng vô tư và khi chúng lo lắng, khi chúng tự diễn tả và khi chúng nín lặng, khi chúng dám liều lĩnh và khi chúng sợ hãi, khi chúng đi sai một bước và khi chúng tìm lại đường đi. Người cha hiện diện, luôn luôn hiện diện.
Nói hiện diện không giống như nói kiểm soát. Bởi vì các người cha kiểm soát quá thì huỷ diệt con cái, không để cho chúng lớn lên.
Phúc Âm nói với chúng ta mẫu gương của Người Cha ở trên Trời, Chúa Giêsu nói là Cha duy nhất, có thể gọi được là “Người Cha nhân hậu” (x. Mc 10,18). Tất cả đều biết dụ ngôn ngoại thường gọi là dụ ngôn “người con hoang đàng” hay đúng hơn “người cha thương xót” trong chương 15 Phúc Âm thánh Luca (x. 15,12-32). Biết bao nhiêu phẩm giá và hiền dịu trong việc chờ đợi của người cha đứng ở cửa nhà để chờ đứa con trở về! Các người cha phải kiên nhẫn. Biết bao lần có việc khác phải làm đang chờ; cầu nguyện, và chờ đợi với lòng kiên nhẫn, sự dịu hiền, độ lượng và thương xót.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Một người cha tốt biết chờ đợi và tha thứ, từ tận cùng thẳm con tim. Chắc chắn rồi, ông cũng biết sửa dậy con với sự cứng rắn: ông không phải là người mềm yếu, hay đầu hàng và tình cảm, Người cha biết sửa dậy không làm mất phẩm giá cũng là người cha biết che chở không tiết kiệm sức lực của mình.
Có một lần trong một cuộc họp hôn nhân tôi đã nghe một người cha nói: “Đôi khi con cũng phải đánh các con con một chút, nhưng không bao giờ đánh trên mặt để không làm mất phẩm giá của chúng. Thật đẹp biết bao. Ông ta có ý thức về phẩm giá. Ông phải phạt con, nhưng làm một cách đúng đắn và tiếp tục tiến bước.
Như vậy, nếu có người nào đó có thể giải thích tường tận kinh “Lậy Cha chúng con”, Chúa Giêsu đã dậy, thì đó chính là người đã sống chức làm cha. Nếu không có ơn thánh đến từ Cha trên trời, thì các người cha sẽ mất can đảm và bỏ cuộc. Nhưng con cái cần tìm thấy một người cha chờ đợi chúng, khi chúng trở về từ các thất bại của chúng. Chúng sẽ làm tất cả để không thừa nhận cha và để đừng thấy ông, nhưng chúng cần ông, và sự kiện không tìm thấy cha mở ra trong chúng các vết thương khó mà chữa lành.
Giáo Hội là mẹ chúng ta dấn thân nâng đỡ với tất cả sức lực của mình sự hiện diện nhân hậu quảng đại của các người cha trong các gia đình, bởi vì đối với các thế hệ mới họ là những người giữ gìn và trung gian không thể thay thế được của niềm tin nơi lòng tốt, công lý và sự chở che của Thiên Chúa, như thánh Giuse vậy.
6. Hãy chăm sóc người đau yếu vì họ chính là thân mình Đức Kitô
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Ngày thứ Tư 11 tháng 2 là lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Giáo Hội Công Giáo long trọng cử hành Ngày thế giới các bệnh nhân lần thứ 23. Để chuẩn bị cho biến cố này trưa Chúa Nhật 08 tháng 02, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trước sự hiện diện của hàng chục ngàn khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ mọi người hãy quan tâm chăm sóc những ai yếu đau bệnh tật vì họ chính là thân mình của Đức Ki-tô.
Đức Thánh Cha nói:
“Tin Mừng ngày hôm nay (Mc 1, 29 -39) giới thiệu cho chúng ta việc Đức Giêsu đã chữa lành tất cả những ai bệnh tật, sau khi đã giảng dạy trong hội đường ngày Sa-bát. Giảng dạy và chữa lành là những hoạt động chính yếu trong đời sống công khai của Đức Giêsu. Với việc rao giảng Ngài loan báo về Nước Thiên Chúa, và với việc chữa lành Ngài cho thấy rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần và đang ở giữa chúng ta.”
Nhắc đến sự quan tâm của Đức Giêsu đối với người bệnh tật, Đức Thánh Cha nói:
“Ngự đến trần gian để loan báo và hiện thực hóa sự cứu độ cho tất cả mọi người, Đức Giêsu đã bày tỏ một sự ưu ái đặc biệt đối với những ai đang bị tổn thương nơi thể xác cũng như tinh thần: những người nghèo khổ, các tội nhân, những người bị quỷ ám, những ai yếu đau, và cả những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội. Như thế, Ngài tự mạc khải chính mình như lương y của tất cả các linh hồn và mọi thể xác, như người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu vậy.”
Mời gọi phản tỉnh về ý nghĩa của việc chữa lành bệnh tật của Đức Giêsu, Đức Thánh Cha nói:
“Thực tại của việc chữa lành các bệnh tật của Đức Giêsu mời gọi chúng ta phản tỉnh về ý nghĩa và giá trị của bệnh tật. Đây cũng là điều mà Ngày Quốc tế bệnh nhật - vốn sẽ được cử hành vào ngày thứ Tư tuần tới 11 tháng 02, dịp lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria Lộ Đức - cũng tái kêu gọi chúng ta.”
Nhắc đến vai trò của Giáo Hội với người đau bệnh, Đức Thánh Cha nói:
“Hoạt động cứu độ của Đức Ki-tô không chỉ diễn ra cùng với con người và cuộc sống tại thế của Ngài nhưng vẫn còn tiếp diễn thông qua Giáo Hội, bí tích của tình yêu và sự âu yếm của Thiên Chúa dành cho con người. Sai phái những môn đệ của mình trong các sứ mạng, Đức Giêsu ban cho họ một sự ủy thác kép: loan báo Tin Mừng cứu độ và chữa lành những bệnh tật (Mt 10, 7-8). Tin vào giáo huấn này, Giáo Hội đã luôn dành sự quan tâm hỗ trợ hết mình đối với những ai bệnh tật trong sứ mạng của mình.
“Những người nghèo khó và những người đau khổ lúc nào cũng ở bên cạnh các ngươi”, Đức Giêsu cảnh báo như thế (Mt 26,11), và Giáo Hội tiếp tục tìm kiếm họ trên các ngả đường, quan tâm đến những ai yếu đau như một phương thế đặc quyền để gặp gỡ Đức Ki-tô, để đón nhận Ngài và phục vụ Ngài. Quan tâm đến một người yếu đau, đón nhận người đó, phục vụ người đó là phục vụ Đức Ki-tô: người yếu đau là thịt của Đức Ki-tô.
Điều này cũng diễn ra trong thời đại của chúng ta, khi, mặc dù có những thành tựu của khoa học, sự đau khổ nội tâm và thể xác của con người vẫn gợi lên những vấn nạn trầm trọng về ý nghĩa của bệnh tật và đau khổ và cả nguyên do của cái chết. Đó là những câu hỏi mang tính hiện sinh để những hoạt động mục vụ của Giáo Hội phải trả lời trong ánh sáng của đức tin, khi đối diện với Thánh giá trước mắt mình, rằng đó là tất cả những gì xuất hiện trong mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa Cha, Đấng vì tình yêu đối với con người, đã không tiếc xót trao ban Người Con Một (Rm 8, 32).”
Kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến người đau bệnh, Đức Thánh Cha nói:
“Bởi thế, mỗi người chúng ta được kêu gọi để mang ánh sáng của Lời Chúa và uy lực của ân sủng cho những ai đang đau khổ và những ai đang nâng đỡ họ, như những người thân trong gia đình, các bác sĩ, y tá, bởi vì phục vụ người yếu đau chỉ có thể được thực hiện cùng với lòng nhân đạo, cùng với sự dấn thân quảng đại, cùng với tình yêu của tin mừng, và cùng với sự âu yếm. Mẹ Giáo Hội, thông qua những cánh tay nối dài của chúng ta, ôm ấp những người đau khổ và quan tâm những ai bệnh tật với tình mẫu tử âu yếm.”
Cuối bài giảng, Đức Thánh Cha kêu gọi: “Chúng ta hãy nài xin Đức Maria, Sức mạnh của những người đau ốm, chuyển cầu để mỗi người khi đau bệnh có thể cảm thấy sự nâng đỡ từ sự chăm sóc của những người ở bên cạnh, cũng như sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa và sự an ủi vì tình mẫu tử âu yếm của Mẹ.”