XÂY DỰNG CÁC CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN - ĐỀ TÀI 13


VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG CỦA LINH HOẠT VIÊNCỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN

I. MỤC ĐÍCH

1. Giúp các học viên hiểu rõ vai trò và chức năng của linh hoạt viên trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản. Đó là vai trò và chức năng của người lãnh đạo, người nòng cốt, người là linh hồn của Cộng đoàn, vì thế linh hoạt viên phải biết cách linh hoạt tức biết cách làm sinh động và hướng dẫn anh chị em trong Cộng đoàn.

2. Giúp các học viên có thêm lòng nhiệt thành trong việc học hỏi và trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để chu toàn vai trò và chức năng đã được Cộng đoàn giao.

II. Tiếp cận vấn đề

Nhiều vị chánh trương, trùm trưởng hay một số các anh chị em giáo dân đứng đầu các hội đoàn tông đồ suy nghĩ một cách đơn giản rằng: được bầu, được chọn vào chức vụ lãnh đạo hội đoàn hay giáo xứ là mình muốn làm sao thì làm. Thật ra không phải là như vậy. Làm bất cứ công việc gì cũng phải tuân thủ một số nguyên tắc. Nhất là việc đứng đầu một hội đoàn hay cộng đoàn trong Giáo hội là một việc rất quan trọng và tế nhị vì ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của nhiều người. Hơn nữa ở đây là một Cộng đoàn Giáo hội cơ bản nên những người có vai trò và chức năng lãnh đạo càng phải quan tâm tìm tòi học hỏi về nghề thuật lãnh đạo mới theo đà tiến bộ của xã hội ngày nay và phù hợp với Tin Mừng.

1. Theo bạn thì cách lãnh đạo mới ngày nay khác với cách lãnh đạo cũ ngày xưa như thế nào?

2. Theo các bạn thì linh hoạt viên Cộng đoàn Giáo hội cơ bản có vai trò và chức năng gì?

III. Học hỏi

1.- Thế nào là linh hoạt?

* Linh hoạt là cách lãnh đạo mới. Trước đây quan niệm lãnh đạo gắn liền với quan niệm quyền bính, với giai cấp, với ý niệm chỉ huy. Người lãnh đạo được xem như người cha, người chủ, là lý tưởng mô phạm và gương mẫu cho kẻ dưới noi theo. Theo mô hình này, kẻ dưới giữ vai trò thụ động là nghe theo, tiếp thu và thi hành những gì cấp lãnh đạo đề ra. Tất cả mọi sự đều do bên trên rót xuống. Còn tập thể các thành viên chỉ được biết đến như cấp thừa hành. Xã hội đã thay đổi rất nhiều: những biến chuyển về văn hóa, xã hội, giáo dục, chính trị đã cung cấp nhiều nhân tố mới để tạo nên một mô hình lãnh đạo mới là linh hoạt.

* Linh hoạt là một hoạt động có liên quan tới sự sống, làm cho sống. Đó là việc làm nẩy mầm, làm phát sinh sự sống; là gieo hạt và làm tăng trưởng. Như người cha cho con mầm sống, rồi làm cho sự sống đã khai sinh lớn lên, phát triển và đạt tới mức tự lập.

Cụ thể linh hoạt là làm sống động bằng cách thổi sinh khí vào; là gây cảm hứng và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trong một nhóm hay một tập thể, giúp nhóm đạt mục tiêu đã chọn.

2. Bảng so sánh giữa lãnh đạo bằng quyền lực và lãnh đạo bằng linh hoạt:
LÃNH ĐẠO BẰNG QUYỀN LỰC LÃNH ĐẠO BẰNG LINH HOẠT
- Truyền mệnh lệnh- Kêu gọi, thuyết phục
- Quyết định một mình- Liên kết nhóm trong quyết định
- Xử lý hành chánh, bắt buộc tuân hành kỷ luật- Giúp nhóm hiểu rõ lợi ích của đời sống tập thể, và tìm kiếm những giải pháp mới
- Chỉ huy bằng phản ứng đối đầu với tư cách trọng tài (làm quan tòa tối cao, làm “bố” đỡ đầu..)- Chỉ huy bằng cách nêu rõ mục tiêu sáng tạo, một thứ khế ước tinh thần giữa những bên đối tác
- Chỉ huy dựa vào quyền bính, kỷ cương, trừng phạt: trước hết cần phải bảo đảm trật tự- Linh hoạt khơi dậy sự phát triển tích cực của những con người, tìm cách liên kết con người với nhóm bằng việc giao trách nhiệm: trước hết cần xây dựng sự đồng tâm
- Mọi quyết định tập trung từ bên trên, đòi hỏi sự vâng phục và tuân hành mọi mệnh lệnh- Linh hoạt kêu gọi sự sáng tạo và đóng góp của từng người
- Chỉ huy dựa vào thái độ cấp dưới tùy thuộc thường xuyên vào ý kiến của lãnh đạo- Linh hoạt dựa vào sự ủy quyền giao trách nhiệm, giao công việc cho từng cá nhân
- Chỉ huy dựa vào ý kiến chủ quan của lãnh đạo (nguy cơ chủ quan và sai lầm)- Việc lượng định đặt trên công việc thực hiện và thành quả thu lượm được, không dựa trên cá nhân: có đạt mục tiêu không và đạt như thế nào?


3.- Thế nào là linh hoạt viên của Cộng đoàn?

* Linh hoạt viên không phải là:

* một người lãnh đạo chỉ huy từ bên trên ban mệnh lệnh,

* một người trưởng đứng đầu, là gương mẫu cho mọi người noi theo,

* một giám đốc đứng bên ngoài quan sát, kiểm tra…

* Linh hoạt viên là:

- người nên một với nhóm/cộng đoàn, liên kết mật thiết với nhóm/cộng đoàn và với từng thành viên,

- người chia sẻ, trao tặng, truyền thông cho nhóm/cộng đoàn những gì mình có, những gì mình biết: đem sự sống lại cho nhóm/cộng đoàn, làm cho nhóm/cộng đoàn sống/lớn lên/phát triển theo những tiềm năng và hoàn cảnh của nhóm/cộng đoàn, hợp với những mục tiêu của nhóm/cộng đoàn,

- cũng là người gieo hạt, làm nẩy mầm và làm cho lớn lên. Chính bằng cách đem lại sự sống cho nhóm/cộng đoàn mà linh hoạt viên tác động trên các thành viên để họ đạt tới mục tiêu đã nối kết họ lại với nhau trong cùng một công việc,

- là người đi trước dọn đường và chỉ đường, nhưng vừa khi các thành viên có thể tự đi được thì linh hoạt viên lập tức ẩn mình, lui bước. Linh hoạt viên cung ứng năng lực để nhóm/cộng đoàn có thể tự lực, tự quản chứ không duy trì mãi quyền chỉ huy. Do đó, linh hoạt viên phải là người muốn giấu mình, xóa mình từng bước hợp với đà tiến triển của Cộng đoàn. Như người cha đem lại sự sống cho con, giúp nó tự sống và tự lập, và ngày nào đứa con có thể tự mình đứng vững thì liền nép mình sau đứa con, thu nhỏ mình lại (1).

4.- Vai trò và chức năng của linh hoạt viên Cộng đoàn Giáo hội cơ bản?

(1) Nói chung vai trò và chức năng căn bản nhất của linh hoạt viên Cộng đoàn Giáo hội cơ bản là:

(a) Hướng dẫn các thành viên của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản hướng tới các mục tiêu riêng của Cộng đoàn.

(b) Giúp đỡ các thành viên của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản đạt tới mục đích một cách tích cực và hiệp nhất.

(2) Trong thực tế vai trò và chức năng của người linh hoạt viên sẽ mang những sắc thái khác nhau tùy theo vai trò và chức năng ấy có liên quan tới việc xây dựng và duy trì Cộng đoàn Giáo hội cơ bản hay chỉ có liên quan đến việc thực hiện mục tiêu của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản mà thôi.

(1o) Khi có liên quan tới việc xây dựng và duy trì Cộng đoàn Giáo hội cơ bản, thì linh hoạt viên có vai trò và chức năng như sau:

(a) Khai sáng: Linh hoạt viên phải làm cho Cộng đoàn Giáo hội cơ bản hoạt động cách tích cực hướng về các mục tiêu bằng cách đề xuất các biện pháp, khơi dậy các khả năng, tìm ra các nguồn nhân lực và tài lực. Linh hoạt viên phải làm sao cho các thành viên thuộc Cộng đoàn Giáo hội cơ bản tích cực hướng về một chương trình hành động liên tục và thống nhất.

(b) Điều hòa: Bản tính con người thường hướng tới cực đoan: hoạt động thái quá hay chẳng hoạt động gì hết là những điều có thể xẩy bất cứ lúc nào. Điều đó xuất phát từ những khác biệt cá nhân về giáo dục, tính tình, khả năng tài chánh, bậc thang các giá trị, hoàn cảnh xã hội, năng khiếu và các nguyên nhân khác. Vai trò và chức năng của linh hoạt viên là làm nổi bật lên những tiềm năng và thiếu sót, và điều hòa chúng mà không xúc phạm tới cá nhân thành viên Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

(c) Thông tin: Linh hoạt viên cần phải luôn luôn tỉnh thức để thông báo cho Cộng đoàn Giáo hội cơ bản về hiện trạng và khả năng trong tương lai. Điều đó không có nghĩa là linh hoạt viên phải “độc quyền” thông tin, nhưng linh hoạt viên phải là người được thông tin nhiều nhất để thông tin cho những người khác. Việc lượng giá một công việc không thể thực hiện cách chính xác nếu không có đầy đủ thông tin.

(d) Hỗ trợ: Linh hoạt viên phải tạo ra một bầu khí thuận lợi để duy trì sự đoàn kết và hoạt động của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản. Để làm được việc ấy linh hoạt viên phải biết hỗ trợ kịp thời và hữu hiệu các thành viên Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

(đ) Lượng giá: Thành công hay thất bại, linh hoạt viên phải nêu lên được thành công ở điểm nào và thất bại ở điểm nào. Cũng phải biết tại sao thành công và tại sao thất bại để có một đánh giá trung thực và khách quan.

(2o) Còn khi có liên quan tới việc thực hiện mục tiêu của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản, thì linh hoạt viên có vai trò chức năng như sau:

(a) Lên được kế hoạch cho tương lai: Các mục tiêu trong tương lai phải là mối quan tâm, là mục tiêu đầu tiên của linh hoạt viên. Mọi nỗ lực đều qui hướng về những mục tiêu ấy. Điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận thông minh và thực tế. Kế hoạch vạch ra phải vừa mang ‘ tính chiến lược’ vừa mang ‘tính chiến thuật’. Mang tính chiến lược là mang ‘tính định hướng’ (vision) tức xác định được mục tiêu là gì? Còn mang tính chiến thuật là mang ‘tính hành động’ (action) tức xác định các biện pháp sử dụng để đạt các mục tiêu đã vạch.

(b) Quyết định: Quyết định đi sau kế hoạch. Linh hoạt viên phải giúp người khác quyết định. Quyết định chung của Cộng đoàn bao giờ cũng tốt hơn quyết định của một người. Quyết định chung của Cộng đoàn sẽ đem lại hiệu quả lớn hơn và lâu bền hơn.

(c) Đảm nhận trách nhiệm: Linh hoạt viên phải đảm nhận trách nhiệm sau khi đã quyết định, không tìm cách thoái thác trách nhiệm hoặc đổ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh. Đó là điều hiển nhiên. Hơn nữa linh hoạt viên chỉ duy trì được sự tin tưởng của các thành viên khác bao lâu biết chấp nhận giới hạn của mình (nhân vô thập toàn).

(d) Bênh vực: Linh hoạt viên là người hóa giải sự thay đổi. Khi bắt buộc phải thay đổi người ta thường có cảm giác không chắc chắn về kết quả của các thay đổi ấy. Nên có thể xẩy ra tình trạng bất ổn. Nhiệm vụ của linh hoạt viên là bênh vực bạn bè đồng chí của mình và các mục tiêu họ nhắm tới.

(đ) Hỗ trợ: Lên kế hoạch, tổ chức, thực hiện không thể đạt hiệu quả nếu như không có sự hỗ trợ. Tính kiên định và bền chí của một Cộng đoàn Giáo hội cơ bản trong các biện pháp đã chọn lựa và tiến trình lệ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ ấy của linh hoạt viên.

Ghi chú quan trọng:

Hai loại chức năng xây dựng Cộng đoàn Giáo hội cơ bản và chức năng thực hiện mục tiêu của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản bổ túc cho nhau và trong thực tế có thể được thực hiện cùng một lúc (2).

IV. Ap dụng

1. Đối chiếu với cách lãnh đạo cũ dựa vào quyền lực, cách lãnh đạo mới là linh hoạt có những tiêu chuẩn và đặc điểm nổi bật nào? Những tiêu chuẩn và đặc điểm ấy có phù hợp hơn với trình độ dân trí ngày nay và với tinh thần Phúc âm không?

2. Dựa vào các tiêu chuẩn và đặc tính của cách lãnh đạo mới là linh hoạt, các bạn thấy mình phải làm những gì để chu toàn vai trò và chức năng của linh hoạt viên Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

V. Chia sẻ

1. Các bạn hãy chia sẻ về cách mình vẫn thực hiện vai trò và chức năng lãnh đạo hay “đầu tầu” của mình từ trước tới giờ trong hội đoàn, giới, giáo họ hay giáo xứ.

2. Theo các bạn thì để chu toàn vai trò và chức năng lãnh đạo trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản theo phong cách linh hoạt các bạn sẽ có những thuận lợi và trở ngại nào? Làm thế nào để vượt qua những trở ngại và phát huy những thuận lợi sẵn có?

----------------

Chú thích:

(1) Trích “Chương trình Huấn luyện Linh hoạt viên Giới Trẻ”, Mục vụ Giới Trẻ 2001 - Tổng giáo phận Sài Gòn, trang 50, 52, 54-55.

(2) Dựa vào một tài liệu nước ngoài về vài trò chức năng người lãnh đạo cộng đoàn Giáo hội.

XÂY DỰNG CÁC CỘNG ĐOÀN CƠ BẢN - ĐỀ TÀI 15


HƯỚNG DẪN MỘT BUỔI CẦU NGUYỆN CỦA CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN (KỸ NĂNG CỦA LINH HOẠT VIÊN)

I. MỤC ĐÍCH

Giúp các học viên là các thành viên, nhất là linh hoạt viên Cộng đoàn Giáo hội cơ bản, biết cách hướng dẫn một buổi cầu nguyện của Cộng đoàn, để buổi cầu nguyện ấy đạt yêu cầu về chất lượng. Đây là một kỹ năng rất cần thiết cho các linh hoạt viên Cộng đoàn Giáo hội cơ bản cũng như cho những người đứng đầu các nhóm, các hội đoàn khác trong Giáo hội.

II. TIẾP CẬN VẤN ĐỀ

Nhiều giáo dân - kể cả các vị chánh trương, trùm trưởng hay đứng đầu các hội đoàn - thường tỏ ra lúng túng khi được giao công việc hướng dẫn một buổi cầu nguyện của một nhóm hay của cộng đoàn. Thậm chí họ cũng lúng túng khi được yêu cầu có lời cầu nguyện tự phát trong một buổi sinh hoạt tôn giáo. Vì thế cách đơn giản và thông thường nhất là mỗi khi đọc kinh cầu nguyện chung, giáo dân Việt Nam thường hát kinh Chúa Thánh Thần và đọc các kinh “Tin-Cậy-Mến” hay kinh “Xin Chúa sáng soi” mà không có lời gợi ý hướng dẫn thích hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Kết quả là cảnh đơn điệu và nhàm chán thường xẩy ra cho những người tham dự buổi cầu nguyện. Vậy thử hỏi:

1. Theo các bạn thì tại sao giáo dân - kể cả các cán bộ giáo dân chúng ta - thường làm như thế?

2. Các bạn có cho rằng buổi đọc kinh cầu nguyện chung sẽ tốt hơn nếu có người hướng dẫn cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của buổi đọc kinh cầu nguyện ấy không? Làm thế nào để nhiều giáo dân biết cách hướng dẫn một buổi cầu nguyện của một nhóm nhỏ hay một cộng đoàn?

3. Để có thể hướng dẫn buổi cầu nguyện của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản đạt kết quả tốt, linh hoạt viên cần có kỹ năng gì?

III. HỌC HỎI

1. Nhắc lại đôi điều quan trọng về cầu nguyện:

Có đôi điều liên quan tới cầu nguyện cần nhắc lại trước khi trực tiếp đi vào đề tài. Đó là (*) Kinh Lạy Cha là khuôn mẫu của mọi lời cầu nguyện Kitô giáo và (**) Cầu nguyện Kitô giáo không chỉ là xin ơn mà còn là chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, xin lỗi và hiến dâng nữa.

1.1 Kinh Lạy Cha là “khuôn mẫu” của mọi lời cầu nguyện Kitô giáo.

Nhiều giáo dân Việt Nam chỉ biết Kinh Lạy Cha là Kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ đọc khi cầu nguyện. Nhưng ít giáo dân biết rằng ngoài điều ấy ra thì Kinh Lạy Cha còn là “khuôn mẫu” cho mọi lời cầu nguyện Kitô giáo.

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy các môn đệ và chúng ta rằng: Thiên Chúa thực sự là Cha của chúng ta và trong tình con thảo trước hết chúng ta phải biết quan tâm tới những gì liên quan tới Người và cầu nguyện cho những điều ấy được thực hiện. Rồi sau đó, chúng ta mới được quan tâm đến những điều cần thiết cho sự sống (thể lý, tâm linh) của chúng ta và cầu xin Cha ban cho chúng ta những ơn cần thiết cho sự sống ấy.

Có ba điều liên quan tới Cha là: (1o) Danh Thánh Cha được vinh hiển, (2o) Triều đại Cha mau đến, (3o) Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Có bốn điều liên quan tới các nhu cầu phần xác phần hồn chính đáng của chúng ta là: (4o) Lương thực hằng ngày, (5o) Ơn tha tội, (6o) Không sa chước (không nghe theo) cám dỗ và (7o) Thoát khỏi sự dữ. Hiển nhiên là ba điều liên quan tới Cha phải được ưu tiên trước bốn điều liên quan tới chúng ta. Vì thế trước khi cầu xin Cha ban cho chúng ta những ơn hồn xác, thì chúng ta phải biết cầu xin và thực hiện những điều làm cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha được thực hiện. Có như thế chúng ta mới xứng danh là con hiếu thảo của Cha.

1.2 Cầu nguyện Kitô giáo không chỉ là xin ơn mà còn là chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, xin lỗi và hiến dâng.

Một thiếu sót khác trong đời sống đức tin của giáo dân Việt Nam là mỗi khi cầu nguyện, họ chỉ biết xin Thiên Chúa ban ơn cho họ. Thật ra thì trong cầu nguyện có việc xin ơn vì ơn thánh rất cần thiết cho chúng ta. Nhưng cầu nguyện thường được định nghĩa là nói chuyện với Chúa tức là chúng ta nói với Chúa và chúng ta nghe Chúa nói với chúng ta. Như thế cầu nguyện là một cuộc đối thoại, đàm đạo giữa Chúa và chúng ta. Do đó nội dung lời cầu nguyện và tâm tình của chúng ta khi cầu nguyện không chỉ là xin Chúa ban ơn cho mình, mà còn là chúng ta chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa vì những ơn Chúa đã ban cho chúng ta và nhân loại. Cầu nguyện còn là xin Thiên Chúa tha thứ cho những lỗi lầm, những thiếu sót và những yếu đuối của chúng ta. Cầu nguyện cũng còn là chúng ta dâng lên Chúa những quyết tâm thay đổi đời sống để xin Thiên Chúa chứng giám và trợ giúp.

2. Cách chuẩn bị việc hướng dẫn buổi cầu nguyện của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Muốn việc hướng dẫn một buổi cầu nguyện của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản đạt kết quả mong muốn, linh hoạt viên phải thực hiện 5 điều sau đây:

2.1 Chọn ‘chủ đề’ hay ‘ý cầu nguyện’ cho buổi cầu nguyện. Và có đôi lời gợi ý hướng dẫn mọi người tham dự tập trung vào ‘chủ đề’ hay ‘ý cầu nguyện’ ấy. Chủ đề hay ý cầu nguyện thì mỗi lần, mỗi hoàn cảnh mỗi khác (ví dụ: cầu nguyện cho cháu bé đầy tháng, thôi nôi hay cho buổi tân gia, cho tiệc cưới thì khác với cầu nguyện cho người quá cố (giỗ hay mới qua đời).

2.2 Chọn một đoạn Sách Thánh, nhất là Phúc Âm, phù hợp với hoàn cảnh tức ăn khớp với ‘chủ đề’ hay ‘ý cầu nguyện’.

2.3 Chọn một bài hát phù hợp với ‘chủ đề’ hay ‘ý cầu nguyện’.

2.4 Dành một hai phút thinh lặng để tạo bầu khí và giúp mọi người tham dự tập trung hơn vào việc cầu nguyện.

2.5 Có một lời nguyện tự phát phù hợp với bối cảnh của buổi cầu nguyện.

3. Cách hướng dẫn buổi cầu nguyện của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Khi hướng dẫn buổi cầu nguyện của Cộng đoàn, linh hoạt viên có quyền linh động sắp xếp 5 yếu tố trên theo thứ tự mà mình cho rằng sẽ tạo hiệu quả tốt nhất.

* Mẫu 1: Lời gợi ý hướng dẫn - Phút thinh lặng -Đọc Lời Chúa - Lời nguyện tự phát - Hát.

* Mẫu 2: Lời gợi ý hướng dẫn - Phút thinh lặng - Hát- Đọc Lời Chúa - Lời nguyện tự phát.

* Mẫu 3: Lời gợi ý hướng dẫn - Hát- Đọc Lời Chúa- Phút thinh lặng- Lời nguyện tự phát.

* Mẫu 4: Lời gợi ý hướng dẫn - Phút thinh lặng- Hát- Đọc Lời Chúa - Lời nguyện tự phát.

* Mẫu 5: Hát - Đọc Lời Chúa - Lời gợi ý- Phút thinh lặng- Lời nguyện tự hát.

Ghi chú quan trọng:

(1) Chúng ta có thể áp dụng phương pháp này vào buổi cầu nguyện đầu và cuối giờ học của lớp huấn luyện hay bồi dưỡng. Nhưng để không mất nhiều thời gian, chúng ta nên đơn giản hóa một chút: Chỉ cần có một ý/lời cầu nguyện (hướng về đề tài), một bài hát là đủ. Ý/Lời cầu nguyện đầu giờ học nên dành cho việc xin ơn soi sáng, hướng dẫn để hiểu và yêu mến các điều sẽ học trong lớp. Ý/Lời cầu cuối giờ học nên dành cho việc cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa về ơn đã nhận được trong buổi học. Cũng có thể là Ý/Lời dâng lên Chúa quyết tâm của mình và của các anh chị em học viên khác sau khi được nghe trình bày về đề tài.

(2) Nếu buổi cầu nguyện của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản cần kéo dài (ví dụ một buổi Chầu Thánh Thể) thì linh hoạt viên có thể chọn nhiều đoạn Sách Thánh, nhiều bài hát, nhiều lời cầu nguyện tự phát và sắp xếp cho tuần tự và thích hợp với chủ đề chính của buổi cầu nguyện.

IV. ÁP DỤNG (THỰC TẬP)

1. Các bạn có thể áp dụng cách hướng dẫn buổi cầu nguyện của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản vừa được trình bày ở trên vào các buổi sinh hoạt của hội đoàn, giới, giáo họ và giáo xứ không? nếu có thì các bạn hãy soạn một mẫu hướng dẫn (trong mẫu cần xác định thể loại sinh hoạt, thành phần tham dự buổi sinh hoạt và thời điểm của buổi sinh hoạt).

2. Để buổi cầu nguyện của Cộng đoàn Giáo hội thực sự là một buổi cầu nguyện sốt sáng, linh hoạt viên cần phải đầu tư như thế nào vào việc chuẩn bị?

V. CHIA SẺ

Hướng dẫn buổi cầu nguyện của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản là một kỹ năng mới mà linh hoạt viên Cộng đoàn không thể không có. Xin bạn hãy cho biết bạn có được thuyết phục bởi cách trình bày đề tài này không? Bạn có ý kiến gì bổ sung hay có kinh nghiệm gì chia sẻ không?