ĐỌC, SUY NIỆM LỜI CHÚA VÀ CẦU NGUYỆN (LECTIO DIVINA)

I. MỤC ĐÍCH

Giúp các học viên thấu hiểu và thực hành một phương pháp tuy đơn giản nhưng rất hữu hiệu để tiếp cận Lời Chúa hay các bản văn Kinh Thánh. Đó là phương pháp đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện. Sử dụng thành thạo phương pháp này sẽ giúp cho đời sống đức tin của người Kitô hữu nói chung và của các thành viên Cộng đoàn Giáo hội cơ bản nói riêng thêm sâu sắc và đồng thời cũng giúp việc chia sẻ Lời Chúa trong nhóm nhỏ hay Cộng đoàn Giáo hội cơ bản được dễ dàng thuận lợi hơn.

II. TIẾP CẬN VẤN ĐỀ

Trong bất cứ lãnh vực nào của cuộc sống, con người đều cần đến các phương pháp. Các phương pháp được xem như là chiếc chìa khóa của vấn đề. Trong việc tiếp cận Lời Chúa cũng cần có phương pháp và trên thực tế đã có nhiều phương pháp. Phương pháp đầu tiên và dễ dàng nhất này được gọi là Lectio Divina trong ngôn ngữ la tinh. Lectio Divina là một từ rất khó dịch sang tiếng Việt một cách vắn gọn. Có lẽ cách dịch tốt nhất là «Đọc, Suy niệm Lời Chúa và Cầu Nguyện». Chúng ta nên lưu ý điều này là tâm tình cầu nguyện phải thấm nhuần từng bước trong quá trình Đọc và Suy Niệm Lời Chúa. Và sự thinh lặng là yếu tố tối cần thiết cho cách «Đọc, Suy Niệm Lời Chúa và Cầu Nguyện» này. Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã nói:

«Tôi luôn bắt đầu việc cầu nguyện bằng sự thinh lặng. Thiên Chúa nói trong sự thinh lặng của trái tim. Chúng ta cần lắng nghe, vì điều quan trọng không phải là điều chúng ta nói mà là điều Người nói với chúng ta và qua chúng ta»

Vậy xin mời các bạn hãy chia sẻ với nhau:

1. Các bạn thường tiếp cận với Lời Chúa hay các bản văn Kinh Thánh bằng cách nào (nghe?//đọc?//suy niệm?//cầu nguyện?//đọc chú giải?//đọc bài suy niệm diễn giải?//học hỏi?)?

2. Các bạn hiểu thế nào về sự thinh lặng mà Mẹ Têrêxa thành Calcutta nói ở trên (tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích, phương pháp tạo sự thinh lặng)?

III. HỌC HỎI TÌM HIỂU:

3.1 Tiến trình của phương pháp Đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện:

Phương pháp «Đọc, Suy Niệm Lời Chúa và Cầu Nguyện» này được tiến hành theo 5 bước như sau:

1. Đọc và lắng nghe Lời Chúa (Lectio),

2. Suy niệm Lời Chúa (Meditatio),

3. Cầu nguyện: để Lời Chúa đánh động tâm hồn tạo nên những tâm tình cầu nguyện (Oratio),

4. Cầu nguyện chiêm niệm: chiêm ngưỡng Chúa và để tâm hồn cháy lửa yêu mến Chúa (Contemplatio),

5. Dấn thân hành động theo lời mời gọi, sự gợi ý của Chúa (Actio).

Có nhiều người thêm phần chuẩn bị vào tiến trình và là bước thứ nhất. Khi ấy tiến trình Đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện sẽ gồm 6 bước như sau:

1.- Chuẩn bị - xin ơn Chúa Thánh Thần.

2.- Đọc và tìm hiểu bản văn.

3.- Suy niệm.

4.- Cầu nguyện.

5.- Chiêm niệm.

6.- Dấn thân hành động.

3.2 Giải thích từng bước của tiến trình:

b1. Chuẩn bị - Xin ơn Chúa Thánh Thần

Ở bước 1 này, chúng ta nên lưu ý những điều sau đây: “Khi mở Sách Thánh, bạn cần ý thức rằng đọc Lời Chúa là để nghe Chúa nói với bạn. Việc lắng nghe này không tùy thuộc ở bạn hay do bạn cố gắng, nhưng do Chúa, Đấng muốn bạn nghe được tiếng Ngài. Vậy bạn hãy lắng nghe Chúa nói qua Lời của Ngài, trong tâm tình khiêm tốn của người nghèo của Thiên Chúa, sẵn sàng đón nhận và thực thi Lời Chúa.

“Bạn cũng nên nhớ cuốn sách này không phải của riêng bạn, mà là của cộng đoàn Hội Thánh. Khi cầu nguyện với Lời Chúa, bạn được hòa mình vào truyền thống của Hội Thánh đã có từ bao đời. Dù đọc Lời Chúa một mình di chăng nữa, bạn vẫn không cô đơn vì được liên kết với bao anh chị em tín hữu khác đã và đang “suy niệm luật Chúa đêm ngày” (Tv 1,2).

“Bạn hãy đặt mình trước mặt Chúa để đi vào cuộc đối thoại với Người. Bạn cũng hãy xin Người cử Thánh Thần đến giúp bạn hiểu Lời Chúa; đồng thời đi vào sự thinh lặng nội tâm để đón nghe Lời Chúa” (1) .

b2. Đọc và tìm hiểu Lời Chúa (Lectio)

Đọc chậm rãi từng chữ từng câu một đoạn văn Kinh Thánh. Không cần đọc lấy nhiều. Đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhất là những câu ngắn mà chúng ta thấy hay thấy thích, chúng ta có thể lặp đi lặp lại nguyên văn các câu ngắn ấy nhiều lần. Đọc trong tâm tình yêu mến, lắng nghe, tìm hiểu, đón nhận ơn soi sáng và ơn tác động của Thánh Thần. Đọc Lời Chúa trong cầu nguyện, xin Thiên Chúa, xin Chúa Giê-su nói với chúng ta, tỏ lộ Ý Ngài cho chúng ta, chỉ đường vạch lối cho chúng ta, soi sáng hướng dẫn chúng ta.

Ở bước 2 này chúng ta có thể dùng phương pháp sau đây để nắm bắt được nội dung bản văn:

a/ Quan sát bằng cách tự đặt cho mình những câu hỏi như: Ở đâu? khi nào? //Ai?// Làm gì? //Nói gì? Thí dụ: Lc 19,1-10 (2)













Ở Đâu?

Khi nào?
Ai? Làm gì?Nói gì?
. Đức Giêsu đi ngang qua.
.Da kêutìm kiếm Đức Giêsu

chạy tới trước

leo lên cây
.
. Đức Giêsu tới chỗ ấy,

nhìn lên,

nói:
"Da kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!"
.Da kêuvội vàng tuột xuống

mừng rỡ đón Chúa
.
. Đám đông thấy vậy

xầm xì
"Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!"
. Da kêu đứng lên

thưa Chúa:
"Phân nửa tài sản, tôi cho người nghèo,

và nếu đã cưỡng đoạt... Xin đền gấp bốn!"
. Đức Giêsu nói:" Hôm nay ơn cứu độ đến với nhà này, vì cũng là con cháu Ápraham.

Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."


b/ Giải thích bằng cách tự đặt cho mình những câu hỏi như: có ý nghĩa gì? ám chỉ hay ngụ ý gì? tại sao?

c/ Tóm kết ý nghĩa đoạn văn trong một câu vắn gọn:

* Trong đoạn văn Kinh Thánh này, chúng ta khám phá Đức Giêsu là ai?

* Chúng ta học được điều gì từ đoạn Lời Chúa này?

b3. Suy niệm Lời Chúa (Meditatio)

Trong thinh lặng, chúng ta tự hỏi trong lòng: Lời này, câu này, sự kiện này có ý nghĩa gì? Thiên Chúa, Chúa Giê-su có dành cho riêng tôi lời này, câu này, biến cố này không? Thiên Chúa, Chúa Giê-su muốn nói gì với tôi qua lời này, câu này, biến cố này? Thiên Chúa và Chúa Giê-su mời gọi tôi làm gì ?

Cũng chỉ trong thinh lặng của tâm hồn mình, chúng ta sẽ nghe được tiếng Chúa nói và khám phá ra ý muốn của Chúa và rồi chúng ta sẽ biết mình phải làm gì?

b4. Cầu nguyện tức để Lời Chúa đánh động tâm hồn tạo nên những tâm tình cầu nguyện (Oratio)

Trong thinh lặng, chúng ta để Lời Chúa đánh động tâm hồn mình, để Thánh Thần làm dậy lên những tâm tình thờ phượng, ngợi khen, cảm tạ, khát khao, cảm thông, chia sẻ, sám hối ăn năn và quyết tâm sửa đổi. Và chúng ta dâng lên Thiên Chúa những tâm tình mà Thánh Thần đã khơi lên trong tâm hồn chúng ta.

5. Cầu nguyện chiêm niệm: chiêm ngưỡng Chúa và để tâm hồn cháy lửa yêu mến Chúa (Contemplatio)

Trong thinh lặng tuyệt đối chúng ta hướng mắt, hướng lòng về Thiên Chúa, về Đức Giê-su để nhìn ngắm, chiêm ngưỡng, để yêu mến Người. Chúng ta cố giữ cho tâm hồn trống rỗng, không vướng bận một việc gì khác….. để lòng kề lòng với Thiên Chúa, với Chúa Giê-su.

6. Dấn thân hành động theo lời mời gọi, sự gợi ý của Chúa (Actio)

Cách “Đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện” chỉ hoàn hảo khi chúng ta đáp lại lời mời gọi, sự gợi ý của Chúa mà chúng ta đón nhận được trong quá trình các bước kể trên. Chúng ta đáp lại lời mời gọi, sự gợi ý của Chúa bằng một quyết tâm. Nhưng quyết tâm ấy phải có một hành động cụ thể kèm theo. Chỉ có quyết tâm không thì chưa đủ, mà phải có việc làm cụ thể, thiết thực mới là nghe và thực thi ý muốn của Chúa (3) .

IV. THỰC TẬP: Cộng đoàn tín hữu đầu tiên (Cv 2,42-47)

(42) Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy,

luôn luôn hiệp thông với nhau,

siêng năng tham dự lễ bẻ bánh,

và cầu nguyện không ngừng.

(43) Mọi người đều kinh sợ,

vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.

(44) Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau,

và để mọi sự làm của chung.

(45) Họ đem bán đất đai của cải,

lầy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu.

Họ đồng tâm nhất trí,

ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ.

(46) Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia,

họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.

(47) Họ ca tụng Thiên Chúa,

và được toàn dân thương mến.

Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.

V. CHIA SẺ

1. Đây có phải là lần đầu tiên các bạn thực hành cách “Đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện” này không? Các bạn thấy thế nào? Các bạn thu lượm được những điều bổ ích gì? Các bạn gặp phải khó khăn nào? Làm thế nào để khắc phục các khó khăn ấy?

2. Các bạn có thấy anh chị em giáo dân nào thực hành cách “Đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện” này không? Nếu không thấy ai thực hành phương pháp ấy thì các bạn đoán là tại sao? Còn nếu các bạn đã thấy một số người thực hành phương pháp này thì xin các bạn cho biết phương pháp ấy đã đem lại cho những người ấy những gì?

3. Chắc hẳn các bạn đã đọc đoạn sách Cv 2,42-47 nhiều lần? Nhưng hôm nay các bạn “đọc, suy niệm và cầu nguyện” với đoạn sách ấy thì các bạn khám phá được những điều gì mới?

------------------

Chú thích:

(1) : Chương trình huấn luyện linh hoạt viên Giới Trẻ của Mục vụ Giới trẻ Tổng Giáo phận Tp Hồ Chí Minh 2001, trang 122-123.

(2) : Sách đã dẫn, trang 129-130.

(3) : Nội dung từ bước 2 đến bước 6 là dựa vào tài liệu nước ngoài.