Lễ Sinh nhật thánh Gioan Baotixita

NHỮNG CÚ NHẢY HOAN CA TÌNH THƯƠNG

Vai trò của thánh Gioan Baotixita là dọn tâm hồn dân chúng chuẩn bị đón nhận Chúa Cứu Thế. Vì thế, nội dung của sứ mạng mà thánh Gioan lãnh nhận gần giống Chúa Kitô: Kêu gọi mọi người nhìn nhận tội lỗi của mình và ăn năn sám hối. Chính thánh Gioan tự giới thiệu mình là tiếng kêu trong hoang địa. Qua đó, thánh nhân muốn nhấn mạnh rằng, hoang địa là tâm hồn con người còn thiếu vắng Thiên Chúa. Lời kêu gọi sám hối là tiếng kêu trong hoang địa đòi con người phải cải tạo hoang địa lòng mình cho phù hợp với ơn cứu độ đang đến. Là tiếng kêu dọn đường cho Chúa để Chúa thể hiện tình thương đối với nhân loại, Chúa đã biến cuộc đời thánh Gioan, kể từ lúc thành thai đến khi qua đời, là cả một chuỗi những biến cố lạ thường, thể hiện huyền nhiệm Tình Thương của Chúa, một Tình Thương bền bỉ gắn chặt với vận mệnh của mỗi con người, một Tình Thương đã biến con người chỉ là thụ tạo, trở thành quà tặng mà Thiên Chúa tự dành cho mình.

Suy niệm Tin Mừng liên quan đến ngày lễ Sinh Nhật thánh Gioan Baotixita (Lc 1, 5-58), tôi nhận ra một sự tương đồng hết sức lớn lao với một đoạn Thánh Kinh Cựu Ước kể lại việc vua Đavid cung nghinh và nhảy múa trước Hòm Bia giao ước, để tỏ lòng thần phục, kính thờ Thiên Chúa (2Sm 6, 9-15). Cuộc hạ sinh thánh Gioan và ơn gọi mà thánh Gioan nhận lãnh đã nhiều lần được Cựu Ước báo trước. 2Sm 6, 9-15 là một trong những bản văn Cựu Ước cho thấy hình bóng về ý nghĩa lớn lao bên trong cuộc hạ sinh này. Ý nghĩa đó chính là Tình Thương của Chúa vẫn không ngừng hiện diện giữa dân Chúa.

Đúng hơn, khi ghi lại trình thuật về việc hạ sinh của thánh Gioan Baotixita, thánh Luca như cố tình cho thấy sự gần gũi, sự tương đồng giữa Cựu và Tân Ước. Với trình thuật về cuộc hạ sinh của thánh Gioan, thánh Luca như muốn nói rằng, con người và ơn gọi của Gioan Baotixita không chỉ là giao thời giữa Cựu và Tân Ước, mà còn là và nhất là: Gioan Baotixita một khi có mặt trong Tân Ước, đã bước ra từ Cựu Ước. Trong đó, cuộc hạ sinh của con người đầy nhiệm lạ này, không chỉ nói lên tình thương của Chúa dành cho riêng cá nhân thánh Gioan, mà còn cho thấy, cuộc hạ sinh và chính con người của thánh Gioan càng nhiệm lạ bao nhiêu, thì Tình Thương của Chúa vốn bền bỉ hiện diện giữa dân Chúa càng diệu kỳ, càng lớn lao bấy nhiêu, lớn không cùng.

Sách Samuel quyển II cho biết: “Vua Đavid nói: ‘Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được?’. Vua Đavid không muốn đưa Hòm Bia Đức Chúa về với mình trong thành vua Đavid, nên cho chuyển hướng sang nhà ông Ôvết Êđôm…Hòm Bia Đức Chúa ở nhà Ôvết Êđôm, người thành Gát ba tháng…Ông Đavid liền đi rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà ông Ôvết Êđôm lên thành vua Đavid trong niềm hân hoan. Khi những người khiêngHòm Bia của Đức Chúa đi được sáu bước, thì vua sát tế một con bò và một con bê béo. Vua Đavid quấn êphốt vải gai, nhảy múa hết sức mình trước nhan Đức Chúa. Vua Đavid và toàn thể nhà Israel rước Hòm Bia Đức Chúa lên giữa tiếng hò reo và tiếng tù và…” (2Sm 6, 9-15).

- Hòm chứa hai tấm Bia giao ước là hình ảnh báo trước Đức Maria mang Chúa Giêsu trong lòng dạ mình.

- Lần đầu tiên, Hòm chứa Bia giao ước long trọng vào thành của Đavid. Đức Maria mang thai Chúa đi đến nhà bà Isave. Lần đầu tiên, kể từ khi Chúa nhập thể làm người, Hòm Bia giao ước mới là chính Đức Maria và chính Chúa Giêsu đã viếng thăm một gia đình thánh thiện.

- Đavid và dân chúng đã vui mừng khi cung nghinh hòm bia. Bà Isave và người con mà bà đang cưu mang cũng vui mừng trước Đức Maria.

- Chính Đavid đã nhảy nhót để diễn tả niềm vui được Hòm Bia viếng thăm. Gioan Baotixita cũng nhảy mừng trong lòng mẹ, khi gặp gỡ Đức Maria, người Mẹ của Thiên Chúa đang mang Thiên Chúa trong lòng dạ.

- Dân Israel đã “hò reo” trong khi rước Hòm Bia. Cũng vậy, bà Isave “kêu lớn tiếng”.

- Cũng như Hòm Bia ở nhà ông Ôvết Êđôm trong ba tháng, Đức Maria cũng lưu lại nhà ông Giacaria và bà Isave trong ba tháng.

- Câu nói của bà Isave: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi”, phải chăng cũng là họa lại lời Đavid: “Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được”.

Thánh Luca đã tài tình khi lồng ghép hình ảnh của Cựu Ước vào Tân Ước. Sự gặp gỡ thiết thân hết sức của Cựu và Tân Ước, đã cho thấy lịch sử cứu độ, lịch sử mà nơi đó hành động Tình Thương của Thiên Chúa vẫn chảy mãi, chảy mãi chẳng những chưa từng “nghẻn mạch”, chưa từng “tạm nghỉ” một chút nào, mà còn tiếp tục chảy đến vô cùng, chảy không ngừng.

Hóa ra, thánh Luca cố tình làm tương đồng giữa câu chuyện sinh hạ của Gioan Baotixita với câu chuyện cung nghinh Hòm Bia của Đavid, không chỉ làm nổi lên tính so sánh như một thể loại văn chương. Nhưng ẩn sâu trong dụng ý của thánh Luca, câu chuyện hạ sinh ấy là một bài trường ca về một Tình Thương có một không hai trong lịch sử loài người. Một bài trường ca bất tận. Một Tình Thương nhiệm lạ gắn chặt Thiên Chúa với loài người không ngơi nghỉ. Tình Thương quá đỗi ấy đã làm thành một dòng lịch sử nâng cao thân phận trần thế của loài thụ tạo mỏng dòn, phải chết trở thành con Thiên Chúa. Tình Thương ấy không còn là hình bóng, nhưng đã hiện thực. Thay vì vật thể, thì nay là một Con Người. Thay vì Bia giao ước thì nay là chính Chúa Trời làm người. Như vậy, Tình Thương chảy từ Cựu Ước, càng chảy càng phát triển. Sang Tân Ước, Tình Thương ấy phát triển đến không ngờ. Bởi ơn cứu độ của lời hứa khi xưa, nay đã là chính Đấng Cứu Độ toàn năng.

Suy nghĩ như thế, ta càng khám phá ra rằng, khi miêu tả từng chi tiết câu chuyện hạ sinh của thánh Gioan Baotixita, thánh Luca đã hoan hỷ đặt tất cả nội tâm của mình sống trong đó. Vì thế, thái độ vui mừng của gia đình Giacaria – Isave vì được Chúa Trời buổi đầu làm người viếng thăn cũng là niềm mừng vui khôn tả của Luca. Bởi hôm nay, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Cú nhảy của thánh Gioan trong lòng bà Isave cũng là cú nhảy của Luca. Bởi hôm nay, dân Chúa cũng được hân hoan nhảy mừng vì sức sống mới, sức sống vĩnh cửu trong ơn cứu chuộc. Tiếng kêu trong ơn Chúa Thánh Thần vừa thản thốt, vừa lạ thường, vừa vui sướng của bà Isave cũng là tiếng kêu trong Thánh Thần của Luca. Bởi hôm nay dân Chúa đã được xức dầu Thánh Thần để cất mãi bài hoan ca chúc tụng Thiên Chúa. Lời ca tụng Thiên Chúa sẽ trung thành thực hiện những gì Người đã phán (Lc 1, 45) xuất trên môi bà Isave cũng chính là tiếng kêu bật thốt của Luca. Bởi hôm nay tất cả những gì Chúa hứa đã nên hiện thực và hoàn hảo… Thánh Luca đã khám phá và nói với chúng ta nơi từng con chữ trong trình thuật hạ sinh của thánh Gioan về một Tình Thương bền bỉ có một không hai, Thiên Chúa đã không ngừng trung thành dành cho trần thế.

Nói cách khác, nơi trình thuật hạ sinh của thánh Gioan đặt trong tương quan với trình thuật Cựu Ước, ta thấy được Tình Thương của Chúa là một Tình Thương vượt mọi thác ghềnh, vượt trên tội lỗi của loài người. Tình Thương ấy đã dàn trải trong Cựu Ước thì nay lại cứ lớn mênh mông nơi Tân Ước. Cứ mãi vươn tới, vươn tới, bền bỉ gắn chặt với vận mệnh của trần thế, để trần thế dù vong thân đến đâu, vẫn còn đó một điểm tựa vững chắc mà quay về. Bởi thế, thái độ vui mừng, hay cú nhảy, hay tiếng kêu sung sướng trong Thánh Thần, hay lời ca tụng Thiên Chúa trung thành với lời hứa… nơi trình thuật hạ sinh của thánh Gioan, cũng là của chính nội tâm thánh Luca, lại chính là sự diễn tả trung thực nỗi vui mừng của mỗi chúng ta, của Hội Thánh hôm nay, vì được tận hưởng một Tình Thương bền bỉ mà Thiên Chúa đã thực hiện mỗi lúc một lên cao từ hình bóng đến hiện thực, từ vật thể đến Con Người, từ bia đá đến chính Con Thiên Chúa.

Tình Thương của Chúa là ân huệ lớn lao cho trần gian. Dân Chúa xưa trong Cựu Ước đã vui mừng đón nhận Tình Thương ấy. Đức Mẹ đã trân trọng đón nhận Tình Thương mà Chúa đặc biệt dành cho Mẹ. Gia đình ông bà Giacaria – Isave đã sung sướng vì Chúa đoái thương. Thánh Gioan Baotixita chấp nhận sứ vụ của Tình Thương nhiệm lạ trở thành người Tiền Hô Đấng Cứu Thế. Thánh Luca bày tỏ lời sung sướng của nội tâm vì nhận ra Tình Thương của Chúa luôn trải dài và bền bỉ. Ngày nay, tất cả chúng ta hãy đắm mình trong Tình Thương của Chúa bằng đời sống chăm chỉ cầu nguyện như thánh Gioan kết hợp với Chúa bằng con đường sa mạc nội tâm. Ta hãy thanh luyện tâm hồn thường xuyên để xứng đáng với Tình Thương. Ta hãy làm trọn sứ vụ dọn đường cho Tình Thương của Chúa đi vào nẻo đường nhân loại bằng chính đời sống chứng tá của ta. Rất nhiều phương thế để chúng ta đắm mình trong Tình Thương của Chúa. Mỗi người chúng ta đều cần lắm sự đắm mình trong Tình Thương của Chúa, để mãi mãi Tình Thương ấy dìu đưa ta trên hành trình cuộc đời. Cuối hành trình ấy, lại chính nhờ Tình Thương, chúng ta tiến về cùng Chúa trong bình an.

Vua Đavid đã nhảy mừng. Thánh Gioan Baotixita cũng nhảy mừng. Những cú nhảy của tình yêu đáp trả Tình Yêu. Ngày nay, ta đắm mình trong Tình Thương của Chúa, cũng có nghĩa là ta nhảy mừng đón nhận Tình Thương Chúa dành cho ta. Những cú nhảy như thế rất cần để ta càng ngày càng đi về phía Chúa, càng trở nên một với Chúa. Đó là những cú nhảy đón nhận và sống với Tình Thương của Chúa. Tất cả đều là những cú nhảy hoan ca Tình Thương.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH