Ý NGHĨA CỦA VIỆC CHIA SẺ LỜI CHÚA TRONG CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN (1)

I. MỤC ĐÍCH

1. Giúp các học viên không chỉ hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc của việc Chia sẻ Lời Chúa trong một nhóm hay Cộng đoàn nhỏ như Cộng đoàn Giáo hội cơ bản, mà còn giúp họ hiểu thêm về nhiều điều khác có liên quan tới việc Chia sẻ Lời Chúa như bối cảnh Giáo hội, nền tảng thần học, mục đích và khởi điểm của việc Chia sẻ Lời Chúa.

2. Nhờ đó giúp các học viên an tâm và nhiệt thành thực hành việc Chia sẻ Lời Chúa trong nhóm hay cộng đoàn nhỏ, để nhận được nhiều ơn ích thiêng liêng cho đời sống tâm linh cá nhân và cộng đoàn của họ.

II. TIẾP CẬN VẤN ĐỀ

Trong đề tài 01 trình bày về Cộng đoàn Giáo hội cơ bản, chúng ta đã thấy hoạt động trọng tâm hay chính yếu của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản là Chia sẻ Lời Chúa hàng tháng hay hàng tuần. Như vậy là việc Chia sẻ Lời Chúa có một tầm quan trọng rất đặc biệt đối với Cộng đoàn Giáo hội cơ bản và với các thành viên của Cộng đoàn ấy.

1. Vậy theo các bạn thì việc Chia sẻ Lời Chúa trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản có ý nghĩa gì?

2. Và để các thành viên Cộng đoàn Giáo hội cơ bản có thể thực hành việc Chia sẻ Lời Chúa mỗi tháng hay mỗi tuần với nhau, thì cần có những điều kiện gì?

III. TÌM HIỂU

1. Ý nghĩa của việc chia sẻ Lời Chúa

Việc Chia sẻ Lời Chúa của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản có một ý nghĩa rất cao trọng và sâu sắc.

1. Chia sẻ Lời Chúa là thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch tất cả. Thiên Chúa Ba Ngôi cực kỳ quyền năng và yêu thương đã chia sẻ tất cả cho nhau và cũng đã chia sẻ sự giầu sang, tình thương và quyền năng cho tạo vật: vũ trụ, muôn loài muôn vật và con người.

2. Chia sẻ Lời Chúa là một cách mới và là cách tuyệt vời để thể hiện Giáo hội, vì:

a. Chia sẻ Lời Chúa hàm chứa việc tìm kiếm Thánh Ý Chúa một cách đầy lòng tin và tích cực, không chỉ của từng cá nhân mà còn của cả một cộng đoàn kẻ tin.

b. Chia sẻ Lời Chúa giúp mọi Ki-tô hữu nói chung và các thành viên Cộng đoàn Giáo hội cơ bản nói riêng sống chiều kích hiệp thông, chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, liên đới trách nhiệm với nhau trong đời sống đức Tin. Nhờ đó, cộng đoàn mới trở thành cộng đoàn Ki-tô đích thực.

c. Chia sẻ Lời Chúa giúp mọi Ki-tô hữu nói chung và các thành viên Cộng đoàn Giáo hội cơ bản nói riêng, nối kết cuộc sống với Lời Chúa tức nối kết cuộc sống với niềm tin. Nói cách khác là giúp cho niềm tin có hành động hay việc làm cụ thể. Điều này rất quan trọng vì nếu đức tin không có việc làm thì chỉ là đức tin chết mà thôi (2).

2. Bối cảnh Giáo hội của việc Chia sẻ Lời chúa

Bối cảnh lý tưởng của việc Chia Sẻ Lời Chúa là một Giáo hội được hiểu và được sống như một «cộng đoàn hiệp thông», như Dân riêng của Thiên Chúa trong đó mọi người bình đẳng về phẩm giá và có trách nhiệm về sự hưng thịnh hay suy vong của cộng đoàn. Nhưng mỗi người nhận từ Thiên Chúa những đặc sủng khác nhau nhằm mưu ích chung cho cả cộng đoàn, nên mọi người phải đóng góp vào việc xây dựng và phát triển cộng đoàn. Vì thế mọi người có bổn phận phải san sẻ đời sống ân phúc cho anh chị em trong cộng đoàn nhằm xây dựng Hội thánh là Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô (3).

3. Nền tảng thần học của việc Chia sẻ Lời Chúa

Việc Chia sẻ Lời Chúa được đặt trên những nền tảng rất vững chắc của Giáo lý Ki-tô giáo tức thần học và giáo hội học:

(1) Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần hiệp thông với nhau, hiến tặng cho nhau tất cả những gì mình có, vì yêu thương kính trọng nhau vô cùng vô tận.

(2) Mầu nhiệm các thánh thông công: mỗi Ki-tô hữu là chi thể của Thân Mình mầu nhiệm Đức Ki-tô, có trách nhiệm xây dựng và làm cho Thân Thể ấy phát triển lớn mạnh trong ân sủng của Thiên Chúa.

(3) Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa và được Thiên Chúa nói với tất cả mọi người không phân biệt giầu sang, nghèo hèn. Lời Chúa có gía trị cứu độ đối với mọi thời, mọi nơi.

4. Mục đích của việc Chia sẻ Lời Chúa

Việc Chia sẻ Lời Chúa giúp các thành viên của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản khám phá ra các chiều kích khác nhau của thông điệp Lời Chúa. Chúng ta có thể tóm lược các chiều kích ấy như thế này:

1. Thiên Chúa muốn nói điều gì với tôi? với chúng ta là một cộng đoàn Ki-tô, qua Lời Thánh Kinh này? (Phương Pháp 7 bước),

2. Mỗi người chúng ta có những kinh nghiệm riêng trong cuộc sống, Thiên Chúa nói gì về/qua những kinh nghiệm ấy? (Phương Pháp Xem-Xét-Làm hay Nhìn Nghe Yêu).

3. Chúng ta có những vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Thiên Chúa nói gì về/qua những vấn đề ấy? (Phương Pháp Xem-Xét-Làm hay Nhìn Nghe Yêu)

5. Hai khởi điểm trong các phương pháp Chia Sẻ Lời Chúa

Việc Chia sẻ Lời Chúa, dù được thực hiện theo phương pháp bẩy bước hay xem xét làm (4) cũng xuất phát từ một trong hai khởi điểm sau:

1. Một số phương pháp khởi đi từ Lời Chúa để đi vào cuộc sống. Chúng ta nói đó là các phương pháp «Từ Lời Chúa đến Cuộc Sống» ví dụ phương pháp 7 bước, phương pháp đáp trả nhóm, phương pháp giáo xứ nghiên cứu, chuỗi Mân Côi.

LỜI CHÚA > CUỘC SỐNG

2. Một số phương pháp khác lại khởi đi từ những vấn đề của cuộc sống để tiến tới Lời Chúa. Chúng ta nói đó là các phương pháp «Từ Cuộc Sống đến Lời Chúa» ví dụ phương pháp Xem-Xét-Làm hay Nhìn-Nghe-Yêu, chương trình Amos, Bí Tích và Đời Sống, Đời Sống-Thánh Kinh-Hành Động. Đúng hơn phải nói là “Từ Cuộc Sống đến Lời Chúa để rồi trở lại với Cuộc Sống” (đã được Lời Chúa hướng dẫn, soi giọi).

CUỘC SỐNG > LỜI CHÚA > CUỘC SỐNG

IV. ÁP DỤNG

1. Qua bài trình bày về ý nghĩa của việc Chia sẻ Lời Chúa trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản trên các bạn có cảm nghĩ và thắc mắc gì? Xin mỗi người chia sẻ cảm nghĩ hay thắc mắc của mình?

2. Anh chị có cho rằng thực hành việc Chia sẻ Lời Chúa trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản là một cách giúp người giáo dân đi vào kho tàng Kinh Thánh như Chương VI Hiến chế Mạc Khải của Công đồng Vatican II (5) đã đề nghị với Giáo hội không?

V. CHIA SẺ

1. Từ trước đến giờ, anh chị đã nghe/biết đến việc Chia sẻ Lời Chúa của một nhóm giáo dân nào đó chưa? Anh chị đã nghe/biết những gì? Anh chị có cảm tưởng gì về những điều mình đã nghe/biết được?

2. Từ trước đến giờ, anh chị đã thực hành việc Chia sẻ Lời Chúa trong nhóm nhỏ nào chưa? Nếu anh chị chưa bao giờ thực hành việc Chia sẻ Lời Chúa thì xin cho biết tại sao? Nếu anh chị đã có lần thực hành việc Chia Sẻ Lời Chúa thì xin anh chị cho biết kết quả của việc thực hành ấy.

-----------

Ghi chú:

(1) Đề tài này được soạn theo cuốn Gospel Sharing của nhiều tác giả nước ngoài.

(2) Gc 2,17.

(3) Đề nghị đọc thêm tài liệu: “Chia sẻ Lời Chúa là một cách khác để thể hiện Giáo hội” của FABC, trong cuốn “Các Phương pháp Thánh Kinh thực hành” của Giêrônimô Nguyễn Văn Nội, 2002, trang 88-98.

(4) Phương pháp: bẩy bước (7 steps), xem-xét-làm (voir-examiner-agir) hay nhìn nghe yêu (look-listen-love).

(5) Phải mở rộng lối vào Kinh Thánh cho các Ki-tô hữu” (Hiến chế Mạc Khải, Chương VI, số 22)