Vào ngày 30 tháng 11 nhân lễ thánh Anrê Tông Đồ, Giáo Hội tại Trung quốc sẽ tấn phong Giám Mục cho linh mục Phêrô Lã Tuệ Cương.
Tòa Thánh đã phê chuẩn việc tấn phong cha Cương trong chức vụ Giám Mục Phó giáo phận Nghi Tân trong địa giới tỉnh Tứ Xuyên thuộc miền Tây Nam của Trung Hoa.
Vị chủ phong, Đức Cha Gioan Trần Sư Trung là Giám Mục Nghi Tân, năm nay 95 tuổi là một vị chủ chăn luôn trung thành với Tòa Thánh.
Đây là lần tấn phong Giám Mục hợp lệ đầu tiên sau hai vụ tấn phong trái phép trong năm qua. Tuy nhiên, tin tức về việc tấn phong cho cha Phêrô Cương không thực sự đem lại chút vui mừng hay phấn khởi nào cho những người quan tâm đến tình hình của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa.
Cha Phêrô Cương năm nay 47 tuổi, được thụ phong linh mục cách đây 20 năm, là chủ tịch Hội Công Giáo Yêu Nước thành phố Nghi Tân và ngài đã được một hội nghị gồm 17 đại biểu Công Giáo Yêu Nước bầu làm Giám Mục Phó với 14 phiếu thuận trong tổng số 17 phiếu bầu.
Thể thức các linh mục, nữ tu và giáo dân họp lại và “nhất trí” tấn phong một linh mục làm Giám Mục không phải là cách thức Giáo Hội chọn ứng viên Giám Mục. Giáo luật của Giáo Hội Công Giáo không quy định một thể thức bầu bán lạ lùng như thế.
Hơn thế nữa, vì cha Phêrô Cương là chủ tịch Hội Công Giáo Yêu Nước thành phố, hầu chắc là ông Phaolô Lôi Thế Ngân, Giám Mục bất hợp lệ đã bị vạ tuyệt thông tiền kết sau lễ tấn phong trái phép tại Lạc Sơn hôm 29 Tháng Sáu cũng tham gia trong nghi thức tấn phong Giám Mục cho ngài.
Nhân dịp này chúng tôi xin điểm hầu quý vị một vài nét liên quan đến tình hình khó khăn của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục hiện nay.
Đến Hoa Lục ngày nay, người ta có thể choáng ngợp trước con số đông đảo các tín hữu tại các nhà thờ, đặc biệt trong các ngày Thứ Bẩy và Chúa Nhật.
Trước năm 1979 giữ một cuốn Thánh Kinh trong nhà không khác gì giữ một quả bom nổ chậm vì nếu công an bắt được thì chủ nhân có thể bị đánh chết hay phải đi học tập lao động cải tạo dài hạn. Nhưng ngày nay, Trung quốc có những nhà máy chuyên dành để in các sách Thánh Kinh. Thực vậy, nhà máy in Thánh Kinh lớn nhất trên thế giới hiện nay là một nhà máy in ở Nam Kinh. Một chuyên gia đưa ra con số ước lượng có thể có đến 80% số lượng sách Thánh Kinh ngày nay được in ở nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trước khi được tung ra bán trên toàn thế giới.
Không những chỉ có nhà in Thánh Kinh, tại Trung quốc cũng có những trường dạy Thánh Kinh dành cho các tín hữu. Trường dạy Thánh Kinh mà bạn đang thấy được nhà nước cho hoạt động công khai với sĩ số học viên hơn 400 người.
Li Jie, 22 tuổi một học viên cho biết cảm tưởng của cô: “Kinh nghiệm của tôi trước những người hấp hối dẫn tôi tới câu hỏi: Sự sống bắt nguồn từ đâu. Tôi đã tìm thấy câu trả lời trong Thánh Kinh. Sự sống của chúng ta bắt nguồn từ Thiên Chúa. Khi tôi hiểu như thế tôi bắt đầu thờ phượng Đấng đã ban cho tôi sự sống”.
Thực tế bề ngoài này khiến nhiều người lầm tưởng đảng cộng sản Trung quốc ngày nay đã cởi mở và đã cho người dân được tự do tôn giáo.
Các cơ quan thông tin của Giáo Hội Thầm Lặng tại Trung Hoa như tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai lần lượt bị cho là quá khích. Nếu như trước đây các thông tấn xã Công Giáo tại Hoa Kỳ thường trích dẫn tổ chức Đức Hồng Y Cung Phần Mai khi đề cập đến Trung Hoa, ngày nay người thường thích trích dẫn Tân Hoa Xã hơn.
Đầu năm 2007, linh mục Jeroom Heyndrickx, cố vấn của Bộ Truyền Giáo, người tham dự thường xuyên các cuộc hội đàm với Trung quốc, đã được cho cơ hội dâng lễ cho người Trung Hoa tại các thánh đường rất hiện đại.
Những hình ảnh mà quý vị đang thấy đây là hình ảnh cha Heyndrickx đang dâng lễ tại một giáo đường tại Nam Kinh. Cần phải công tâm mà nhận rằng không có bao nhiêu nhà thờ ở Mỹ, hoặc ở Úc hiện đại bằng ngôi nhà thờ này.
Linh mục cố vấn phấn khích đến độ tuyên bố rằng: “Giờ đây, không có lý do gì để tồn tại Giáo Hội Thầm Lặng tại Trung Hoa”.
Ngài viết như sau: “Chỉ có một Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa và Giáo Hội ấy trung thành với Tòa Thánh. Các Đức Giám Mục, linh mục của cả hai cộng đoàn [ý chỉ cộng đoàn Hầm Trú và cộng đoàn công khai – hay quốc doanh] có thể đồng tế với nhau... Giáo Hội mà sống hầm trú thì không phải là tình trạng bình thường. Giờ đây, không có lý do gì để tồn tại Giáo Hội Thầm Lặng tại Trung Hoa.”
Từ đầu năm 2007, nhà nước đã kêu gọi tất cả các linh mục hầm trú ra trình diện, khai báo với “chính quyền cách mạng” để lấy “giấy phép hành nghề linh mục”. Trước đây, muốn được làm việc mục vụ, các linh mục phải gia nhập vào Hội Công Giáo Yêu Nước, phải công khai tuyên bố trung thành với đảng, không được đọc lời cầu cho Đức Giáo Hoàng trong các thánh lễ, không được “làm lễ chui” nhưng phải cử hành tại các giáo đường do nhà nước kiểm soát... Giờ đây, họ chỉ cần ra đăng ký và đồng tế một lần, một lần thôi là đủ, với Giám Mục quốc doanh của giáo phận đó.
Sau khi có “giấy phép hành nghề linh mục”, nhà nước hứa cho đương sự được tự do truyền đạo và cử hành công khai các nghi lễ tôn giáo. Ngược lại, những ai cố tình không đăng ký hay chưa có “giấy phép hành nghề linh mục” nếu bị bắt “làm việc tôn giáo bất hợp pháp” thì sẽ bị nghiêm trị rất nặng nề.
Tuy điều kiện dễ dàng như thế nhưng các linh mục đã không ra trình diện. Họ cẩn thận tuân giữ “Chỉ dẫn 8 điểm trong quan hệ với Trung Hoa” được Đức Hồng Y Joseph Tomko, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo ban hành năm 1988, trong đó ngài tuyên bố rằng “tất cả những hiệp thông bí tích (communicatio in sacris) với các giám mục và những ai thuộc về giáo hội do nhà nước kiểm soát đều bị nghiêm cấm.”
Từ giữa năm 2007, đã có những chỉ dẫn cụ thể nào đó (bài của cha Heyndrickx trên Ucanews là một thí dụ) cho rằng những cấm đoán do Đức Hồng Y Joseph Tomko thôi không còn hiệu lực nữa. Chính vì thế, các linh mục hầm trú đã lần lượt ra trình diện.
Chúng ta đã quá chân thành và nhẹ dạ. Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2008 (nghĩa là sau Thế Vận Hội 2008) đến cuối năm 2009, con số linh mục bị bắt gần bằng tổng số linh mục bị bắt trong một phần tư thế kỷ trước đó.
Những người có kinh nghiệm sống với cộng sản có thể hiểu rằng vốn có cái nhìn khắt khe với tôn giáo từ trong quá khứ, cộng sản càng ngày càng xem các tôn giáo như những thế lực có thể gây mất ổn định chính trị đến mức có thể quy tụ dân chúng thực hiện bạo loạn lật đổ guồng máy cai trị của chúng.
Thực vậy, từ những năm đầu thập niên 1990 đã có một tình trạng gây quan ngại sâu xa đối với bọn cầm quyền tại Bắc Kinh. Những nhà bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho nhân quyền, cho phẩm giá con người thấy được những điểm tương đồng rất lớn lao trong khát vọng của họ và trong những giá trị Kitô Giáo. Điều này khiến họ tìm đến với đức tin Kitô, tạo thành một mối liên kết sâu xa giữa các Giáo Hội Kitô với những nhà bất đồng chính kiến. Con số những nhà trí thức và các sinh viên đại học được rửa tội tăng lên dần hàng năm khiến cộng sản Bắc Kinh rất lo lắng.
Cố nhiên, cộng sản Trung quốc đã hành động ngay lập tức.
Đức Hồng Y Trần Nhật Quân cho biết rằng hầu hết các Giám Mục tại Hoa Lục dù được tấn phong trái phép vẫn mưu tìm sự hiệp thông với Vatican. Trong đa số các trường hợp, các ngài được sự chấp thuận của Tòa Thánh. Ngược lại, các ngài cũng bày tỏ công khai sự hiệp thông với Đức Thánh Cha.
Trung quốc không muốn thấy một tình hình như thế nhưng muốn tất cả các Giám Mục phải vâng phục tuyệt đối sự lãnh đạo của đảng, chứ không phải là Rôma.
Nhận thấy các Giám Mục trẻ tại Trung quốc sẽ có một ảnh hưởng rất lâu dài trong đời sống của Giáo Hội tại quốc gia này, cộng sản đã tiến hành một chính sách mua chuộc các Giám Mục trẻ. Trường hợp của giám mục Phòng Hưng Diệu là một điển hình. Trong khi công an Trung quốc sẵn sàng đánh bể đầu Đức Cha Giuliô Giả Chí Quốc, Giám Mục giáo phận Chính Định, Hà Bắc, năm nay đã 76 tuổi; chúng không chơi trò “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với các Giám Mục trẻ. Trái lại, theo các báo cáo từ Trung Hoa được đăng tải trên Asia-News, chúng “tậu nhà, mua xe, đưa tiền” cho các đấng.
Chính sách của cộng sản đã tỏ ra rất có hiệu quả. Một số đông đảo giám mục của Giáo Hội chính thức dự phần vào việc tấn phong bất hợp pháp tại Thừa Đức ngày 20 tháng 11 năm 2010 và tham gia vào Đại Hội Công Giáo Toàn Quốc hôm 9 tháng 12 năm 2010, trong một thái độ bất tuân phục công khai đối với các hướng dẫn của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI.
Ngày 20/11/2010, đúng ngay vào lúc Đức Thánh Cha đang triệu tập Công Nghị 120 Hồng Y tại Vatican, thì tại Thừa Đức, thuộc tỉnh Hà Bắc linh mục Giuse Quách Kim Tài, Phó tổng thư ký Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc, Đại Biểu Quốc Hội Trung Quốc, được đảng cộng sản tấn phong Giám Mục mà không có sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng. Điều đáng nói là có đến 8 Giám Mục được Đức Thánh Cha Bênêđíctô tấn phong cũng tham gia vào trò truyền chức này, cũng đặt tay, cũng ôm hôn thắm thiết đầy tình huynh đệ, cũng ban phép lành đầy đủ các thứ cho đương sự.
Thế giới Công Giáo, đặc biệt các vị Hồng Y đang quây quần bên Đức Thánh Cha, tê tái và ngỡ ngàng. Trong khi đó, các cơ quan truyền thông trên thế giới mô tả cử chỉ này của nhà cầm quyền Trung Quốc là một cái tát thẳng vào mặt Đức Giáo Hoàng.
Những lời cảnh cáo của Đức Giáo Hoàng Piô XI, dù đã được nói ra từ năm 1937, thiết tưởng vẫn còn nguyên tính thời sự:
“Chúng tôi có bổn phận phải báo cho anh em biết đề phòng những mưu mô và mánh khoé xảo quyệt cộng sản dám dùng để lường gạt dân chúng, những mánh khoé trơ tráo đến nỗi chỉ có cộng sản mới dám dùng để đạt tới đích”.