CHIA SẺ LỜI CHÚA THEO PHƯƠNG PHÁP 7 BƯỚC TRONG CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN

I. MỤC ĐÍCH

1. Giúp các học viên nắm bắt đầy đủ các điều liên quan tới phương pháp bẩy bước trong Chia sẻ Lời Chúa: từ nội dung, ý nghĩa cho đến cách thực hành từng bước một.

2. Giúp các học viên làm quen - bằng thực tập nhiều lần - với phương pháp này để họ cảm thấy thoải mái và thích thú khi dùng phương pháp ấy để chia sẻ Lời Chúa trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản của họ.

II. TIẾP CẬN VẤN ĐỀ

Một trong những người viết nên cuốn ‘Chia sẻ Lời Chúa’ (1) đã thuật lại câu chuyện nhỏ mà ông ta đã cảm nghiệm được năm 1984. Đó là câu chuyện về AMALINDA. Ông ta kể lại như sau:

“Gần miền duyên hải Ấn Độ Dương, có một thung lũng tên là AMALINDA. Do may mắn mà tôi nghe biết được rằng cộng đoàn nhỏ ở đây làm việc chung với nhau trên cánh đồng và chia sẻ với nhau những gì họ thu hoạch được. Tôi rất muốn đến thăm cộng đoàn này. Vì thế tôi tìm tới.

Hôm đó là chiều thứ hai. Chúng tôi cùng nhau ngồi trong một cái lều nhỏ, có 6 người đàn ông và 6 phụ nữ. Chúng tôi ngồi trên gạch, trên ván cũ và rễ cây. Họ nói với tôi rằng cộng đoàn có tất cả 25 người. Nhưng không phải tất cả đều có thể tham dự buổi họp mặt hàng tuần của họ. Một người đàn ông mở sách Kinh Thánh và đọc một đoạn văn. Có bốn hoặc năm người khác cũng có sách Kinh Thánh trong tay. Đoạn văn được đọc đi đọc lại mấy lần bởi mấy người trong nhóm. Rồi những người có sách Kinh Thánh và có thể đọc, rút ra một lời hay một câu ngắn từ đoạn văn và đọc lên rồi giữ thinh lặng sau khi đọc lời hay câu ngắn ấy. Có một bầu khí cầu nguyện thực sự và một trạng thái bình an sâu sắc. Sau một ít phút thinh lặng, tất cả mọi người đều chia sẻ cho người khác trong nhóm về những lời mà họ đã nghe. Mỗi người đều có một điều gì đó để đóng góp cho buổi chia sẻ ấy. Kể cả những người không biết đọc cũng có thể chia sẻ với người khác về việc một lời hay câu nào đó đã đánh động họ như thế nào. Họ không hề đứng lên và giảng dạy. Họ chỉ nói đơn sơ rằng: “Lời này đã tác động tôi, câu này đã nói với tôi, đoạn văn này đã đem hy vọng cho tôi..” Tiếp theo sau là nhiều người trong số họ cầu nguyện theo cách riêng của mình. Lời cầu nguyện của họ như xuất phát từ trái tim và không thể tìm thấy trong bất cứ sách cầu nguyện nào.

Tôi ngồi giữa những người ấy và chăm chú lắng nghe. Sau khi họ ngợi khen chúc tụng Lời Chúa - như cách họ nói - họ thảo luận với nhau về những vấn đề thường ngày mà người nông dân thường gặp phải. Người ta báo cáo rằng đã mua hạt giống hoa hướng dương, đã bán 50 bao khai tây. Người ta cũng báo cáo rằng cánh đồng đã được cày lại một lần nữa rồi.

Cũng có một khoảnh khắc căng thẳng khi một phụ nữ than phiền rằng thửa đất của chị ta bị lãng quên. Cả nhóm thảo luận vấn đề này khá lâu và cuối cùng đã đi đến thống nhất ý kiến.

Khi tôi nói chuyện với họ sau đó thì tôi được họ cho biết rằng họ đã phải mất rất nhiều thời gian mới có thể giải quyết được những khó khăn của họ theo cách thức như thế. Đã có thời gian, họ không tin nhau. Giữa họ xẩy ra nhiều cuộc cãi cọ. Người này thì nghĩ rằng người kia bóc lột mình.

Họ kể tiếp cho tôi nghe: Một ngày kia có một người từ một cộng đoàn giáo xứ lân cận đến thăm. Người này nói với họ rằng họ có thể chia sẻ Lời Chúa và cùng cầu nguyện với nhau. Sau đó thì mới dễ tin tưởng nhau và làm việc chung với nhau như một cộng đoàn. Người khách này đề nghị đứng ra đào tạo những cán bộ địa phương về cách chia sẻ Lời Chúa. Ong ta dạy phương pháp 7 bước và giải thích cặn kẽ cho những người ở Amalinda biết cách sử dụng phương pháp này như thế nào. Với sự giúp đỡ của phương pháp 7 bước, những người ở Amalinda đã có thể bắt đầu chia sẻ Lời Chúa với nhau.

Tôi có thể cảm nhận niềm vui của những người này khi họ kể với tôi rằng từ khi họ bắt đầu chia sẻ Lời Chúa thì mọi việc tiến triển tốt đẹp. Họ tin tưởng nhau nhiều hơn và cùng làm việc trong một tinh thần mới. “Chúng tôi cảm thấy Chúa ở với chúng tôi”, họ tuyên bố như thế.”


Câu chuyện của những người ở Amalinda cho thấy rằng: dân chúng có khả năng sử dụng Kinh Thánh nếu như họ có một phương pháp đơn giản. Đó chính là chìa khóa của buổi Chia sẻ Lời Chúa. Câu chuyện của những người ở Amalinda còn cho thấy rằng: mỗi người trong chúng ta có thể trở nên người hỗ trợ (facilitator) cho một nhóm trong việc giúp các thành viên của nhóm ấy biết cách đọc suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện và biết chia sẻ Lời Chúa với nhau. Vậy:

1. Các bạn có nghĩ rằng mình cũng có thể cùng với một số anh chị em công giáo trong khu xóm lập thành một nhóm hay cộng đoàn giống như cộng đoàn Amalinda không?

2. Các bạn có cho rằng nhóm hay cộng đoàn của các bạn cũng có thể thực hành việc Chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp 7 bước, sau khi được học hỏi và thực tập phương pháp này không?

III. TÌM HIỂU

1. Thế nào là Chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp 7 bước? (2)

Một cách đơn giản, chúng ta hiểu phương pháp 7 bước trong Chia sẻ Lời Chúa là một tiến trình gồm 7 giai đoạn hay bẩy bước:

- Bước 1: Mời Chúa đến với Cộng đoàn,

- Bước 2: Đọc Lời Chúa,

- Bước 3: Rút ra một số câu ngắn và suy niệm,

- Bước 4: Thinh lặng nghe Chúa nói,

- Bước 5: Chia sẻ với nhau điều mỗi người nghe được trong tâm hồn,

- Bước 6: Cùng nhau thảo luận về một công việc mà Cộng đoàn được mời thực hiện,

- Bước 7: Cầu nguyện tự phát kết thúc buổi Chia sẻ Lời Chúa.

2. Tính chất & mục đích của phương pháp 7 bước

- Phương pháp 7 bước là phương pháp lấy khởi điểm là Lời Chúa và lấy Lời Chúa làm ánh sáng để soi giọi vào các lãnh vực đời sống. Một cách đơn giản, người ta nói Phương Pháp 7 bước đi “Từ Lời Chúa đến Cuộc Sống”.

- Phương pháp Chia sẻ Lời Chúa 7 bước có 6 mục đích sau đây:

1. Cảm nghiệm sự diện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh,

2. Giúp mỗi thành viên trong Cộng đoàn được Lời Chúa đánh động,

3. Cổ võ việc cùng nhau đào sâu Niềm Tin qua việc chia sẻ cá nhân,

4. Đào sâu mối tương quan cá nhân giữa các thành viên trong Cộng đoàn,

5. Tạo sự tin tưởng trong Cộng đoàn,

6. Tạo một bầu khí thiêng liêng cần thiết cho việc lên kế hoạch hành động của Cộng đoàn.

3. Ích lợi của phương pháp 7 bước trong Chia sẻ Lời Chúa

1. Phương pháp 7 bước hay bất kỳ phương pháp nào khác trong Chia sẻ Lời Chúa cũng chỉ có giá trị nhất định vì điều quan trọng nhất trong Chia sẻ Lời Chúa vẫn là việc chúng ta gặp gỡ được Thiên Chúa và Chúa Kitô, đồng thời đón nhận ánh sáng, giáo huấn, ân sủng của Ngài.

2. Nhưng phương pháp 7 bước rất hữu ích và cần thiết cho những người mới bắt đầu sinh hoạt Chia sẻ Lời Chúa, để dễ dàng nhận thức, đón nhận và thực thi Lời Hằng Sống.

4. Cách thực hiện phương pháp 7 bước trong Chia sẻ Lời Chúa

Bước 1: Mời Chúa đến với Cộng đoàn

1. Ý nghĩa & nội dung:

Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh thực sự đã hiện diện trong Cộng đoàn. Nhưng thường chúng ta không ý thức về sự hiện diện của Người. Một thành viên trong Cộng đoàn thay mặt anh chị em mình mời Chúa đến với Cộng đoàn là giúp cho mọi người ý thức về sự hiện diện đích thực của Người. Chúng ta có thể liên tưởng đến những lần Đức Giê-su được mời đến Ca-na, đến nhà Gia-kêu, đến gia đình Bê-ta-ni-a…. để nhận thức mạnh mẽ rằng: «Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế» (3). Vậy chúng ta mời Chúa đến với chúng ta thì chúng ta tin tưởng rằng sự hiện diện của Người chắc chắn cũng đem lại phúc lành cho chúng ta như vậy.

2. Thực hành:

a. Linh hoạt viên: «Xin Anh/Chị … (nói tên người được giao phận vụ này) thay mặt anh chị em trong Cộng đoàn có lời mời Chúa Giê-su đến với chúng ta».

b. Người được đề nghị nói lời mời Chúa: (Sau đây là một vài lời mời làm ví dụ):

(1) «Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xưa Chúa đã được mời đến dự tiệc cưới ở Ca-na cùng với Mẹ Ma-ri-a và các môn đệ (4). Chúa đã làm cho nước lã thành rượu ngon để cho niềm vui của cô dâu chú rể và thực khách được trọn vẹn. Giờ đây chúng con kính mời Chúa đến với chúng con. Chúng con tin rằng sự hiện diện yêu thương và quyền năng của Chúa sẽ làm cho chúng con nên tốt hơn. Lạy Chúa, xin Chúa hãy đến với chúng con!»

(2) «Lạy Chúa Giê-su, trên đường rao giảng Tin Mừng, nhiều lần Chúa đã dừng chân tại gia đình Bê-ta-ni-a (5). Ở đó Chúa gặp những người bạn thân thiết, chân tình là Mát-ta, Ma-ri-a và La-da-rô. Ba người bạn thân ấy mời Chúa đến nhà không chỉ để Chúa nghỉ ngơi, nhưng cũng để được nghe Chúa nói. Chúng con đây cũng là những người bạn thân tình của Chúa. Chúng con xin Chúa đến với chúng con và nói Lời Hằng Sống với chúng con».

Ghi chú: Trong hai lời mời mẫu ở trên, chúng ta nên để ý đến hai chi tiết:

(1) Hai lời mời Chúa ở trên đều nhắc đến những lần gặp gỡ của Đức Giê-su được tường thuật lại trong các Sách Tin Mừng,

(2) Trong hai lời mời Chúa ở trên, người đại diện Cộng đoàn không xin ơn này ơn nọ, cũng không xin Thánh Thần ban ơn soi sáng, vì tin rằng hễ Đức Giê-su ở đâu thì Chúa Cha và Chúa Thánh Thần ở đó, rằng Chúa Giê-su đến đâu thì Người thi ân giáng phúc đến đó và Người dư biết công việc của Người. Vì thế chúng ta khỏi cần xin Chúa ơn này ơn nọ, mà tập trung vào việc đón Chúa đến với Cộng đoàn và với từng người một.

Bước 2: Đọc lời Chúa

1.Ý nghĩa & nội dung:

Đọc Lời Chúa là chúng ta nghe Chúa nói với chúng ta. Đó là điều hết sức quan trọng trong Chia Sẻ Lời Chúa cũng như trong đời sống Ki-tô hữu. Muốn nghe được tiếng Chúa nói, chúng ta phải biết lắng nghe trong thinh lặng, chăm chú, ước mong và đón nhận. Và phải đọc đi đọc lại nhiều lần.

2.Thực hành

a. Linh hoạt viên: «Xin mọi người mở sách … … (nói tên sách rồi chờ một lát cho mọi người mở sách, rồi nói tiếp), chương … … (nói tên chương rồi chờ một lát cho mọi người tìm ra chương vừa nói, rồi nói tiếp) từ câu…… đến hết câu………

«Xin anh/chị … … (nói tên người được giao phận vụ này) vui lòng đọc đoạn trên.

b. Người được yêu cầu (đọc đoạn văn cho mọi người nghe).

c. Linh hoạt viên: «Xin anh/chị … … (nói tên người được giao phận vụ này) vui lòng đọc lại đoạn văn trên một lần nữa».

d. Người được yêu cầu đọc lại đoạn văn lần thứ hai.

Ghi chú: Nếu Cộng đoàn chia sẻ Lời Chúa có nam có nữ thì mời một nữ và một nam đọc Lời Chúa, để anh chị em nghe được cả giọng nữ và giọng nam.

Bước 3: Rút ra mấy lời ngắn và suy niệm những lời ấy

1. Ý nghĩa & nội dung:

Để Lời Chúa dễ in sâu vào trí vào tâm của chúng ta và tác động trong tâm hồn chúng ta, chúng ta cần đọc đi đọc lại Lời Chúa nhiều lần trong bầu khí thinh lặng, cầu nguyện, đón nghe. Chúng ta chỉ lặp lại những câu ngắn, nhất là những Lời của chính Đức Giê-su đã nói với các môn đệ hay với người này người nọ hay với đám đông.

2. Thực hành:

a. Linh hoạt viên: «Chúng ta rút ra mấy lời ngắn (hoặc mấy câu ngắn), đọc lớn tiếng những lời ấy (hoặc những câu ấy) trong bầu khí thinh lặng và cầu nguyện».

b. Anh chị em trong Cộng đoàn: Mỗi anh chị em chọn một lời ngắn nào mà mình thích nhất (tức thấy hay nhất, đánh động mình nhất) đọc lên một cách rõ ràng, chậm rãi cho mọi người cùng nghe, đọc đi đọc lại ba lần.

c. Linh hoạt viên: Khi không còn ai đọc lại một lời ngắn của đoạn Kinh Thánh nữa thì nói: «Chúng ta cùng đọc lại đoạn Kinh Thánh một lần nữa để chuyển sang bước 4».

d. Cả nhóm: Cùng đọc lại đoạn Kinh Thánh.

Ghi chú: Nên lưu ý để những lời ngắn được rút ra và lập lại một cách tuần tự từ đầu đến cuối đoạn Kinh Thánh. Cũng có thể hai người cùng lập đi lập lại một lời ngắn. Nếu anh chị em trong Cộng đoàn Chia sẻ Lời Chúa chưa quen với việc tự rút ra một lời, một câu ngắn mình thích mà đọc lên cho cả Cộng đoàn cùng nghe, thì người hướng dẫn có thể xướng lên từng câu ngắn một và xin từng anh chị em lặp lại câu ngắn ấy 2 lần. Dần dần anh chị em sẽ quen với phương pháp này và biết tự rút ra những câu ngắn mình thích mà đọc lên cho cả Cộng đoàn cùng nghe.

Bước 4: Thinh lặng nghe tiếng Chúa

1. Ý nghĩa & nội dung:

Như trên đã nói, điều quan trọng nhất trong cuộc sống Ki-tô hữu và trong sinh hoạt Chia sẻ Lời Chúa 7 bước là chúng ta biết lắng nghe và đón nhận Lời Chúa để sống theo Lời ấy (đọc Mt 7,21-27). Để nghe được tiếng Chúa chúng ta phải biết tạo một khoảng thinh lặng nội tâm sâu lắng và tập trung vào việc đón nhận Lời Chúa.

2.Thực hành:

Linh hoạt viên «Chúng ta giữ thinh lặng trong … … phút (nói số phút và căn đồng hồ), để nghe Chúa nói với chúng ta».

(Khi hết thời gian đã loan báo, người hướng dẫn chuyển sang bước 5).

Bước 5: Chia sẻ với nhau điều mỗi người nghe được trong tâm hồn

1. Ý nghĩa & nội dung:

Chia sẻ Lời Chúa là chia sẻ điều chúng ta nghe được trong tâm hồn mình, tức chia sẻ tác động của Lời Chúa mà chúng ta đón nhận được khi chúng ta đọc và lắng nghe Lời Chúa trong buổi sinh hoạt này. Chia sẻ Lời Chúa cũng có nghĩa là chia sẻ những nỗ lực và những thiếu sót của bản thân mỗi người chúng ta trong việc thực thi Lời Chúa. Tuyệt nhiên không phải là chia sẻ những kiến thức, những hiểu biết (lý thuyết, nguyên tắc) mà chúng ta có được trong đầu về Lời Chúa. Nói cách khác là chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về việc đón nhận và sống Lời Chúa của mình.

2.Thực hành:

a. Linh hoạt viên: Chúng ta chia sẻ điều mà chúng ta nghe được trong tâm hồn mình, có nghĩa là chúng ta chia sẻ:

- Lời nào đã đánh động tâm hồn mình?

- Tại sao Lời ấy đánh động mình hay mình đã sống «Lời Sự Sống» ấy như thế nào?»

b. Anh chị em trong Cộng đoàn: Lần lượt anh chị em trong Nhóm/Cộng đoàn chia sẻ điều mà mỗi người đón nhận được, khi nghe Lời Chúa tại đây và trong lúc này. Nói vắn gọn, rõ ràng. Chăm chú lắng nghe người khác chia sẻ. Người hướng dẫn nên lưu tâm đến việc khuyến khích, động viên người khác, nhất là những người nhút nhát và chưa quen, để họ mạnh dạn chia sẻ.

Ghi chú: (1) Chia sẻ là một hành động tự nguyện nên không ai có quyền ép người khác phải chia sẻ. Nhưng mỗi người trong nhóm đều có quyền và có bổn phận cho và nhận, vì đời sống cộng đoàn là thế!

(2) Trong chia sẻ có nhiều cách và nhiều mức độ khác nhau: nói lên điều mình nghe được trong lòng là chia sẻ; đảm nhận một công việc nào đó trong quá trình Chia sẻ Lời Chúa 7 bước (đọc Lời Chúa, cầu nguyện tự phát ở bước 7) cũng là chia sẻ; thậm chí ngồi chăm chú lắng nghe đón nhận những gì anh chị em mình chia sẻ cũng đã là chia sẻ.

Bước 6: Cùng nhau thảo luận về một công việc mà nhóm được mời thực hiện

1.Ý nghĩa & nội dung:

Bước 6 này có một tầm quan trọng rất đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa:

a. Hiểu sứ điệp Lời Chúa,

b. Đem sứ điệp ấy vào trong thực hành,

c. Nhóm biết cách bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ và đi đến một quyết định chung.

2. Thực hành:

a.Linh hoạt viên: «Nội dung của bước 6 là chúng ta thảo luận về trách nhiệm mà nhóm được mời thực hiện. Nhưng trước khi thảo luận về điều ấy, xin mỗi anh chị em cho biết đã thực hiện điều quyết tâm của tuần/tháng trước như thế nào?»

b.Anh chị em trong Cộng đoàn: Lần lượt mỗi người báo cáo vắn gọn về việc mình thực hiện quyết tâm lần trước như thế nào: đã làm được gì? chưa làm được gì? tại sao chưa làm được? gặp thuận lợi khó khăn gì? khám phá ra thêm điều gì?

c.Linh hoạt viên: Sau khi mọi người đã báo cáo xong việc thực hiện quyết tâm lần trước, người hướng dẫn nói: «Bây giờ chúng ta thảo luận với nhau về việc mà mỗi người chúng ta cho rằng Cộng đoàn phải làm trong tuần/tháng tới, để thực hiện Lời Chúa nói với chúng ta hôm nay».

d.Anh chị em trong Cộng đoàn: Ở đây chúng ta nên áp dụng «phương pháp đi đến quyết định chung» qua quá trình 5 bước sau đây:

(1). Xác định mục tiêu cụ thể: xác định sứ điệp của Lời Chúa hôm nay.

(2). Đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện sứ điệp ấy.

(3). Thảo luận về một vài giải pháp: bàn thảo về một hai biện pháp được nhiều người nêu ra nhất.

(4). Quyết định chọn một giải pháp, một công việc mà nhóm nhất trí với nhau.

(5). Phân công công việc: một các rành mạch, cụ thể và chi tiết: ai làm? làm khi nào? làm thế nào?

Bước 7: Cầu nguyện tự phát kết thúc buổi chia sẻ Lời Chúa

1.Ý nghĩa & nội dung:

Đây là bước cuối cùng, bước kết thúc buổi Chia sẻ Lời Chúa. Bao nhiêu tâm tình, nguyện ước, khám khá… đều có thể được bộc lộ ở đây, thông qua các lời nguyện tự đáy lòng phát ra để dâng lên Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm hồn.

2. Thực hành:

a.Linh hoạt viên: «Để kết thúc buổi Chia sẻ Lời Chúa hôm nay, chúng ta dâng lên Thiên Chúa và Chúa Kitô những lời nguyện chân thành và tự phát của chúng ta»

b. Anh chị em trong Cộng đoàn: Một số anh chị em dâng lên Thiên Chúa và Đức Giê-su Ki-tô lời cầu nguyện tự phát của mình: Có thể là lời tạ ơn, ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa; có thể là lời cầu xin ơn (cho mình, cho người khác); cũng có thể là lời xin lỗi Chúa và lời quyết tâm…

c. Người hướng dẫn: Khi thấy không còn ai cầu nguyện nữa, người hướng dẫn nói: «Chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa mọi lời nguyện vừa được nói ra và mọi ước vọng và tâm tình chưa được nói ra của tất cả chúng ta bằng bài hát … … … (nói tên bài hát, sau đó cất tiếng hát để mọi người hát theo)».

Cũng có thể đọc Kinh Lạy Cha với tư thế và cử điệu thích hợp và gợi cảm: như giang tay lên trời, nắm tay nhau, hai tay úp chồng nhau trên ngực.

Ghi chú:

(1) Để thực hành việc Chia Sẻ Lời Chúa theo phương pháp 7 bước, Cộng đoàn có thể chọn một trong các bài Kinh Thánh (bài Cựu Ước, Thánh Thư và nhất là Phúc Âm) của ngày chúa nhật để làm chủ đề chia sẻ. Nhưng cũng có thể chọn một bản văn Kinh Thánh khác, tùy theo hoàn cảnh hoặc nhu cầu đặc biệt của Cộng đoàn.

(2) Có nhiều người thắc mắc là không biết có cần phải thông báo cho mọi người biết trước đoạn văn Thánh Kinh mà Cộng đoàn sẽ chia sẻ không? Thật ra thì việc đọc hay không đọc trước đoạn văn Thánh Kinh không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là trong giờ sinh hoạt, ai nấy đều tập trung chú ý để lắng nghe Lời Chúa và đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần.

Nếu các thành viên trong Cộng đoàn đọc trước đoạn Thánh Kinh thì cái lợi là anh chị em đã được làm quen với đoạn Lời Chúa đó rồi, thì có thể sẽ dễ dàng chia sẻ hơn. Nhưng đọc trước cũng có cái hại là chúng ta sẽ ít chú tâm vào việc lắng nghe Lời Chúa khi Lời Chúa được đọc trong buổi sinh hoạt, và chúng ta dễ bị cám dỗ chia sẻ kiến thức, hiểu biết của mình về đoạn văn Lời Chúa, chứ không phải chia sẻ cảm nghiệm về Lời Chúa. Còn nếu anh chị em chúng ta không đọc trước bản văn thì có thể có cái lợi là ai nấy đều tập trung chú ý lắng nghe khi Lời Chúa được đọc lên khi sinh hoạt, và tập trung tâm hồn đề đón nhận sự đánh động của Thánh Thần Chúa.

5. Bảng hướng dẫn thực hành cách Chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp 7 bước
Bước 1 : Mời Chúa
Người Nội dung công việc
Linh hoạt viên"Xin mời Anh / Chị... (nói tên người được đề nghị) thay mặt anh chị em có lời mời Chúa Giêsu đến với chúng ta"
Người được đề nghị (Nói lời mời Chúa)
Bước 2: Đọc Lời Chúa


Linh hoạt viên "Xin mọi người mở sách... (nói tên sách rồi chờ một lát cho mọi người mở sách, rồi nói tiếp) chương... (nói chương rồi chờ một lát cho mọi người tìm ra chương vừa nêu, rồi nói tiếp) chúng ta đọc từ câu... đến hết câu..."

"Xin mời Anh... /Chị... (nói tên người được đề nghị) đọc đoạn Thánh Kinh trên cho mọi người cùng nghe"
Người được đề nghị 1 (Đọc đoạn Thánh Kinh vừa nêu).
Linh hoạt viên Xin mời Anh / Chị... (nói tên người được đề nghị đọc lại đoạn Thánh Kinh trên một lần nữa
Người được đề nghị 2 (Đọc lại đoạn Thánh Kinh vừa nêu)
Bước 3: Rút ra mấy câu ngắn




Linh hoạt viên"Chúng ta rút ra mấy câu ngắn, đọc lớn tiếng những câu ấy trong bầu khí thinh lặng, cầu nguyện
ACE trong CĐ(Mỗi anh chị em chọn một câu ngắn mà mình thích nhất, đọc lên một cách chậm rãi, rõ ràng, đọc đi đọc lại ba lần
Linh hoạt viên(Khi không còn ai đọc nữa) "Xin cả nhóm chúng ta cùng đọc lại đoạn Thánh Kinh một lần nữa"
ACE trong CĐ (Cùng đọc đoạn Thánh Kinh)
Bước 4 : Thinh lặng
Linh hoạt viên"Chúng ta thinh lặng trong... phút (nói số phút và canh đồng hồ) để nghe Chúa nói với mình trong tâm hồn"

(Khi hết thời gian loan báo, chuyển sang bước 5
Bước 5 : Chia sẻ
Linh hoạt viên"Chúng ta chia sẻ điều mà chúng ta nghe được trong tâm hồn mình, cụ thể là chia sẻ:

a) Lời nào đã đánh động tâm hồn mình?

b) Tại sao Lời ấy đánh động tâm hồn mình? Nói cách khác chúng ta chia sẻ mình đã sống Lời Sự Sống như thế nào
ACE trong CĐ (Lần lược anh chị em trong cộng đoàn chia sẻ điều mà mỗi người đón nhận được khi nghe Lời Chúa. Nói vắn gọn, rõ ràng. Trong khi một ngưpời chia sẻ thì tất cả đều chăm chú lắng nghe và trân trọng đón nhận. Linh hoạt viên nên khuyến khích mọi người chia sẻ, nhất là những người chưa quen hay nhút nhát)
Bước 6: Thảo luận
Linh hoạt viên"Nội dung bước 6 là chúng ta thảo luận về một trách nhiệm mà nhóm được mời thực hiện. Trước khi thảo luận về điều ấy, xin mời mọi người cho biết mình đã thực hiện điều quyết tâm lần trước như thế nào"
ACE trong CĐ(Lần lượt mỗi người báo cáo vắn gọn việc mình thực hiện quyết tâm lần trước: Nói đã thực hiện được hay không thực hiện được / tại sao không thực hiện / gặp thuận lợi và khó khăn gì?
Linh hoạt viên (Sau khi mọi người báo cáo xong) "Bây giờ chúng ta thảo luận với nhau xem Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta làm gì trong tuần/tháng tới này"
ACE trong CĐ(Mổi người nói lên điều mà mình cho rằng Lời Chúa mời gọi mình và nhóm thực h iện trong tuần / tháng tới. Ở đây nên áp dụng phương pháp tìm quyết định chung, tiến hành qua 5 bước như sau:

B1: Xác định mục tiêu cụ thể;

B2 : Đề xuất nhiều giải pháp;

B3 : Thảo luận về một vài giải pháp khả thi nhất;

B4 : Quyết định chọn một giải pháp- tức là một công việc chung cho cộng đoàn;

B5 : Phân công thực hiện : ai làm / làm thế nào / làm khi nào?

(Ghi chú: Ở bước 6 này, thay vì thảo luận về việc áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống, Cộng đoàn có thể bàn về một công tác chung sắp tới của Cộng đoàn.
Bước 7 : Cầu Nguyện kết thúc
Linh hoạt viên "Để kết thúc buổi Chia sẻ Lời Chúa hôm nay, chúng ta dâng lên Thiên Chúa và Đức Giêsu những lời nguyện chân thành và tự phát của chúng ta
ACE trong CĐ(Lần lượt một số anh chị em nói lên tâm tình cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng, xin lỗi, xin ơn hay quyết tâm của mình.
Linh hoạt viên(Khi thấy không còn ai cầu nguyện nữa) "Chúng ta dâng lên Chúa mọi tâm tình và lời cầu nguyện mà một số anh chị em vừa nói lên và cũng dâng lên Chúa cả những tâm tình và lời cầu nguyện khác mà chúng ta không nói lên, bằng bài hát... hay kinh... (nói tên bài hát hay kinh...)

(Ghi chú: Ở bước 7 này, linh hoạt viên có thể mời một vài thành viên trong cộng đoàn nói lên lời nguyện tự phát, để khuyến khích người khác mạnh dạn cầu nguyện tự phát)


IV. ÁP DỤNG (THỰC TẬP)

Lc 10,38-42: Hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a

(38) Trong khi Thày trò đi đường,

Đức Giê-su vào làng kia.

Có một người phụ nữ tên là Mác-ta

đón Người vào nhà.

(39) Cô có người em gái tên là Ma-ri-a.

Cô này cứ ngồi bên chân Chúa

mà nghe lời Người dạy.

(40) Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ.

Cô tiến lại mà nói:

“Thưa Thày, em con để mình con phục vụ, mà Thày không để ý tới sao?”

Xin Thày bảo nó giúp con một tay!”

(41) Chúa đáp: “Mác-ta, Mác-ta ơi!

Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!

(42) Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.

Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bi lấy đi.”

Ghi chú:

Những câu ngắn chữ nghiêng ở trên là những câu có thể lặp đi lại 3 lần ở bước thứ 3 trong Chia Sẻ Lời Chúa theo Phương Pháp 7 bước.









Giọng bình thường:

Giọng êm:
(38) "Đức Giêsu vào làng kia" (Nghỉ)

"Đức Giêsu vào làng kia" (Nghỉ)

"Đức Giêsu vào làng kia" (Nghỉ)
Giọng bình thường:

Giọng êm:
" Mácta đón Người vào nhà" (Nghỉ)

"Mácta đón Người vào nhà: (Nghỉ)

"Mácta đón Người vào nhà" (Nghỉ)
Giọng bình thường:

Giọng êm:
(39) "Cứ ngồi bên chân Chúa" (Nghỉ)

"Cứ ngồi bên chân Chúa" (Nghỉ)

"Cứ ngồi bên chân Chúa" (Nghỉ)
Giọng bình thường:

Giọng êm:
(40) "Mácta thì tất bật lo việc phục vụ"(Nghỉ)

"Mácta thì tất bật lo việc phục vụ"(Nghỉ)

"Mácta thì tất bật lo việc phục vụ"(Nghỉ)
Giọng bình thường:

Giọng êm:
(42) "Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi"(Nghỉ)

"Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi"(Nghỉ)

"Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi"(Nghỉ)


V. CHIA SẺ

1. Hôm nay có phải là lần đầu tiên anh chị thực hành việc Chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp 7 bước này không? Anh chị thấy thế nào? Anh chị có thắc mắc gì?

2. Qua phần trình bày lý thuyết và thực hành việc Chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp 7 bước, anh chị có cho rằng phương pháp này là một cách mở lối vào Kinh Thánh cho giáo dân không? Anh chị sẽ làm gì để phổ biến phương pháp này cho nhiều giáo dân biết cách thực hành?

-------------

Chú thích:

(1) Đó là cuốn Gospel Sharing, của nhiều tác giả nước ngoài.

(2) Tất cả phần trình bày về Phương pháp 7 bước đều dựa vào cuốn Gospel Sharing, của nhiều tác giả nước ngoài.

(3) Cv 10, 38.

(4) Ga, 2,1-12.

(5) Lc 10, 38-42.

(6) nhiều tác giả nước ngoài.