Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong bài giảng lễ sáng thứ Ba 21 tháng 10 tại nguyện đường Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định rằng “Kitô hữu là người biết cách chờ đợi Chúa Giêsu như thế nào để nuôi dưỡng niềm hy vọng vững chắc đưa đến ơn cứu độ.”
Suy gẫm về Tin Mừng theo Thánh Luca và thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, Đức Thánh Cha nói rằng: dân Chúa được hiệp nhất trong Chúa Kitô, tạ ơn Ngài vì chúng ta không vô danh, và vượt lên trên những thù hằn.
Trích dẫn đoạn Tin Mừng theo thánh Luca: “Phúc cho những đầy tớ cầm đèn cháy sáng chờ đợi chủ ăn cưới trở về”. Trong cảnh tiếp theo, Chúa Giêsu nói rằng những đầy tớ ấy dựa cửa và chờ chủ về.
Việc phục vụ cho Chủ làm cho Kitô hữu có một “căn tính”. Không có Đức Kitô, chúng ta không có căn tính, là kẻ vô danh. Và Đức Thánh Cha suy gẫm dựa vào những lời của Thánh Phaolô nhắc cho dân ngoại nhớ rằng không có Chúa Kitô, họ như những người dưng với quốc tịch Israel.
Những gì Chúa Kitô đến để thực hiện là cho chúng ta thành một công dân, thuộc về một dân tộc, được mang tên. Từ những kẻ thù nghịch sống không hòa bình, Đức Kitô đã đưa chúng ta vào trong thân mình của Ngài, phá vỡ các bức tường phân chia là sự thù hằn.
“Chúng ta đều biết rằng khi chúng ta không ở trong hòa bình với những người khác thì chúng ta dựng nên những bức tường thù ghét. Có một bức tường chia rẽ chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu đã phá vỡ bức tường này nhờ đó chúng ta có thể gặp gỡ nhau. Và nếu chúng ta bị phân rẽ, chúng ta sẽ không có bạn bè: chúng ta là những kẻ thù. Và Ngài đã hòa giải tất cả chúng ta: là những người bạn, là kẻ thù, là những người xa lạ, là con trai và con gái trong Thiên Chúa.”
Chúng ta là những dân xa lạ được Chúa cho trở thành “người đồng hương với các thánh và thành viên trong gia đình của Thiên Chúa”. Đó là những gì Thiên Chúa tạo dựng khi Ngài đến. Nhưng điều kiện của Ngài là gì? – Là chúng ta cần phải chờ đợi Ngài như những đầy tớ chờ đợi chủ của mình.”
“Hãy chờ đợi Chúa Giêsu! Ai không chờ Chúa Giêsu tức là người đóng cửa nhà mình đối với Chúa Giêsu, không để cho Ngài dắt ta tiến về phía trước, làm cho chúng ta trở thành công dân của Ngài. Hơn thế nữa, còn không để cho Ngài đặt cho ta một cái tên. Ngài làm cho chúng ta thành con cái Thiên Chúa. Chúng ta cần phải có niềm hy vọng Kitô giáo. Một Kitô hữu là con người của niềm hy vọng. Người đó biết Chúa sẽ đến. Chúng ta không biết khi nào, giờ nào Chúa đến, nhưng Ngài sẽ đến và không để cho chúng ta bị phân rẽ. Ngài đưa chúng ta vào bàn ăn và phục vụ chúng ta. Chúng ta được làm bạn hữu của Ngài trong bình an.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng cách đặt câu hỏi như sau: tôi chờ đợi Chúa Giêsu như thế nào? “Tôi có thực sự muốn chờ đợi Ngài hay không?”:
“Tôi có tin trong niềm hy vọng rằng Ngài sẽ đến không? Tâm hồn tôi có mở ra để Ngài gõ cửa, để Ngài bước vào lòng tôi không? Một Kitô hữu là người biết làm thế nào để chờ Chúa Giêsu. Là người của niềm hy vọng. Là Kitô hữu, chúng ta đừng sống như dân ngoại, không nhớ đến Chúa Giêsu và chờ đợi Ngài. Kẻ ngoại đạo tự phụ thì cho rằng chính mình là thần: “Tôi làm chủ trên đời tôi”. Và hậu quả là người đó kết thúc đời mình trong thậm tệ, vô danh, không nơi chốn và không là công dân của Nước Trời.”
2. Hiệp nhất trong đa dạng
Mọi Kitô hữu đều được mời gọi để kiến tạo sự hiệp nhất trong Giáo Hội khi để cho Chúa Thánh Thần, là Đấng tạo ra sự hiệp nhất trong đa dạng hướng dẫn mình. Đó là ý chính trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu, 24 tháng 10 của Đức Thánh Cha Phanxicô tại nguyện đường Santa Marta.
Trong bài đọc thứ I trích từ Thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô tự nhận mình là một tù nhân của Chúa và kêu gọi cộng đoàn Êphêsô sống một cách xứng đáng với ơn gọi mà họ đã được lãnh nhận hầu cố gắng duy trì sự hiệp nhất trong thần khí. Quảng diễn bài đọc này, Đức Thánh Cha nói: “Xây dựng sự hiệp nhất của Giáo Hội là công việc của Giáo Hội và của mọi Kitô hữu trong suốt lịch sử”.
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng khi Thánh Tông Đồ Phêrô “nói về Giáo Hội, ngài nói rằng đó là một ngôi đền thờ bằng đá sống động, đó là chúng ta”. Đức Thánh Cha cảnh báo rằng ngược lại với ngôi đền này là “ngôi đền của lòng kiêu hãnh, đó là Tháp Babel”. Ngôi đền đầu tiên “mang lại sự hiệp nhất”, cái thứ hai “là biểu tượng của sự chia rẽ, thiếu hiểu biết, sự hỗn loạn của ngôn ngữ”.
“Xây dựng sự hiệp nhất của Giáo Hội; xây dựng Hội Thánh, ngôi đền sống động là nhiệm vụ của mọi Kitô hữu, mỗi người chúng ta. Khi xây dựng đền thờ hay tòa nhà, trước hết là tìm một mảnh đất thích hợp. Rồi sau đó đặt nền đào móng. Kinh Thánh nói nền tảng của sự hiệp nhất, hay đúng hơn nền tảng của Giáo Hội là Chúa Giêsu và nền tảng này dựa trên lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: ‘Lạy Cha xin cho họ được nên một’. Và đó chính là sức mạnh của sự hiệp nhất!”
Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu là “đá tảng mà trên đó chúng ta xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội”, “không có đá tảng này, tất cả mọi thứ khác đều không thể. Sẽ không có sự hiệp nhất nếu không có Chúa Giêsu Kitô là nền tảng: Ngài chính là nền tảng vững chắc của chúng ta”.
Sau đó, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi với các tín hữu tham dự như sau: “Ai xây dựng sự hiệp nhất này?”. “Đó là công việc của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là Đấng duy nhất có khả năng xây dựng sự hiệp nhất của Giáo Hội. Và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã gửi Ngài đến để làm cho Giáo Hội phát triển, để làm cho Giáo Hội mạnh mẽ, để làm cho Giáo Hội nên một”. Thánh Thần xây dựng “sự hiệp nhất trong Giáo Hội” trong “sự đa dạng nơi các quốc gia, các nền văn hóa và dân tộc.”
Đức Thánh Cha Phanxicô lại đặt tiếp một câu hỏi khác: “Xây dựng ngôi đền này như thế nào?” Nói về chủ đề này, Thánh Tông Đồ Phêrô nói: “chúng ta là những viên đá sống động trong tòa nhà Giáo Hội”. Mặt khác, thánh Phaolô cũng “khuyên chúng ta đừng là những viên đá yếu nhược”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: Lời khuyên của Thánh Tông Đồ Dân Ngoại trong việc xây dựng sự hiệp nhất dường như là một lời khuyên nhu nhược theo suy nghĩ của con người.
“Khiêm tốn , hiền lành, khoan dung: Những điều này xem ra nhu nhược, bởi vì người khiêm tốn có vẻ chẳng có gì; dịu dàng, hiền lành xem chừng như vô dụng; sự rộng lượng giống như cởi mở với mọi người… Nhưng sau đó, Đức Thánh Cha phản bác lại rằng: Một người mang suy nghĩ của tình yêu thì sẽ nhìn thấy khác. Anh chị em có mang suy nghĩ tình yêu trong tim không? Đó là điều duy trì sự hiệp nhất. Những “nhu nhược” của những đức tính như là: khiêm nhường, lòng quảng đại, sự dịu dàng, hiền lành lại là mạnh mẽ hơn để giúp chúng ta xây dựng đền thờ sống động là sự hiệp nhất”.
Đức Thánh Cha nói tiếp: đó chính là “cách mà Chúa Giêsu đã dùng” người “đã trở thành yếu nhược”, chết trên thập giá “và sau đó đã trở nên mạnh mẽ!”. Chúng ta cũng vậy, nên nhớ: “Niềm kiêu hãnh đưa đến vô dụng”. Khi bạn xây dựng một tòa nhà, “kiến trúc sư đã đưa cho bạn một “bản vẽ”. Và “bản vẽ” để xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội là gì?”.
“Niềm hy vọng mà chúng ta được kêu gọi là: niềm hy vọng của cuộc hành trình hướng về Chúa, niềm hy vọng trong một Giáo Hội sống động, được xây nên từ những viên đá sống động, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong “bản vẽ” của niềm hy vọng, chúng ta mới có thể tiến về phía trước xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Chúng ta đã được mời gọi tiến đến một niềm hy vọng lớn lao. Hãy đến đó! Nhưng với sức mạnh của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu “cho tất cả chúng ta được hiệp nhất; với sự ngoan ngoãn tuân phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng có khả năng biến những viên gạch thành những viên đá sống động; và với hy vọng tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi chúng ta, để gặp gỡ Ngài khi đến thời viên mãn”.
3. Dụ ngôn hai người con
Trong thánh lễ sáng thứ Sáu 17 tháng 10, Đức Thánh Cha đã lên tiếng cảnh giác các Kitô hữu không có căn tính Kitô, những người chỉ là các tín hữu Kitô trên danh nghĩa, trên môi miệng.
Ngài nói:
“Người này là một Kitô hữu, đúng, có đi lễ mỗi Chúa Nhật, nhưng trong đời sống không thấy có căn tính. Người ấy sống như một người vô thần.”
Chúa Giêsu cũng đã từng lên án thái độ giả hình này trong dụ ngôn hai người con.
Khi ấy, Ðức Giêsu vào Ðền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi:
"Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?"
Ðức Giêsu đáp:
"Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?"
Họ mới nghĩ thầm:
"Nếu mình nói: "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy?" Còn nếu mình nói: "Do người ta", thì lại sợ đám đông, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ".
Họ mới trả lời Ðức Giêsu:
"Chúng tôi không biết".
Người cũng nói với họ:
"Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy".
Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho".
Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.
Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa cha, con đi đây!" nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?"
Họ trả lời: "Người thứ nhất".
Ðức Giêsu nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy".
Lời khuyến cáo của Đức Giêsu thật là đau đớn, bởi vì Người đặt đối lập người thu thuế và các cô gái điếm với những kỳ mục trong dân là những người đang đối thoại với Người. Đối với các thủ lãnh Do-thái, chỉ nguyên việc được nhắc tới họ đồng hàng cùng với người thu thuế và các gái điếm đã là một chuyện sỉ nhục rồi. Theo họ, người thu thuế và kẻ tội lỗi theo nguyên tắc bị loại khỏi Nước Thiên Chúa do lối sống của họ. Ngược lại, Đức Giêsu lại thấy người thu thuế và kẻ tội lỗi này chính là đứa con lúc đầu đã cương quyết nói không, nhưng rồi hối hận và đã đi làm theo ý cha. Đức Giêsu không đồng ý với lối sống của họ, nhưng nhìn nhận rằng họ đã nhận biết sứ điệp Gioan gửi đến để kêu gọi hoán cải và coi đó là thi hành ý muốn của Thiên Chúa; Người khẳng định rằng đây là điều cần thiết để được vào Nước Thiên Chúa.
Như thế dù đã nói “không” với Thiên Chúa, hoặc đã sống xấu xa, chẳng một ai lại phải tuyệt vọng. Câu trả lời đầu tiên không phải là lời quyết định, nếu ta không ở lại trong lời ấy, nếu ta biết điều chỉnh nó và vượt thắng nó bằng lối cư xử đúng đắn sau đó.
4. Tình yêu Thiên Chúa thật bao la
“Không có ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể trở nên là Kitô hữu”. Chính Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh để yêu thương. Đó là nội dung chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô sáng thứ Năm 23 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.
Đức Thánh Cha đã khai triển bài đọc I trong thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, (x.Ep 3,14-21) trong đó Thánh Tông Đồ kể lại kinh nghiệm của ngài đối với Chúa Giêsu, một kinh nghiệm “đã thúc đẩy ngài bỏ lại phía sau tất cả mọi thứ” để “ngài được ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô.”
Và đây chính là việc thờ phượng của thánh nhân: trước hết, ngài quỳ gối phủ phục trước nhan Thiên Chúa Cha, Đấng đã “ban sức mạnh để chúng ta thực hiện những điều lớn lao hơn những gì chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới”. Đó là một sức mạnh “vô lượng”.
Thánh nhân tôn kính vị Thiên Chúa là “Đấng bao la rộng lớn như biển tít tắp không thấy đâu là bến bờ, không có giới hạn, một đại dương bao la”. Thánh Tông Đồ nài xin Cha cho tất cả chúng ta, “ban cho anh em được phấn chấn đầy dũng lực, nhờ bởi Thần Khí của Người, để thành người nội tâm, nhờ Đức Ki-tô ngự trong lòng anh em”.
“Thánh nhân nài xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần để củng cố chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh. Chúng ta không thể tiến lên phía trước mà không có sức mạnh của Thánh Thần. Năng lực của chúng ta quá yếu. Chúng ta không thể trở nên Kitô hữu mà không có ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính Thần Khí biến đổi tâm hồn chúng ta khiến chúng ta tiến lên phía trước trong nhân đức, trong việc thực hiện và tuân giữ các điều răn”.
“Rồi Thánh nhân nài xin ân sủng khác từ Chúa Cha”, đó là “sự hiện diện của Chúa Kitô, để giúp chúng ta lớn lên trong đức ái”. Tình yêu của Chúa Kitô “vượt quá mọi sự hiểu biết”, chỉ có thể hiểu được nhờ “hành vi tôn thờ trải rộng muôn đời muôn kiếp”.
“Đây là một kinh nghiệm thần bí của thánh Phaolô và ngài dạy ta cũng hãy dâng lời cầu nguyện ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa. Trong mọi việc lớn, nhỏ, thánh Phaolô đều dâng lời khen ngợi Thiên Chúa bằng hành vi thờ phượng. Đồng thời thánh nhân nài xin Thiên Chúa Cha ban Thánh Thần cho chúng ta để chúng ta có sức mạnh tiến về phía trước, giúp chúng ta hiểu được tình yêu Chúa Kitô và Chúa Kitô sẽ củng cố chúng ta trong tình yêu. Và ngài dâng lời tạ ơn lên Chúa Cha: Tạ ơn Thiên Chúa Cha vì Ngài đã thực hiện những điều mà chúng ta không dám nghĩ tới. Đó là một lời cầu nguyện đẹp”.
Đức Thánh Cha kết luận bài giảng như sau: “Bằng đời sống nội tâm, thánh Phaolô đã từ bỏ tất cả mọi sự và ngài coi tất cả như rác để được biết Đức Kitô và thuộc trọn và Ngài. Điều này sẽ giúp ích cho chúng ta trong việc phụng thờ Thiên Chúa. Việc thờ phượng như thế giúp chúng ta bước vào khung trời rộng lớn, hùng vĩ, quảng đại và yêu thương. Nó giúp chúng ta tiến về phía trước thi hành tất cả những điều răn. Và chỉ có một điều răn duy nhất và căn bản đó là: yêu Chúa và yêu người.”
5. Đâu là giới răn trọng nhất
Dấu chỉ hữu hình mà Kitô hữu có thể chứng tỏ để làm chứng trước thế giới về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại là tình yêu của họ đối với anh em mình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 26 tháng 10.
Ngài nói:
Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta rằng toàn thể Lề Luật Chúa tóm gọn trong tình yêu đối Thiên Chúa và đối với tha nhân, Thánh Sử Mathêu kể lại rằng một vài người Biệt Phái thỏa thuận với nhau để thử thách Chúa Giêsu (Xc, 22,34-35). Một người trong họ là một tiến sĩ Luật, hỏi Chúa rằng: “Thưa Thầy, trong Luật, đâu là giới răn trọng nhất?” (v.36). Chúa Giêsu, trích dẫn sách Đệ nhị luật, đáp: ”Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và tâm trí của ngươi. Đó là giới răn thứ I và trọng nhất” (vv.37-38). Và lẽ ra Ngài có thể dừng lại ở đây. Trái lại Chúa Giêsu nói thêm điều mà vị tiến sĩ Luật không hỏi. Thực vậy, Chúa nói: “Giới răn thứ hai giống như giới răn thứ I: Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (v. 39).
Cả giới răn thứ hai này Chúa Giêsu không sáng chế ra, nhưng ngài lấy lại từ sách Lêvi. Sự mới mẻ của Ngài hệ tại đặt hai giới răn này chung với nhau - mến Chúa và yêu người - qua đó Ngài tỏ lộ rằng hai giới răn ấy không thể tách biệt, nhưng bổ túc cho nhau, đó là hai mặt của cùng một mề-đai. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã để lại cho chúng ta một bình giải rất hay về vấn đề này trong Thông điệp đầu tiên của Ngài “Deus caritas est, Thiên Chúa là tình thương” (nn.16-18).
Thực vậy, dấu chỉ hữu hình mà Kitô hữu có thể chứng tỏ để làm chứng cho thế giới về tình thương của Thiên Chúa chính là tình yêu đối với anh em mình. Giới răn mến Chúa yêu người là giới răn đầu tiên không phải vì đứng đầu danh sách các giới răn. Chúa Giêsu không đặt nó lên hàng đầu, nhưng ở trung tâm vì đó là trọng tâm từ đó tất cả phải khởi hành và tất cả phải trở về đó và tham chiếu.
Ngay trong Cựu Ước, đòi hỏi nên thánh, theo hình ảnh Thiên Chúa là Đấng Thánh, cũng bao gồm nghĩa vụ săn sóc những người yếu thế nhất như ngoại kiều, cô nhi và góa phụ (Xc Xh 22,20-26). Chúa Giêsu kiện toàn luật giao ước ấy, chính Ngài liên kết nơi mình, trong thân mình Ngài, thần tính và nhân tính trong một mầu nhiệm tình yêu duy nhất.
Từ nay trở đi, dưới ánh sáng Lời Chúa Giêsu, tình yêu là mực thước đức tin, và đức tin là linh hồn của tình yêu. Chúng ta không còn có thể tách biệt đời sống tôn giáo ra khỏi việc phục vụ anh em, những người anh em cụ thể mà chúng ta gặp. Chúng ta không còn có thể tách biệt kinh nguyện, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong các bí tích, khỏi sự lắng nghe tha nhân, gần gũi cuộc sống của họ, nhất là những vết thương của họ.
Giữa rừng rậm các giới luật và qui tằc - giữa chủ trương vụ luật xưa kia và ngày nay - Chúa Giêsu mở ra một lỗ hổng giúp nhận ra hai khuôn mặt: khuôn mặt Chúa Cha và khuôn mặt người anh em. Ngài không giao cho chúng ta 2 công thức hay hai giới răn, nhưng hai khuôn mặt, đúng hơn chỉ có một khuôn mặt duy nhất, đó là khuôn mặt của Thiên Chúa phản ánh trong bao nhiêu khuôn mặt, vì trong khuôn mặt của mỗi người anh em, đặc biệt là khuôn mặt bé nhỏ, yếu ớt và vô phương thế tự vệ nhất, có chính hình ảnh của Thiên Chúa hiện diện.
Như thế, Chúa Giêsu trao tặng mỗi người tiêu chuẩn căn bản để họ xếp đặt đời sống của mình. Nhưng nhất là Chúa ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài, giúp chúng ta mến Chúa và yêu người như Ngài, với con tim tự do và quảng đại. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ chúng ta, chúng ta hãy cởi mở đón nhận hồng ân ấy, để tiến bước trong luật yêu thương.